Hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà tập thể cho giáo viên
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Phạm Lệ Lam - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Thạnh Trị; Châu Tuấn Hồng - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, giáo viên Trường Trung học phổ thông Thạnh Tân tham dự lễ nghiệm thu. Ảnh: Trường Khoa
Nhà ở tập thể của Trường Trung học phổ thông Thạnh Tân được đưa vào sử dụng cuối năm 2006 với diện tích 332m², có 8 phòng phục vụ nhu cầu sinh hoạt, ở lại của 14 cán bộ, đoàn viên đang công tác tại trường. Qua 18 năm sử dụng, nhà tập thể đã xuống cấp, phần máy tol bị dột, mái trước hư hỏng hoàn toàn, không đảm bảo cho các cán bộ, đoàn viên khi ở lại tại đây. Trước khó khăn này, Công đoàn cơ sở Trường Trung học phổ thông Thạnh Tân đã được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ “Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn Lao động tỉnh cùng với sự đóng góp hơn 20 triệu đồng từ đoàn viên của trường để sửa chữa nhà tập thể, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên có chỗ ở tốt hơn.
Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, thể hiện sự quan tâm của tổ chức công đoàn đối với những cán bộ, giáo viên ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời là sự động viên để tập thể cán bộ, giáo viên Trường Trung học phổ thông Thạnh Tân tiếp tục nâng cao chất lượng dạy học, chăm lo cho học sinh, đóng góp tích cực vào sự nghiệp trồng người.
HẢI HÀ - TRƯỜNG KHOA
Đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp được hỗ trợ nhà (Trần Đề)
Chiều 18.7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phối hợp Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) bàn giao nhà Đại đoàn kết cho ông Trần Minh Hoài là đoàn viênNghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề.
Căn nhà được xây dựng có diện tích 32m2, trị giá gần 70 triệu đồng, trong đó quỹ Vì người nghèo tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đóng góp thêm để xây dựng khang trang.
Đoàn viên Trần Minh Hoài - Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề trong ngôi nhà mới.
Được biết, gia đình ông Trần Minh Hoài có hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở. Được hỗ trợ căn nhà mới giúp gia đình có chỗ ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất.
Đây cũng là công trình thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2024 - 2029.
PHƯƠNG ANH

Công đoàn với phòng chống dịch COVID-19: Đề cao kỷ cương, trách nhiệm
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu (thứ hai, trái qua) cùng lãnh đạo Liên đoàn Lao động Hà Nội nắm bắt về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại Công ty CP Giày Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn
Theo đó, để tiếp tục đồng hành với Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) trong việc triển khai những biện pháp mới quyết liệt hơn trong giai đoạn này, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN yêu cầu các cấp Công đoàn (CĐ) tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
1/ Kiên trì và thực hiện đúng phương châm phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay là “khẩn trương, kiên quyết, bình tĩnh, đúng mực, không chủ quan, không chần chừ, chủ động phát hiện và ngăn chặn triệt để, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan”. Thực hiện đầy đủ tinh thần Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 36 là “gắn kết và chủ động thích ứng”, phát huy mạnh mẽ vai trò của các cấp CĐ trong việc tuyên truyền, vận động NLĐ ủng hộ, chủ động tự thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc và cách ly theo quy định khi có yêu cầu của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo khoanh vùng, dập dịch triệt để.
2/ Chủ tịch các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương, CĐ TCty trực thuộc đề cao kỷ cương, trách nhiệm, chỉ đạo các cấp CĐ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Tổng LĐLĐVN và lãnh đạo địa phương, bộ, ngành trong công tác phòng, chống dịch.
3/ Chỉ đạo các cấp CĐ tuyên truyền để người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện nghiêm Hướng dẫn số 1133/BYT-MT ngày 9.3.2020 của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá, khu nhà trọ của NLĐ bằng nhiều hình thức (áp phích, tờ rơi, loa phát thanh, công nghệ thông tin…) nhằm truyền tải một cách chính xác, đơn giản, dễ hiểu để mọi NLĐ cùng hiểu rõ về dịch bệnh, hiểu về những điều cần phải làm và những điều không được làm để phòng, chống dịch từ nhà, khi sử dụng phương tiện cộng cộng, ra chỗ đông người, đến nhà hàng, siêu thị, đi làm nơi công sở, trong nhà máy… đảm bảo an toàn.
4/ Từ thực tiễn địa phương, ngành, doanh nghiệp, CĐ cần phối hợp với chính quyền và người sử dụng lao động tuyên truyền, vận động NLĐ nỗ lực chung tay cùng doanh nghiệp vượt khó. Đề xuất các giải pháp hỗ trợ NLĐ về trông giữ, quản lý con trong thời gian học sinh nghỉ học. Đảm bảo việc làm thường xuyên, liên tục. Xem xét, đề xuất giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ phép năm, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ khó khăn… để đảm bảo thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đề xuất với người sử dụng lao động ở những doanh nghiệp có điều kiện tổ chức đào tạo lại NLĐ để họ chuyển đổi nghề nghiệp và thích nghi với tình hình mới.
5/ Vào thời điểm thích hợp, các cấp CĐ, nhất là CĐ trong các doanh nghiệp chủ động hoặc phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị, tọa đàm bàn giải pháp thực hiện việc CĐ chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả COVID-19, động viên, khích lệ NLĐ đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động để đạt được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ.
Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-voi-phong-chong-dich-covid-19-de-cao-ky-cuong-trach-nhiem-789940.ldo
T.E.A (BÁO LAO ĐỘNG)