Thành lập thêm 1 công đoàn cơ sở tại Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh
Chiều ngày 20.7, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị thành lập CĐCS Công ty TNHH Châu Thành Phát, chỉ định Ban Chấp hành lâm thời và kết nạp 10 lao động vào tổ chức Công đoàn.
Ông Nguyễn Hà Phan - Giám đốc Công ty TNHH Châu Thành Phát cho biết đơn vị có 20 lao động, chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp An Nghiệp. Việc thành lập CĐCS có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ.
Công đoàn Các KCN tỉnh Sóc Trăng thành lập CĐCS Công ty TNHH Châu Thành Phát.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Tấn Phong - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh đề nghị Ban Chấp hành lâm thời làm tốt công tác tham mưu với Ban Giám đốc quan tâm các chế độ, chính sách cho NLĐ; cải thiện điều kiện, môi trường làm việc theo hướng an toàn, thân thiện; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Được biết trong 6 tháng đầu năm 2024, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã phát triển 476 đoàn viên, có 30 CĐCS trực thuộc với 22.768 đoàn viên/24.215 CNVCLĐ.
PHƯƠNG ANH
Đoàn viên Công đoàn với niềm đam mê thiện nguyện
Chia sẻ về cơ duyên đến với công tác thiện nguyện, Trịnh Lập Đức (sinh năm 1992 ở phường 7, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) cho biết, trong những năm học Đại học ở TP Cần Thơ, nhiều lúc không tiền, Đức vào chùa làm công quả rồi ở lại ăn cơm hoặc ăn tại quán cơm từ thiện. Từ đó, Đức có ước nguyện khi cuộc sống ổn định sẽ làm từ thiện để trả ơn đời.
Đoàn viên Trịnh Lập Đức phối hợp với MTTQ TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) tổ chức buổi cơm và tặng quà cho các cụ già neo đơn.
Năm 2014, sau khi tốt nghiệp Đại học, Đức xin vào làm tại Nhà máy Thủy sản Tin An thuộc Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (tỉnh Sóc Trăng) với mức thu nhập ổn định. Cũng từ đó, Trịnh Lập Đức có điều kiện thực hiện ước muốn giúp người, giúp đời.
“Tôi từng chứng kiến những cụ già bán vé số, người neo đơn, người bệnh không có tiền điều trị, nhiều em học sinh vì hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục con đường học vấn. Thậm chí có những hộ nghèo khi từ trần không có quan tài để chôn cất. Tôi luôn trăn trở mình còn trẻ, còn sức khỏe phải giúp cho những hoàn cảnh đó nhằm giảm bớt khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo cho địa phương”, Đức nói.
Thông qua mạng xã hội, người thân, bạn bè, Trịnh Lập Đức làm cầu nối để kêu gọi giúp đỡ những cảnh đời khó khăn, yếu thế. Năm 2017, Đức lập nhóm "Người gieo duyên" gồm 35 thành viên và mở rộng hoạt động với nhiều chương trình thiết thực.
Hiện nay, mỗi tháng được nghỉ 4 ngày phép là Trịnh Lập Đức tập trung cho những chuyến đi thiện nguyện lớn. Còn mỗi buổi chiều sau khi tan giờ làm thì đi hỗ trợ những trường hợp khó khăn.
“Mỗi phần quà tuy nhỏ nhưng nhìn nụ cười của những người được nhận, tôi cảm thấy cuộc sống này có ý nghĩa hơn”, Đức nói.
Trịnh Lập Đức thông tin, thời gian qua, Đức liên kết với Hội Khuyến học huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) và Hội Chữ thập đỏ các xã, thị trấn trên địa bàn tìm kiếm những mảnh đời bất hạnh để giúp đỡ. Khi đi trao tặng đều ghi lại địa chỉ, số tiền, hình ảnh để gửi cho các mạnh thường quân. Từ đó tạo uy tín nên mọi người gần xa tin tưởng và gửi gắm tình cảm nhiều hơn.
Đoàn viên Trịnh Lập Đức (giữa) thường xuyên giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Qua 10 năm thiện nguyện đã có hàng nghìn trường hợp được giúp đỡ mai táng phí, hỗ trợ bệnh nhân nghèo nhu yếu phẩm, học sinh nghèo được hỗ trợ tập sách viết... Chỉ tính riêng năm 2023-2024, Trịnh Lập Đức đã kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ với số tiền trên 2,3 tỉ đồng.
Em Lý Hoàng Nghiệp - Trường THCS Thuận Hòa (huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng) - cho biết, mẹ bệnh nặng, mọi chi phí đều dành để điều trị bệnh nên không còn khả năng cho em đi học. Biết được thông tin, anh Trịnh Lập Đức cùng Hội Khuyến học huyện đến nhà động viên và kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ học bổng 22 triệu đồng để em có điều kiện tiếp tục đến trường.
“Nếu không có sự hỗ trợ thì em không thể đi học như bây giờ”, em Nghiệp xúc động nói.
Trịnh Lập Đức cho biết, năm 2022, Đức mở quán cơm chay Tình Người Sóc Trăng tại đường Ngô Gia Tự, Phường 6, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Quán hoạt động vào thứ Tư và Chủ nhật hằng tuần, mỗi ngày từ 500 - 1.000 suất phục vụ bà con khó khăn.
“Ban đầu, mình dự định tặng cơm miễn phí nhưng sợ nhiều người ngại không đến ăn nên quyết định lấy giá tượng trưng 2.000 đồng/phần. Bà con nào không có tiền luôn được đón tiếp, phục vụ chu đáo”, Đức vui vẻ nói.
Với tấm lòng thiện nguyện, nhiều năm liền, đoàn viên Công đoàn Trịnh Lập Đức được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng tặng bằng khen; được biểu dương gương điển hình tiên tiến.
ANH KHOA

Công đoàn với công tác vận động nữ công nhân viên chức lao động: Nơi lao động nữ tìm đến mỗi khi gặp khó khăn
Trước thềm kỷ niệm 110 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8.3.1910 - 8.3.2020) và 1980 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Báo Lao Động đã phỏng vấn bà Trịnh Thanh Hằng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng LĐLĐVN.
Bà Trịnh Thanh Hằng (thứ hai, trái qua) thăm hỏi nữ công nhân lao động tại dây chuyền sản xuất. Ảnh: N.C
Ngoài những nhiệm vụ mang tính giới thì nữ công Công đoàn (CĐ) đã thực hiện chăm lo, đại diện, bảo vệ cho LĐ nữ như thế nào, thưa bà?
- Một trong những kết quả nổi bật của hoạt động nữ công CĐ các cấp thời gian qua là tham mưu Ban chấp hành (BCH) CĐ cùng cấp thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ), đoàn viên CĐ.
Năm 2019, các cấp CĐ đã thành lập mới 2.475 Ban nữ công quần chúng khu vực nhà nước, đạt 110% chỉ tiêu năm 2019; thành lập 3.551 ban nữ công quần chúng khu vực ngoài nhà nước, đạt 85% chỉ tiêu của năm 2019. Mặc dù các ủy viên Ban nữ công quần chúng đều hoạt động kiêm nhiệm nhưng luôn gần gũi, sâu sát, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của LĐ nữ, từ đó cùng Ban nữ công chủ động tham mưu BCH CĐ cùng cấp đề xuất với người sử dụng LĐ những chính sách có lợi hơn so với quy định của pháp luật cho LĐ nữ.
Phối hợp tham gia sắp xếp LĐ phù hợp với trình độ chuyên môn, tay nghề, sức khỏe và hoàn cảnh gia đình nữ CNVLĐ. Tham mưu xây dựng kế hoạch, phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách liên quan đến LĐ nữ.
Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa quan tâm đến nữ CNVCLĐ được duy trì và đạt hiệu quả như thương lượng với chủ sử dụng LĐ hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho con CNLĐ; duy trì thực hiện có hiệu quả mô hình “Phòng vắt trữ sữa” hỗ trợ LĐ nữ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc; mô hình “Sức khỏe của bạn” tư vấn cho người lao động (NLĐ), nhất là LĐ nữ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục... hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình, xây mới và sửa chữa nhà Mái ấm CĐ...
Bên cạnh đó, từ thực tế công việc hằng ngày, các cán bộ nữ công CĐ đã có những ý kiến mang giá trị thực tiễn cao tham gia đóng góp ý kiến vào các nội dung chính sách quy định dành cho LĐ nữ trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Đến nay, Bộ luật Lao động 2019 đã được thông qua, cán bộ nữ công CĐ đã và đang tiếp tục từ thực tiễn để có những đóng góp xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành những quy định riêng đối với LĐ nữ và bình đẳng giới nhằm đảm bảo tốt hơn bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của LĐ nam và LĐ nữ trong công việc và trong gia đình.
Qua các hoạt động thiết thực đó, các cán bộ nữ công CĐ và Ban nữ công quần chúng, nhất là các Ban nữ công quần chúng khu vực ngoài nhà nước thực sự là nơi tìm đến mỗi khi gặp khó khăn của LĐ nữ, đồng thời củng cố niềm tin của doanh nghiệp đối với tổ chức CĐ.
Thưa bà, trong môi trường làm việc với yêu cầu ngày càng cao về mọi mặt trong mọi lĩnh vực, Nữ công CĐ đã làm gì để giúp nữ CNVCLĐ khẳng định mình?
- Để giúp nữ CNVCLĐ khẳng định được mình, Ban Nữ công CĐ các cấp chú trọng tham mưu tổ chức và vận động nữ CNVCLĐ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Đặc biệt, nội dung, tiêu chí thi đua được cụ thể hóa phù hợp với từng ngành nghề, địa phương nên đã thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia.
Một trong số đó là phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Đây là phong trào thi đua lớn, được phát động từ năm 1989 đến nay đã được đổi mới, cụ thể hóa theo từng giai đoạn, thời gian để phù hợp, tạo động lực cho chị em tham gia cống hiến tài năng, trí tuệ. Hằng năm, cả nước luôn có trên 80% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đồng thời xuất hiện nhiều cá nhân được nhận các danh hiệu chiến sĩ thi đua, nữ CNVCLĐ lao động tiêu biểu, Bằng lao động sáng tạo, giải thưởng Tài năng sáng tạo nữ, giải thưởng Kovalevskaya...
Để khích lệ chị em khẳng định mình, Ban Nữ công CĐ các cấp cũng đã vận động nữ CNVCLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập trong nữ CNVCLĐ. Bên cạnh đó, Ban Nữ công CĐ các cấp phối hợp với chuyên môn động viên, khuyến khích, tạo điều kiện về thời gian, kinh phí đào tạo để LĐ nữ tự học tập cũng như tham gia các loại hình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung, nhân lực nữ nói riêng.
- Xin cảm ơn bà.
Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/noi-lao-dong-nu-tim-den-moi-khi-gap-kho-khan-788135.ldo
THU TRÀ THỰC HIỆN (BÁO LAO ĐỘNG)
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
Những điều cần biết để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp do Virút Corona mới | 26/02/2020 |
Trợ cấp nhà giáo nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên | 12/02/2020 |
WHO và Bộ Y tế khuyến cáo người dân phòng, chống dịch bệnh viên đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút nCoV | 31/01/2020 |
5 Quy định Lương - Thưởng Tết của người lao động | 16/01/2020 |
Tăng quyền thụ hưởng cho đoàn viên, người lao động. | 10/01/2020 |
Infographic: Những chính sách có hiệu lực từ tháng 12.2019 | 04/12/2019 |
Cấp thẻ Bảo hiểm y tế điện tử | 28/11/2019 |
"Cài APP CSKH ngay trúng quà tặng liền tay" | 27/11/2019 |