返回
Sóc Trăng có 135 doanh nghiệp thực hiện bữa ăn ca cho người lao động
Theo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, hiện có 135/137 doanh nghiệp hỗ trợ bữa ăn cho người lao động.

Theo đó, 135 doanh nghiệp hỗ trợ bữa ăn cho người lao động từ 18.000 đồng/suất trở lên với nhiều hình thức khác nhau (nấu ăn tại doanh nghiệp, thuê nhà cung cấp bữa ăn ca, phát tiền, hỗ trợ bữa ăn ca qua kỳ lương…).

Theo bà Thái Lệ Quân - Chủ tịch CĐCS Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tuntex Sóc Trăng - mỗi suất ăn ca hằng ngày của NLĐ tại công ty là 22.000 đồng. Công ty có thêm 2 suất ăn tăng cường/tháng, trị giá là 32.000 đồng/suất (trong đó có một suất ăn do đơn vị cung cấp thức ăn hỗ trợ). Đối với bữa ăn này thì khẩu phần ăn có thêm cánh gà, sữa tươi, trái cây.

Sóc Trăng hiện có 135 doanh nghiệp hỗ trợ bữa ăn ca cho người lao động

Ông Phan Tấn Phong - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng - cho biết, hiện nay có 30 CĐCS trực thuộc phối hợp với doanh nghiệp thực hiện bữa ăn ca cho NLĐ, mỗi suất ăn có giá trị từ 18.000 - 25.000 đồng/người/ngày. Ngoài ra, vào những ngày lễ, Tết, ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, Tháng Công nhân thì khẩu phần ăn của công nhân trong từng doanh nghiệp cũng được nâng cao chất lượng.

Trong các dịp lễ, Tết, ngày kỷ niệm thành lập Công đoàn Việt Nam, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đã chủ động đến một số công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm tình hình, giám sát thực hiện chất lượng bữa ăn ca cho NLĐ để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng thăm hỏi, ghi nhận về suất ăn ca của người lao động

Ngoài ra phối hợp với Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh phối hợp với các địa phương, cơ quan liên quan tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, đơn vị cung cấp thức ăn chú trọng chất lượng bữa ăn cho người lao động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; phòng chống ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn tập thể cho người lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra bếp ăn tập thể nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

PHƯƠNG ANH


返回
Nghiệp đoàn xe ôm tham gia phòng, chống tội phạm
Nhiều Nghiệp đoàn xe Honda (xe ôm) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được thành lập đã góp phần nâng cao đời sống cho người lao động và làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Cung cấp cho công an nhiều thông tin giá trị

Năm 2018, Nghiệp đoàn xe Honda tham gia phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) được thành lập với trên 100 thành viên là người lao động hành nghề xe ôm chở khách.

Từ khi đi vào hoạt động, các thành viên đã thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong khi hành nghề xe ôm. Đặc biệt các thành viên đã cung cấp cho Công an phường 1 (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) 33 nguồn tin có giá trị, phục vụ bắt quả tang, đấu tranh triệt xóa 6 điểm tệ nạn xã hội, bắt quả tang 32 đối tượng để xử lý vi phạm hành chính theo quy định, tham gia bảo vệ hiện trường 8 vụ tai nạn, va chạm giao thông, sử dụng phương tiện xe Honda đưa 17 người bị thương đi bệnh viện kịp thời.

Vào tháng 7.2024, LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đã phối hợp với Đảng ủy, UBND phường 1 tổ chức ra mắt mô hình Tổ xe ôm chất lượng cao trên cơ sở Nghiệp đoàn xe Honda trước đây. Các thành viên của Tổ xe ôm được trang bị đồng phục áo, nón bảo hiểm, in danh thiếp gửi đến khách hàng. Tổ trưởng, Tổ phó có trách nhiệm tiếp nhận thông tin hành khách, thỏa thuận giá cả và phân công thành viên đưa đón hành khách đảm bảo an toàn, trách nhiệm và hiệu quả.

LĐLĐ huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) ra mắt Nghiệp đoàn xe ôm phòng, chống tội phạm với 35 thành viên. Ảnh: Phương Anh

Ông Nguyễn Thanh Long - Tổ trưởng Tổ xe ôm chất lượng cao - cho biết, ngoài chở khách, các thành viên còn tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm bằng việc quan sát những đối tượng lạ mặt, biểu hiện nghi vấn để cung cấp thông tin cho Công an phường 1.

Qua 2 tháng đi vào hoạt động đã có hàng trăm lượt người liên hệ để di chuyển trong và ngoài thị xã. Các thành viên cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho ngành chức năng trên địa bàn trong công tác phòng, chống tội phạm.

Góp phần ổn định an ninh trật tự

Theo đồng chí Phạm Thị Hương - Chủ tịch LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), trên địa bàn thị xã hiện nay có trên 800 đoàn viên khu vực phi chính thức, phần lớn đều khó khăn, việc thành lập mô hình này là bước đầu để thay đổi phương thức chăm lo cho đoàn viên, người lao động có điều kiện phát triển, thay đổi cuộc sống của mình và gia đình.

“Lực lượng đoàn viên đang sinh hoạt tại các Nghiệp đoàn gần gũi nhất với quần chúng nhân dân, do đó khi làm tốt công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động sẽ góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương” - đồng chí Hương nói.

Cũng theo lãnh đạo LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), Tổ xe ôm họp định kỳ 2 lần/tháng. Trong các buổi họp đều có lực lượng Công an địa phương và đại diện LĐLĐ thị xã tham dự. Qua đó kịp thời có những góp ý giúp cho hoạt động của Tổ được đi vào nền nếp, giúp đăng thông tin trên các nền tảng để bà con được biết và liên hệ.

Vừa qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại thị xã Vĩnh Châu đã triển khai nguồn vay vốn để giúp đỡ cho 12 tổ viên được mua sắm phương tiện phục vụ nghề chạy xe ôm phù hợp với tình hình mới và phục vụ người dân được tốt hơn.

Theo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, LĐLĐ huyện Long Phú và huyện Thạnh Trị cũng đã thành lập 2 Nghiệp đoàn xe ôm phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội với gần 100 thành viên tham gia.

Đồng chí Lâm Quang Toản - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thạnh Trị - cho biết, việc xây dựng mô hình Nghiệp đoàn xe ôm phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội nhằm hỗ trợ đoàn viên khu vực phi chính thức có điều kiện phát triển, thay đổi cuộc sống của mình và gia đình. Đồng thời, nâng cao chất lượng sinh hoạt của Ban chấp hành Nghiệp đoàn, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thu đoàn phí công đoàn để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.

PHƯƠNG ANH


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập