Voltar
Công đoàn huyện Long Phú chung sức xây dựng nông thôn mới
LĐLĐ huyện Long Phú phối hợp với Công đoàn cơ sở xã Long Phú ra quân trồng cây 2 bên đường với chiều dài 4km.

Sáng ngày 22.7, LĐLĐ huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) phối hợp với CĐCS xã Long Phú ra quân trồng cây quỳnh anh 2 bên đường Tỉnh lộ 933C, thuộc địa bàn các ấp Tân Lập, Nước Mặn 2 và ấp Kinh Ngang, xã Long Phú với chiều dài 4km.

Tổng cộng trị giá công trình là 200 triệu đồng. Trong đó, 150 triệu đồng từ nguồn xây dựng nông thôn mới của xã Long Phú năm 2024 và Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ. Các cấp Công đoàn đóng góp ngày công lao động khoảng 50 triệu đồng.

LĐLĐ huyện Long Phú phối hợp Công đoàn cơ sở xã Long Phú ra quân trồng cây. 

Sau khi trồng và bàn giao công trình, địa phương sẽ tiếp tục vận động người dân làm cột cờ, hàng rào, đèn để trở thành công trình kiểu mẫu.

Đồng chí Trương Thị Loan Anh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Long Phú cho biết, thực hiện công trình nhằm nâng cao trách nhiệm của đoàn viên, CNVCLĐ và tạo sự đồng thuận trong xã hội, phát huy tính năng động, sáng tạo để góp phần thực hiện có hiệu quả trong công tác xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Đồng chí Loan Anh thông tin, hoạt động này cũng nhằm chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

PHƯƠNG ANH


Voltar
Họp mặt cán bộ Công đoàn qua các thời kỳ và biểu dương 90 cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu lần II - năm 2024
Chiều ngày 2/8, tại Trường Chính trị tỉnh Sóc Trăng, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức Hội nghị gặp mặt cán bộ công đoàn và biểu dương cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).

Đến dự có các đồng chí: Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lâm Sách - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Cùng dự còn có các đồng chí nguyên lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh qua các thời kỳ; cán bộ công đoàn chuyên trách Liên đoàn Lao động tỉnh, huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành và tương đương; chủ tịch công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng chụp ảnh lưu niệm ​​​​​cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo Công đoàn, cán bộ Công đoàn qua các thời kỳ. Ảnh. Anh Khoa

Qua 32 năm xây dựng trưởng thành, trải qua 7 kỳ đại hội, đội ngũ Công đoàn Sóc Trăng đã không ngừng lớn mạnh thể hiện tốt vai trò, chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên, NLĐ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào  -  Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch  HĐND  tỉnh  Sóc Trăng (thứ 5 từ trái sang) cùng đồng chí Trần Văn Việt  - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy (thứ 6 từ trái sang) trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức công đoàn” cho các cá nhân. Ảnh. Anh Khoa.

Từ đầu năm 2024 đến nay, việc xây dựng mô hình tổ chức công đoàn đã được thực hiện theo hướng mở, linh hoạt, trong đó đã tập trung nhiều vào khu vực ngoài nhà nước và khu vực phi chính thức, mở rộng mạng lưới các nghiệp đoàn là những NLĐ có chung ngành nghề.

 

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng (thứ 6 từ trái sang) cùng đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh  ủy viên, Chủ tịch  Liên đoàn Lao động tỉnh (thứ 7 từ trái sang) trao bằng khen và biểu dương các cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu. Ảnh. Anh Khoa.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hoạt động Công đoàn trong tỉnh đã hướng mạnh về cơ sở, tập trung sâu vào hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đoàn viên, NLĐ. Các chương trình Tết sum vầy, Chợ tết Công đoàn, Phiên chợ 0 đồng, Tháng công nhân, Tiếp bước cho em đến trường, Bữa cơm công đoàn... liên tục được tổ chức với quy mô ngày càng lớn hơn, tạo sức lan tỏa hơn.

Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng ôn lại truyền thống 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024). Ảnh. Anh Khoa.

Các cấp công đoàn đã ký kết chương trình phúc lợi đoàn viên công đoàn với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đã có hàng chục ngàn đoàn viên được hưởng lợi. Trong 5 năm qua, đã thực hiện được 324 Mái ấm Công đoàn với số tiền trên 13,8 tỉ đồng góp phần giúp cho đoàn viên ổn định cuộc sống, an tâm lao động, sản xuất, công tác,...

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng phát biểu chỉ đạo. Ảnh. Anh Khoa.

Từ năm 2023, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động. Qua đó, đoàn viên, NLĐ đã trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và có những kiến nghị, đề xuất từ thực tế lao động, sản xuất đến lãnh đạo các cấp. Các phong trào thi đua đã được đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực. Bình quân hằng năm có gần 10.000 đề tài, sáng kiến được công nhận.

Đồng chí Trần Văn Việt - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy (thứ 6 từ trái sang) cùng đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (thứ 7 từ trái sang) trao bằng khen và biểu dương các cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu. Ảnh. Anh Khoa.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng - đánh giá cao những đóng góp, thành tích nổi bật của các cấp Công đoàn đã góp phần cùng Đảng bộ tỉnh thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu quan trọng về kinh tế - xã hội.

Đồng chí Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 6 từ trái sang) cùng đồng chí Lê Văn Phải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ 7 từ trái sang) trao bằng khen và biểu dương các cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu. Ảnh. Anh Khoa

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị các cấp Công đoàn tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ. Chủ động, kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đoàn viên, NLĐ về việc làm, nhà ở, tiền lương, thu nhập, điều kiện lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... tạo mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới.

Đồng chí Lâm Sách - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (thứ 8 từ trái sang) cùng đồng chí Trần Ngọc Mỹ - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (thứ 9 từ trái sang) trao bằng khen và biểu dương các cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu. Ảnh. Anh Khoa

Đồng thời tham mưu với cấp ủy Đảng và phối hợp chặt chẽ với chính quyền, cơ quan chuyên môn cùng cấp, chủ doanh nghiệp để tổ chức, phát động các phong trào thi đua trong công nhân, viên chức, NLĐ.

Dịp này, có 78 cá nhân nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp tổ chức Công đoàn của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh chụp ảnh lưu niệm cùng 90 cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu. Ảnh. Anh Khoa.

Biểu dương 90 cán bộ CĐCS, nghiệp đoàn cơ sở, cán bộ nữ công CĐCS có thành tích xuất sắc trong phong trào công nhân, viên chức, lao động có nhiều đóng góp trong quá trình thành lập, hoạt động và phát triển của Công đoàn tỉnh Sóc Trăng nói riêng Công đoàn Việt Nam nói chung.

ANH KHOA


Voltar
Quốc hội chính thức “chốt” phương án tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ
Với 90,06% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu; tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm cho người lao động.

          Có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường

        Sáng 20.11, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động sửa đổi. 
        Theo báo cáo, một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo bộ luật đã được làm rõ, cũng như nêu hướng điều chỉnh, chỉnh lý, ý kiến của Ủy ban Thường  vụ Quốc hội về các vấn đề này.                        

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo. 

        Về thời giờ làm việc bình thường (Điều 105), nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần. Một số ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành về thời giờ làm việc bình thường là 48 giờ/tuần, đồng thời có ý kiến đại biểu đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay, do đây là vấn đề lớn, chưa có đánh giá tác động một cách đầy đủ.
         Về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội là rất xác đáng, việc tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện và nâng cao điều kiện lao động đối với người lao động là xu hướng tiến bộ của thế giới.
        Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14 ngày 22.10.2019, lúc đó, Chính phủ chưa đánh giá tác động về kinh tế - xã hội đối với vấn đề này.
        Vì vậy, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chủ động đề nghị Chính phủ phối hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó thể hiện quan điểm của Chính phủ về nội dung này.
        Chính phủ đã có Công văn số 561/CP-PL ngày 6.11.2019 đề nghị “trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành” và “có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp”.
         Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và báo cáo Quốc hội việc từng bước giảm giờ làm theo hướng sẽ ghi vào Nghị quyết của kỳ họp: Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần; đồng thời, giữ quy định “Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động” tại Điều 105 về thời giờ làm việc bình thường.
         Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có các quy định triển khai cụ thể; đặc biệt, cần phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn về cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả để từng bước thực hiện cho được việc giảm giờ làm việc bình thường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.

          Không tăng giờ làm thêm

        Về nội dung mở rộng khung giờ làm thêm tối đa, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với Phương án 1 quy định như Bộ luật Lao động hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, giữ nguyên khung giờ làm thêm, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng, thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm.

         Thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu
        Về tuổi nghỉ hưu (khoản 2 Điều 169), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến đại biểu Quốc hội, kết quả có 371 đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến về nội dung này thì có 280 đại biểu Quốc hội đồng ý Phương án 1 là: “Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
         Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và thể hiện trong dự thảo Bộ luật.
         Tăng thêm ngày nghỉ lễ
        Về nghỉ lễ, tết (Điều 112), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xin ý kiến, kết quả có 402 đại biểu Quốc hội cho ý kiến về nội dung này và có 370 đại biểu Quốc hội đồng ý bổ sung một (01) ngày người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương.
        Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và ghi trong dự thảo Bộ luật, bổ sung thêm một ngày nghỉ vào ngày liền kề với Ngày Quốc khánh 2.9

         90,06% số đại biểu tán thành thông qua 
         Sau khi nghe bà Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Quốc hội đã biểu quyết về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau và toàn bộ dự thảo Bộ luật.

Kết quả biểu quyết Bộ luật Lao động sửa đổi.

       Kết quả, có 453 đại biểu tham gia biểu quyết, 435 đại biểu tán thành (chiếm 90,06%), 9 đại biểu không tán thành và 9 đại biểu không biểu quyết.
      Như vậy, với 90,06% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi, thống nhất tăng tuổi nghỉ hưu, tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm cho người lao động.

ĐẶNG CHUNG - CAO NGUYÊN

Nguồn: https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-chinh-thuc-chot-phuong-an-tang-them-1-ngay-nghi-le-767154.ldo


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập