TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Voltar
Phó Chủ tịch Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha “Không thu kinh phí công đoàn, thiệt thòi nhất là người lao động” (19/05/2016)
Ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch Uỷ ban TƯMTTQ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII - cho rằng: Nếu doanh nghiệp không trích nộp kinh phí CĐ, thiệt thòi nhất là người lao động. Ông nói:

 

        - Công đoàn Việt Nam là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Cơ chế tài chính đảm bảo cho hoạt động của tổ chức công đoàn có ý nghĩa rất quan trọng, trong đó nguồn thu kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng bằng 2% tổng quỹ tiền lương thực trả cho người lao động được quy định tại Luật Công đoàn sẽ tạo điều kiện để tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

 

        Cơ chế này đã được pháp luật quy định mang tính lịch sử từ Sắc lệnh số 108 - SL ngày 5.11.1957 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành Luật Công đoàn và được cụ thể hoá vào Nghị định số 118-TTg ngày 09.4.1958 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ban hành. Trên thực tế, tổ chức công đoàn thu kinh phí công đoàn 2% từ đó đến nay đã trải qua nhiều năm thực hiện đã và đang phát huy tác dụng và hiệu quả trong việc bảo đảm điều kiện cho công đoàn tổ chức các hoạt động thực hiện chức năng đại diện, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động và thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó, đóng góp không nhỏ vào quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

 

        Về “Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất”, trong số các đề cử “quy định tồi”, theo VCCI, có quy định “doanh nghiệp phải đóng tài chính cho công đoàn (CĐ) bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH”. Các lý do được đưa là nộp kinh phí CĐ sẽ làm giảm tính độc lập của công đoàn, làm tăng giá thành sản phẩm, làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Ý kiến của ông về vấn đề này?

 

      - Như nói bên trên, cơ chế tài chính có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động chăm lo đời sống cho người lao động. Vì thế, các doanh nghiệp, nơi sử dụng lao động trích nộp kinh phí 2% cho hoạt động của tổ chức công đoàn thể hiện trách nhiệm giữa nơi sử dụng lao động và tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động là công đoàn.

 

       Bên cạnh đó, khoản tiền trích nộp kinh phí CĐ của các đơn vị sản xuất kinh doanh được hạch toán vào giá thành sản phẩm theo luật quy định nhưng trên thực tế, theo khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam, kinh phí trích nộp cho CĐ chỉ chiếm từ 0,14% đến 0,2% giá thành sản phẩm, đối với doanh nghiệp làm hàng gia công thì kinh phí công đoàn cũng chỉ chiếm không quá 0,4% giá thành sản phẩm.

Mặt khác, để tổ chức CĐ lớn mạnh và đảm bảo đủ nguồn kinh phí chăm lo cho đời sống tinh thần và vật chất của người lao động cũng sẽ góp phần đưa doanh nghiệp ngày càng phát triển bền vững.

 

       Theo ông, nếu không thu kinh phí CĐ, tổ chức và cá nhân nào sẽ là chịu thiệt thòi?

 

      - Nếu không thu phí CĐ để duy trì hoạt động CĐCS thì không phải doanh nghiệp nào cũng sẽ thực hiện tốt việc đảm bảo lợi ích hợp pháp và chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân của mình. Thực hiện các quy định về trích nộp kinh phí CĐ là thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật, góp phần xây dựng GCCN, tổ chức CĐ vững mạnh; đảm bảo vai trò của CĐ trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

 

      Việc các doanh nghiệp trốn tránh nộp kinh phí CĐ hoặc chỉ thu được rất ít kinh phí công đoàn ảnh hưởng lớn tới nguồn tài chính phục vụ các hoạt động CĐ, đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất chính là người lao động. Khi nguồn thu giảm, các cấp CĐ không thể tổ chức nhiều hoạt động thăm hỏi, trợ cấp khi người lao động bị ốm đau, tai nạn lao động, có hoàn cảnh khó khăn cũng như tổ chức các chương trình phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần...

 

       Là một thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông nhận xét như thế nào về vai trò của Tổng LĐLĐVN trong chăm lo cho NLĐ trong thời gian qua?

 

       - Tổng LĐLĐVN và các công đoàn cơ sở thời gian qua đã thường xuyên chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động cả về vật chất lẫn tinh thần. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, các chế độ chính sách liên quan đến người lao động, phối hợp tốt với chuyên môn giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách cho NLĐ. Uỷ ban TƯ MTTQVN kỳ vọng vào sự phát triển hơn nữa của tổ chức CĐ trong chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của người lao động.

 

- Xin cảm ơn ông!

 

                                                         (Trích bài đăng trên Báo Lao động Số 112, ngày thứ ba 17.5.2016 của tác giả Huyên Nguyễn).

liên kết web