TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM -> MÔ HÌNH, CÁCH LÀM MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN
Hiệu quả thiết thực từ sáng kiến ứng dụng ruồi lính đen vào xử lý rác hữu cơ
Xử lý rác sinh hoạt luôn là chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, đặc biệt là việc phân loại, xử lý và tái chế rác thải, góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm giá trị sử dụng để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Trước những thực tiễn đó, đoàn viên Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng – Trần Huỳnh Mai Trang đã có sáng kiến “Ứng dụng ruồi lính đen vào xử lý rác hữu cơ tại Xí nghiệp liên hợp Xử lý chất thải rắn”. Với những hiệu quả thiết thực đạt được, sáng kiến của đoàn viên công đoàn Trần Huỳnh Mai Trang đã đạt giải Ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII năm 2020 - 2021 và được giới chuyên môn đánh giá cao.
Đoàn viên công đoàn Trần Huỳnh Mai Trang đạt giải Ba Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng lần thứ XII năm 2020 - 2021. Ảnh: NVCC
Xí nghiệp liên hợp Xử lý chất thải rắn thuộc Công ty cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng với nhiệm vụ là tiếp nhận, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt cho thành phố Sóc Trăng và các vùng lân cận. Đơn vị được tiếp nhận dây chuyền phân loại và xử lý rác sinh hoạt của Menart (Bỉ), rác hữu cơ sau khi được phân loại sẽ được ủ phân compost. Tuy nhiên, quy trình ủ phân tốn khá nhiều thời gian (khoảng hơn 3 tháng). Bên cạnh đó, do rác thải sinh hoạt không được phân loại tại nguồn nên lượng phân compost thu được rất khó kiểm soát chất lượng. Đây là 2 hạn chế cần được khắc phục tại đơn vị.
Trước những hạn chế nêu trên, chị Mai Trang đã nghiên cứu việc phát triển sáng kiến “Ứng dụng ruồi lính đen vào xử lý rác hữu cơ tại Xí nghiệp liên hợp Xử lý chất thải rắn” sẽ cung cấp thêm một phương pháp giúp rút ngắn thời gian xử lý rác hữu cơ, thúc đẩy việc phân loại rác tại nguồn và giúp tái tạo nguồn nguyên liệu hữu cơ tạo ra các sản phẩm kiểm soát được chất lượng phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.
Ruồi lính đen. Ảnh: NVCC
Với mục tiêu là rút ngắn thời gian xử lý rác hữu cơ, chị Mai Trang đã cùng với tập thể trong đội tham khảo và tổng kết các nghiên cứu trong và ngoài nước về việc ứng dụng ruồi lính đen vào xử lý rác hữu cơ. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào được thực hiện cụ thể trên nguồn rác hữu cơ đặc trưng như tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn Sóc Trăng. Do đó, chị Mai Trang đã tiến hành nuôi thử nghiệm thực tế tại đơn vị từ tháng 01/2019 đến tháng 5/2020.
Chị Mai Trang cho biết, sau khi thu nhận được kết quả bước đầu, sáng kiến đã được đăng ký thực hiện Dự án Khoa học công nghệ “Ứng dụng ruồi lính đen (Hermetia illucen) vào xử lý rác hữu cơ tại Nhà máy Xử lý Chất thải rắn tỉnh Sóc Trăng và vùng lân cận đặt tại xã Phú Mỹ, huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng” (thời gian thực hiện từ tháng 5/2020 đến tháng 9/2021). Dự án đã được công nhận kết quả nghiệm thu theo Quyết định số 208/QĐ-SKHCN, ngày 28 tháng 12 năm 2021 của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng.
Ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh: NVCC
Trong suốt quá trình nuôi thử nghiệm ruồi lính đen tại Nhà máy Xử lý chất thải rắn từ tháng 01/2019 đến tháng 5/2020 và trong giai đoạn thực hiện Dự án từ tháng 5/2020 đến tháng 9/2021, kết quả cho thấy: không phát hiện sự phát tán của ruồi lính đen ra môi trường bên ngoài. Lý do là ruồi lính đen trưởng thành là thức ăn yêu thích của các loài chim yến, chim én, chim sẻ, chim sáo... Hiện tại, khu vực xung quanh Nhà máy đã thu hút được nhiều quần thể chim yến, chim én, chim sẻ, chim sáo... góp phần tăng cường đa dạng sinh học. Đây cũng là thiên địch của ruồi nhà gây hại. Việc nhân nuôi ruồi lính đen kết hợp với biện pháp xử lý thích hợp đã góp phần tiết kiệm đáng kể chi phí hóa chất xử lý ruồi nhà gây hại tại đơn vị.
Giám đốc Xí nghiệp liên hợp Xử lý chất thải rắn Sóc Trăng - Lâm Thanh Trường cho biết, dự án này đã đóng góp thêm một phương pháp xử lý rác hữu cơ với thời gian được rút ngắn hơn so với các phương pháp ủ hoai tự nhiên, đồng thời tạo ra được sản phẩm ruồi lính đen có chất lượng phục vụ tốt cho ngành nông nghiệp. Với kết quả đạt được bước đầu góp phần tái chế nguồn rác hữu cơ hiệu quả và tạo ra các sản phẩm chất lượng phục vụ cho ngành trồng trọt và chăn nuôi. Kết quả đạt được của dự án đã đánh giá được mức độ an toàn của ruồi lính đen đối với môi trường, từ đó có cơ sở để góp phần vào việc đăng ký ứng dụng loại côn trùng này vào sản xuất.
Chủ tịch CĐCS Công ty cổ phần Công trình đô thị Sóc Trăng – Nguyễn Thu Trang cho biết, dự án của đoàn viên Mai Trang đã được thực hiện và đưa ra được quy trình hoàn thiện và sáng tạo các trang thiết bị cần thiết để áp dụng, vận hành hiệu quả tại đơn vị. Việc sản xuất và cung cấp thử nghiệm các sản phẩm cũng đã được tiến hành, trong khoảng thời gian thực hiện dự án và thu về hàng chục triệu đồng từ việc bán thử nghiệm các sản phẩm. Việc phát triển kinh doanh các sản phẩm vẫn còn nhiều tiềm năng, bao gồm việc phát triển sản phẩm chất lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng ruồi lính đen vào xử lý rác hữu cơ đã góp phần đáng kể trong việc gia tăng đa dạng và cân bằng sinh học, nhờ việc thu hút được nhiều quần thể thiên địch của ruồi nhà gây hại. Từ đó, góp phần hiệu quả trong việc hạn chế sử dụng hoá chất. Từ khi ứng dụng ruồi lính đen vào xử lý rác hữu cơ kết hơp với các biện pháp xử lý phù hợp, mỗi năm Xí nghiệp tiết kiệm được trung bình khoảng 200 triệu đồng chi phí hoá chất diệt ruồi nhà.
Nhân nuôi ấu trùng ruồi lính đen. Ảnh: NVCC
Chị Mai Trang cho rằng, mặc dù hiệu quả xã hội rất tốt cho công tác bảo vệ môi trường nhưng cần nhiều diện tích để mở rộng quy mô và đặc biệt là đầu ra tiêu thụ chưa nhiều nên hiện tại vẫn đang duy trì quy mô nhỏ, có thể mở rộng khi có đầu ra sản phẩm ổn định.
Phương pháp ứng dụng ruồi lính đen vào xử lý rác hữu cơ đang được ứng dụng tại Xí nghiệp liên hợp Xử lý chất thải rắn Sóc Trăng để xử lý nguồn rác hữu cơ từ các nhà máy chế biến nông sản trong tỉnh và các vùng lân cận.
Đây là một trong những sáng kiến mang lại hiệu quả cao của đơn vị, góp phần thúc đẩy và phát triển phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong lao động, sản xuất tại doanh nghiệp.
Nguyễn Thành Nam