返回
Thành lập thêm 1 công đoàn cơ sở tại Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh
Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng vừa thành lập thêm 1 CĐCS và kết nạp 10 lao động vào tổ chức Công đoàn.

Chiều ngày 20.7, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị thành lập CĐCS Công ty TNHH Châu Thành Phát, chỉ định Ban Chấp hành lâm thời và kết nạp 10 lao động vào tổ chức Công đoàn.

Ông Nguyễn Hà Phan - Giám đốc Công ty TNHH Châu Thành Phát cho biết đơn vị có 20 lao động, chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp An Nghiệp. Việc thành lập CĐCS có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ.

Công đoàn Các KCN tỉnh Sóc Trăng thành lập CĐCS Công ty TNHH Châu Thành Phát.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Tấn Phong - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh đề nghị Ban Chấp hành lâm thời làm tốt công tác tham mưu với Ban Giám đốc quan tâm các chế độ, chính sách cho NLĐ; cải thiện điều kiện, môi trường làm việc theo hướng an toàn, thân thiện; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.

Được biết trong 6 tháng đầu năm 2024, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã phát triển 476 đoàn viên, có 30 CĐCS trực thuộc với 22.768 đoàn viên/24.215 CNVCLĐ.

PHƯƠNG ANH


返回
Công đoàn Sóc Trăng kiện toàn tổ chức bộ máy
Sau sắp xếp, Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng còn 4 ban.

Ngày 3.3, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị công bố các quyết định về tổ chức bộ máy và công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Tham dự có đồng chí Trần Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy; đồng chí Ngô Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng.

Tại hội nghị, đã công bố quyết định giải thể Công đoàn Viên chức tỉnh, Công đoàn ngành Y tế tỉnh và Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng; chấm dứt hoạt động của Ban Chấp hành các Công đoàn này, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Các công đoàn cơ sở (CĐCS) trực thuộc được điều chuyển về Công đoàn các cơ quan Đảng tỉnh, Công đoàn UBND tỉnh và LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố quản lý.


Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao các quyết định kết thúc hoạt động của Công đoàn Viên chức, Công đoàn Ngành y tế và Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Phương Anh

Thành lập Ban Nghiệp vụ LĐLĐ tỉnh trên cơ sở sáp nhập Ban Tuyên giáo - Nữ công và Ban Chính sách, Pháp luật và Quan hệ Lao động.

Đồng chí Lê Việt Triều được chỉ định làm Trưởng ban, đồng chí Hứa Thị Ánh Ngọc làm Phó Trưởng ban.


Lãnh đạo Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy, LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng trao quyết định chỉ định Trưởng, Phó ban Nghiệp vụ LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Phương Anh

Thành lập Công đoàn các cơ quan Đảng tỉnh trực thuộc LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, được sử dụng con dấu, tài khoản riêng, quản lý tài chính, tài sản và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Đồng chí Đoàn Thị Chiến được chỉ định giữ chức vụ Chủ tịch.


Thành lập Công đoàn các cơ quan Đảng tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Phương Anh

Thành lập Công đoàn UBND tỉnh trực thuộc LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, là công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, được sử dụng con dấu, tài khoản riêng, quản lý tài chính, tài sản và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Đông chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng - kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng - trao quyết định cho bà Trịnh Thị Bảo Khuyên. Ảnh: Phương Anh

 


Lãnh đạo Tỉnh ủy, LĐLĐ tỉnh chụp ảnh cùng Ban chấp hành Công đoàn UBND tỉnh Sóc Trăng

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh vai trò quan trọng của 2 công đoàn mới thành lập; đề nghị các đơn vị này khẩn trương xây dựng và ban hành Quy chế làm việc, Kế hoạch hoạt động năm 2024 triển khai đến các CĐCS trực thuộc.

Đồng chí Sơn cũng định hướng những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, đặc biệt là các hoạt động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động sắp tới.


Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phương Anh

Đồng chí Sơn cũng lưu ý các đơn vị cần nghiêm túc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công nhân, lao động, nhất là Bộ luật Lao động năm 2019; triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình số 13-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới; thực hiện tốt sự chỉ đạo của Đảng ủy các cơ quan Đảng tỉnh và Đảng ủy UBND tỉnh trong hoạt động.

PHƯƠNG ANH


返回
Từ 1.7, Chính phủ quy định tăng lương tối thiểu vùng thêm 6%
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12.6.2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

              Tăng tiền lương tối thiểu vùng thêm 6% 

              Nghị định này quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

            Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: Vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

          Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành.

             Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1.7.2022

            Việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động.

              Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

              Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

               Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ.

              Các đối tượng được hưởng

              1- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

              2- Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

           3- Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

               Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1.7.2022.

VƯƠNG TRẦN - BÁO LAO ĐỘNG


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập