Ngọn lửa nồng nàn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành cho công nhân, công đoàn
Phòng làm việc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật đơn sơ và rất nhiều sách. Cuộc trao đổi của đồng chí Tổng Bí thư thật ấm áp, chân tình, động viên chúng tôi chuẩn bị tốt nhất cho đại hội. Không chỉ vậy, nhiều việc làm của đồng chí Tổng Bí thư dành cho tổ chức Công đoàn đã và sẽ là ngọn lửa nồng nàn sưởi ấm công đoàn trên con đường phát triển.
Tình cảm nồng ấm dành cho cán bộ Công đoàn
Xuân Mậu Tuất (2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, chúc Tết trao quà cho đại biểu công nhân tỉnh Hưng Yên. Sau này, có dịp trở lại nơi ấy, tôi vẫn cảm nhận tươi nguyên “cái Tết tự hào, niềm vinh dự của cán bộ, người lao động…” lúc ấy. Bởi lẽ, doanh nghiệp khắc ghi lời hứa với Tổng Bí thư, có những lúc đặc biệt khó khăn vẫn duy trì được việc làm, thu nhập của công nhân có nhiều cải thiện, làm cho mùa xuân của công nhân như dài hơn, ấm áp hơn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và tặng quà công nhân lao động tỉnh Hưng Yên sáng mùng 4 Tết Mậu Tuất (19/2/2018) - Ảnh: Hải Nguyễn
Nhiều cán bộ Công đoàn được trao tặng Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ nhất và đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương Cán bộ công đoàn tiêu biểu toàn quốc vẫn còn nhớ mãi tình cảm của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng dành cho cán bộ công đoàn tại Văn phòng Chủ tịch nước. Đồng chí biểu dương sáng kiến của tổ chức Công đoàn, ghi nhận thành tích cán bộ Công đoàn, mong muốn cán bộ Công đoàn gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau để không ngừng phát triển tổ chức Công đoàn.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gặp gỡ cán bộ công đoàn tiêu biểu tại Phủ Chủ tịch sáng 2/7/2019, trước thềm lễ trao Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ Nhất. Ảnh: Tùng Lâm
Cảm động hơn, đây là cuộc làm việc đầu tiên sau khi đồng chí được chăm sóc sức khỏe đặc biệt, cho thấy tình cảm, sự quan tâm với tổ chức Công đoàn nói chung, cán bộ Công đoàn nói riêng, sâu sắc biết chừng nào. Nhiều cán bộ Công đoàn đã lưu giữ điều này như là động lực để vượt qua khó khăn, làm tốt hơn trọng trách với tổ chức Công đoàn.
Nền tảng tư tưởng cho tương lai
Ngay sau Đại hội XIII của Đảng, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết “Về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Sau hơn 50 năm mới có Nghị quyết chuyên đề về Công đoàn, nhưng điều quan trọng nhất là lần đầu tiên có chiến lược về Công đoàn, xác định mục tiêu dài hạn, xuyên suốt và sẽ được cụ thể hóa suốt 5 kỳ Đại hội, một thuận lợi vô cùng lớn của tổ chức Công đoàn.
Không những thế, ba kỳ Đại hội Công đoàn Việt Nam được đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến dự và phát biểu với hệ thống tư tưởng về Công đoàn rất sâu sắc; là kim chỉ nam cho các cấp Công đoàn trên hành trình phát triển Công đoàn.
Còn nhớ, phát biểu tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Cần thống nhất nhận thức rằng, ngày nay, thước đo lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của công nhân, người lao động chính là không ngừng nâng cao trình độ mọi mặt, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, lao động cần cù, sáng tạo, để thích ứng với điều kiện lao động trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quyết tâm chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, không ngừng phấn đấu vì việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn của chính mỗi công nhân, vì sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp, sự phồn vinh của đất nước”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, ngày 25/9/2018. Ảnh: TTXVN.
Đồng chí Tổng Bí thư đúc kết về công nhân: không chỉ thích ứng với sự phát triển của xã hội mà công nhân còn có trách nhiệm với hoàn cảnh hiện tại bằng sự gắn kết chặt chẽ của bản thân công nhân, doanh nghiệp và đất nước. Điều quan trọng nhất là vấn đề việc làm bền vững, cuộc sống tốt đẹp hơn của công nhân được xác định, đúng là mong muốn sát sườn của công nhân.
Còn nhớ, phát biểu với Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Công đoàn luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân, đồng hành với dân tộc và với Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam độc lập, hòa bình, thống nhất, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đặc trưng này phản ánh tính cách mạng của Công đoàn Việt Nam, sự gắn bó mật thiết với dân tộc và Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời cũng có đặc trưng của các tổ chức Công đoàn trên thế giới vì công đoàn và công nhân, nhất là lực lượng công nhân yếu thế luôn cần ở tổ chức Công đoàn để có được thành quả tiến bộ xã hội. Đặc trưng này cũng là niềm tự hào, là trách nhiệm trong phát triển tổ chức Công đoàn, xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của các thế hệ cán bộ, đoàn viên Công đoàn.
Chú trọng quyền làm chủ của người lao động
Trong nền kinh tế nhiều thành phần, vấn đề quyền làm chủ của người lao động không ít lần được đề cập với những ý kiến khác nhau. Đây là vấn đề rất lớn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao nhiệm vụ này cho tổ chức Công đoàn và yêu cầu có sự gắn kết với xây dựng mối quan hệ lao động trong tình hình mới.
Phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu: “Trong quá trình tổ chức hoạt động, Công đoàn phải phát huy quyền làm chủ của người lao động, hướng tới mục tiêu xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ”.
Được Tổng Bí thư giao trọng trách này, chúng ta càng thấy giá trị của tổ chức Công đoàn đối với người lao động và xã hội, đòi hỏi các cấp Công đoàn, mỗi cán bộ Công đoàn phải dành nhiều tâm huyết hơn, góp phần làm sáng rõ quyền làm chủ của người lao động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vấn đề cấp thiết là nghiên cứu đề xuất và tổ chức thực hiện thật tốt những quy định pháp luật về quyền của người lao động; nâng cao năng lực nghề nghiệp và khả năng thích ứng những thay đổi về nghề nghiệp của người lao động; củng cố, phát triển các cơ chế bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động để người lao động nhận ra ngày càng rõ hơn quyền làm chủ của họ trong thực tế.
Tư tưởng nhân văn trong hoạt động chăm lo của tổ chức Công đoàn
Chăm lo đang là hoạt động phổ biến của tổ chức Công đoàn, nhưng chăm lo sao cho hiệu quả cao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ trong phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam: “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần quan tâm nghiên cứu xây dựng các chương trình phúc lợi dài hạn; tập trung chăm lo, hỗ trợ toàn diện cho đoàn viên, người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, ốm đau dài ngày. Việc chăm lo của công đoàn phải cụ thể, chu đáo, thiết thực, quan tâm đến từng bữa ăn, giấc ngủ, niềm vui, nỗi buồn của đoàn viên, người lao động và gia đình của họ”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, sáng 2/12/2023 - Ảnh: TTXVN
Có ba việc làm mà Tổng Bí thư quan tâm nhất: (1) Chính sách phân phối lại từ thành quả phát triển kinh tế. Đây là việc làm cấp thiết mà tổ chức Công đoàn phải chú trọng để vừa ghi nhận đóng góp của công nhân trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa là điều kiện để nâng cao mức sống của công nhân. (2) Hoạt động chăm lo phải trọng tâm, trọng điểm, nhất là các trường hợp đặc biệt khó khăn để họ không bị bỏ lại phía sau trong cuộc sống và luôn giữ được niềm tin về nghĩa tình của người lao động với nhau. (3) Chăm lo phải cụ thể, không những đối với đoàn viên, người lao động mà cả gia đình của họ, làm cho công đoàn thật sự là tổ ấm của đoàn viên, người lao động; đồng thời cũng đòi hỏi hoạt động chăm lo phải thay đổi, tạo được sự chia sẻ, ủng hộ của nhiều thành phần trong xã hội mới có thể đảm đương tốt yêu cầu mới này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn năng lực riêng có, tổng hợp, đóng góp lớn lao của người cán bộ và được môi trường công đoàn rèn luyện. Điều này thật sự có giá trị cao đối với hoạt động công đoàn ngoài khu vực nhà nước.
Tổng Bí thư mong muốn: “Cán bộ Công đoàn là những cán bộ chính trị, hoạt động xã hội, làm công tác vận động quần chúng, từ phong trào quần chúng mà ra, được bồi dưỡng và trưởng thành từ thực tế lao động, sản xuất, kinh doanh” (trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XI Công đoàn Việt Nam).
Đồng thời, việc làm của cán bộ công đoàn thật cao đẹp: “Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: người lao động vào tổ chức Công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với Công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình” (trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, sáng 2/12/2023 - Ảnh: Nhân Dân
Các cấp Công đoàn làm tốt nhiệm vụ này thì tổ chức Công đoàn, cụ thể là cán bộ Công đoàn của người lao động, thật sự là điểm tựa của người lao động. Người cán bộ Công đoàn có gì tự hào hơn, khi người lao động tin tưởng, đặt niềm tin và có cả khả năng giúp người lao động có thêm điều kiện phát triển, đóng góp nhiều hơn cho xã hội.
Phương thức hoạt động đặc trưng của tổ chức Công đoàn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “… công tác vận động, thuyết phục, hình thức công tác của tổ chức Công đoàn phải được thường xuyên đổi mới, phong phú hơn, sinh động, hấp dẫn hơn, phù hợp và thiết thực với từng đối tượng, tránh máy móc, đơn giản, tẻ nhạt; khắc phục tình trạng quan liêu, xa cơ sở, xa đoàn viên, xa người lao động” (trích phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XI Công đoàn Việt Nam).
Đề cao công tác vận động, thuyết phục; hoạt động thiết thực; sâu sát cơ sở, đoàn viên, người lao động luôn là ba bài học nằm lòng của cán bộ Công đoàn, chỉ có làm tốt ba bài học này thì hoạt động công đoàn mới bám chắc với quần chúng lao động, tạo được sự ủng hộ tích cực trong xã hội, làm nên sức sống riêng có của tổ chức Công đoàn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi công nhân Công ty CP Than Vàng Danh, ngày 6/4/2022 - Ảnh: Báo Quảng Ninh
Làm đúng, làm tốt tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công đoàn, chắc chắn tổ chức Công đoàn rất đẹp trong mắt đoàn viên, người lao động. Đó là tổ chức Công đoàn cách mạng, không chỉ trách nhiệm với đoàn viên, người lao động mà còn có trách nhiệm xây dựng đất nước độc lập, tự chủ giàu mạnh, văn minh.
Đó là tổ chức Công đoàn điểm tựa thật sự của đoàn viên, người lao động, từ công đoàn, có công đoàn mà đoàn viên, người lao động an tâm về quyền lợi hợp pháp được đảm bảo; vững tin khi gặp khó khăn, hoạn nạn để đồng hành vượt qua; có niềm hy vọng về tương lai tươi sáng hơn cho bản thân và gia đình mình.
Quà tặng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thật lớn lao, các cấp Công đoàn, từng cán bộ Công đoàn cần trân quý tất cả những điều ấy, tự soi lại mình đã làm được việc gì và quyết tâm hơn nữa trong việc cụ thể hóa, vận dụng sáng tạo tư tưởng của đồng chí Tổng Bí thư về Công đoàn. Mọi sự phát triển đều bắt đầu từ các nền tảng, hãy làm cho các nền tảng của Công đoàn luôn vững chắc, sinh động, mạnh mẽ.
Trần Thanh Hải - Nguyên PCT TT Tổng LĐLĐ Việt Nam
Sôi nổi giải chạy bộ trong đoàn viên Công đoàn ở Mỹ Xuyên
Đoàn viên Công đoàn huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tham gia giải chạy bộ
Tham gia giải có 169 vận động viên đại diện cho 96 Công đoàn cơ sở trực thuộc với 2 nội dung chạy 1.600m đối với nam và 800m đối với nữ.
Ban Tổ chức trao giải cho các cá nhân đạt thành tích tại Giải
Theo đồng chí Dương Tuấn Kiệt - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Xuyên, đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, từng bước xây dựng thói quen thường xuyên luyện tập, nâng cao thể chất của đoàn viên công đoàn, cán bộ, công nhân viên, đoàn viên, người lao động. Qua đó xây dựng lối sống, môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
PHƯƠNG ANH

Công đoàn đã thể hiện được vai trò quan trọng trong hệ thống chính trị
Tổ chức công đoàn đã nâng cao được vị thế, uy tín của mình
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận xét, các đại biểu dự hội nghị đóng góp ý kiến đều xác đáng, thể hiện sự quan tâm đến đoàn viên, NLĐ; nêu được những vấn đề quan trọng để nâng cao chất lượng chăm lo NLĐ trong thời điểm hiện nay.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương những đóng góp của các cấp công đoàn và người lao động, công nhân trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội Ảnh: Hải Nguyễn
Thủ tướng cũng đánh giá cao công tác phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN trong những tháng đầu năm 2021.
“Hai bên thực hiện quy chế phối hợp trong khoảng thời gian diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV, triển khai Nghị quyết của Đại hội Đảng trong đó đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, trở thành nước phát triển, thu nhập cao - đây đều là những mục tiêu rất quan trọng, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải tập trung, nỗ lực thực hiện. Với vai trò của mình, Chính phủ và Tổng LĐLĐVN đã phối hợp hiệu quả và đạt được kết quả nhất định góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị mỗi bên, góp phần với Đảng, Nhà nước trong việc phòng chống dịch COVID-19, duy trì hoạt động phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong đợt dịch COVID-19 thứ 4” - Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đánh giá cao việc phòng chống dịch COVID-19, phát triển kinh tế xã hội của đoàn viên, người lao động (NLĐ), tổ chức công đoàn. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng chia sẻ, cảm thông sâu sắc, thấu hiểu đối với những mất mát, hy sinh, khó khăn, thách thức mà NLĐ, các cấp công đoàn đã và đang gặp phải trong đợt dịch vừa qua.
Thủ tướng đánh giá cao các hoạt động của các cấp công đoàn trong thời gian qua. Trong đó công đoàn đã có nhiều hoạt động lắng nghe ý kiến của NLĐ, DN để có biện pháp hỗ trợ kịp thời; công đoàn cũng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động NLĐ chấp hành tốt cả chủ trương của Đảng, Nhà nước, chính quyền, DN trong công tác phòng chống dịch COVID-19; công đoàn đã đồng hành cùng DN xây dựng các biện pháp chống dịch hiệu quả để đảm bảo sản xuất kinh doanh, NLĐ làm việc an toàn; tổ chức công đoàn cũng có những sáng kiến, sáng tạo, cách làm hay như tổ chức “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ an toàn COVID”, “Bảo vệ vùng xanh doanh nghiệp”; hỗ trợ kịp thời NLĐ, DN bị ảnh hưởng bởi COVID-19; phối hợp với các bộ, ngành đề xuất với Chính phủ những gói hỗ trợ cho NLĐ và DN; đặc biệt đã có nhiều cán bộ công đoàn cơ sở không ngại hiểm nguy, vất vả để gần gũi, chăm lo NLĐ tại những điểm nóng về COVID-19 - họ thực sự là lực lượng quan trọng trong tuyến đầu chống dịch…
“Với những hoạt động hiệu quả, tổ chức công đoàn đã nâng cao được vị thế, uy tín của mình trong công tác phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Thể hiện được vai trò quan trọng của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét.
Tập trung khôi phục việc đứt gãy thị trường lao động
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Chính phủ và Tổng LĐLĐVN cần tiếp tục tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ theo Nghị quyết của Đảng, góp phần nâng cao vị thế mỗi bên, góp phần tăng cường lợi ích chính đáng của đoàn viên NLĐ - gắn với việc xây dựng giai cấp công nhân hiện đại…
Thủ tướng cũng lưu ý, các cấp, các ngành, không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
“Không có cá nhân nào an toàn khi vẫn có người mắc COVID-19; không có một doanh nghiệp nào an toàn khi có NLĐ mắc COVID-19; không một quốc gia nào an toàn nếu dịch COVID-19 chưa được khống chế… Tuy nhiên, chúng ta phải bình tĩnh, không hoang mang, lo sợ, để có những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 hiệu quả và có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, trong thời gian tới, phải khôi phục việc đứt gãy thị trường lao động, bằng các giải pháp: Đảm bảo phúc lợi, an sinh xã hội cho NLĐ; nâng cao lợi ích chính đáng, hợp pháp của NLĐ về vật chất, tinh thần; thực hiện chương trình nâng cao tay nghề cho NLĐ; phát triển sản xuất kinh doanh để tạo việc làm ổn định cho NLĐ. Với hoạt động trên, Thủ tướng giao cho Bộ LĐTBXH chủ trì, phối hợp với Tổng LĐLĐVN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các bộ, ngành, địa phương thực hiện.
Thủ tướng đề nghị công đoàn tiếp tục triển khai khai các phong trào thi đua vượt khó, “lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “năng suất cao, chất lượng tốt”, “mỗi người làm việc bằng hai” cùng cả nước phòng chống dịch, phục hồi kinh tế…
Tổng LĐLĐVN phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ LĐTBXH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng chính quyền địa phương tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, nâng cao trình độ mọi mặt cho người lao động, trước hết là kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, ý thức chính trị, bản lĩnh giai cấp, tác phong công nghiệp, tinh thần trách nhiệm, sự gắn bó với doanh nghiệp... Công đoàn phải là một kênh tham gia triển khai một trong ba khâu đột phá chiến lược là đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thủ tướng lưu ý, Tổng LĐLĐVN cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động công đoàn theo tinh thần Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn Việt Nam, nhất là nâng cao chất lượng của các cán bộ công đoàn phải ngang tầm nhiệm vụ; xây dựng công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, có năng lực thích ứng và giải quyết các vấn đề đặt ra, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chính phủ sẽ phối hợp với Tổng LĐLĐVN tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về công đoàn, giai cấp công nhân, người lao động, tạo hành lang pháp lý tốt nhất bảo vệ người lao động…
Thủ tướng còn đề nghị Tổng LĐLĐVN tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động hiểu, chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chia sẻ với khó khăn chung của đất nước, DN, đoàn kết, đồng thuận đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn. Làm tốt hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội; giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.
Thủ tướng giao các ban, bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực phối hợp với Tổng LĐLĐVN và các cấp công đoàn giải quyết kịp thời nhu cầu, nguyện vọng, quyền lợi chính đáng của người lao động, nhất là về việc làm, thu nhập, vấn đề nhà ở, trường học, trạm y tế, nơi vui chơi giải trí…
Có cơ chế phù hợp để xây nhà ở cho NLĐ
Về các đề xuất, kiến nghị của Tổng LĐLĐVN, Thủ tướng giao các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định hiện hành khẩn trương xử lý, giải quyết; báo cáo các cấp những vấn đề vượt thẩm quyền.
Trong đó, về vấn đề nhà ở cho NLĐ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng và Tổng LĐLĐVN cùng các bộ, ngành tập trung giải quyết theo hướng hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; bố trí, quy hoạch quỹ đất; có cơ chế phù hợp với cơ chế thị trường để huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư để công đoàn, địa phương và các doanh nghiệp tham gia, đồng thời bố trí kinh phí đầu tư công trung hạn trong công tác xây nhà cho NLĐ. Kế hoạch đầu tư công trung hạn cũng dự kiến bố trí thêm kinh phí để tăng cường đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân.
Người lao động ra sức thi đua lao động sản xuất. Ảnh minh hoạ: Việt Lâm
Thủ tướng cho biết Đảng, Nhà nước đã và đang rất quyết liệt, tích cực triển khai chiến lược vaccine, ngoại giao vaccine, phấn đấu trong quý IV.2021 bao phủ vaccine cho các đối tượng ưu tiên, trong đó có công nhân.
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, khẩn trương chỉ đạo thực hiện lộ trình để học sinh trở lại trường học tại những nơi an toàn.
Thủ tướng mong muốn các cấp công đoàn, công nhân, người lao động và các doanh nghiệp tích cực, phát huy tối đa tính chủ động, sáng tạo, nâng cao tính tự chủ, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống dịch để góp phần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo, thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Nguyễn Đình Khang đã trân trọng cảm ơn Thủ tướng, Chính phủ đã đánh giá, ghi nhận những hoạt động của NLĐ, tổ chức công đoàn và chia sẻ khó khăn, gian khó của NLĐ, DN, tổ chức công đoàn trong thời gian qua.
Chủ tịch Tổng LĐLĐVN xin tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và góp ý, hỗ trợ của các bộ, ban ngành để triển khai tốt quy chế phối hợp giữa Chính phủ và Tổng LĐLĐVN.
Trong thời gian tới, các cấp công đoàn mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo, hỗ trợ của Thủ tướng, Chính phủ để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ nhằm xây dựng giai cấp CNLĐ ngày càng lớn mạnh…
VIỆT LÂM
Báo Lao động Online