Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh dùng cơm trưa với công nhân lao động
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng và các cán bộ công đoàn đến dự và dùng cơm trưa với công nhân lao động tại công ty.
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng tặng quà cho ông Lee Jong Min - Giám đốc bộ phận tổng vụ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa chất HS Sóc Trăng - Việt Nam
Chương trình “Bữa cơm công đoàn” tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa chất HS Sóc Trăng - Việt Nam cung cấp 1.200 suất ăn cho đoàn viên, người lao động. Mỗi suất trị giá 50.000 đồng, tăng hơn 31.500 đồng/suất so với bữa cơm hằng ngày. Ngoài các món chính, bữa cơm còn cung cấp thêm sữa chua, trứng, giúp đoàn viên, người lao động có bữa ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng dùng cơm trưa với công nhân lao động. Ảnh: Trường Khoa
“Bữa cơm Công đoàn” là hoạt động được nhiều công đoàn cơ sở phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động tổ chức nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024). Đây cũng là dịp để người lao động, tổ chức công đoàn và lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ, trò chuyện, tạo bầu không khí đoàn kết, thấu hiểu. Từ đó tạo dựng niềm tin và sự gắn bó của đoàn viên, người lao động đối với tổ chức công đoàn và doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng và ông Lee Jong Min - Giám đốc bộ phận tổng vụ Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa chất HS Sóc Trăng - Việt Nam tặng quà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh. Trường Khoa
Dịp này, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng trao tặng 1 phần quà cho Ban Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hóa chất HS Sóc Trăng - Việt Nam. Đồng thời tặng 40 phần quà, mỗi phần 200.000 đồng đến đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn.
HẢI HÀ - TRƯỜNG KHOA
Nỗ lực phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở: Nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức công đoàn
Với ý nghĩa đó, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực, sáng tạo để thực hiện tốt công tác này.
Những khó khăn
Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” được ban hành vào ngày 12/6/2021. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chỉ đạo, định hướng. Đồng thời là cơ sở để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Nghị quyết số 02 cũng đặt ra giải pháp cần “Củng cố, phát triển công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn địa phương; có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở khu vực phi chính thức”.
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa nghị quyết thành chương trình công tác và bổ sung vào chỉ tiêu nghị quyết đại hội. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, trong đó đưa ra các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện, gắn việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở với việc củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Các cấp công đoàn chủ động gặp gỡ người sử dụng lao động, người lao động, bộ phận làm công tác nhân sự của doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức công đoàn.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trao quà hỗ trợ cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.116 công đoàn cơ sở với 65.284 đoàn viên, trong đó, khu vực ngoài nhà nước có 29.031 đoàn viên.
Trong 7 tháng năm 2024, các cấp công đoàn trong tỉnh đã phát triển mới 2.574 đoàn viên và giảm 2.950 đoàn viên. Các cấp công đoàn cũng đã giới thiệu 781 đoàn viên ưu tú cho tổ chức đảng xem xét, kết nạp và có 555 đồng chí được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Số lượng đoàn viên phát triển nhiều nhưng cũng giảm nhiều hơn.
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng cho biết, các cấp công đoàn trong tỉnh đều nỗ lực trong phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi tình hình suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn khi đối mặt với thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng. Mặt khác, Sóc Trăng là một tỉnh thuần nông, phần lớn là lao động phổ thông, công nhật; doanh nghiệp tại tỉnh chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp lao động theo mùa vụ nên chưa đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở.
Nâng cao chất lượng và khai thác tiềm năng
Theo đồng chí Trần Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, việc phát triển đoàn viên không chỉ dừng lại ở việc tăng số lượng mà còn phải tập trung vào chất lượng. Do đó, các cấp công đoàn cần kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, phối hợp giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng, giúp họ thấy sự cần thiết của tổ chức công đoàn trong đời sống. Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn các cấp, bởi chính chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn là minh chứng có sức thuyết phục nhất đối với người lao động để họ gia nhập tổ chức công đoàn. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, đảm bảo đủ năng lực để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, khẳng định vị trí, vai trò, chức năng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Cán bộ công đoàn của tỉnh Sóc Trăng đóng góp tiền ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục thiệt hại của bão số 3. Ảnh: HẢI HÀ
Việc phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở là chủ trương, quan điểm của Đảng đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong chuyến công tác gần đây tại Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là một trong những nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm của tổ chức công đoàn hiện nay. Đồng thời mong muốn lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các sở, ban ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn của tỉnh quản lý tốt lực lượng lao động, doanh nghiệp, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn. Chú trọng hỗ trợ mọi nguồn lực để các cấp công đoàn tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh chủ động nắm chắc tình hình biến động đoàn viên, nhất là đoàn viên khu vực ngoài nhà nước. Từ đó có giải pháp hỗ trợ, ổn định nguồn lao động, phát triển đoàn viên vào tổ chức công đoàn. Chú trọng thành lập các nghiệp đoàn khu vực phi chính thức.
Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm việc với Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Ảnh: HẢI HÀ
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.171 doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 139 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, chiếm 11,87%.
Tỉnh Sóc Trăng còn nhiều tiềm năng để phát triển các dự án hạ tầng, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại. Hơn nữa, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm đến tìm hiểu sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút lớn nguồn lực lao động tại tỉnh. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi các cấp công đoàn, đoàn viên và người lao động trong tỉnh tiếp tục nỗ lực, phát huy truyền thống đoàn kết để thực hiện tốt các mặt nhiệm vụ đề ra, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
HẢI HÀ

Đề xuất nghề giáo viên mầm non là nặng nhọc
“Chả nhẽ để trẻ hát cô là… bà”
Góp ý về dự thảo Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) - đề xuất xếp giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, nên nghỉ hưu sớm ở tuổi 55 hoặc sớm hơn.
Ông Hiểu phân tích, giáo viên mầm non phải đến sớm đón trẻ và kết thúc công việc muộn, số giờ làm việc thường vượt quá quy định. Giáo viên mầm non không chỉ dạy mà còn dỗ, múa, hát, áp lực công việc lớn.
Từng đi thực tế ở quận Tân Bình (TPHCM), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, có giáo viên 46 tuổi đứng lên nói “không biết lúc tôi 50 tuổi, các cháu còn muốn nghe cô múa hát nữa không”.
Theo khảo sát, 96% giáo viên mầm non muốn được về hưu ở tuổi 55. Ảnh: Huyên nguyễn
Còn ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho rằng, từ 55 tuổi trở lên, giáo viên mầm non bị hạn chế khi thực hiện các thao tác chuyên môn như múa, hát, hướng dẫn hoạt động thể lực, chạy, nhảy cho học sinh. Chương trình giáo dục mầm non không chỉ bó hẹp ở chăm trẻ, còn phải đáp ứng được yêu cầu của nhiều chương trình chuẩn quốc tế cũng trở thành thách thức với các cô giáo cao tuổi.
Hiện nay, thực tế giờ làm việc của giáo viên mầm non khoảng 10 tiếng mỗi ngày. “Các cô phải đến trường lúc 6h sáng và 6h tối mới trở về. Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe giảm sút nhanh, nghiêm trọng theo thời gian” - ông Ân nói.
Một thực tế được bà Cù Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - chia sẻ: “Trước đây, chúng ta hay nghe câu hát “cô là mẹ và các cháu là con”, thì tới đây nếu nghỉ hưu ở tuổi cao, cô sẽ là... bà và các cháu là con.
Bà Thuỷ nói rằng, giáo viên mầm non là ngành giáo dục đặc biệt, để nói là nặng nhọc, độc hại thì cần phải tính toán, nhưng 1 lớp có 30 cháu thì tiếng ồn của trẻ cũng rất cao. Đòi hỏi của phụ huynh, của trẻ là những áp lực rất lớn đối với giáo viên.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 với nữ vào năm 2035. Tuy nhiên, người lao động (NLĐ) nặng nhọc, độc hại ở vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm. Như vậy, nếu được bổ sung vào danh mục này, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi 57 với nam và 55 đối với nữ.
Giáo viên mầm non đang gặp nhiều áp lực
Chia sẻ khó khăn áp lực của giáo viên trong một hội nghị đánh giá thời gian làm việc, chính sách đối với giáo viên, nhân viên cấp mầm non, bà Trần Thị Tố Uyên - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT tỉnh Điện Biên - cho biết: Hiện nay, tỉ lệ bình quân giáo viên/lớp của tỉnh khá thấp so với các tỉnh lân cận. Điều đó dẫn tới áp lực công việc cao và quá tải về cường độ lao động cho giáo viên, nhân viên ở một số trường, đặc biệt là ở vùng khó khăn.
Cùng chung khó khăn trên, bà Trần Thị Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên - chia sẻ: Tỉnh Thái Nguyên đã có quy định các trường phân công 1 giáo viên trực đón trẻ sớm và được về sớm, 1 giáo viên đến trường muộn hơn và trả trẻ muộn để thời gian làm việc đủ 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, khá nhiều trường mầm non không thực hiện được.
“Vì số trẻ đông, quá tải trẻ/lớp, nếu để 1 giáo viên trực không đảm bảo an toàn cho trẻ nên 2 giáo viên phải cùng nhau làm việc, dẫn đến tình trạng vượt giờ so với quy định bình quân khoảng 1,5 đến 2 giờ/ngày. Ngoài ra, các trường mầm non thường phải tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên vào ngoài giờ nên thực tế số giờ vượt so với quy định còn cao hơn nữa” - bà Thuý cho hay.
Còn Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT Tuyên Quang Vũ Văn Dũng nhấn mạnh: “Số giờ làm việc thực tế của giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn vượt quá nhiều so với quy định (làm việc từ 9 đến 10 giờ/ngày) nhưng cũng chưa được tính thêm làm ngoài giờ”.
Chia sẻ về áp lực của giáo viên mầm non và đề xuất của Tổng LĐLĐVN, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - rất đồng tình. Theo GS Hạc, những khó khăn với giáo viên mầm non là điều nhìn thấy rõ mà lâu nay chúng ta chưa giải quyết được. Nếu tăng thêm tuổi lao động sẽ như tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ này. Không chỉ riêng quy định về tuổi lao động, nguyên bộ trưởng còn đề xuất phải xem xét thêm cả về chế độ tiền lương, thu nhập đối với giáo viên mầm non sao cho xứng đáng với công sức.
Còn bà Trịnh Thanh Hằng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn - cho rằng, nên quy định theo hướng trao “quyền” cho NLĐ. “Về quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nên quy định theo hướng trao “quyền” cho NLĐ. Nghĩa là nếu họ có nguyện vọng tiếp tục làm việc và sức khỏe vẫn đảm bảo, đơn vị có nhu cầu thì có thể tiếp tục làm việc đến tuổi nghỉ hưu như NLĐ trong điều kiện bình thường” - bà Hằng nói.
96% giáo viên mầm non muốn về hưu ở tuổi 55
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - dẫn khảo sát nhanh trên gần 10.700 giáo viên mầm non trong một tuần, 96% giáo viên đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như cũ.
HUYÊN NGUYỄN
Nguồn:https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-nghe-giao-vien-mam-non-la-nang-nhoc-813579.ldo