TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Back
NÂNG “CHẤT” BỮA ĂN CA CHO CÔNG NHÂN, LAO ĐỘNG (31/10/2016)
Thời gian qua, các cấp công đoàn trong tỉnh không chỉ làm tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, lao động (CNLĐ) mà còn tuyên truyền, vận động doanh nghiệp quan tâm chăm lo bữa ăn cho anh em ngày càng tốt hơn theo tinh thần Nghị quyết 07c/NQ-BCH của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động”.

Giờ ăn ca của CNLĐ tại Giờ ăn ca của CNLĐ tại Công ty Tân Huê Viên

 

          Chúng tôi đến thăm nhà ăn của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Bánh pía - Lạp xưởng Tân Huê Viên đúng vào giờ ăn trưa của CNLĐ với bầu không khí vui tươi. Đang nhanh tay lấy những đĩa thức ăn, chị Huỳnh Thị Mỹ Tiên vui vẻ chia sẻ: “Ngày nào cũng vậy, gần 11h30 phút thì chị em ở bộ phận bán hàng chia nhau ra nhà bếp lấy thức ăn về dùng để còn tranh thủ nghỉ trưa lấy sức cho công việc buổi chiều. Thức ăn nhà bếp khá đa dạng, món ăn thay đổi từng ngày nên tụi em rất thích vì không ngán mà còn ngon miệng nữa”. Còn anh Thạch Quân chân tình bộc bạch: “Với sức nam như tôi, một phần ăn nhiều khi tôi ăn không hết, riêng những người có sức ăn khỏe có thể lấy thêm thức ăn đến khi nào no thì thôi”. Theo ông Thái Hược - Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Bánh pía - Lạp xưởng Tân Huê Viên, công ty luôn xem CNLĐ là vốn quý của đơn vị nên công đoàn chủ động tham mưu Ban Giám đốc quan tâm chăm lo tốt bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm để CNLĐ có sức khỏe tốt nhất để làm việc. Công ty đầu tư hẳn một khu bếp ăn tập thể rộng rãi, thoáng mát, cách xa khu sản xuất, bố trí mỗi bàn ăn có 8 người, vì vậy anh em thoải mái chọn chỗ ngồi mình thích. Mỗi ngày công ty bố trí 3 bữa ăn: sáng, trưa, chiều (nếu có tăng ca thì có thêm phần ăn riêng), mỗi bữa ăn đều có 3 món: canh, xào, mặn; món ăn được thay đổi liên tục tạo sự khác lạ, ngon miệng, đảm bảo tái tạo sức lao động. Phần ăn của mỗi người cũng không hạn chế, anh em thoải mái ăn no thì thôi. Tính ra, mỗi phần ăn của một người trị giá gần 30.000 đồng, cao hơn nhiều so với mức quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là từ 15.000 nghìn đồng/suất trở lên.

 

         Còn tại Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Thành Tín, xác định bữa ăn ca có vai trò quan trọng trong bảo vệ sức khỏe, tái tạo sức lao động của công nhân nên nhiều năm qua công ty luôn quan tâm chăm lo bữa ăn cho CNLĐ một ngày khoảng 28.000 nghìn đồng (ai không ăn thì được hỗ trợ 16.000 nghìn đồng/bữa) nếu tăng ca chiều thì được hỗ trợ thêm một suất ăn. Đồng chí Trần Hải Triều - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cho biết: “Để CNLĐ có được bữa ăn ngon, chất lượng và vệ sinh, công ty đã xây dựng bếp ăn tách biệt khu sản xuất, có trang bị cửa lưới chống côn trùng, nguồn thực phẩm được lựa chọn kỹ, có nguồn gốc rõ ràng, nhờ vậy ở công ty chưa hề xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm”.

 

           Đối với Công ty Cổ phần Kim Chung Cường Thịnh tổ chức nấu ăn cho CNLĐ tại nhà ăn của công ty, mỗi suất ăn trị giá 16.000 đồng, nếu có tăng ca trên 3 giờ thì hỗ trợ thêm 12.000 nghìn đồng/ca, riêng CNLĐ làm ca đêm thì được cộng thêm 25.000 đồng vào tiền lương do ban đêm công ty không tổ chức nấu ăn. Bên cạnh đó, Ban Chấp hành công đoàn còn phối hợp với công ty kiểm tra, giám sát về công khai tài chính và thực đơn hàng ngày tại khu bếp.

 

            Đồng chí Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh khẳng định: “Bữa ăn ca có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của CNLĐ cũng như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, Nghị quyết 07c/NQ-BCH của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (khóa XI) về “Chất lượng bữa ăn ca của người lao động” ra đời là rất cần thiết”. Theo tinh thần của nghị quyết, việc quan tâm chăm lo bữa ăn giữa ca của người lao động trong doanh nghiệp là trách nhiệm của cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở. Bữa ăn ca của người lao động, quan trọng không kém tiền lương, tiền thưởng, vấn đề an toàn vệ sinh lao động để thương lượng tập thể, ký kết thỏa ước lao động tập thể… Từ đó có thể thấy, nghị quyết về “Chất lượng bữa ăn giữa ca của người lao động” đã thể hiện rõ sự quyết tâm của tổ chức Công đoàn trong việc chăm lo, bảo vệ sức khỏe của CNLĐ. Để góp phần đưa nghị quyết vào trong đời sống CNLĐ, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn các công đoàn cơ sở (khu vực ngoài nhà nước) phối hợp, tham mưu người sử dụng lao động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, trong đó có việc cải thiện, nâng chất bữa ăn ca, đảm bảo sức khỏe cho CNLĐ. Qua đó, nhiều doanh đã đưa nội dung bữa ăn ca vào đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể và có phân công cán bộ phụ trách về an toàn thực phẩm. Qua khảo sát, toàn tỉnh có 84 doanh nghiệp tổ chức bữa ăn cho CNLĐ, trong đó có 74 đơn vị hỗ trợ trên 15.000 đồng, các đơn vị còn lại hỗ trợ dưới 15.000 nghìn đồng. Đồng chí Nguyễn Văn Thanh cho biết thêm: “Nếu chất lượng bữa ăn kém sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động và người chịu thiệt chính là doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp công đoàn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Nghị quyết 07c, phổ biến pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm cho CNLĐ và doanh nghiệp, đồng thời phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện đối với doanh nghiệp (chưa hỗ trợ bữa ăn ca hoặc đã hỗ trợ nhưng dưới mức 1.5000 đồng/suất), nhằm nâng cao chất lượng hơn nữa chất lượng bữa ăn ca cho CNLĐ, góp phần nâng cao nâng suất, chất lượng, hiệu quả trong công tác và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.

 

Hoàng Lan

liên kết web