Takaisin
Nỗ lực phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở: Nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức công đoàn
Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm góp phần xây dựng công đoàn ngày càng vững mạnh và thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Với ý nghĩa đó, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực, sáng tạo để thực hiện tốt công tác này.

Những khó khăn

Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” được ban hành vào ngày 12/6/2021. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chỉ đạo, định hướng. Đồng thời là cơ sở để đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Nghị quyết số 02 cũng đặt ra giải pháp cần “Củng cố, phát triển công đoàn ngành, nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn địa phương; có mô hình phù hợp thu hút, tập hợp, bảo vệ người lao động ở khu vực phi chính thức”.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa nghị quyết thành chương trình công tác và bổ sung vào chỉ tiêu nghị quyết đại hội. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, trong đó đưa ra các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện, gắn việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở với việc củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Các cấp công đoàn chủ động gặp gỡ người sử dụng lao động, người lao động, bộ phận làm công tác nhân sự của doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức công đoàn.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trao quà hỗ trợ cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.116 công đoàn cơ sở với 65.284 đoàn viên, trong đó, khu vực ngoài nhà nước có 29.031 đoàn viên.

Trong 7 tháng năm 2024, các cấp công đoàn trong tỉnh đã phát triển mới 2.574 đoàn viên và giảm 2.950 đoàn viên. Các cấp công đoàn cũng đã giới thiệu 781 đoàn viên ưu tú cho tổ chức đảng xem xét, kết nạp và có 555 đồng chí được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Số lượng đoàn viên phát triển nhiều nhưng cũng giảm nhiều hơn.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng cho biết, các cấp công đoàn trong tỉnh đều nỗ lực trong phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi tình hình suy thoái kinh tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khó khăn khi đối mặt với thị trường đầu ra, thiếu đơn hàng. Mặt khác, Sóc Trăng là một tỉnh thuần nông, phần lớn là lao động phổ thông, công nhật; doanh nghiệp tại tỉnh chủ yếu là nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp lao động theo mùa vụ nên chưa đủ điều kiện thành lập công đoàn cơ sở.

Nâng cao chất lượng và khai thác tiềm năng

Theo đồng chí Trần Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, việc phát triển đoàn viên không chỉ dừng lại ở việc tăng số lượng mà còn phải tập trung vào chất lượng. Do đó, các cấp công đoàn cần kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động, phối hợp giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng, giúp họ thấy sự cần thiết của tổ chức công đoàn trong đời sống. Chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn các cấp, bởi chính chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn là minh chứng có sức thuyết phục nhất đối với người lao động để họ gia nhập tổ chức công đoàn. Đồng thời, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở, đảm bảo đủ năng lực để đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động, khẳng định vị trí, vai trò, chức năng là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Cán bộ công đoàn của tỉnh Sóc Trăng đóng góp tiền ủng hộ đồng bào miền Bắc khắc phục thiệt hại của bão số 3. Ảnh: HẢI HÀ

Việc phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở là chủ trương, quan điểm của Đảng đã được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong chuyến công tác gần đây tại Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là một trong những nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm của tổ chức công đoàn hiện nay. Đồng thời mong muốn lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các sở, ban ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ với tổ chức công đoàn của tỉnh quản lý tốt lực lượng lao động, doanh nghiệp, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn. Chú trọng hỗ trợ mọi nguồn lực để các cấp công đoàn tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh chủ động nắm chắc tình hình biến động đoàn viên, nhất là đoàn viên khu vực ngoài nhà nước. Từ đó có giải pháp hỗ trợ, ổn định nguồn lao động, phát triển đoàn viên vào tổ chức công đoàn. Chú trọng thành lập các nghiệp đoàn khu vực phi chính thức.

Đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm việc với Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng về lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Ảnh: HẢI HÀ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.171 doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội, trong đó có 139 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, chiếm 11,87%.

Tỉnh Sóc Trăng còn nhiều tiềm năng để phát triển các dự án hạ tầng, khu, cụm công nghiệp, hạ tầng thương mại. Hơn nữa, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh ngày càng được cải thiện, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm đến tìm hiểu sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút lớn nguồn lực lao động tại tỉnh. Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi các cấp công đoàn, đoàn viên và người lao động trong tỉnh tiếp tục nỗ lực, phát huy truyền thống đoàn kết để thực hiện tốt các mặt nhiệm vụ đề ra, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

HẢI HÀ


Takaisin
Chính sách tiền lương có hiệu lực từ tháng 9/2019
(NLĐO) - Trong tháng 9-2019 sẽ có 05 chính sách về tiền lương chính thức có hiệu lực thi hành.

       1. Quy định mức thù lao tối đa của giáo viên, người dạy nghề đào tạo trình độ sơ cấp
       Thông tư 40/2019/TT-BTC  sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 152/2016/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2019. Đáng chú ý tại văn bản này là nội dung sửa đổi về mức chi thù lao giáo viên, người dạy nghề tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng.
     Cụ thể, theo Khoản 7 Điều 1 Thông tư 40/2019/TT-BTC sửa đổi Khoản 3 Điều 10 Thông tư 152/2016/TT-BTC, mức thù lao đối với giáo viên, người dạy nghề tham gia đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng như sau:
      - Giáo viên cơ hữu đang làm việc tại các cơ sở đào tạo của Nhà nước: Áp dụng mức tiền lương và các khoản phụ cấp theo lương của giảng viên, giáo viên hiện đang hưởng.
      Người dạy nghề không thuộc trường hợp nêu trên: Mức chi do thủ trưởng cơ quan được giao chủ trì xây dựng đơn giá đặt hàng đề xuất, tối đa không quá mức quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư  36/2018/TT-BTC. Theo đó, tùy theo đối tượng, trình độ học viên, căn cứ yêu cầu chất lượng khóa bồi dưỡng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì tổ chức các khoá bồi dưỡng CBCC quyết định mức chi thù lao cho giảng viên, trợ giảng (nếu có), báo cáo viên trong nước (bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng) trên cơ sở thỏa thuận theo hình thức hợp đồng công việc phù hợp với chất lượng, trình độ của giảng viên, báo cáo viên trong phạm vi dự toán được giao.
      Mức chi thù lao tối đa: 2.000.000 đồng/người/buổi (một buổi giảng được tính bằng 4 tiết học).
      2. Giảng viên các trường cao đẳng, trung cấp có hệ số lương cao nhất là 8,0

    Đây là nội dung đáng chú ý tại  Thông tư 12/2019/TT-BLĐTBXH hướng dẫn việc chuyển xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực thi hành từ ngày 26-9-2019.
         Cụ thể, theo Điều 3 Thông tư 12, viên chức được bổ nhiệm vào các chức danh nghề nghiệp giảng viên giáo dục nghề nghiệp và giáo viên giáo dục nghề nghiệp quy định tại Thông tư 10/2018/TT-BNV và Thông tư 03/2018/TT-BLĐTBXH , được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP , cụ thể như sau:
      - Giảng viên GDNN cao cấp hạng I từ hệ số lương 6,20 đến 8,00; giáo viên GDNN hạng I từ hệ số lương 5,75 đến 7,55;
       - Giảng viên GDNN chính hạng II và giáo viên GDNN hạng II từ hệ số lương 4,40 đến 6,78;
      - Giảng viên, giáo viên GDNN lý thuyết hạng III từ hệ số lương 2,34 đến 4,98;
       - Giảng viên, giáo viên GDNN thực hành hạng III từ hệ số lương 2,10 đến 4,89;
       - Giáo viên GDNN hạng IV từ hệ số lương 1,86 đến 4,89.

      Việc bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp giảng viên, giáo viên giáo dục nghề nghiệp phải căn cứ vào vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ, năng lực và chuyên môn nghiệp vụ đang đảm nhận của viên chức.
    3. Hướng dẫn chuyển xếp lương đối với ngạch công chức chuyên ngành văn thư
    Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại  Thông tư 10/2019/TT-BNV  hướng dẫn việc xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành văn thư, có hiệu lực thi hành ngày 20-9-2019.
       Theo đó, đối với công chức đang làm công tác văn thư từ các ngạch công chức chuyên ngành văn thư hiện giữ hoặc các ngạch công chức khác sang ngạch công chức chuyên ngành văn thư quy định tại Thông tư 14/2014/TT-BNV được chuyển xếp lương theo hướng dẫn tại Khoản 2 Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV , cụ thể:
        Chính sách tiền lương có hiệu lực từ tháng 9-2019 - Ảnh 1.
        Cán bộ BHXH TP HCM trong giờ làm việc
      - Đối với công chức hiện đang xếp lương ngạch chuyên viên chính văn thư và tương đương: Xếp lương ngạch văn thư chính (mã số 02.006);
       - Đối với công chức hiện đang xếp lương ngạch chuyên viên văn thư và tương đương: Xếp lương ngạch văn thư (mã số 02.007);
      - Đối với công chức hiện đang xếp lương ngạch cán sự văn thư và tương đương hoặc công chức hiện đang xếp lương ngạch nhân viên văn thư có trình độ từ trung cấp trở lên: Xếp lương ngạch văn thư trung cấp (mã số 02.008).
      4. Tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ
     Thông tư 106/2019/TT-BQP  hướng dẫn điều chỉnh trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc có hiệu lực thi hành từ ngày 8-9-2019.
      Theo đó, mức trợ cấp hàng tháng đối với quân nhân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc được điều chỉnh tăng thêm 7,19% trên mức trợ cấp hàng tháng của tháng 6-2019.
       Mức trợ cấp hàng tháng được hưởng sau khi điều chỉnh từ ngày 1-7-2019 cụ thể như sau:
        - Từ đủ 15 năm đến dưới 16 năm, trợ cấp: 1.891.000 đồng/tháng;
        - Từ đủ 16 năm đến dưới 17 năm, trợ cấp: 1.977.000 đồng/tháng;
        - Từ đủ 17 năm đến dưới 18 năm, trợ cấp: 2.064.000 đồng/tháng;
        - Từ đủ 18 năm đến dưới 19 năm, trợ cấp: 2.150.000 đồng/tháng;
        - Từ đủ 19 năm đến dưới 20 năm, trợ cấp: 2.235.000 đồng/tháng.
     5. Nguồn kinh phí tăng lương cơ sở năm 2019 tại các đơn vị sự nghiệp công lập
      Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 46/2019/TT-BTC hướng dẫn xác định nhu cầu, nguồn và phương thức chi thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 6-9-2019.
      Theo đó, 3 nguồn kinh phí điều chỉnh mức lương cơ sở theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP và điều chỉnh trợ cấp cán bộ xã đã nghỉ việc theo Nghị định 44/2019/NĐ-CP tại các đơn vị sự nghiệp công lập cụ thể như sau:
        Chính sách tiền lương có hiệu lực từ tháng 9-2019 - Ảnh 2.
        Cán bộ BHXH TP HCM trong giờ làm việc
      - Nguồn thực hiện cải cách tiền lương đến hết năm 2018 chưa sử dụng hết chuyển sang năm 2019 (nếu có).
      - Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2019 (phần còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện đến mức lương cơ sở 1,39 triệu đồng/tháng). Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%.
     - Sử dụng nguồn tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2019 tăng thêm so với dự toán năm 2018 được cấp có thẩm quyền giao.

K.An - Hoàng Triều

Nguồn:http://www.congdoan.vn/tin-tuc/doi-song-cong-nhan-503/chinh-sach-tien-luong-co-hieu-luc-tu-thang-9.2019-410748.tld


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập