TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Back
CÔNG ĐOÀN ĐỒNG HÀNH CÙNG SỰ PHÁT TRIỂN CỦA DOANH NGHIỆP, THAM GIA XÂY DỰNG QUAN HỆ LAO ĐỘNG HÀI HÒA, ỔN ĐỊNH, TIẾN BỘ TRONG DOANH NGHIỆP
Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động (NLĐ) luôn là một trong những nhiệm vụ được các cấp công đoàn ưu tiên hàng đầu. Không chỉ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và NLĐ, các cấp công đoàn còn vận động NLĐ đồng hành cùng doanh nghiệp tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Xây dựng quan hệ lao động lành mạnh trên tinh thần hợp tác, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư, NLĐ và Nhà nước, theo tinh thần Chỉ thị 22-CT/TW, ngày 05/6/2008 của Ban Bí thư là “Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp”

     Quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ: được hiểu là quan hệ tương tác giữa các chủ thể trong quan hệ lao động diễn ra trên thực tế dựa trên nguyên tắc hợp tác, tôn trọng và đồng thuận trong đối thoại, thương lượng và thỏa thuận. Xây dựng quan hệ lao động nhằm đạt được sự hài hòa ổn định và tiến bộ, đảm bảo lợi ích người lao động, lợi ích nhà đầu tư và lợi ích của quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững; tạo ra sự hợp tác tích cực giữa các chủ thể trong quan hệ lao động nhằm giảm thiểu mọi xung đột có thể xảy ra. Do đó hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp là mục tiêu mà chúng ta hướng tới trong xây dựng quan hệ lao động hiện nay. 
     Trong các doanh nghiệp, công nhân lao động làm việc với mục đích chủ yếu là thu nhập để đảm bảo cuộc sống, còn chủ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất  kinh doanh chủ yếu với mục đích lợi nhuận. Sự gặp gỡ của NLĐ và chủ doanh nghiệp là có cùng mục tiêu vì lợi ích kinh tế, mặc dù giữa NLĐ và chủ doanh nghiệp có sự khác nhau, thậm chí có sự mâu thuẫn trong việc theo đuổi mục tiêu kinh tế. Song điểm chung nhất giữa NLĐ và chủ doanh nghiệp là chỉ khi nào doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thì chủ doanh nghiệp mới có lợi nhuận cao, NLĐ mới có việc làm ổn định và thu nhập cao để đảm bảo đời sống. Đây chính là cơ sở cho việc xây dựng mối quan hệ hài hòa giữa công đoàn - người đại diện hợp pháp chính đáng của NLĐ và chủ doanh nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên. 
     Quan hệ giữa công đoàn và chủ doanh nghiệp thực chất là mối quan hệ giữa đại diện của những NLĐ trong doanh nghiệp với chủ doanh nghiệp. Thực tiễn cho thấy quan hệ giữa công đoàn và chủ doanh nghiệp chỉ trên cơ sở hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi bên để sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả, NLĐ và chủ doanh nghiệp có lợi ích cao.
     Đối với tổ chức công đoàn, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị do cấp ủy giao tại doanh nghiệp, đồng thời còn góp phần nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức công đoàn thông qua việc hướng dẫn, giúp đỡ người lao động ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, đại diện cho tập thể lao động xây dựng, thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể; tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật liên quan đến người lao động, đồng thời đại diện tập thể lao động thương lượng với người sử dụng lao động giải quyết những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người lao động, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ, chống lại hành vi vi phạm pháp luật, ngăn ngừa các tranh chấp lao động trái pháp luật xảy ra.
     Đối với người sử dụng lao động phải xem người lao động là yếu tố cơ bản là thành viên hữu cơ tạo động lực phát triển của doanh nghiệp, thể hiện sự ghi nhận đóng góp quan trọng của NLĐ đối với doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng các chiến lược phát triển công ty trên nền tảng xây dựng khả năng lao động, đời sống tinh thần, vật chất của người lao động. Nguyên tắc trả lương phải tương xứng là để có được đội ngũ quản lý và công nhân lành nghề. Chia sẻ lợi nhuận để tăng thu nhập cho người lao động vừa là trách nhiệm, vừa là đạo lý. Điều đó sẽ tạo nên sự gắn kết bền chặt giữa doanh nghiệp và người lao động.
     Đối với người lao động luôn mong muốn có việc làm, thu nhập cao và ổn định, điều kiện làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, được tạo điều kiện đi lại, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, được tham gia đầy đủ chế độ chính sách đúng quy định pháp luật và luôn được tôn trọng…
     Hoạt động của công đoàn thực chất là nhằm bảo vệ uy tín, bảo vệ lòng tin của NLĐ đối với chủ doanh nghiệp. Nhằm tạo cho NLĐ gắn bó với doanh nghiệp, yên tâm lao động, sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh. Mặt khác trong hoạt động của mình, Công đoàn không chỉ đơn thuần tổ chức thực hiện chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của CNLĐ, mà còn thường xuyên tuyên truyền, giáo dục CNLĐ nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời tổ chức các phong trào thi đua trong CNVCLĐ, nhằm khơi dậy mọi tiềm năng của CNLĐ cho sản xuất, kinh doanh để đem lại năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh ngày càng cao. Các hoạt động xã hội, hoạt động vui chơi giải trí, hoạt động văn hóa thể thao, tham quan, du lịch… do Công đoàn tổ chức và việc thăm hỏi CNLĐ khi ốm đau, hiếu hỷ, quan tâm đến đời sống vật chất tinh thần NLĐ, vận động khuyến khích CNLĐ giúp nhau trong công việc, xây dựng tập thể đoàn kết, có lối sống lành mạnh, có tác phong công nghiệp, góp phần to lớn vào việc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Công đoàn luôn đi sâu sát sản xuất, gần gũi CNLĐ, nắm tâm tư nguyện vọng của CNLĐ, tập hợp trí tuệ của họ để tham gia với NSDLĐ hoàn thiện phương hướng, giải pháp trong sản xuất, kinh doanh, góp phần xây dựng quan hệ lao động lành mạnh nhằm tạo động lực khuyến khích NLĐ gắn bó với tập thể, nỗ lực phấn đấu trong sản xuất, kinh doanh. Như vậy, hoạt động của Công đoàn tại doanh nghiệp thực chất là hoạt động kinh tế, xã hội nhằm mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong đó có lợi ích của CNLĐ và Công đoàn.
     Không có Công đoàn không thể có một tập thể đoàn kết, có ý thực tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp cao, có lối sống lành mạnh, như vậy không thể có sản xuất kinh doanh ổn định và hiệu quả. 
     Để xây dựng, củng cố quan hệ hợp tác hỗ trợ lẫn nhau giữa Công đoàn và chủ doanh nghiệp, trong hoạt động Công đoàn cần cố gắng tạo sự đồng thuận, theo phương châm tập thể, đúng pháp luật và tuân thủ các nguyên tắc hoạt động Công đoàn. Công đoàn phải hoạt động thực tế và thông qua đó chứng minh cho NLĐ, chủ doanh nghiệp thấy rõ hiệu quả hoạt động do Công đoàn khởi xướng và tổ chức. Cán bộ Công đoàn phải có thái độ cư xử chân tình, tôn trọng người sử dụng lao động, kiên trì vận động, thuyết phục cả đoàn viên, CNLĐ và người sử dụng lao động; ủng hộ chủ trương, giải pháp của doanh nghiệp và tích cực chủ động vận động CNLĐ thực hiện tốt những chủ trương giải pháp đó. Đặc biệt, cần nắm chắc tâm lý, tình cảm của người sử dụng lao động để có phương pháp phù hợp trong thiết lập xây dựng quan hệ với người sử dụng lao động.
     Tập thể NLĐ trong doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong xây dựng quan hệ hợp tác giữa Công đoàn và chủ doanh nghiệp. Do vậy, Công đoàn phải giáo dục nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ cho CNLĐ, tuyên truyền cho NLĐ nhận thức đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ của họ tại doanh nghiệp để NLĐ có ý thức nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện nhiệm vụ được giao, có thái độ đúng mực trong quan hệ với người sử dụng lao động, có lối sống lành mạnh và quan hệ hợp tác tương trợ lẫn nhau vì lợi ích của doanh nghiệp, của NLĐ.
     Thông qua pháp luật, Nhà nước quy định người lao động và người sử dụng lao động xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, cùng nhau hợp tác vì sự phát triển của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quan hệ lao động còn phụ thuộc vào văn  hóa ứng xử của mỗi chủ thể tại doanh nghiệp, nhất là ứng xử của người quản lý, sử dụng lao động, mà nhiều khi được thể hiện thông qua thiện chí cá nhân, hay các quy định cụ thể của doanh nghiệp; việc tồn tại đan xen các phong tục tập quán, văn hóa vùng, miền và văn hóa của các quốc gia là một tất yếu. Những văn hóa ứng xử của mỗi cá thể sẽ giúp dung hòa một thói quen, tạo nề nếp lao động trong doanh nghiệp, tạo được sự đồng thuận trong doanh nghiệp 

Nguyễn Văn Thanh - PCT LĐLĐ tỉnh


liên kết web