Công đoàn huyện Mỹ Tú thành lập 4 mô hình chuyển đổi số
Trong 6 tháng đầu năm 2024, các cấp Công đoàn huyện Mỹ Tú đã làm tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của đoàn viên, người lao động (NLĐ).
Có 143 đoàn viên, NLĐ bị bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được nhận quà với tổng số tiền 76 triệu đồng và 2.145kg gạo nhân dịp Tết Nguyên đán 2024; trao 100 phần quà cho đoàn viên, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 50 triệu đồng nhân Tháng Công nhân.
Quang cảnh hội nghị sơ kết hoạt động Công đoàn 6 tháng đầu năm
CĐCS đã tổ chức trao 2.017 phần quà cho đoàn viên, người lao động với số tiền trên 613 triệu đồng. Riêng đoàn viên, NLĐ các công đoàn cơ sở (CĐCS) khu vực ngoài nhà nước còn được thưởng lương tháng 13 nhân dịp Tết dương lịch và hỗ trợ 01 tháng lương nhân dịp tết Nguyên đán 2024.
100% doanh nghiệp hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho người lao động mức dao động từ 22.000 đồng đến 25.000 đồng/người/ngày.
Vận động được trên 135 triệu đồng Quỹ Mái ấm Công đoàn và đề nghị về trên xét 03 căn nhà Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.
LĐLĐ huyện tổ chức mắt mô hình Công đoàn với chuyển đổi số tại các CĐCS Long Hưng, Mỹ Phước và CĐCS thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, Mô hình “thanh toán không dùng tiền mặt” đối với một số cán bộ, đoàn viên và người dân kinh doanh tại khu vực chợ; duy trì và củng cố và nhân rộng mô hình trồng rau sạch phục vụ bếp ăn nhà trẻ tại các CĐCS trường Mầm non trên địa bàn huyện.
Ông Trần Ngọc Giang Nam - Chủ tịch LĐLĐ huyện Mỹ Tú - cho biết, 6 tháng cuối năm 2024, các cấp Công đoàn tiếp tục quan tâm tham gia đảm bảo việc làm bền vững, cải thiện thu nhập của cán bộ công chức, viên chức, đoàn viên, người lao động. Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, tăng tỉ lệ đoàn viên trên tổng số công nhân, lao động ở những nơi đã thành lập công đoàn.
Lãnh đạo LĐLĐ huyện Mỹ Tú trao bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho một cá nhân
Dịp này, có 1 tập thể được nhận Bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam; 1 tập thể và 2 cá nhân được nhận Bằng khen của LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng.
CĐCS thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa với mô hình "Dịch vụ công trực tuyến"; CĐCS Trường THCS Huỳnh Hữu Nghĩa với mô hình "Cuộc họp không giấy"; CĐCS xã Long Hưng với 2 mô hình "Dịch vụ công trực tuyến" và "Mô hình thanh toán không dùng tiền mặt" đối với một số cán bộ, đoàn viên và người dân kinh doanh tại khu vực chợ. Các mô hình này giúp người dân có những công cụ thuận tiện khi thực hiện các thủ tục hành chính.
PHƯƠNG ANH
2.000 đoàn viên mua sắm tại Chợ Tết Công đoàn trực tuyến
Theo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Sóc Trăng, Tổng LĐLĐ Việt Nam phân bổ tới đơn vị 2.000 suất mua hàng miễn phí trên sàn giao dịch Chợ tết Công đoàn trực tuyến năm 2025. Mỗi phiếu trị giá 500.000 đồng, tổng giá trị 1.03 tỉ đồng.
Sau hơn 20 ngày triển khai (chợ Tết bắt đầu hoạt động từ ngày 20.12), 100% đoàn viên công đoàn tại Sóc Trăng đã sử dụng phiếu mua hàng để tham gia mua sắm, hưởng lợi từ chương trình. Việc này không chỉ giúp đoàn viên có cơ hội sắm Tết tiết kiệm mà còn thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong các hoạt động hỗ trợ người lao động (NLĐ).
Thấy được nhu cầu và sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các đoàn viên, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục phân bổ thêm 1.200 phiếu mua hàng cho tỉnh Sóc Trăng, nhằm đảm bảo các đoàn viên tham gia mua sắm Tết.
Cán bộ Công đoàn tỉnh Sóc Trăng hỗ mua mua hàng thành công cho đoàn viên tại chợ Tết Công đoàn trực tuyến 2025. Ảnh: LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng
Là một trong những người mua hàng thành công sớm nhất, đoàn viên Trịnh Văn Quang Hai - CĐCS UBND phường 3 (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) - cho hay, anh đã dùng phiếu mua hàng để mua các loại gia vị nấu ăn, bánh mứt để gia đình dùng vào dịp Tết Nguyên đán 2025.
“Tôi thấy việc mua hàng khá dễ dàng, nhanh chóng, tiện lợi. Người mua chỉ cần cung cấp số điện thoại để nhận voucher và mua hàng trực tiếp trên website của Tổng LĐLĐ Việt Nam mà không cần tạo tài khoản ngân hàng, tín dụng. Hàng hóa sẽ được vận chuyển miễn phí về tận địa chỉ mà người mua đăng ký”, đoàn viên Hai nói.
Bà Trang Mỹ Nhứt - Phó Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Hóa chất HS Việt Nam chi nhánh Sóc Trăng -cho biết, 30 đoàn viên của CĐCS đã mua thành công và nhận được hàng. "Đoàn viên ai cũng vui mừng khi nhận được món quà ý nghĩa trước thềm năm mới, để Tết thêm đủ đầy", bà Nhứt nói.
Theo bà Nhứt, trong thời điểm cận Tết, khi giá các loại hàng hóa có xu hướng tăng trong khi công nhân lao động thu nhập thấp, việc mua hàng online giúp tiết kiệm thời gian và chi phí, đặc biệt với những mặt hàng thiết yếu có giá ưu đãi.
Ông Phan Tấn Phong - Chủ tịch Công đoàn Các KCN tỉnh Sóc Trăng - cho biết, đơn vị đã được LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng phân bổ 1.000 phiếu mua hàng trên sàn giao dịch Chợ Tết Công đoàn. Ban Thường vụ Công đoàn các KCN đã tổ chức hướng dẫn cho các chủ tịch, phó chủ tịch các CĐCS trực thuộc về cách thức mua hàng.
"Chúng tôi cũng đã tự xây dựng video hướng dẫn đặt hàng trên chotet.congdoan.vn và các thông tin cần lưu ý để đoàn viên dễ dàng thao tác. Đến nay, 100% đoàn viên đã mua được hàng", ông Phong chia sẻ.
Thao tác dễ dàng, đơn giản giúp đoàn viên mua sắm tại sàn giao dịch Chợ tết Công đoàn trực tuyến 2025 thêm tiện lợi. Ảnh: Phương Anh
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, chương trình Chợ Tết Công đoàn năm 2025 trực tuyến năm nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã thay đổi hình thức hỗ trợ bằng cách tặng phiếu mua hàng trực tiếp không phải qua mở thẻ tín dụng, nên việc thu thập thông tin lập danh sách đề nghị, triển khai thực hiện ở công đoàn các cấp được đơn giản, thuận lợi.
Ông Nguyễn Thanh Sơn nhận định, chương trình “Chợ Tết Công đoàn 2025” thông qua sàn thương mại điện tử có ý nghĩa nhân văn, thiết thực giúp đoàn viên, NLĐ mua được hàng hóa với mức giá ưu đãi, sản phẩm đảm bảo chất lượng. Việc mua sắm thuận lợi, nhanh chóng và phù hợp với chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động và thúc đẩy thói quen thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với xu thế tiêu dùng hiện nay.
PHƯƠNG ANH

Đề xuất nghề giáo viên mầm non là nặng nhọc
“Chả nhẽ để trẻ hát cô là… bà”
Góp ý về dự thảo Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) - đề xuất xếp giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, nên nghỉ hưu sớm ở tuổi 55 hoặc sớm hơn.
Ông Hiểu phân tích, giáo viên mầm non phải đến sớm đón trẻ và kết thúc công việc muộn, số giờ làm việc thường vượt quá quy định. Giáo viên mầm non không chỉ dạy mà còn dỗ, múa, hát, áp lực công việc lớn.
Từng đi thực tế ở quận Tân Bình (TPHCM), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, có giáo viên 46 tuổi đứng lên nói “không biết lúc tôi 50 tuổi, các cháu còn muốn nghe cô múa hát nữa không”.
Theo khảo sát, 96% giáo viên mầm non muốn được về hưu ở tuổi 55. Ảnh: Huyên nguyễn
Còn ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho rằng, từ 55 tuổi trở lên, giáo viên mầm non bị hạn chế khi thực hiện các thao tác chuyên môn như múa, hát, hướng dẫn hoạt động thể lực, chạy, nhảy cho học sinh. Chương trình giáo dục mầm non không chỉ bó hẹp ở chăm trẻ, còn phải đáp ứng được yêu cầu của nhiều chương trình chuẩn quốc tế cũng trở thành thách thức với các cô giáo cao tuổi.
Hiện nay, thực tế giờ làm việc của giáo viên mầm non khoảng 10 tiếng mỗi ngày. “Các cô phải đến trường lúc 6h sáng và 6h tối mới trở về. Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe giảm sút nhanh, nghiêm trọng theo thời gian” - ông Ân nói.
Một thực tế được bà Cù Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - chia sẻ: “Trước đây, chúng ta hay nghe câu hát “cô là mẹ và các cháu là con”, thì tới đây nếu nghỉ hưu ở tuổi cao, cô sẽ là... bà và các cháu là con.
Bà Thuỷ nói rằng, giáo viên mầm non là ngành giáo dục đặc biệt, để nói là nặng nhọc, độc hại thì cần phải tính toán, nhưng 1 lớp có 30 cháu thì tiếng ồn của trẻ cũng rất cao. Đòi hỏi của phụ huynh, của trẻ là những áp lực rất lớn đối với giáo viên.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 với nữ vào năm 2035. Tuy nhiên, người lao động (NLĐ) nặng nhọc, độc hại ở vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm. Như vậy, nếu được bổ sung vào danh mục này, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi 57 với nam và 55 đối với nữ.
Giáo viên mầm non đang gặp nhiều áp lực
Chia sẻ khó khăn áp lực của giáo viên trong một hội nghị đánh giá thời gian làm việc, chính sách đối với giáo viên, nhân viên cấp mầm non, bà Trần Thị Tố Uyên - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT tỉnh Điện Biên - cho biết: Hiện nay, tỉ lệ bình quân giáo viên/lớp của tỉnh khá thấp so với các tỉnh lân cận. Điều đó dẫn tới áp lực công việc cao và quá tải về cường độ lao động cho giáo viên, nhân viên ở một số trường, đặc biệt là ở vùng khó khăn.
Cùng chung khó khăn trên, bà Trần Thị Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên - chia sẻ: Tỉnh Thái Nguyên đã có quy định các trường phân công 1 giáo viên trực đón trẻ sớm và được về sớm, 1 giáo viên đến trường muộn hơn và trả trẻ muộn để thời gian làm việc đủ 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, khá nhiều trường mầm non không thực hiện được.
“Vì số trẻ đông, quá tải trẻ/lớp, nếu để 1 giáo viên trực không đảm bảo an toàn cho trẻ nên 2 giáo viên phải cùng nhau làm việc, dẫn đến tình trạng vượt giờ so với quy định bình quân khoảng 1,5 đến 2 giờ/ngày. Ngoài ra, các trường mầm non thường phải tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên vào ngoài giờ nên thực tế số giờ vượt so với quy định còn cao hơn nữa” - bà Thuý cho hay.
Còn Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT Tuyên Quang Vũ Văn Dũng nhấn mạnh: “Số giờ làm việc thực tế của giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn vượt quá nhiều so với quy định (làm việc từ 9 đến 10 giờ/ngày) nhưng cũng chưa được tính thêm làm ngoài giờ”.
Chia sẻ về áp lực của giáo viên mầm non và đề xuất của Tổng LĐLĐVN, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - rất đồng tình. Theo GS Hạc, những khó khăn với giáo viên mầm non là điều nhìn thấy rõ mà lâu nay chúng ta chưa giải quyết được. Nếu tăng thêm tuổi lao động sẽ như tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ này. Không chỉ riêng quy định về tuổi lao động, nguyên bộ trưởng còn đề xuất phải xem xét thêm cả về chế độ tiền lương, thu nhập đối với giáo viên mầm non sao cho xứng đáng với công sức.
Còn bà Trịnh Thanh Hằng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn - cho rằng, nên quy định theo hướng trao “quyền” cho NLĐ. “Về quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nên quy định theo hướng trao “quyền” cho NLĐ. Nghĩa là nếu họ có nguyện vọng tiếp tục làm việc và sức khỏe vẫn đảm bảo, đơn vị có nhu cầu thì có thể tiếp tục làm việc đến tuổi nghỉ hưu như NLĐ trong điều kiện bình thường” - bà Hằng nói.
96% giáo viên mầm non muốn về hưu ở tuổi 55
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - dẫn khảo sát nhanh trên gần 10.700 giáo viên mầm non trong một tuần, 96% giáo viên đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như cũ.
HUYÊN NGUYỄN
Nguồn:https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-nghe-giao-vien-mam-non-la-nang-nhoc-813579.ldo