Nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức công đoàn
Với ý nghĩa đó, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực, sáng tạo để thực hiện tốt công tác này.
Kỳ 1: Hướng về cơ sở
Chỗ dựa cho người lao động tự do
Bán vé số là công việc mưu sinh của nhiều người, phần lớn là người có hoàn cảnh khó khăn. Do đặc thù công việc nên lực lượng lao động ở lĩnh vực này chưa có tổ chức đại diện. Bởi vậy, các nghiệp đoàn vé số được ra đời trong thời gian gần đây đã đánh dấu một bước ngoặt mới khi có tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Được thành lập cách đây hơn 2 tháng, Nghiệp đoàn vé số Trần Đề (huyện Trần Đề) có 30 thành viên đang sinh sống và bán vé số trên địa bàn huyện. Ông Huỳnh Lin, ấp Giồng Chùa, thị trấn Trần Đề cho biết: "Trước đây thì mạnh ai nấy bán, nếu khó khăn cũng không biết dựa vào đâu. Khi vào nghiệp đoàn, tôi thấy mọi người sống chan hòa, hỗ trợ với nhau. Chúng tôi cũng được cán bộ công đoàn thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức Công đoàn. Sắp tới, tôi sẽ tham gia vận động thêm người bán vé số vào nghiệp đoàn".
Việc thành lập Nghiệp đoàn vé số được Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề ấp ủ từ lâu, nhằm tập hợp người lao động tự do có thể tiếp cận các chính sách an sinh xã hội và được chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp và hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống. Đồng chí Hoa Trần Thế - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề cho biết, đây là nghiệp đoàn thứ 4 của huyện được thành lập. Trước đó, huyện đã thành lập 2 nghiệp đoàn về nghề cá và 1 nghiệp đoàn bốc xếp ở Cảng cá Trần Đề. Các nghiệp đoàn này đều hoạt động hiệu quả, đoàn viên tương trợ lẫn nhau và có thu nhập ổn định cho đoàn viên. Tổ chức công đoàn cũng quan tâm, hỗ trợ cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Việc thành lập các nghiệp đoàn cơ sở đã trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây. Các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả nhằm thu hút, tập hợp người lao động trong khu vực phi chính thức (lao động tự do) vào tổ chức nghiệp đoàn. Đặc biệt là, việc thành lập các nghiệp đoàn không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên mà còn gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Tiêu biểu như Nghiệp đoàn xe Honda chở khách và Phòng, chống tội phạm ở thị xã Vĩnh Châu. Từ ngày được thành lập, thành viên trong nghiệp đoàn khi ra đường hành nghề được trang bị đồng phục, phân chia khu vực hoạt động nề nếp, không tranh giành địa bàn, hỗ trợ giúp nhau trong mọi việc. Họ cũng ý thức hơn trong giao tiếp, tạo được ấn tượng tốt với người dân địa phương, khách hàng. Các đoàn viên cũng phối hợp với lực lượng công an để đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương thông qua việc nắm tình hình, cung cấp cho công an các nguồn tin có giá trị về tội phạm, vi phạm pháp luật. Qua đó cho thấy, tổ chức công đoàn không chỉ gói gọn trong các hoạt động truyền thống mà ngày càng linh hoạt trong công tác vận động người lao động khu vực phi chính thức.
Đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề (bên phải) trong giờ làm việc. Ảnh: HẢI HÀ
Gắn kết với người lao động
Với phương châm “ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”, thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Chính vì vậy, số lượng đoàn viên được kết nạp và số công đoàn được thành lập mới đã tăng đáng kể, quyền lợi của người lao động ngày càng được đảm bảo.
Trong 7 tháng qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã phát triển mới 2.574 đoàn viên. Đồng thời thành lập mới 17 công đoàn cơ sở, trong đó có 3 nghiệp đoàn cơ sở ở khu vực phi chính thức. Đoàn viên sau khi được kết nạp chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy lao động, quy định tại công ty, đơn vị. Đoàn viên công đoàn cũng hưởng ứng các phong trào thi đua lao động, sản xuất nhằm tăng năng suất lao động; tích cực tham gia các hoạt động công đoàn do công đoàn cơ sở tổ chức.
Với nhiều hoạt động thiết thực, Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mediprotek Vina trực thuộc Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đoàn viên, người lao động của công ty. Dù mới thành lập hơn 1 năm nhưng tổ chức công đoàn ngày càng khẳng định vai trò đối với người lao động. Trong năm qua, Công đoàn đã kết hợp với công ty kiểm tra, giám sát nơi cung cấp suất ăn, đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời thực hiện đầy đủ các hoạt động tặng quà trong dịp lễ, Tết; quan tâm trợ cấp khi đoàn viên gặp khó khăn, ốm đau, tai nạn, hiếu hỷ.
Việc thành lập công đoàn cơ sở góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh. Ảnh: HẢI HÀ
Anh Bành Văn Trắng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mediprotek Vina cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng phát huy tinh thần đoàn kết của đoàn viên cũng như tích cực đề xuất với lãnh đạo công ty việc chăm lo cho đoàn viên nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động và lợi ích của công ty. Từ đó, tạo nên một mối liên kết bền vững giữa người sử dụng lao động và người lao động”.
Cùng với sự phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, các tổ chức công đoàn cũng nâng cao vai trò, vị trí của mình, nhất là vai trò đại diện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Tuy nhiên, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở hiện còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này.
HẢI HÀ

Công đoàn Sóc Trăng vượt chỉ tiêu Chương trình "1 triệu sáng kiến" giai đoạn 1
Kết thúc giai đoạn 1, đoàn viên, người lao động tỉnh Sóc Trăng đã tham gia với 2.822 sáng kiến, so với chỉ tiêu Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đạt 282,2%, so với kế hoạch chỉ đạo của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh vượt 822 sáng kiến, tương đương 82,2%.
Lượt đăng ký và lượt nộp sáng kiến của đoàn viên, CNVCLĐ trong tỉnh
Góp phần vào thành quả của giai đoạn 1, nhiều đơn vị đã tích cực tham gia với những sáng kiến hay, mang lại hiệu quả cao trong lao động, sản xuất, kinh doanh như: LĐLĐ TX Vĩnh Châu với 507 sáng kiến, LĐLĐ huyện Trần Đề với 441 sáng kiến, Công đoàn Ngành Giáo dục với 337 sáng kiến, LĐLĐ TP Sóc Trăng với 272 sáng kiến, Công đoàn Viên chức tỉnh với 259 sáng kiến; khu vực công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ tỉnh có công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Công trình Đô thị với 87 sáng kiến.
Các sáng kiến tham gia Chương trình có nội dung phủ kín hầu hết các lĩnh vực: tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước, sản xuất kinh doanh ở doanh nghiệp, tập trung các nhóm giải pháp như: Giải pháp kỹ thuật, giải pháp về quản lý, tác nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn công tác ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập, trong lao động sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp.
Video clip hướng dẫn chi tiết quy trình cập nhật sáng kiến của LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng thu hút trên 13.000 lượt xem
Để triển khai hiệu quả Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19”, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh ban hành nhiều văn bản tuyên truyền; thành lập các nhóm Zalo kết nối với cán bộ Công đoàn phụ trách ở cơ sở, cấp trên trực tiếp cơ sở để thường xuyên tương tác, đôn đốc, nhắc nhở và động viên đoàn viên, người lao động tham gia. Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh xây dựng video clip hướng dẫn chi tiết quy trình cập nhật sáng kiến thu hút trên 13.000 lượt xem; đăng tải các thông tin về Chương trình trên Fanpage Công đoàn Sóc Trăng, Trang Thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh.
Chương trình "1 triệu sáng kiến" cán mốc 700.000 sáng kiến
Việc tham gia Chương trình “1 triệu sáng kiến nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, vừa có ý nghĩa vận động, động viên, người lao động chủ động phát huy, đề xuất các sáng kiến hiệu quả, cách làm hay để hiến kế giúp cơ quan, đơn vị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân tốt hơn. Đồng thời, vừa có ý nghĩa Công đoàn đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19; đây cũng là việc đánh giá hiệu quả về sự đổi mới hoạt động của Công đoàn các cấp.
Anh Khoa