Hướng về cơ sở, chăm lo thiết thực cho người lao động
Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động
Cách đây 95 năm, ngày 28/7/1929, tại Hà Nội, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam chính thức được thành lập. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động. Với ý nghĩa trên, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V (tháng 11/1983) đã thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 - ngày thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Cùng với việc tái lập tỉnh Sóc Trăng vào năm 1992, Công đoàn tỉnh Sóc Trăng cũng được thành lập và đi vào hoạt động. Từ đầu nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 14.411 đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại 400 công đoàn cơ sở trực thuộc, 6 LĐLĐ huyện, thị xã; 6 công đoàn ngành với 49 cán bộ công đoàn chuyên trách. Qua từng giai đoạn phát triển, tổ chức Công đoàn tỉnh đã luôn thực hiện hiệu quả vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ).
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 3 từ phải qua) cùng đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải qua) tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ
Sau 32 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn tỉnh đã có sự lớn mạnh về mọi mặt. Đến nay, toàn tỉnh có 15 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành và tương đương, với hơn 64.000 đoàn viên thuộc 1.102 công đoàn cơ sở. Các phong trào thi đua yêu nước được công đoàn các cấp tập trung đổi mới nội dung, hình thức theo hướng có chất lượng, hiệu quả thiết thực. Công tác chăm lo đời sống, trong CNVCLĐ được các cấp công đoàn triển khai thường xuyên, hướng về cơ sở.
Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp công đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 324 căn nhà “Mái ấm công đoàn” trị giá trên 14 tỷ đồng, vượt 29,6% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ (vượt 74 căn). Các phong trào thi đua đã được các cấp công đoàn tích cực hưởng ứng, với nội dung phong phú, hình thức phù hợp với từng đơn vị. Qua phát động các phong trào thi đua đã có 41.098 giải pháp, sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực; 834 công trình, sản phẩm hoàn thành với tổng trị giá trên 520 tỷ đồng, làm lợi trên 12,4 tỷ đồng. Đặc biệt là, từ năm 2023, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp Quốc hội giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động. Qua đó, đoàn viên, người lao động đã trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và có những kiến nghị, đề xuất từ thực tế lao động, sản xuất đến lãnh đạo các cấp. Các cấp công đoàn còn chủ động tìm đối tác, đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho người lao động.
Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh (thứ 10 từ phải qua) và đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng (thứ 11 từ phải qua) trao quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ
Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá
Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, LĐLĐ tỉnh đã và đang thay đổi phương thức tổ chức, hoạt động nhằm đáp ứng thời cơ và thách thức hiện nay. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” của nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung triển khai thực hiện 3 khâu đột phá gồm: Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, trọng tâm là thương lượng, đối thoại về tiền lương; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, uy tín, trách nhiệm; thực hiện chuyển đổi số trong công tác truyền thông, quản lý đoàn viên và công tác tài chính công đoàn, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.
Cụ thể hơn, LĐLĐ tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đồng thời sơ, tổng kết các chương trình, kế hoạch, các mô hình thi đua triển khai nhân rộng trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn. LĐLĐ tỉnh cũng chọn khâu đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước giỏi về chuyên môn, thạo về kỹ năng quản lý kinh tế, kỹ năng quản trị tại doanh nghiệp, ngoại ngữ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của đoàn viên, người lao động.
Dưới sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (đứng giữa hàng sau) và các đại biểu, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp. Ảnh: HẢI HÀ
Đánh giá về hoạt động Công đoàn trong thời gian qua, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo CNVCLĐ. Trong tổ chức hoạt động luôn hướng về cơ sở và người lao động, kể cả khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn tổ chức linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.
Bằng những việc làm thiết thực và có hiệu quả, tổ chức Công đoàn Sóc Trăng ngày càng được củng cố và phát triển. Đội ngũ công nhân, lao động ngày càng xứng đáng là lực lượng nòng cốt của khối liên minh công - nông - trí thức, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Thành tích đó còn là sự kết tinh của quá trình nỗ lực, rèn luyện liên tục của các thế hệ công nhân, lao động, các thế hệ cán bộ, đoàn viên công đoàn trong tỉnh từ ngày LĐLĐ tỉnh được thành lập đến nay.
HẢI HÀ - BÁO SÓC TRĂNG
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
Thành lập Nghiệp đoàn bán vé số thứ 2 | 31/07/2024 |
Trao 2 Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên khó khăn về nhà ở tại huyện Mỹ Tú | 31/07/2024 |
Trao 2 căn nhà Đại đoàn kết cho đoàn viên ở Thị xã Ngã Năm | 30/07/2024 |
Trao nhà ở cho đoàn viên ở huyện cù lao sông Hậu | 30/07/2024 |
Công đoàn huyện Long Phú chung sức xây dựng nông thôn mới | 30/07/2024 |

Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội - Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Thực hiện Chỉ thị số 11 Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội tỉnh kịp thời đề xuất và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đều đóng cửa, trong đó khối mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn vì mọi nguồn thu đều trông chờ vào học phí của các em học sinh. Điển hình như Cơ sở mẫu giáo Thùy Dương ở Phường 3 - TP. Sóc Trăng. Bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2019, đến nay cơ sở mầm này vẫn đang trong quá trình xây dựng và phát triển. Lượng trẻ theo học chưa nhiều, theo chủ cơ sở, doanh thu những tháng qua chưa đủ để bù đắp cho chi phí hoạt động. Kể từ khi dịch Covid – 19 bùng phát, cơ sở phải đóng cửa. Không hoạt động, cũng có nghĩa không có nguồn thu nào. Trong khi đó, mỗi tháng vẫn phải đóng BHXH cho 7 nhân sự là trên 7 triệu đồng, chưa tính đến tiền điện nước, wifi, thuế và một số khoản chi khác. Do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên cơ sở gặp nhiều khó khăn, hầu như mọi nguồn thu đều không còn nữa mà mỗi tháng phải chi trả rất nhiều khoản tiền từ đó ảnh hưởng đến đời sống của nhân viên làm việc tại đây. Cơ sở cũng đã thỏa thuận với các giáo viên là tạm thời nghỉ việc không lương, đến khi nào hết dịch thì vào làm trở lại anh Nguyễn Quang Thành – chủ cơ sở mẫu giáo Thùy Dương cho biết.
Không chỉ các cơ sở, trường tư thục mà các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ du lịch, vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng cũng đều ảnh hưởng do dịch Covid – 19. Như công ty du lịch Viettravel – chi nhánh Sóc Trăng đã bắt tay vào thống kê thiệt hại do dịch. Khoảng 20 triệu là chi phí đóng BHXH mỗi tháng cho 5 nhân viên của công ty. Anh Mai Quang Thuận – Trưởng chi nhánh Viettravel – chi nhánh Sóc Trăng So với cùng kỳ năm 2019 thì doanh thu quý 1 năm nay giảm từ 50 -70%, mặc dù sụt giảm về doanh thu, chi nhánh cũng đã đóng cửa nhưng công ty vẫn cố gắng chi trả lương cho nhân viên từ tháng 1, tháng 2. Tuy nhiên, tình hình như hiện nay công ty cũng đã thõa thuận với nhân viên là tạm thời nghỉ việc không lương và hỗ trợ một phần chi phí cho các nhân sự phải nghỉ việc.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến ngày 29/3/2020, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN ước khoảng 62,41 tỷ đồng, trong đó: nợ BHXH: 56,03 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây khó khăn đến hoạt động sản xuất và doanh thu của các doanh nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ đóng vào các quỹ BHXH bao gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp là 32% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng. Trong đó, đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất chiếm tỷ trọng lớn với tỷ lệ là 22% trên 2/3 tổng số tiền đóng vào các quỹ. Như vậy, thực hiện chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, việc BHXH Việt Nam ban hành và tổ chức thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có tác động không nhỏ tới doanh nghiệp và đời sống của người lao động trong điều kiện dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.
Ông Trần Văn Khải - Phó Giám đốc BHXH tỉnh trả lời phỏng vấn
Ông Trần Văn Khải – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng cho biết: thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 860 của BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để thực hiện nội dung này BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn phối hợp hướng dẫn các công ty, đơn vị và doanh nghiệp về việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất. Điều kiện đối với các công ty, đơn vị, doanh nghiệp thuộc diện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định của BHXH Việt Nam là: Gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra.
Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, BHXH tỉnh sẽ không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 gây ra, nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hàng tháng BHXH tỉnh sẽ đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trong trường hợp đến hết tháng 6-2020 mà Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp, đơn vị có đề nghị, thì BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với sở, ngành có liên quan báo cáo UBND tỉnh kiến nghị BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12-2020.
Với các giải pháp như trên, việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có tác động hỗ trợ không nhỏ tới các doanh nghiệp và đời sống của người lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, góp phần vào việc chung tay thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân; góp phần duy trì, ổn định, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phương Anh