TIN HOẠT ĐỘNG
Nghiệp đoàn Bốc xếp Cảng cá Trần Đề - Điểm tựa của người lao động
Sau chuyến ra khơi đánh bắt trên biển, nhiều tàu cá trở về cảng cá Trần Đề để mang hải sản cung cấp cho các nơi tiêu thụ. Đúng giờ đã hẹn, các thành viên của Nghiệp đoàn Bốc xếp ở cảng cá Trần Đề nhanh chóng phân chia lực lượng xuống hầm của các tàu để chuyển cá lên, còn những thành viên trên cảng cũng tất bật đưa từng kết cá lên xe kịp chở đến nơi phân phối. Từng công đoạn được phối hợp nhịp nhàng, đảm bảo việc sắp xếp hàng hóa, thủy sản được tiến hành nhanh chóng, tránh quá tải trong những lúc cao điểm tàu cập cảng.
Là thành viên gắn bó với công việc bốc xếp được 4 năm, anh Thạch Vinh ở thành phố Sóc Trăng cho biết, thời gian làm việc hằng ngày của anh phụ thuộc vào lúc tàu cá cập cảng và sản lượng khai thác từ các tàu. Do đó, có ngày anh Vinh bắt đầu làm từ hơn 6 giờ sáng và kết thúc lúc 17 giờ chiều, cũng có ngày chỉ làm việc trong một buổi là xong và mỗi tháng chỉ làm việc khoảng hơn 20 ngày.
Anh Vinh chia sẻ: “Trước đây, tôi làm tài xế lái xe tải, thu nhập hằng tháng chỉ 6 triệu đồng, lại phải ở trọ, tốn kém nhiều chi phí. Sau khi tham gia vào nghiệp đoàn bốc xếp, lương bình quân mỗi tháng của tôi khoảng 8 triệu đồng, khoản thu nhập này chưa tính tiền làm thêm. Cùng với mức thu nhập tốt hơn, môi trường làm việc cũng mát mẻ, anh em trong tổ rất đoàn kết. Ở Tổ nghiệp đoàn số 5 tôi đang làm còn được tổ trưởng lo ăn uống hằng ngày nên không tốn thêm nhiều chi phí phát sinh khi đi làm”.
Thành viên Nghiệp đoàn Bốc xếp làm việc tại cảng cá Trần Đề.
Nghiệp đoàn Bốc xếp cảng cá Trần Đề hiện có 5 tổ. Trước khi tàu cá cập cảng, chủ tàu sẽ gọi trước cho các tổ trưởng để tập hợp lực lượng đến cảng đúng giờ. Các tổ trưởng có nhiệm vụ sắp xếp, phân công công việc cho từng thành viên trong tổ. Lực lượng tham gia nghiệp đoàn đa số là lao động phổ thông, độ tuổi từ 20 đến hơn 40 tuổi. Đa phần đều làm lâu năm và thuần thục trong khâu bốc xếp, giúp cho các tàu cá thuận lợi trong hành trình vươn khơi bám biển.
Theo anh Dương Hoài Thanh - Tổ trưởng Tổ Bốc xếp số 5, hiện nay Tổ 5 có trên 60 thành viên phục vụ bốc xếp cho hơn 100 tàu cá trong và ngoài tỉnh. Với mức thù lao 150.000 đồng/tấn cá khi bốc xếp, thu nhập của từng thành viên trong tổ ít nhất cũng được 8 triệu đồng/tháng, khi vào mùa cá nhiều, thu nhập sẽ cao hơn, có khi lên đến 18 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập này phụ thuộc vào sản lượng khai thác cá của các tàu đánh bắt. Trước khi tham gia nghiệp đoàn, nhiều thành viên đã trải qua các công việc khác nhau như: đốn mía, lái xe tải, thợ hồ... cho thu nhập bấp bênh.
Bữa ăn trưa của các anh em trong Tổ Bốc xếp số 5 tại nhà anh Dương Hoài Thanh.
Anh Thanh cho biết, các thành viên trong tổ đều siêng năng lao động. Xuất phát từ tình cảm gắn bó và tinh thần “lá lành đùm lá rách”, những năm qua, anh Thanh đã hỗ trợ cơm nước 3 bữa/ngày cho các thành viên trong tổ. Ngoài ra, anh Thanh còn tặng quà cho thành viên trong tổ vào dịp tết Nguyên đán. Đặc biệt, những thành viên có hoàn cảnh khó khăn cũng được anh Thanh giúp đỡ cho mượn tiền để xây nhà ở ổn định hay mua xe máy để làm phương tiện đi lại, sau đó trừ dần vào lương hằng tháng.
Theo đồng chí Hoa Trần Thế - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề, trên địa bàn huyện có 3 nghiệp đoàn gồm: Nghiệp đoàn Bốc xếp Cảng cá Trần Đề; Nghiệp đoàn Đánh bắt hải sản thị trấn Trần Đề (nghiệp đoàn nghề cá); Nghiệp đoàn Đánh bắt hải sản xã Trung Bình. Thời gian qua, Nghiệp đoàn Bốc xếp Cảng cá Trần Đề đã góp phần quan trọng trong hậu cần nghề cá và giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Tranh thủ từ nhiều nguồn lực, thời gian qua, Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề đã hỗ trợ quà, mái ấm công đoàn cho các thành viên có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ, vấn đề bảo hiểm cho các anh em trong nghiệp đoàn. Thời gian tới, Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề sẽ tiếp tục phối hợp các ngành tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và củng cố lực lượng ở nghiệp đoàn.
Cảng cá Trần Đề giai đoạn 1 chính thức đi vào hoạt động vào năm 2003, là nơi tiếp nhận, phân phối, tiêu thụ và sơ chế hải sản để cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Sự phát triển của Nghiệp đoàn Bốc xếp ở cảng cá đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của cảng, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người lao động và góp phần phát triển khai thác thủy sản tại địa phương.
HẢI HÀ