Trên 12 tỉ đồng chăm lo cho đoàn viên, người lao động ở Sóc Trăng
Chiều 9.7, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ đi sâu vào các vấn đề thiết thực, trực tiếp tác động đến đời sống NLĐ.
Quang cảnh Hội nghị
Qua đó đã tổ chức đến doanh nghiệp trao tận tay đoàn viên, NLĐ 3.748 suất quà, tổng trị giá trên 1,8 tỉ đồng; trao 3.210 suất gạo; 17 suất quà cho đoàn viên, NLĐ bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động. Có 800 đoàn viên, NLĐ được Tổng Liên đoàn Việt Nam hỗ trợ thẻ voucher trị giá 300.000 đồng/người mua hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử nhân dịp Tết Nguyên đán 2024.
CĐCS tranh thủ với người sử dụng lao động từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp tặng 24.950 phần quà cho đoàn viên, NLĐ mỗi phần trị giá từ 250 - 450.000 đồng, tổng trị giá trên 11 tỉ đồng.
Các phong trào công nhân, lao động và hoạt động công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục được giữ vững và phát triển toàn diện. Công tác thi đua được phát động, góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Sóc Trăng đề nghị Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; rà soát các trường hợp đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam hướng về cơ sở, về đoàn viên. Quan tâm khảo sát nhu cầu nhà ở xã hội trong đoàn viên, NLĐ.
PHƯƠNG ANH

Tăng tuổi nghỉ hưu với công chức, còn người lao động thì cần cân nhắc
Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường chiều ngày 23.10 đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến quy định về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về việc nâng tuổi nghỉ hưu và thời giờ làm việc bình thường.
Nhất trí với quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu, song đại biểu Y Khút Niê - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc áp dụng chung tuổi nghỉ hưu cho tất cả các đối tượng, các ngành nghề và khu vực là không phù hợp.
Đại biểu Y Khút Niê – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.
Đại biểu Y Khút Niê cũng cho biết, qua khảo sát với hơn 3955 lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy có 3.400 phiếu không đồng ý với tuổi hưu tăng thêm và đề nghị giữ nguyên như hiện hành, đồng thời đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, lao động trong ngành cao su, cà phê.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng đối với lao động phổ thông, lao động trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên giữ như hiện hành; đối với lao động trí óc, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực cụ thể quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi, nữ là 58 tuổi hoặc cao hơn.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.
Cùng quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhấn mạnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn kiên trì quan điểm với bộ phận công chức thì có thể tăng tuổi nghỉ hưu, trừ lực lượng vũ trang đã có những đặc thù. Còn một bộ phận viên chức và người lao động thì chúng ta phải quan tâm, nghiên cứu, cân nhắc kỹ có tăng tuổi nghỉ hưu hay không. Nếu tăng thì ở mức độ nào để phù hợp với điều kiện, sức khỏe của người lao động.
“Chúng ta không thể so sánh người lao động Việt Nam với người lao động ở các nước Pháp, Đức. Vì đất nước họ phát triển, công việc của họ hầu như là bấm máy, còn chúng ta là lao động cật lực. Người lao động Việt Nam làm việc, ôm máy móc hàng chục tiếng đồng hồ một ngày. Liệu họ có khả năng kéo dài lao động khi họ đã lớn tuổi hay không?
Tôi cho rằng với người lao động trực tiếp thì nên nghiên cứu, có mức tuổi nghỉ hưu phù hợp. Nếu tăng thì nên tăng chậm. Sau một thời gian thực hiện, nếu thấy hợp lý thì tăng tiếp, để tránh gây sốc cho người lao động trực tiếp”- Đại biểu Ngọ Duy Hiểu kiến nghị.
Về vấn đề giảm giờ làm việc, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, hiện nay chúng ta là 1 trong 46 quốc gia đang thực hiện chế độ làm việc 48 giờ/ tuần, nhưng theo đánh giá về thu nhập trên đầu người thì chúng ta đã trên 66 quốc gia, theo công bố của quỹ tiền tệ quốc tế vào năm 2018. Ngay cả Myanmar là quốc gia có thu nhập đầu người thấp hơn Việt Nam, họ cũng đã thực hiện chế độ làm việc dưới 44 giờ/tuần. Đây là vấn đề chúng ta cần tham khảo.
“Trên cơ sở như vậy, chúng tôi đề xuất phương án trên tinh thần rất chia sẻ là doanh nghiệp có lợi nhuận, có phát triển thì người lao động mới có việc làm tốt. Đất nước phát triển thì người lao động mới cải thiện đời sống. Chúng tôi đề xuất phương án: Thứ nhất là thực hiện chế độ làm việc 44h/ tuần và có thể tăng giờ làm thêm. Thứ hai, thực hiện chế độ làm việc 44 giờ và có thể tăng giờ làm thêm lên 100 giờ. Thời gian giảm giờ làm việc thì có thể thực hiện theo lộ trình là 1-2 năm nữa mới giảm” – đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình, Quốc hội nên tiếp cận theo kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bởi kiến nghị này phản ánh tương đối đầy đủ ý kiến, mong muốn của người lao động. Theo đó, nên lắng nghe tiếng nói thực tế, chủ sử dụng lao động không muốn sử dụng lao động cao tuổi và người lao động cũng không làm được nếu quá tuổi.
Đại biểu đề nghị, công chức và một bộ phận viên chức có thể làm đến 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, còn phần đông lao động trực tiếp, nặng nhọc thì nên nghỉ theo quy định hiện hành.
ĐẶNG CHUNG - CAO NGUYÊN
Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/tang-tuoi-nghi-huu-voi-cong-chuc-con-nguoi-lao-dong-thi-can-can-nhac-761891.ldo
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
Đề xuất tăng lương cơ sở năm 2020 lên mức 1,6 triệu đồng/tháng | 22/10/2019 |
Công đoàn phải là lựa chọn đầu tiên của người lao động | 21/10/2019 |
Quán triệt quan điểm của Đảng về công tác Công đoàn | 18/10/2019 |
Tăng ca 2 tiếng có được nghỉ giữa giờ? | 18/10/2019 |
Nên giảm giờ làm cho công nhân | 14/10/2019 |
Thủ tướng chốt phương án nghỉ Tết Canh Tý tổng cộng 7 ngày | 09/10/2019 |
Đoàn viên, CNVCLĐ cần cảnh giác với các thủ đoạn cho vay nặng lãi - Tín dụng đen | 08/10/2019 |
Infographic: Những chính sách có hiệu lực từ tháng 10.2019 | 01/10/2019 |