Takaisin
Trao 2 căn nhà Đại đoàn kết cho đoàn viên ở Thị xã Ngã Năm
2 đoàn viên Công đoàn ở thị xã Ngã Năm vừa được trao nhà Đại đoàn kết.

Ngày 24.7, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Sóc Trăng tổ chức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho 2 đoàn viên Công đoàn ở thị xã Ngã Năm.

Đó là đoàn viên Âu Quốc Phương thuộc CĐCS Trường THCS Mỹ Bình, xã Mỹ Bình. Ông là giáo viên, thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng, hiện nuôi vợ và 2 con nhỏ.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng trao nhà cho đoàn viên Âu Quốc Phương.

Còn đoàn viên Nguyễn Bạch Long thuộc CĐCS Trường Mầm non Phường 2, thị xã Ngã Năm. Ông là bảo vệ, thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng và nuôi 2 con nhỏ học tiểu học.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng trao nhà cho đoàn viên Nguyễn Bạch Long.

2 đoàn viên trên đều có chung hoàn cảnh là khó khăn về nhà ở, ở nhờ nhà cha mẹ. LĐLĐ tỉnh đã kịp thời hỗ trợ 50 triệu đồng/đoàn viên từ Quỹ Vì người nghèo đã tiếp sức, giúp họ đủ điều kiện xây dựng ngôi nhà riêng khang trang, ấm áp hơn.

Tại buổi bàn giao nhà, đồng chí Lê Văn Phải - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng - chúc mừng 2 đoàn viên, mong muốn gia đình sớm ổn định cuộc sống để làm việc.

PHƯƠNG ANH


Takaisin
Điểm tựa cho người bán vé số dạo
Những người bán vé số dạo đa phần là trẻ em, phụ nữ, người lớn tuổi, người nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nghề bán vé số dạo cũng không nằm trong danh mục ngành nghề nào, không hợp đồng lao động. Từ thực tế này, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 3 nghiệp đoàn bán vé số với 67 đoàn viên tham gia.

Một buổi sinh hoạt định kỳ của Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Phương Anh

Bước chân vạn dặm

Với mỗi tờ vé số bán được, người bán chỉ lãi được khoảng 1.000 đồng. Tùy vào sức khỏe, lứa tuổi mỗi ngày có người nhận từ vài chục đến vài trăm tờ vé số để bán.

“Có khi bán được thì lời cũng khoảng 100.000 đồng, lắm lúc chỉ đủ mua 1kg gạo là nhiều. Chưa kể việc đại lý không cho trả lại vé số bán “ế”’ - ông Lin - một người bán vé số dạo ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) - cho biết.

Cũng theo ông Lin, nghề bán vé số đòi hỏi phải đi nhiều, gặp nhiều người để mời gọi nên hầu như mỗi ngày ông đều di chuyển hàng chục cây số để bán bất chấp nắng mưa. “Hôm nào gặp được đám tiệc đông người ta mua nhiều mình bán nhanh, còn không thì phải đi khắp hết các tuyến đường để mời gọi mọi người. Có khi mưa gió không ai mua thì coi như hôm đó ôm hết vé số này” - ông Lin nói.

Điểm tựa cho người bán vé số dạo

Tháng 5 vừa qua, LĐLĐ huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) thành lập Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề với 30 thành viên tham gia - đây cũng là Nghiệp đoàn bán vé số đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.

Ông Hoa Trần Thế - Chủ tịch LĐLĐ huyện Trần Đề - cho biết, việc thành lập Nghiệp đoàn nhằm tập hợp người bán vé số trên địa bàn vào một tổ chức để các thành viên có nơi sinh hoạt, nâng cao kiến thức. LĐLĐ huyện cũng sẽ là cầu nối trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người bán vé số để có những đề xuất với công ty, kịp thời đáp ứng cho NLĐ.

Theo ông Huỳnh Lin - đoàn viên Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề: “Trước đây thì mạnh ai nấy bán, nếu khó khăn cũng không biết dựa vào đâu. Còn bây giờ vào Nghiệp đoàn mọi người hỗ trợ, không giành mối, sống chan hòa với nhau. Ban chấp hành Nghiệp đoàn còn quan tâm mọi người, ai đau ốm, bệnh tật được hỗ trợ tiền, lễ, Tết còn được tặng quà nữa”.

Tương tự tại TX Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), Nghiệp đoàn bán vé số phường 1 cũng được thành lập trên tinh thần tập hợp người bán vé số vào tổ chức Công đoàn. Qua đó để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ vốn, kiến thức giúp NLĐ ổn định cuộc sống; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho NLĐ.

Ông Lâm Văn Tùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Ngã Năm - thông tin, các đoàn viên trong Nghiệp đoàn đều là lao động tự do, hoàn cảnh khó khăn, kiếm sống nhờ vào tiền bán vé số dạo.

“Việc thành lập Nghiệp đoàn rất quan trọng trong công tác phát triển đoàn viên nhất là khu vực phi chính thức; giúp NLĐ được đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần khi tham gia vào tổ chức Công đoàn” - ông Tùng nói.

Đến nay tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 3 Nghiệp đoàn bán vé số với 67 thành viên. Các Nghiệp đoàn đều có Ban Chấp hành, sinh hoạt định kỳ và thường xuyên liên lạc thông qua các cuộc hội họp.

PHƯƠNG ANH


Takaisin
Doanh nghiệp Sóc Trăng vừa thiếu vừa thừa lao động
Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, không có đơn hàng mới nên buộc phải cắt giảm lao động; trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động do mở rộng sản xuất, nhất là tình trạng nghỉ việc, nhảy việc. Nhiều doanh nghiệp Sóc Trăng rơi vào cảnh vừa thừa vừa thiếu lao động sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tuyển lao động thế chỗ người nghỉ, mở rộng sản xuất
Tình trạng thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết dần quen thuộc với các doanh nghiệp không riêng tại tỉnh Sóc Trăng, dù nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giữ chân người lao động trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, doanh số năm 2022 của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh đạt 119 triệu USD, tăng 17% so với năm 2021, nên lương, thưởng Tết vừa qua cũng tăng theo. Nhưng theo đại diện công ty, hiện người lao động quay lại làm việc sau Tết chỉ khoảng 600/800 lao động so với trước Tết. Vì vậy, công ty đã có kế hoạch tuyển thêm từ 300 - 400 lao động để đào tạo, phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Ngoài ra, công ty có kế hoạch xây dựng các sân bóng chuyền, cầu lông… để tạo sân chơi cho người lao động và đây được xem là chính sách thu hút lao động, để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp lúc ổn định hay khó khăn trong tương lai.
Cùng cảnh ngộ với các doanh nghiệp trong tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khánh Sủng cũng tuyển thêm khoảng 500 lao động để bù vào phần lao động nghỉ việc và phục vụ cho xưởng sản xuất mới sắp đi vào hoạt động. Thời gian qua, công ty gặp không ít khó khăn, tuy nhiên công ty vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời khen thưởng lương tháng 13 cho công nhân lao động trong dịp tết Nguyên đán vừa qua.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải sang) thăm hỏi, động viên người lao động đang làm việc tại công ty thủy sản trong tỉnh. Ảnh: HOÀNG LAN

Để tìm việc, người lao động chỉ cần dạo một vòng quanh Khu Công nghiệp An Nghiệp hoặc qua thông tin từ người thân, bạn bè đang làm việc tại đây, có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin tuyển dụng. Đơn cử như Công ty Trách nhiệm hữu hạn E&W VINA chuyên may đồ bảo hộ y tế, khẩu trang… cũng treo băng rôn công khai thông tin tuyển lao động thường xuyên, với mức lương từ 5,5 triệu - 7 triệu đồng/người/tháng, kèm các chế độ theo quy định của pháp luật như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản ưu đãi khác theo chính sách riêng của công ty.
Thế nhưng việc tuyển dụng lao động không hề dễ, bởi mức lương hiện tại của các doanh nghiệp trong tỉnh so với các tỉnh, thành phố lớn có sự chênh lệnh lớn nên người lao động chấp nhận cảnh tha hương chứ không làm việc tại tỉnh; các chính sách đãi ngộ, thu hút lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đủ hấp dẫn để người lao động chọn gắn bó dài lâu; tâm lý người lao động (nhất là lao động trẻ) thích đi làm xa nhà (đi theo bạn bè cùng trang lứa); các dịch vụ vui chơi, giải trí tại tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động; các công trình phúc lợi (như nhà ở, trường học, chợ…) cũng chưa được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, nguyên nhân nhiều doanh nghiệp khó tuyển được người lao động một phần cũng do người lao động không muốn bị ràng buộc (ký kết hợp đồng lao động) để có thể dễ nhảy việc, hoặc nghỉ làm khi không còn nhu cầu, về phía doanh nghiệp nếu tuyển dụng đối tượng này mà không có hợp đồng thì trái quy định pháp luật…
Chấm dứt hợp đồng lao động vì không có đơn hàng
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động đã khó nhưng chưa khó bằng doanh nghiệp “thừa” lao động nên buộc phải chấm dứt hợp đồng, bởi điều đó phản ánh họ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như Công ty Cổ phần thực phẩm Thái Hòa, thành lập vào thời điểm năm 2020 chưa kịp ổn định sản xuất, năm 2021 đối mặt với đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022 thì chịu tác động suy thoái kinh tế thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraina, mà thị trường chủ lực của công ty là châu Âu, từ chỗ doanh nghiệp có 1.200 lao động nay chỉ còn trên dưới 500 lao động. Để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm, thu nhập cho người lao động, công ty phải chuyển sang gia công cho các doanh nghiệp khác để hưởng tiền giá trị gia tăng ít ỏi để trả mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động.

 


Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khảo sát, nắm tình hình hoạt động của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thái Hòa - một trong những doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do không có đơn hàng. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo các doanh nghiệp, dự báo tình hình khó khăn vẫn còn tiếp tục kéo dài đến hết quý II năm 2023, vì vậy, việc doanh nghiệp cắt giảm lao động trong thời gian tới khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ đầu quý III, kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn, vì vậy doanh nghiệp cũng chuẩn bị trước nguồn lao động để kịp sản xuất khi có đơn đặt hàng trở lại. Thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, hiện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tuyển dụng khoảng vài ngàn lao động, để bù đắp cho số lao động nghỉ việc, nhảy việc sau Tết, mở rộng sản xuất, nhà máy mới đi vào hoạt động. Do vậy, người lao động cần cân nhắc và lựa chọn công việc phù hợp để ổn định việc làm, thu nhập và gắn bó dài lâu với doanh nghiệp.
Cần chính sách thu hút lao động phù hợp
Trong chuyến khảo sát, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp ngay sau tết Nguyên đán 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu khẳng định, sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động, vì doanh nghiệp phát triển sẽ tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển. Ngoài ra, dự kiến trong năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tỉnh sẽ khởi công xây dựng Khu Thiết chế Công đoàn tại Khu Công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng có quy mô 5,06ha để xây dựng quảng trường, nhà văn hóa thể thao đa năng và khoảng 1.000 căn nhà ở công nhân dạng chung cư để phục vụ người lao động tại khu công nghiệp.
Bên cạnh sự quan tâm của các ngành, các cấp, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có giải pháp để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung; có kế hoạch tuyển dụng nhân sự, nhất là quan tâm xây dựng chính sách về lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động; phối hợp với tổ chức công đoàn quan tâm chăm lo tốt sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của họ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.
Tin rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ vượt khó và quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có các chính sách đãi ngộ phù hợp thì người lao động nhất định sẽ chọn gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp, để cùng phát triển bền vững, ổn định.

HOÀNG LAN


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập