返回
Cụm thi đua số 2 hỗ trợ 9 Mái ấm Công đoàn
6 tháng đầu năm 2024, Cụm thi đua số 2 - LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ cất mới 9 căn nhà Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 450 triệu đồng.

Ngày 10.7, Cụm thi đua số 2 - LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 và ký kết giao ước thi đua.

Cụm thi đua số 2 - LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng bao gồm LĐLĐ các huyện Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Kế Sách, Mỹ Tú, Thạnh Trị.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, LĐLĐ các huyện đã phát huy vai trò trách nhiệm của công đoàn trong chăm lo, cải thiện đời sống, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

Tổ chức Chương trình Tết sum vầy - Xuân chia sẻ năm 2024 được các LĐLĐ huyện tổ chức thực hiện và chỉ đạo các CĐCS thực hiện tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với nhiều hoạt động như thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, tham gia các chương trình Chợ Tết Công đoàn.

Tặng quà cho 46 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trị giá 24.5 triệu đồng nhân Tháng công nhân 2024.

Lãnh đạo LĐLĐ các huyện Cụm thi đua số 2 ký kết giao ước thi đua

Chương trình nhà Mái ấm Công đoàn được các LĐLĐ huyện duy trì triển khai thực hiện kịp thời hỗ trợ cất mới 9 căn nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 450 triệu đồng.

Có 11/11 doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn ca từ 20.000 - 25.000 đồng/suất trở lên. 11/11 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn ký mới các thỏa ước lao động tập thể.

LĐLĐ các huyện đã ký mới thỏa thuận hợp tác với một số doanh nghiệp. Qua đó có 120 lượt đoàn viên, CNVCLĐ được thụ hưởng chính sách ưu đãi khi mua sắm, sử dụng dịch vụ với tổng số tiền được giảm hơn 85 triệu đồng.

6 tháng cuối năm 2024, LĐLĐ huyện Cụm thi đua số 2 tiếp tục chăm lo đời sống vật chất tinh thần, tăng cường thực hiện nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ, nhất là tập trung nâng cao chất lượng đối thoại, thương lượng tập thể về tiền lương, tiền thưởng và chất lượng bữa ăn ca, thời giờ làm việc, nghỉ ngơi và ATVSLĐ.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật gắn với việc vận động đoàn viên, NLĐ học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

ANH KHOA


返回
Nên giảm giờ làm cho công nhân
Đại bộ phận công nhân ủng hộ đề xuất giảm giờ làm và tăng ngày nghỉ của Tổng LĐLĐ Việt Nam

         Góp ý kiến xây dựng dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), mới đây, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề xuất giảm giờ làm từ 48 giờ còn 44 giờ/tuần. Đề xuất này được rất nhiều chuyên gia lao động, đặc biệt là công nhân (CN) trực tiếp sản xuất ủng hộ.

         Công nhân trực tiếp sản xuất có tuổi nghề ngắn
        Trao đổi với chúng tôi, nhiều CN cho biết thời gian làm việc liên tục khiến họ suy kiệt sức khỏe, ít có thời gian chăm sóc bản thân và gia đình. "Nếu đề xuất giảm giờ làm được thông qua, họ sẽ có thêm thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm sóc gia đình, tham gia các hoạt động vui chơi giải trí" - ông Nguyễn Hữu Đại, Chủ tịch Công đoàn (CĐ) KCN khu vực Đồng Xoài - Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, cho biết.
      Theo ông Đại, số đông CN trực tiếp sản xuất làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại nên tuổi đời và tuổi nghề rất ngắn. Do vậy, họ rất cần có thêm thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. "Có ý kiến cho rằng việc giảm giờ làm việc như vậy sẽ ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lao động. Hiểu như thế là không đúng, vì thực tế năng suất chất lượng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác, trong đó việc doanh nghiệp (DN) đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao trình độ quản lý mang yếu tố quyết định" - ông Đại bày tỏ.
Nhiều nữ CN Công ty TNHH Long Fa Việt Nam (tỉnh Bình Phước) khi nghe đến đề xuất giảm giờ làm cũng rất phấn khởi. Họ cho biết các trường mẫu giáo công lập đều nghỉ ngày thứ bảy, do vậy con cái của họ cũng phải nghỉ học, trong khi CN vẫn phải đi làm. Điều này gây không ít khó khăn trong việc chăm sóc con, chưa kể phải mất thêm một khoản chi phí để gửi trẻ. Thực tế, rất nhiều CN do không kham nổi các khoản chi phí phát sinh đành phải ngậm ngùi gửi con nhỏ về quê cho ông bà trông giữ. Bà Thái Thị Huyền, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sản xuất Giày dép Grand Gain (tỉnh Bình Phước), nhìn nhận hiện nay CN phải làm việc nhiều nên có rất ít thời gian để nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình. "Do đó, việc giảm thời gian làm việc từ 48 giờ còn 44 giờ/tuần là cần thiết, tiến tới cân bằng thời gian làm việc giữa khối nhà nước và DN; đồng thời CN có thêm thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, có thời gian chăm sóc gia đình, con cái và tham gia vào các hoạt động xã hội khác" - chị Huyền bày tỏ.


Không nên tăng tuổi hưu với công nhân trực tiếp sản xuất (Ảnh chỉ có tính minh họa)

         35-45 tuổi đã sức cùng, lực kiệt

         Ông Lê Minh Hoàng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương - cho rằng dù lao động trí óc hay lao động chân tay thì đều cần có sức khỏe tốt để làm việc đạt hiệu quả cao. Tuy nhiên, với nhóm lao động chân tay, thể chất bị bào mòn nhanh hơn. Sức người có hạn, sau nhiều năm làm việc vất vả, CN sản xuất trực tiếp đến độ tuổi nhất định (35- 45 tuổi), cơ thể sẽ không còn dẻo dai, linh hoạt như thời trẻ. Do vậy, hiệu quả và năng suất lao động giảm nhiều, khi đó không DN nào muốn sử dụng nữa. "Tôi không đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với CN trực tiếp sản xuất" - ông Hoàng lập luận.
         Đồng tình với ý kiến này, đa số người lao động khi được hỏi đều cho rằng không được cào bằng tuổi nghỉ hưu, bởi thực tế môi trường lao động của mỗi ngành nghề khác nhau. Đặc biệt là môi trường lao động đặc thù, CN trực tiếp sản xuất thì phải tính toán để họ được nghỉ hưu sớm. Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, một cán bộ có thâm niên làm công tác nhân sự của Công ty TNHH Lixil Việt Nam (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu không nên cào bằng giữa các ngành nghề. Đối với những DN thâm dụng lao động (dệt may, giày da), hoạt động sản xuất sử dụng sức người là chính thì không nên tăng tuổi nghỉ hưu, ngược lại nên tính toán để người lao động được nghỉ hưu sớm. Một cán bộ làm việc tại Công ty TNHH Quốc tế Chutex (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), nhận định: "CN dệt may phải làm việc liên tục 8 giờ/ngày (chưa kể tăng ca). Với điều kiện làm việc như vậy, họ dễ bị mắc bệnh nghề nghiệp và khó có thể trụ lại DN sau 40 tuổi.

         "Tăng tuổi nghỉ hưu với CN trực tiếp sản xuất là không hợp lý bởi họ phải làm việc với cường độ lao động cao trong nhiều năm liền, kéo theo suy giảm sức khỏe. Do vậy, tôi đề nghị nên giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay".
           Bà HUỲNH THỊ TÚ TUYẾT (Trưởng Phòng Nhân sự Công ty TNHH
Duel Việt Nam; huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương

Khánh Phong (Báo Người Lao Động)

Nguồn: http://www.congdoan.vn/tin-tuc/quan-he-lao-dong-505/nen-giam-gio-lam-cho-cong-nhan-421546.tld 


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập