Trên 12 tỉ đồng chăm lo cho đoàn viên, người lao động ở Sóc Trăng
Chiều 9.7, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ đi sâu vào các vấn đề thiết thực, trực tiếp tác động đến đời sống NLĐ.
Quang cảnh Hội nghị
Qua đó đã tổ chức đến doanh nghiệp trao tận tay đoàn viên, NLĐ 3.748 suất quà, tổng trị giá trên 1,8 tỉ đồng; trao 3.210 suất gạo; 17 suất quà cho đoàn viên, NLĐ bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động. Có 800 đoàn viên, NLĐ được Tổng Liên đoàn Việt Nam hỗ trợ thẻ voucher trị giá 300.000 đồng/người mua hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử nhân dịp Tết Nguyên đán 2024.
CĐCS tranh thủ với người sử dụng lao động từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp tặng 24.950 phần quà cho đoàn viên, NLĐ mỗi phần trị giá từ 250 - 450.000 đồng, tổng trị giá trên 11 tỉ đồng.
Các phong trào công nhân, lao động và hoạt động công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục được giữ vững và phát triển toàn diện. Công tác thi đua được phát động, góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Sóc Trăng đề nghị Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; rà soát các trường hợp đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam hướng về cơ sở, về đoàn viên. Quan tâm khảo sát nhu cầu nhà ở xã hội trong đoàn viên, NLĐ.
PHƯƠNG ANH
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
Nhiều hoạt động hướng về 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam | 09/07/2024 |
Trưởng Ban nữ công quần chúng hết lòng vì đoàn viên | 09/07/2024 |
Hàng chục tỷ đồng chăm lo cho đoàn viên, người lao động | 09/07/2024 |
Hỗ trợ sửa chữa, xây mới 5 Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên khó khăn về nhà ở | 05/07/2024 |
Thăm, chúc mừng các cơ quan Báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 | 27/06/2024 |
Đẩy mạnh các hoạt động vì lợi ích đoàn viên
Công đoàn Viên chức tỉnh đang trực tiếp quản lý và chỉ đạo hoạt động 63 công đoàn cơ sở trực thuộc với 3.537 đoàn viên cán bộ, công chức, viên chức, lao động. Trong năm 2024, bám sát sự chỉ đạo của Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn Viên chức tỉnh đã tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo, thực hiện hiệu quả phong trào cán bộ, công chức, viên chức và hoạt động công đoàn. Chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động được chú trọng thực hiện tốt.
Công đoàn Viên chức tỉnh đã triển khai các văn bản pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở; phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và Chương trình số 06/CTr-LĐLĐ, ngày 1/8/2024 của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh về thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động... Đồng thời giám sát việc thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, việc thực hiện pháp luật về an toàn vệ sinh lao động và thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó, không chỉ giúp nâng cao nhận thức của đoàn viên, người lao động mà còn tạo ra một môi trường làm việc minh bạch, dân chủ, công bằng.
Đồng chí Đoàn Thị Chiến - Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Sóc Trăng (thứ 2 từ phải qua) tham gia ngày hội Hiến máu tình nguyện.
Công đoàn Viên chức tỉnh cũng chỉ đạo 63/63 công đoàn cơ sở trực thuộc phối hợp với thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động năm 2024. Cùng với đó là việc tổ chức “Bữa cơm công đoàn” với sự hưởng ứng của 12 công đoàn cơ sở, có 424 đoàn viên, người lao động tham gia, với tổng kinh phí tổ chức gần 45,4 triệu đồng. Các công đoàn cơ sở cũng duy trì tổ góp vốn xoay vòng; tặng quà sinh nhật, thăm hỏi cho đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động khi ốm đau, hiếu hỷ… với số tiền 125,6 triệu đồng.
Công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động luôn được Công đoàn Viên chức tỉnh đặc biệt chú trọng. Theo đồng chí Đoàn Thị Chiến - Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh, trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, từ nguồn kinh phí của công đoàn, chính quyền và sự vận động hỗ trợ, các công đoàn cơ sở đã phối hợp tặng 3.662 phần quà cho đoàn viên công đoàn với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh đã trao tặng 68 phần quà cho đoàn viên bị bệnh hiểm nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, với tổng trị giá 35,5 triệu đồng. Đặc biệt, 7 đoàn viên được nhận quà từ Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2024” qua sàn thương mại điện tử, trị giá 2,1 triệu đồng.
Còn trong dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, từ nguồn kinh phí của công đoàn, chính quyền và sự vận động hỗ trợ, các công đoàn cơ sở đã phối hợp trao tặng 3.607 phần quà cho đoàn viên và người lao động, tổng trị giá trên 1,9 tỷ đồng. Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục hỗ trợ 77 phần quà cho đoàn viên bị bệnh hiểm nghèo và có hoàn cảnh khó khăn, với số tiền 39 triệu đồng. Thêm vào đó, 80 đoàn viên đã nhận quà từ Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2025” qua sàn thương mại điện tử, trị giá 40 triệu đồng.
Lãnh đạo Công đoàn Viên chức tỉnh Sóc Trăng trao tặng giấy khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và hoạt động công đoàn năm 2024.
Trong năm qua, Công đoàn Viên chức tỉnh đã hỗ trợ sửa chữa và cất mới 3 căn nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở với tổng kinh phí 120 triệu đồng. Với tinh thần “tương thân tương ái”, Công đoàn Viên chức tỉnh đã vận động đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động ủng hộ đồng bào miền Bắc bị lũ lụt với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, đóng góp vào Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh với số tiền gần 900 triệu đồng.
Để thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao phát triển sâu rộng, Công đoàn Viên chức tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc luyện tập thể dục thể thao thường xuyên. Vào các dịp lễ lớn, Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức các đợt giao lưu, biểu diễn văn nghệ, các giải thể thao truyền thống nhằm bồi dưỡng sức khỏe, đời sống văn hóa, tinh thần cho đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động.
Với những hoạt động hướng về đoàn viên, người lao động, từ năm 2021 đến năm 2024, Công đoàn Viên chức tỉnh được đánh giá, xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và dẫn đầu Cụm thi đua liên đoàn lao động huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành và tương tương. Đồng thời, được Liên đoàn Lao động tỉnh tặng bằng khen “Đơn vị xuất sắc trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn” vào năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 3 cờ thi đua vào các năm 2021, 2022, 2024.
Hiện nay, tỉnh đang thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Trước tình hình đó, tổ chức công đoàn cũng đang sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo sự chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo đề án, giải thể Công đoàn ngành Giáo dục, Công đoàn ngành Y tế, Công đoàn Viên chức và thành lập mới Công đoàn Khối Đảng và Công đoàn Khối chính quyền.
Đồng chí Đoàn Thị Chiến cho biết thêm: “Sau khi giải thể đơn vị, dù ở vị trí, đơn vị công tác nào trong tổ chức công đoàn, chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục cống hiến và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Chúng tôi cũng chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy”.
Nhìn lại các hoạt động trong năm 2024, Công đoàn Viên chức tỉnh và các công đoàn cơ sở trực thuộc đã làm tốt sứ mệnh của mình, các hoạt động hướng về cơ sở, hướng về đoàn viên, người lao động và luôn đồng hành cùng với đoàn viên, người lao động khi gặp khó khăn, tạo điều kiện để họ vươn lên trong cuộc sống, an tâm công tác. Từ đó, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị ngày càng vững mạnh, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
HẢI HÀ
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
Nâng cao đời sống, khẳng định vai trò công nhân trong kỷ nguyên mới | 16/05/2025 |
Mang Mái ấm Công đoàn đến với đoàn viên | 16/05/2025 |
Công đoàn sẻ chia cùng đoàn viên, người lao động gặp khó | 10/05/2025 |
Lãnh đạo Sóc Trăng động viên công nhân vượt khó, ổn định cuộc sống | 07/05/2025 |
Sóc Trăng phát động Tháng Công nhân | 06/05/2025 |

Doanh nghiệp Sóc Trăng vừa thiếu vừa thừa lao động
Tuyển lao động thế chỗ người nghỉ, mở rộng sản xuất
Tình trạng thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết dần quen thuộc với các doanh nghiệp không riêng tại tỉnh Sóc Trăng, dù nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giữ chân người lao động trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, doanh số năm 2022 của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh đạt 119 triệu USD, tăng 17% so với năm 2021, nên lương, thưởng Tết vừa qua cũng tăng theo. Nhưng theo đại diện công ty, hiện người lao động quay lại làm việc sau Tết chỉ khoảng 600/800 lao động so với trước Tết. Vì vậy, công ty đã có kế hoạch tuyển thêm từ 300 - 400 lao động để đào tạo, phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Ngoài ra, công ty có kế hoạch xây dựng các sân bóng chuyền, cầu lông… để tạo sân chơi cho người lao động và đây được xem là chính sách thu hút lao động, để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp lúc ổn định hay khó khăn trong tương lai.
Cùng cảnh ngộ với các doanh nghiệp trong tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khánh Sủng cũng tuyển thêm khoảng 500 lao động để bù vào phần lao động nghỉ việc và phục vụ cho xưởng sản xuất mới sắp đi vào hoạt động. Thời gian qua, công ty gặp không ít khó khăn, tuy nhiên công ty vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời khen thưởng lương tháng 13 cho công nhân lao động trong dịp tết Nguyên đán vừa qua.
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải sang) thăm hỏi, động viên người lao động đang làm việc tại công ty thủy sản trong tỉnh. Ảnh: HOÀNG LAN
Để tìm việc, người lao động chỉ cần dạo một vòng quanh Khu Công nghiệp An Nghiệp hoặc qua thông tin từ người thân, bạn bè đang làm việc tại đây, có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin tuyển dụng. Đơn cử như Công ty Trách nhiệm hữu hạn E&W VINA chuyên may đồ bảo hộ y tế, khẩu trang… cũng treo băng rôn công khai thông tin tuyển lao động thường xuyên, với mức lương từ 5,5 triệu - 7 triệu đồng/người/tháng, kèm các chế độ theo quy định của pháp luật như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản ưu đãi khác theo chính sách riêng của công ty.
Thế nhưng việc tuyển dụng lao động không hề dễ, bởi mức lương hiện tại của các doanh nghiệp trong tỉnh so với các tỉnh, thành phố lớn có sự chênh lệnh lớn nên người lao động chấp nhận cảnh tha hương chứ không làm việc tại tỉnh; các chính sách đãi ngộ, thu hút lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đủ hấp dẫn để người lao động chọn gắn bó dài lâu; tâm lý người lao động (nhất là lao động trẻ) thích đi làm xa nhà (đi theo bạn bè cùng trang lứa); các dịch vụ vui chơi, giải trí tại tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động; các công trình phúc lợi (như nhà ở, trường học, chợ…) cũng chưa được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, nguyên nhân nhiều doanh nghiệp khó tuyển được người lao động một phần cũng do người lao động không muốn bị ràng buộc (ký kết hợp đồng lao động) để có thể dễ nhảy việc, hoặc nghỉ làm khi không còn nhu cầu, về phía doanh nghiệp nếu tuyển dụng đối tượng này mà không có hợp đồng thì trái quy định pháp luật…
Chấm dứt hợp đồng lao động vì không có đơn hàng
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động đã khó nhưng chưa khó bằng doanh nghiệp “thừa” lao động nên buộc phải chấm dứt hợp đồng, bởi điều đó phản ánh họ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như Công ty Cổ phần thực phẩm Thái Hòa, thành lập vào thời điểm năm 2020 chưa kịp ổn định sản xuất, năm 2021 đối mặt với đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022 thì chịu tác động suy thoái kinh tế thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraina, mà thị trường chủ lực của công ty là châu Âu, từ chỗ doanh nghiệp có 1.200 lao động nay chỉ còn trên dưới 500 lao động. Để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm, thu nhập cho người lao động, công ty phải chuyển sang gia công cho các doanh nghiệp khác để hưởng tiền giá trị gia tăng ít ỏi để trả mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khảo sát, nắm tình hình hoạt động của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thái Hòa - một trong những doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do không có đơn hàng. Ảnh: HOÀNG LAN
Theo các doanh nghiệp, dự báo tình hình khó khăn vẫn còn tiếp tục kéo dài đến hết quý II năm 2023, vì vậy, việc doanh nghiệp cắt giảm lao động trong thời gian tới khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ đầu quý III, kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn, vì vậy doanh nghiệp cũng chuẩn bị trước nguồn lao động để kịp sản xuất khi có đơn đặt hàng trở lại. Thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, hiện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tuyển dụng khoảng vài ngàn lao động, để bù đắp cho số lao động nghỉ việc, nhảy việc sau Tết, mở rộng sản xuất, nhà máy mới đi vào hoạt động. Do vậy, người lao động cần cân nhắc và lựa chọn công việc phù hợp để ổn định việc làm, thu nhập và gắn bó dài lâu với doanh nghiệp.
Cần chính sách thu hút lao động phù hợp
Trong chuyến khảo sát, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp ngay sau tết Nguyên đán 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu khẳng định, sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động, vì doanh nghiệp phát triển sẽ tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển. Ngoài ra, dự kiến trong năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tỉnh sẽ khởi công xây dựng Khu Thiết chế Công đoàn tại Khu Công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng có quy mô 5,06ha để xây dựng quảng trường, nhà văn hóa thể thao đa năng và khoảng 1.000 căn nhà ở công nhân dạng chung cư để phục vụ người lao động tại khu công nghiệp.
Bên cạnh sự quan tâm của các ngành, các cấp, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có giải pháp để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung; có kế hoạch tuyển dụng nhân sự, nhất là quan tâm xây dựng chính sách về lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động; phối hợp với tổ chức công đoàn quan tâm chăm lo tốt sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của họ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.
Tin rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ vượt khó và quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có các chính sách đãi ngộ phù hợp thì người lao động nhất định sẽ chọn gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp, để cùng phát triển bền vững, ổn định.
HOÀNG LAN