Chăm lo thiết thực cho người lao động
Năm 2024 là năm thứ 13, Tháng Công nhân được tổ chức theo Thông báo số 77-TB/TW, ngày 24/2/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng kết luận lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân”. Qua mỗi năm, hoạt động của Tháng Công nhân ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và thiết thực hơn.
Một trong những điểm nhấn trong Tháng Công nhân năm nay là Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV giữa đại biểu Quốc hội tỉnh với công nhân lao động. Tại đây, nhiều công nhân lao động bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh có thêm giải pháp hiệu quả nhằm thu hút đầu tư, định hướng phát triển thị trường mới, giúp doanh nghiệp phát triển, việc làm, thu nhập của người lao động được ổn định. Đồng thời mong muốn tỉnh triển khai xây dựng và sớm đưa vào sử dụng khu nhà ở Thiết chế Công đoàn, phục vụ nhu cầu nhà ở của người lao động thu nhập thấp và các chính sách an sinh xã hội khác. Những ý kiến, kiến nghị đó đã được đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng ghi nhận, tổng hợp gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương xem xét, giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 5 từ trái sang) cùng lãnh đạo HĐND tỉnh tặng quà cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Qua các năm tổ chức, Tháng Công nhân thực sự đã trở thành đợt cao điểm để chăm lo cho người lao động. Năm nay là năm đầu tiên các cấp công đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh và nghị quyết đại hội công đoàn các cấp. Nội dung này đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn làm chủ đề hoạt động của Tháng Công nhân năm 2024 là “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” và các cấp công đoàn tỉnh đã cụ thể hóa thành các hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Các hoạt động trong Tháng Công nhân năm nay đều hướng về đoàn viên, người lao động, nhất là các hoạt động chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn.
Tại Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã tặng 106 phần quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đoàn viên có người thân mắc bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền 88 triệu đồng; trao bảng tượng trưng 18 căn nhà mái ấm công đoàn trị giá 870 triệu đồng cho đoàn viên bức xúc về nhà ở. Đặc biệt là Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn và lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh đã đến thăm đoàn viên, người lao động tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tuntex Sóc Trăng Việt Nam và trao 30 suất quà với tổng trị giá 30 triệu đồng. Các cấp công đoàn trong tỉnh cũng tổ chức đi thăm, tặng 1.307 quà cho đoàn viên, người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 477 triệu đồng… Qua đó đã góp phần chăm lo và động viên tinh thần cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục nỗ lực cùng doanh nghiệp trong lao động sản xuất.
Cùng với đó, các hoạt động khám chuyên khoa phụ sản cho nữ đoàn viên, công nhân lao động đã được Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng duy trì thực hiện. Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động, các cấp công đoàn trong tỉnh còn lồng ghép tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tạo không khí vui tươi, sôi nổi tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong tháng 5 đã có nhiều hoạt động được công đoàn cơ sở tổ chức thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia như: Hội thao “Khỏe để lao động”, thi ném bi sắt, chạy bộ... Thông qua các hoạt động đã góp phần đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe của đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.
Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là vấn đề quan trọng của tổ chức công đoàn. Trong tháng 5 năm nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức Hội nghị phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở năm 2024 nhằm thảo luận, phân tích, đánh giá về công tác phát triển đoàn viên. Qua đó quyết tâm trong năm 2024, Công đoàn tỉnh Sóc Trăng cần phát triển thêm 2.500 đoàn viên; phấn đấu thành lập 100% công đoàn cơ sở khi đủ điều kiện, trong đó có 5 công đoàn cơ sở có từ 25 lao động trở lên; thành lập ít nhất 3 nghiệp đoàn cơ sở ở khu vực phi chính thức.
Tất cả các hoạt động trong Tháng Công nhân mà công đoàn các cấp thực hiện trong năm nay không chỉ thu hút đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh nhiệt tình tham gia mà còn nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, hướng đến chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống của người lao động. Theo đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, trong Tháng Công nhân năm nay, hầu hết các hoạt động đều tập trung hướng về cơ sở, đoàn viên và người lao động với những nội dung thiết thực. Đặc biệt là những hoạt động chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên, người lao động, nhiều chương trình phúc lợi, các thỏa thuận hợp tác với nội dung thiết thực đã được ký mới. Hoạt động hỗ trợ mái ấm công đoàn cũng được các cấp công đoàn khảo sát, cất mới và kịp thời bàn giao cho đoàn viên trước mùa mưa. Từ đó cho thấy nghị quyết của đại hội công đoàn đã được các cấp công đoàn từng bước cụ thể hóa thành nội dung thiết thực, đi vào thực tiễn cuộc sống của đoàn viên, người lao động.
HẢI HÀ - BÁO SÓC TRĂNG
Nghiệp đoàn xe ôm tham gia phòng, chống tội phạm
Cung cấp cho công an nhiều thông tin giá trị
Năm 2018, Nghiệp đoàn xe Honda tham gia phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) được thành lập với trên 100 thành viên là người lao động hành nghề xe ôm chở khách.
Từ khi đi vào hoạt động, các thành viên đã thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong khi hành nghề xe ôm. Đặc biệt các thành viên đã cung cấp cho Công an phường 1 (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) 33 nguồn tin có giá trị, phục vụ bắt quả tang, đấu tranh triệt xóa 6 điểm tệ nạn xã hội, bắt quả tang 32 đối tượng để xử lý vi phạm hành chính theo quy định, tham gia bảo vệ hiện trường 8 vụ tai nạn, va chạm giao thông, sử dụng phương tiện xe Honda đưa 17 người bị thương đi bệnh viện kịp thời.
Vào tháng 7.2024, LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đã phối hợp với Đảng ủy, UBND phường 1 tổ chức ra mắt mô hình Tổ xe ôm chất lượng cao trên cơ sở Nghiệp đoàn xe Honda trước đây. Các thành viên của Tổ xe ôm được trang bị đồng phục áo, nón bảo hiểm, in danh thiếp gửi đến khách hàng. Tổ trưởng, Tổ phó có trách nhiệm tiếp nhận thông tin hành khách, thỏa thuận giá cả và phân công thành viên đưa đón hành khách đảm bảo an toàn, trách nhiệm và hiệu quả.
LĐLĐ huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) ra mắt Nghiệp đoàn xe ôm phòng, chống tội phạm với 35 thành viên. Ảnh: Phương Anh
Ông Nguyễn Thanh Long - Tổ trưởng Tổ xe ôm chất lượng cao - cho biết, ngoài chở khách, các thành viên còn tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm bằng việc quan sát những đối tượng lạ mặt, biểu hiện nghi vấn để cung cấp thông tin cho Công an phường 1.
Qua 2 tháng đi vào hoạt động đã có hàng trăm lượt người liên hệ để di chuyển trong và ngoài thị xã. Các thành viên cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho ngành chức năng trên địa bàn trong công tác phòng, chống tội phạm.
Góp phần ổn định an ninh trật tự
Theo đồng chí Phạm Thị Hương - Chủ tịch LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), trên địa bàn thị xã hiện nay có trên 800 đoàn viên khu vực phi chính thức, phần lớn đều khó khăn, việc thành lập mô hình này là bước đầu để thay đổi phương thức chăm lo cho đoàn viên, người lao động có điều kiện phát triển, thay đổi cuộc sống của mình và gia đình.
“Lực lượng đoàn viên đang sinh hoạt tại các Nghiệp đoàn gần gũi nhất với quần chúng nhân dân, do đó khi làm tốt công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động sẽ góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương” - đồng chí Hương nói.
Cũng theo lãnh đạo LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), Tổ xe ôm họp định kỳ 2 lần/tháng. Trong các buổi họp đều có lực lượng Công an địa phương và đại diện LĐLĐ thị xã tham dự. Qua đó kịp thời có những góp ý giúp cho hoạt động của Tổ được đi vào nền nếp, giúp đăng thông tin trên các nền tảng để bà con được biết và liên hệ.
Vừa qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại thị xã Vĩnh Châu đã triển khai nguồn vay vốn để giúp đỡ cho 12 tổ viên được mua sắm phương tiện phục vụ nghề chạy xe ôm phù hợp với tình hình mới và phục vụ người dân được tốt hơn.
Theo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, LĐLĐ huyện Long Phú và huyện Thạnh Trị cũng đã thành lập 2 Nghiệp đoàn xe ôm phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội với gần 100 thành viên tham gia.
Đồng chí Lâm Quang Toản - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thạnh Trị - cho biết, việc xây dựng mô hình Nghiệp đoàn xe ôm phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội nhằm hỗ trợ đoàn viên khu vực phi chính thức có điều kiện phát triển, thay đổi cuộc sống của mình và gia đình. Đồng thời, nâng cao chất lượng sinh hoạt của Ban chấp hành Nghiệp đoàn, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thu đoàn phí công đoàn để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.
PHƯƠNG ANH

Điểm mới về tiền lương, thưởng mà NLĐ cần phải biết
1. Người sử dụng lao động (NSDLĐ) không được ép người lao động (NLĐ) dùng lương mua hàng hóa, dịch vụ của mình/đơn vị khác (Khoản 2 Điều 94)
NSDLĐ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ. Trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp thì NSDLĐ có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp.
NSDLĐ không được:
- Hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của NLĐ.
- Ép buộc NLĐ chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của NSDLĐ hoặc của đơn vị khác mà NSDLĐ chỉ định.
2. NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho NLĐ vào mỗi lần trả lương (Điều 95)
NSDLĐ trả lương cho NLĐ căn cứ vào tiền lương đã thỏa thuận, năng suất lao động và chất lượng thực hiện công việc.
Mỗi lần trả lương, NSDLĐ phải thông báo bảng kê trả lương cho NLĐ, trong đó ghi rõ các nội dung sau đây:
- Tiền lương
- Tiền lương làm thêm giờ
- Tiền lương làm việc vào ban đêm
- Nội dung và số tiền bị khấu trừ (nếu có)
3. Điểm mới về lãi suất khi tính tiền đền bù do chậm trả lương cho NLĐ (Điều 94)
Về nguyên tắc, NSDLĐ phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho NLĐ. Trường hợp NLĐ không thể nhận lương trực tiếp thì NSDLĐ có thể trả lương cho người được NLĐ ủy quyền hợp pháp.
Tuy nhiên, trường hợp vì lý do bất khả kháng mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn thì không được chậm quá 30 ngày
Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì NSDLĐ phải đền bù cho NLĐ một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi NSDLĐ mở tài khoản trả lương cho NLĐ công bố tại thời điểm trả lương.
4. NSDLĐ phải chịu chi phí mở tài khoản cho NLĐ nếu trả lương qua ngân hàng (Điều 96)
NSDLĐ và NLĐ thỏa thuận về hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng.
Trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của NLĐ được mở tại ngân hàng thì NSDLĐ phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương.
5. Tiền lương ngừng việc khi NLĐ phải ngừng việc vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của NSDLĐ hoặc do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch họa, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế
Theo Khoản 3 Điều 99 BLLĐ 2019, trong trường hợp này, hai bên thỏa thuận về tiền lương ngừng việc như sau:
- Trường hợp ngừng việc từ 14 ngày làm việc trở xuống thì tiền lương ngừng việc được thỏa thuận không thấp hơn mức lương tối thiểu
- Trường hợp phải ngừng việc trên 14 ngày làm việc thì tiền lương ngừng việc do hai bên thỏa thuận nhưng phải bảo đảm tiền lương ngừng việc trong 14 ngày đầu tiên không thấp hơn mức lương tối thiểu.
(Hiện hành chỉ quy định tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định).
6. Thêm nhiều trường hợp NLĐ được nghỉ việc riêng và hưởng nguyên lương
Cụ thể, theo BLLĐ 2019, NLĐ được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương và phải thông báo với NSDLĐ trong những trường hợp sau đây:
- Kết hôn: nghỉ 3 ngày;
- Con đẻ, con nuôi kết hôn: nghỉ 1 ngày;
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi; cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi chết: nghỉ 3 ngày.
Như vậy, so với quy định hiện hành, Bộ luật Lao động 2019 bổ sung thêm trường hợp cha nuôi, mẹ nuôi; cha nuôi, mẹ nuôi của vợ hoặc chồng chết thì NLĐ được nghỉ 3 ngày và hưởng nguyên lương.
Đồng thời, quy định rõ hơn trường hợp "con đẻ", "con nuôi" kết hôn thì được nghỉ 01 ngày (hiện hành, quy định "con" kết hôn thì nghỉ 01 ngày); "con đẻ", "con nuôi" chết thì được nghỉ 03 ngày (hiện hành quy định "con" chết thì nghỉ 03 ngày).
7. NLĐ được nghỉ 2 ngày dịp Quốc khánh 2/9 và hưởng nguyên lương
Kể từ năm 2021, NLĐ sẽ được nghỉ 02 ngày và hưởng nguyên lương vào dịp lễ Quốc khánh (hiện nay, NLĐ chỉ được nghỉ 01 ngày và hưởng nguyên lương vào ngày 02/9) theo một trong hai phương án sau do Thủ tướng Chính phủ quyết định:
- Phương án 1: Nghỉ vào ngày 1-9 và ngày 2-9.
- Phương án 2: Nghỉ vào ngày 2-9 và ngày 3-9.
8. NLĐ có thể nghỉ việc ngay không cần báo trước nếu không được trả lương đúng hạn
Cụ thể, theo Điểm b Khoản 2 Điều 35 BLLĐ 2019, thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước cho NSDLĐ nếu không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 97 BLLĐ 2019 (hiện hành phải báo trước 3 ngày).
9. Lao động nữ làm công việc nặng nhọc khi mang thai có thể được giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày và hưởng nguyên lương
Khoản 2 Điều 137 BLLĐ 2019 quy định lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai và có thông báo cho NSDLĐ biết thì được NSDLĐ chuyển sang làm công việc nhẹ hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt 01 giờ làm việc hằng ngày mà không bị cắt giảm tiền lương và quyền, lợi ích cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
10. NLĐ được thưởng tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác
Căn cứ quy định tại Điều 104 BLLĐ 2019 thì thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà NSDLĐ thưởng cho NLĐ căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động (Bộ luật lao động hiện hành chỉ quy định về tiền thưởng);
Quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện NLĐ tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Tin, ảnh: A.Chi
Nguồn:https://nld.com.vn/cong-doan/diem-moi-ve-tien-luong-thuong-ma-nld-can-phai-biet-20200817073247807.htm
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
Tổng LĐLĐVN kiểm tra thực hiện Đề án 1780 và Đề án 231 tại ĐBSCL | 25/06/2020 |
Đề xuất nghề giáo viên mầm non là nặng nhọc | 19/06/2020 |
Cảnh báo tình trạng thu gom sổ BHXH của người lao động | 17/06/2020 |
Chính sách mới áp dụng với cán bộ, công chức, viên chức từ 1-7-2020 | 16/06/2020 |
Đoàn viên công đoàn hiểu biết sâu sắc hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh | 19/05/2020 |
Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội - Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó | 08/05/2020 |
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5-2020 người lao động nên biết | 07/05/2020 |
Chia sẻ khó khăn với người lao động bị cắt giảm | 09/04/2020 |