TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Back
NGƯỜI ĐOÀN VIÊN CÔNG ĐOÀN ĐAM MÊ CHẾ TẠO MÁY
Huyện Cù lao Dung có diện tích trồng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh Sóc Trăng với bình quân mỗi năm nơi đây xuống giống từ 6.500 - 7.000ha. Thế nhưng để tạo ra những cây mía thành phẩm thì người trồng phải tốn nhiều công sức. Nhận thấy những khó khăn, vất vả của bà con trồng mía tại quê nhà, thầy Nguyễn Văn Nưng là đoàn viên Công đoàn, giáo viên dạy Thể dục - Trường Tiểu học An Thạnh 3A, xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung đã sáng tạo ra chiếc máy “Vô chân đạp mía đạt hiệu quả cao” tiện lợi vừa dễ sử dụng vừa giảm chi phí canh tác cho bà con, điều đặc biệt ở đây là thầy Nưng chưa một ngày tham gia bất kỳ một lớp đào tạo về kỹ thuật chế tạo máy móc.
     Qua tìm hiểu, chiếc máy “Vô chân đạp mía đạt hiệu quả cao” của thầy Nưng là sản phẩm cải tiến từ “Máy vô chân ấm mía”, đã đạt Giải nhất tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ IX (năm 2015), máy có cấu tạo gồm 3 bộ phận: hộp số, giàn xới và một động cơ 13 mã lực. Để sử dụng máy, người dùng chỉ cần kéo dây nổ máy sau đó điều chỉnh tay cầm tại hộp số như tốc độ nhanh chậm, công suất hoạt động. Bên cạnh đó, tùy vào từng địa hình đất khác nhau người sử dụng có thể  điều chỉnh giàn xới lên xuống với độ sâu tương ứng. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn máy vô chân mía còn có thiết kế tay thắng giúp người sử dụng chủ động được vị trí cần vô chân mía, những vùng mía nhỏ hai bên cánh xới sẽ có những tấm bạt che không cho lực đất tác động mạnh lên hàng mía con.
 
 
Thầy giáo Nguyễn Văn Nưng đang vận hành chiếc máy do mình sáng chế
     Được biết máy vô chân đạp mía không chỉ giúp bà con giảm bớt công sức chăm sóc mà còn tiết kiệm một khoản chi phí khá lớn trong việc thuê nhân công vô chân mía. Kết quả, giúp cho các hộ gia đình trồng mía hạ giá thành sản xuất giảm chi phí từ 500.000 - 550.000 đồng/công, áp dụng cơ giới hóa trong canh tác đất sẽ giúp cho cây mía phát triển tốt hơn, chống đổ ngã, cây thẳng đều và cho năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, những hộ chưa có công ăn việc làm có thể lái máy thuê để tăng thêm thu nhập từ 450.000 đồng/ngày và tăng lợi nhuận cho hộ kinh doanh từ việc cho thuê máy 300.000 đồng/ngày/máy. Đặc biệt, khi máy vô chân mía hoạt động hiệu quả đã giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân công lao động trong khâu vô chân đạp mía hiện nay. Với những điểm tiện lợi vượt trội thì chiếc máy của thầy Nguyễn Văn Nưng đã được nhiều hộ dân tin dùng và giới thiệu đi nhiều tỉnh của khu vực đòng bằng Sông Cửu Long như Trà Vinh, Hậu Giang... Và đây được xem là sáng kiến thiết thực cho những vùng chuyên canh cây mía. Ngoài công dụng chính là vô chân mía thì chỉ cần đổi vài bộ phận như gắn thêm tu huýt thành máy bơm nước có công suất lớn, gắn thêm bộ hoạt nước thành dàn quạt oxy sử dụng trong nuôi tôm.
 
 
Thầy giáo Nguyễn Văn Nưng nhận Bằng khen đạt Giải nhất Hội thi Sáng tạo 
kỹ thuật tỉnh lần thứ IX - năm 2015.
      Năm 2015, sản phẩm “Máy vô chân ấm mía” đạt Giải nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ IX và được Ban quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tỉnh Sóc Trăng đồng ý tài trợ kinh phí triển khai thực hiện với số tiền 79,9 triệu đồng. Năm 2017, giải pháp “Máy vô chân đạp mía đạt hiệu quả cao” của thầy Nguyễn Văn Nưng tiếp tục mang về Giải nhất (lần thứ 2) tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ X (năm 2016 - 2017), đã góp phần mang lại hiệu quả, năng suất cho bà con nông dân và ngành nông nghiệp tỉnh nhà. 
     Với những sáng chế, cải tiến mới, góp phần đưa kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp của thầy giáo Nguyễn Văn Nưng, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng đã chọn thầy Nưng cùng giải pháp “Máy vô chân đạp mía đạt hiệu quả cao” tham gia triển lãm trưng bày và vinh danh các sản phẩm “Tự hào trí tuệ lao động Việt Nam” diễn ra tại Thành phố Đà Nẵng do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, đây là niềm vinh dự không chỉ đối với thầy giáo Nguyễn Văn Nưng mà còn với tổ chức Công đoàn tỉnh Sóc Trăng 
Lý Trường Khoa

liên kết web