TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Voltar
Một số kinh nghiệm, giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ CBCĐ cơ sở (05/02/2016)
Công đoàn cơ sở là nền tảng của tổ chức Công đoàn, nơi trực tiếp tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Công đoàn. CĐCS vững mạnh là đảm bảo để tổ chức Công đoàn Vững mạnh, chính vì thế nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của CĐCS và cán bộ CĐCS luôn được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quan tâm và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng đối với tổ chức Công đoàn, bởi vì BCH CĐCS và cán bộ Công đoàn là những người trực tiếp đề xuất chương trình, kế hoạch hoạt động và trực tiếp tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chương trình công tác của công đoàn cấp trên và Nghị quyết của Đại hội Công đoàn tại cơ sở: trực tiếp đại diện cho tập thể NLĐ xây dựng, giải quyết mối quan hệ giữa tập thể NLĐ với NSDLĐ và các tổ chức chính trị ở cơ sở. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của BCH, Chủ tịch CĐCS, tổ trưởng CĐ là nhân tố quan trọng quyết định chất lượng, hoạt động của CĐCS.


Họp mặt, trao đổi kinh nghiệm hoạt động Công đoàn

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7 (Ảnh: Trường Khoa)

 
       Thực hiện chương trình “Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn” của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam và Nghị quyết Đại hội IX Công đoàn tỉnh Sóc Trăng. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ CĐCS đã nỗ lực phấn đấu, phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đạt được những thành tích đáng phấn khởi như: thực hiện tốt được chức năng đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ; vận động và tích cực tham gia tốt các hoạt động xã hội, từ thiện do công đoàn và các ngành phát động; làm tốt công tác phát triển đoàn viên và xây dựng CĐCS vững mạnh;  tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên thông qua các hoạt động tổ chức nghiên cứu học tập tìm hiểu, quán triệt các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và Công đoàn cấp trên, nhất là việc tuyên truyền vận động CNVCLĐ thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai dưới nhiều hình thức gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, từ đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước đã dần đi vào nền nếp từ khâu phát động, đăng ký thi đua, kiểm tra, giám sát đến tổng kết khen thưởng. Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có nhiều tập thể, cá nhân đã  được tặng thưởng Huân chương lao động, Chiến sĩ thi đua, cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn, góp phần cho phong trào thi đua của LĐLĐ tỉnh ngày càng vững mạnh và xây đắp truyền thống của công đoàn qua mỗi chặng đường phát triển.


Lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho chủ tịch CĐCS năm 2015


        Bên cạnh những kết quả đã đạt được, song nhìn chung hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: một số ít cán bộ CĐCS chưa phát huy hết được vai trò trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động để tập hợp thu hút CNVCLĐ tham gia vào tổ chức công đoàn; tổ chức hoạt động công đoàn còn nặng tính hình thức, thiếu chiều sâu; chưa chịu khó đầu tư suy nghĩ để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động dẫn đến nội dung và hình thức sinh hoạt vừa qua còn khô khan, thiếu sinh động; chưa mạnh dạn tranh thủ đề xuất kịp thời sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự ủng hộ của chính quyền và các đoàn thể để hỗ trợ, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động; một số ít cán bộ CĐCS chưa thật sự quan tâm nghiên cứu, tự trao dồi học tập về nghiệp vụ Công đoàn, chưa nhiệt tình với công tác Công đoàn, xem hoạt động Công đoàn như là một nhiệm vụ được phân công chứ không phải vì cái “tâm”, vì đoàn viên mà hoạt động. Cán bộ Công đoàn, trong đó có Chủ tịch CĐCS chưa biết phương pháp tổ chức hoạt động, chưa thể hiện được bản lĩnh nên việc phối hợp với lãnh đạo đơn vị, với người sử dụng lao động chưa mang lại hiệu quả cao.


       Một trong những nguyên nhân cơ bản của hạn chế trên đó là: cán bộ CĐCS hoạt động kiêm nhiệm, phụ thuộc vào NSDLĐ nên ít có thời gian dành cho hoạt động công đoàn, tình trạng cán bộ phải kiêm nhiều vị trí việc làm, áp lực công việc lớn, tham gia Ban Chấp hành mang tính cơ cấu, không có điều kiện để đầu tư nghiên cứu sâu đến công tác công đoàn; một số cán bộ công đoàn còn hạn chế về năng lực, chưa am hiểu sâu về luật pháp, chế độ, chính sách có liên quan đến CNVCLĐ, chưa được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ dẫn đến lúng túng trong việc thực hiện các kỹ năng sinh hoạt, nhất là tổ trưởng, tổ phó công đoàn; chưa chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động, cụ thể hoá nội dung, chương trình công tác của Công đoàn cấp trên vào thực tiễn hoạt động cơ sở; nội dung, phương thức hoạt động thiếu đổi mới và thiết thực, từ đó chưa thật sự thu hút CNVCLĐ tham gia hoạt động công đoàn.


      Từ những kết quả và hạn chế trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm như sau:


      - Cán bộ công đoàn cơ sở phải có nhiệt tình, tâm huyết với phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, có lòng say mê đối với hoạt động xã hội và hoạt động công đoàn. Đặc biệt phải có uy tín với CNVCLĐ và đoàn viên, có khả năng tuyên truyền vận động thuyết phục CNVCLĐ tham gia vào tổ chức và các hoạt động thực tiễn của công đoàn.


     - Phải xây dựng được đội ngũ cán bộ công đoàn thật sự có trình độ năng lực. Bên cạnh đó, phải có sự đam mê, sở thích và có năng khiếu về hoạt động văn nghệ - thể dục thể thao, điều đó rất thuận lợi trong việc tổ chức các hoạt động phong trào.


     - Quan tâm chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, trang bị những kiến thức cơ bản nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn cơ sở đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao; thường xuyên tự trao dồi học tập và rèn luyện để nâng cao trình độ năng lực, nhất là học tập từ thực tiễn công tác.


     - Cán bộ công đoàn phải là người có phong cách quần chúng, thường xuyên gần gũi, nắm bắt tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của người lao động; có bản lĩnh để quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám hành động và chịu trách nhiệm trước mọi công việc; mạnh dạn tranh thủ đề xuất và kiến nghị với cấp ủy Đảng và Công đoàn cấp trên đối với hoạt động công đoàn.


     - Thường xuyên nghiên cứu để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn hay nói cách khác phải biết lựa chọn phương pháp hoạt động sao cho phù hợp với tình hình thực tế, biết xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình hành động.


     Để tiếp tục phát huy tốt vai trò của cán bộ CĐCS trong việc tập hợp, thu hút và đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, cần có giải pháp như sau:


     - Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ mọi mặt cho cán bộ công đoàn cơ sở. Tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ công tác, kiến thức pháp luật, kỹ năng thương lượng, đối thoại cho cán bộ CĐCS, chú trọng tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ cho tổ trưởng, tổ phó công đoàn; căn cứ  vào nhu cầu, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng chương trình sao cho phù hợp với điều kiện thực tế nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động thực tiễn của cán bộ công đoàn cơ sở.


     - Thường xuyên thông tin, cập nhật những kiến thức mới để giúp cán bộ công đoàn cơ sở nắm vững và nâng cao năng lực về tổ chức, quản lý và sinh hoạt công đoàn, nắm bắt và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam; tổ chức Hội thi cán bộ công đoàn giỏi để góp phần bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng của cán bộ công đoàn cơ sở, nâng cao trình độ nhận thức và năng lực cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn trong thời kỳ mới.


     - Động viên, khen thưởng kịp thời và có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ công đoàn cơ sở. Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có kế hoạch tổ chức họp mặt để tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn có dịp gặp gỡ, trao đổi học tập kinh nghiệm trong công tác giữa các đơn vị, đồng thời ghi nhận biểu dương cán bộ công đoàn cơ sở có thời gian cống hiến lâu năm hoặc có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp cho tổ chức Công đoàn.


      - Kiện toàn củng cố bộ máy tổ chức của Ban Chấp hành CĐCS khi có biến động; tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ CĐCS, nghiên cứu cải tiến nội dung và hình thức sinh hoạt của Ban Chấp hành CĐCS đến các tổ công đoàn khắc phục tình trạng báo cáo, đánh giá hoạt động không đúng thực chất hoặc tổ chức hoạt động mang tính đối phó, hình thức.


      Tóm lại, nâng cao chất lượng hoạt động của CĐCS và cán bộ CĐCS là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và lâu dài đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Song nỗ lực chính phải là sự rèn luyện, tu dưỡng và nỗ lực phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ Công đoàn cơ sở.

                Lương Văn Hòa
                Trưởng Ban Tổ chức LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng


liên kết web