Zurück
12 giáo viên vui mừng sinh sống trong nhà tập thể mới
12 giáo viên thuộc công đoàn cơ sở Trường THPT An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) vui mừng khi nhà tập thể vừa được sửa chữa khang trang.

Chiều ngày 13.8, tại xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Trường Trung học phổ thông An Thạnh 3 tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình sửa chữa nhà ở tập thể của Công đoàn cơ sở Trường Trung học phổ thông An Thạnh 3.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Lê Trọng Nguyên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, Huyện ủy Cù Lao Dung dự nghiệm thu bàn giao nhà ở tập thể cho giáo viên.

Nhà ở tập thể của Trường THPT An Thạnh 3 được đưa vào sử dụng cuối năm 2009 với diện tích 300m², có 6 phòng với 12 giáo viên sinh sống. Qua thời gian sử dụng, nhà tập thể bị xuống cấp, phần máy tôn bị rỉ sét, dột và một số cây xà gỗ bị mục, không đảm bảo an toàn cho giáo viên vào mùa mưa.

LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Mái ấm Công đoàn, đơn vị chủ quản hỗ trợ 5 triệu đồng, đoàn viên Công đoàn của nhà trường đóng góp 15 triệu đồng để sửa chữa nhà tập thể.

Đến nay công trình đã hoàn tất, đem lại niềm vui cho tập thể giáo viên, giúp thầy, cô giáo có nơi ở chu đáo để an tâm công tác, giảng dạy trước thềm năm học mới.

ANH KHOA


Zurück
Hội thảo chuyên đề Giải pháp thực hiện hiệu quả nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển”
Sáng ngày 09/01/2025, tại Trung tâm Hội nghị Toàn Thịnh, Công đoàn ngành Giáo dục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo chuyên đề Giải pháp thực hiện hiệu quả nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển”.

Đến dự và chủ toạ Hội thảo cáo các đồng chí: Châu Tuấn Hồng, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo; Nguyễn Văn Hoá, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục; Lâm Thị Thiên Lan, Trưởng Phòng TCCB Sở Giáo dục và Đào tạo. Tham dự Hội thảo có trên 170 cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn trong ngành, gồm: Lãnh đạo các phòng chuyên môn thuộc Sở GDĐT; lãnh đạo Phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Sở GDĐT; Chủ tịch các công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục; tổ trưởng chuyên môn, tổ trưởng tổ công đoàn các đơn vị trực thuộc.

Đồng chí Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo có 29 báo cáo tham luận xoay quanh 02 chủ đề chính: Nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; nhóm nhà giáo cùng xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần. Các báo cáo tham luận chia sẻ nhiều cách làm hay, có hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, như: Sự hợp tác, chia sẻ cùng thực hiện tốt công tác chủ nhiệm lớp; sự phối hợp, động viên, hỗ trợ lẫn nhau giữa các nhà giáo, trong các hoạt động giáo dục, công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học,… hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, giáo dục kỹ năng sống; sự hỗ trợ với nhau trong công tác bồi dưỡng thường xuyên, góp phần hình thành và phát triển đội ngũ nhà giáo có chuyên môn vững vàng, có đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp; việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong nhà trường, xây dựng trường học hạnh phúc; xây dựng tổ chuyên môn, tổ công đoàn đoàn kết, tương thân tương ái, chia sẻ, giúp nhau trong cuộc sống; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá - thể thao…
Các ý kiến phát biểu tham luận, thảo luận tại Hội thảo cũng chia sẻ, làm rõ thêm nhiều vấn đề như: Xây dựng Cộng đồng phát triển chuyên môn ở trường phổ thông - Những kỳ vọng và thách thức từ góc nhìn văn hoá; tăng cường hoạt động giao lưu liên trường của tổ chuyên môn; vai trò kết nối giữa các nhà giáo trong việc thực hiện thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn, công tác công đoàn…
Hội thảo đã góp phần chia sẻ, thúc đẩy hoạt động nhóm “Nhà giáo cùng nhau phát triển”; giúp cho cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình.

Công đoàn ngành Giáo dục

                                                                


Zurück
Trợ cấp nhà giáo nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 14/2020/NĐ-CP quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu.

Một giáo viên 12 năm dạy học miễn phí cho học sinh nghèo ở huyện miền núi Nghệ An.

          Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15.3.2020.
          Theo Nghị định này, đối tượng áp dụng là giáo viên, giảng viên, cô nuôi dạy trẻ, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm nhà trẻ; Giám đốc, phó giám đốc; trưởng khoa, phó trưởng khoa; chủ nhiệm khoa, phó chủ nhiệm khoa; trưởng ban, phó trưởng ban; trưởng phòng, phó trưởng phòng.
           Những người này nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành; Hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ 1.1.1994 đến 31.5.2011 tại các cơ sở giáo dục công lập sau:
         Cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, giáo dục thường xuyên; các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
          Nhà giáo nghỉ hưu khi đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục hoặc nghỉ chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và được bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.1994 đến 31.5.2011 tại cơ sở giáo dục bán công.
            Song họ trước đó được điều động từ các cơ sở giáo dục công lập hoặc tại cơ sở giáo dục bán công do cấp có thẩm quyền chuyển đổi từ cơ sở giáo dục công lập và được xếp lương theo bảng lương của ngạch viên chức ngành Giáo dục.
           Nhà giáo làm công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập được cấp có thẩm quyền cử làm chuyên gia giáo dục ở ngoài nước, khi hết thời gian làm chuyên gia về nước thì nghỉ hưu ngay.
          Nhà giáo nghỉ hưu có thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong mà chưa hưởng các chế độ, chính sách của nhà nước dành cho thanh niên xung phong; nhà giáo là quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu sau đó chuyển ngành về công tác giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập khi nghỉ hưu là giáo viên, giảng viên trong lương hưu có phụ cấp thâm niên lực lượng vũ trang nhưng không có phụ cấp thâm niên nhà giáo.
          Nghị định cũng quy định, những nhà giáo trên được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ các điều kiện: Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng BHXH từ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên; nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.1994 đến 31.5.2011; đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1.1.2012. Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật BHXH thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.
            Mức trợ cấp một lần bằng tiền, được tính bằng (lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp. Trong đó, lương hưu tháng là mức lương hưu của tháng tại thời điểm Nghị định có hiệu lực thi hành.
          Số năm được tính trợ cấp là tổng thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành trong các cơ sở giáo dục, thời gian tham gia giảng dạy ở các lớp học được tổ chức tại các đơn vị thanh niên xung phong, nếu không liên tục thì được cộng dồn, không gồm thời gian đã hưởng phụ cấp thâm niên của lực lượng vũ trang và phụ cấp thâm niên của các ngành khác (nếu có) trong lương hưu. Tháng lẻ từ 3 đến 6 tháng được tính tròn là nửa năm; từ trên 6 tháng đến dưới 12 tháng được tính tròn 1 năm.
        Trường hợp nhà giáo đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định, chưa được giải quyết chế độ mà từ trần từ ngày 1.1.2012 trở về sau thì đại diện theo ủy quyền của thân nhân người từ trần (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, con đẻ, con nuôi của người từ trần) làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định. Người đại diện theo ủy quyền của thân nhân nhà giáo đã từ trần chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và khoản tiền trợ cấp nhận được.
          Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan BHXH huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của người đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo quy định, cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết và chi trả trợ cấp cho người được hưởng. Trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

MAI HƯỜNG (BÁO LAO ĐỘNG)

Nguồn:http://www.congdoan.vn/tin-tuc/cong-nhan-360-500/tro-cap-nha-giao-nghi-huu-chua-duoc-huong-che-do-phu-cap-tham-nien-495228.tld 


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập