Atrás
Công đoàn Sóc Trăng tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho đoàn viên, người lao động
Ngày 24.5, tại Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp giữa Viện An toàn vệ sinh lao động tổ chức hội nghị huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động năm 2024.

Đến dự, có đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng; Tiến Sỹ Nguyễn Anh Thơ - Uỷ viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Viện trưởng, Viện An toàn Vệ sinh Lao động.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh phát biểu chỉ đạo hội nghị

Tại hội nghị, các giảng viên đã thông tin, hướng dẫn về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; Kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa; Sơ cấp cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; Phân tích, đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp; xây dựng hệ thống quản lý về an toàn, vệ sinh lao động; Xây dựng nội quy, quy chế, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phòng, chống cháy nổ trong cơ sở lao động;

Công tác kiểm định, huấn luyện và quan trắc môi trường lao động; quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động; hoạt động thông tin, tuyên truyền về an toàn, vệ sinh lao động; Chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người lao động; Chăm sóc sức khỏe toàn diện, giảm căng thẳng tại nơi làm việc,…

Giảng viên trình bày về các nội dung huấn luyện ATVSLĐ 

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn cho biết hội nghị nhằm trang bị cho cán bộ, đoàn viên, người lao động về kiến thức pháp luật, nghiệp vụ để tham gia cùng người sử dụng lao động của doanh nghiệp xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch An toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc được thiết thực, có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa các sự cố, rũi ro, có thể dẫn đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ của người lao động và cơ sở, vật chất của doanh nghiệp.

Trước thực trạng yêu cầu về huấn luyện an toàn vệ sinh lao động của các doanh nghiệp, mà ở địa phương chưa có tổ chức, đơn vị đơn vị nào đủ năng lực tổ chức huấn luyện, việc ký chương trình phối hợp lần này cũng nhằm để tháo gỡ khó khăn trên, thiết thực đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp. Sau đợt tập huấn này, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và Viện An toàn vệ sinh lao động sẽ mở các khoá huấn luyện tiếp theo, và huấn luyện tất cả các nhóm đối tượng theo quy định tại Nghị định 44/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết thêm.

ANH KHOA


Atrás
Quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống cho đoàn viên, người lao động
Thời gian qua, Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đã tập trung triển khai các hoạt động công đoàn theo hướng hiệu quả, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng và phù hợp điều kiện thực tế của địa phương. Từ đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên công đoàn, người lao động, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Tú có 71 công đoàn cơ sở với trên 2.000 đoàn viên. Theo đồng chí Võ Hồng Tha - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Tú, Liên đoàn Lao động huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của công đoàn cơ sở, thường xuyên triển khai thực hiện các hoạt động hướng về cơ sở và vì lợi ích của đoàn viên, người lao động. Qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của công đoàn các cấp, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

Các cấp công đoàn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) luôn quan tâm chăm lo, nâng cao đời sống cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: TẤN PHÁT

Xác định công tác chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức, lao động là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Tú đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trong đó đã tập trung phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động chăm lo đời sống cho đoàn viên, công nhân viên chức, lao động trong dịp lễ, Tết; thực hiện nghị quyết về chất lượng bữa ăn ca cho người lao động; hỗ trợ mái ấm công đoàn; thực hiện các chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn... Kết quả, trong năm 2024, các cấp công đoàn trong huyện đã tặng trên 2.300 phần quà cho đoàn viên, công đoàn, người lao động; 100% doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động mức dao động từ 22.000 - 25.000 đồng/người/ngày; vận động quỹ Mái ấm công đoàn được trên 160 triệu đồng, hỗ trợ 6 mái ấm công đoàn cho đoàn viên. Trong dịp tết Nguyên đán năm 2025, Liên đoàn Lao động huyện đã trao trên 200 phần quà cho đoàn viên, người lao động bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ 50 đoàn viên tham gia Chợ Tết công đoàn qua sàn giao dịch điện tử; các công đoàn cơ sở đã tặng trên 2.000 phần quà cho đoàn viên, công chức, viên chức, lao động với kinh phí trên 600 triệu đồng.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn huyện Mỹ Tú đã chú trọng tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, qua đó đã tuyên truyền được 71/71 cuộc với gần 2.000 đoàn viên, công nhân viên chức, lao động khu vực nhà nước và 35 đoàn viên, công nhân, lao động khu vực ngoài nhà nước tham dự. Đồng thời, Liên đoàn Lao động huyện cũng tích cực chỉ đạo các công đoàn cơ sở tuyên truyền các cuộc thi do các cấp phát động như: Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư, cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật, Cuộc thi trực tuyến công nhân viên chức, lao động tìm hiểu về công tác an toàn, vệ sinh lao động, cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2023 - 2028... qua đó thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia.


Nhiều mô hình được Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) triển khai tại các công đoàn cơ sở đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Ảnh: TẤN PHÁT

Ngoài ra, các công đoàn cơ sở trong huyện tích cực phát động nhiều phong trào thi đua, vận động đoàn viên, người lao động tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo, Liên đoàn Lao động huyện đã xây dựng và triển khai xây dựng nhiều mô hình tại các công đoàn cơ sở như: mô hình Dịch vụ công trực tuyến, Thanh toán không dùng tiền mặt, Cuộc họp không giấy, Gây quỹ an sinh xã hội và mô hình Trồng rau sạch phục vụ bếp ăn nhà trẻ tại 9 công đoàn cơ sở trường mầm non trên địa bàn huyện. Từ các mô hình đã góp phần nâng cao chất lượng cải cách hành chính tại các xã, thị trấn, hỗ trợ thêm các suất ăn cho trẻ tại các trường mầm non.

Đồng chí Trần Phi Hùng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở xã Long Hưng cho biết: “Công đoàn cơ sở xã Long Hưng có 28 đoàn viên. Thời gian qua, công đoàn đã tập trung thực hiện tốt các hoạt động công đoàn. Trong đó, quan tâm, chăm lo đời sống đoàn viên, thường xuyên tổ chức tặng quà cho đoàn viên vào các dịp lễ, Tết. Công đoàn còn xây dựng mô hình Dịch vụ công trực tuyến, qua đó đã hỗ trợ người dân nộp trên 1.000 hồ sơ trực tuyến”.

Với nhiều kết quả nổi bật trong tổ chức triển khai các hoạt động công đoàn, các cấp công đoàn huyện Mỹ Tú đã phát huy được vai trò là chỗ dựa tin cậy, cầu nối giữa đoàn viên, người lao động với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tại địa phương. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi để đoàn viên, người lao động được yên tâm công tác, lao động, sản xuất và đóng góp công sức xây dựng địa phương ngày càng phát triển.

TẤN PHÁT


Atrás
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5-2020 người lao động nên biết
Từ tháng 5-2020, nhiều chính sách lao động mới sẽ chính thức có hiệu lực và người lao động cần nắm rõ.

           Doanh nghiệp đưa người lao động đi nước ngoài phải có vốn pháp định 5 tỉ đồng

           Có hiệu lực từ ngày 20-5-2020, Nghị định 38/2020/NĐ-CP ban hành ngày ngày 3-4-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó nêu rõ điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

            Cụ thể, doanh nghiệp (DN) hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài (doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty CP và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn: Vốn pháp định không thấp hơn 5 tỷ Việt Nam đồng; có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.

               Theo Nghị định, DN dịch vụ phải có Đề án hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Nội dung của Đề án hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, được thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này.

               Thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc
Quyết định số 12/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2020 đến khi Luật NLĐViệt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành.

              Theo đó, NLĐ trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt Hợp đồng lao động. Mức tiền ký quỹ là 100 triệu đồng.

               Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS với Trung tâm Lao động ngoài nước, NLĐ thực hiện ký quỹ tại Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn nơi NLĐ đăng ký thường trú. Thời hạn ký quỹ là 5 năm 6 tháng.
             Cấm lao động Việt Nam ra nước ngoài hành nghề massage

         Nghị định 38/2020/NĐ-CP của Chính phủ Quy định “Chi tiết thi hành một số điều của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20-5.

            Theo đó, lao động Việt Nam không được ra nước ngoài làm nghề massage tại các nhà hàng, khách sạn trung tâm giải trí...; công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu, kim loại độc hại.

           NLĐ cũng không được xuất ngoại làm các công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ; công việc sản xuất, bao gói phải tiếp xúc thường xuyên với các hóa chất độc hại; công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập; công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng biển); công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.
Nghị dịnh cũng nêu rõ: Nghiêm cấm NLĐ đi việc ở nước ngoài tại khu vực đang có chiến sự hoặc đang có nguy cơ xảy ra chiến sự, khu vực đang bị nhiễm xạ, khu vực bị nhiễm độc, khu vực đang có dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

         Nguồn: https://nld.com.vn/chinh-sach/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-5-2020-nguoi-lao-dong-nen-biet-20200507082508259.htm

A.Chi


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập