Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại khu công nghiệp
Khu Công nghiệp An Nghiệp (tỉnh Sóc Trăng) có tổng diện tích là 180ha, có 49 doanh nghiệp với 64 dự án. Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh hiện có 31 công đoàn cơ sở trực thuộc với 22.996 đoàn viên/24.531 công nhân, người lao động.
Theo Công an tỉnh Sóc Trăng, thời gian gần đây, tình hình an ninh trật tự tại Khu Công nghiệp An Nghiệp khá phức tạp. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn đã xảy ra 8 vụ gây rối trật tự công cộng, 2 vụ cố ý làm hư hỏng tài sản, 1 vụ tai nạn lao động làm chết 1 người, 5 vụ tai nạn giao thông, 1 vụ bình luận trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, phương tiện vận chuyển hàng hóa đậu, đỗ không đúng nơi quy định... vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng, trật tự đô thị, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.
Các đơn vị phối hợp, đảm bảo an ninh trật tự tại khu công nghiệp
Trước tình hình đó, Đội Cảnh sát trật tự, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Sóc Trăng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo đảm an ninh trật tự góp phần đảm bảo an toàn cho quá trình lao động, sản xuất kinh doanh. Qua đó đã tổ chức tuần tra, kiểm soát 108 cuộc; hòa giải 2 vụ gây mất an ninh trật tự, nhắc nhở 230 trường hợp mua bán lấn chiếm lòng, lề đường; giải tán 38 đối tượng tụ tập, phơi đêm, có biểu hiện nghi vấn gây mất ANTT; lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định phạt tiền 5 trường hợp; tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi tuyên truyền về an ninh trật tự, an toàn giao thông đến công nhân, người lao động...
Đồng chí Phan Tấn Phong - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng - cho biết, đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở cử cán bộ Công đoàn tham gia tổ cán bộ Công đoàn chủ chốt và tạo nhóm liên kết mạng Zalo nội bộ nhằm chuyển tải nhanh, gọn, hiệu quả những định hướng của tổ chức Công đoàn; kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Qua đó giải quyết, báo cáo đề xuất với công đoàn cấp trên, các ngành chức năng có hướng giải quyết để người lao động an tâm sản xuất, ổn định tình hình sản xuất của doanh nghiệp.
Đồng chí Phan Tấn Phong cũng cho hay, thời gian tới sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của người sử dụng lao động để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa các hoạt động gây rối an ninh trật tự. Thường xuyên gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để lựa chọn nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp đem lại hiệu quả thiết thực.
TRƯỜNG KHOA
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
Trao 2 căn nhà Đại đoàn kết cho đoàn viên ở Thị xã Ngã Năm | 30/07/2024 |
Trao nhà ở cho đoàn viên ở huyện cù lao sông Hậu | 30/07/2024 |
Công đoàn huyện Long Phú chung sức xây dựng nông thôn mới | 30/07/2024 |
Quan tâm chăm lo đời sống của đoàn viên, người lao động | 31/07/2024 |
Thành lập thêm 1 công đoàn cơ sở tại Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh | 30/07/2024 |

Tăng tuổi nghỉ hưu với công chức, còn người lao động thì cần cân nhắc
Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường chiều ngày 23.10 đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến quy định về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về việc nâng tuổi nghỉ hưu và thời giờ làm việc bình thường.
Nhất trí với quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu, song đại biểu Y Khút Niê - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc áp dụng chung tuổi nghỉ hưu cho tất cả các đối tượng, các ngành nghề và khu vực là không phù hợp.
Đại biểu Y Khút Niê – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.
Đại biểu Y Khút Niê cũng cho biết, qua khảo sát với hơn 3955 lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy có 3.400 phiếu không đồng ý với tuổi hưu tăng thêm và đề nghị giữ nguyên như hiện hành, đồng thời đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, lao động trong ngành cao su, cà phê.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng đối với lao động phổ thông, lao động trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên giữ như hiện hành; đối với lao động trí óc, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực cụ thể quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi, nữ là 58 tuổi hoặc cao hơn.
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.
Cùng quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhấn mạnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn kiên trì quan điểm với bộ phận công chức thì có thể tăng tuổi nghỉ hưu, trừ lực lượng vũ trang đã có những đặc thù. Còn một bộ phận viên chức và người lao động thì chúng ta phải quan tâm, nghiên cứu, cân nhắc kỹ có tăng tuổi nghỉ hưu hay không. Nếu tăng thì ở mức độ nào để phù hợp với điều kiện, sức khỏe của người lao động.
“Chúng ta không thể so sánh người lao động Việt Nam với người lao động ở các nước Pháp, Đức. Vì đất nước họ phát triển, công việc của họ hầu như là bấm máy, còn chúng ta là lao động cật lực. Người lao động Việt Nam làm việc, ôm máy móc hàng chục tiếng đồng hồ một ngày. Liệu họ có khả năng kéo dài lao động khi họ đã lớn tuổi hay không?
Tôi cho rằng với người lao động trực tiếp thì nên nghiên cứu, có mức tuổi nghỉ hưu phù hợp. Nếu tăng thì nên tăng chậm. Sau một thời gian thực hiện, nếu thấy hợp lý thì tăng tiếp, để tránh gây sốc cho người lao động trực tiếp”- Đại biểu Ngọ Duy Hiểu kiến nghị.
Về vấn đề giảm giờ làm việc, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, hiện nay chúng ta là 1 trong 46 quốc gia đang thực hiện chế độ làm việc 48 giờ/ tuần, nhưng theo đánh giá về thu nhập trên đầu người thì chúng ta đã trên 66 quốc gia, theo công bố của quỹ tiền tệ quốc tế vào năm 2018. Ngay cả Myanmar là quốc gia có thu nhập đầu người thấp hơn Việt Nam, họ cũng đã thực hiện chế độ làm việc dưới 44 giờ/tuần. Đây là vấn đề chúng ta cần tham khảo.
“Trên cơ sở như vậy, chúng tôi đề xuất phương án trên tinh thần rất chia sẻ là doanh nghiệp có lợi nhuận, có phát triển thì người lao động mới có việc làm tốt. Đất nước phát triển thì người lao động mới cải thiện đời sống. Chúng tôi đề xuất phương án: Thứ nhất là thực hiện chế độ làm việc 44h/ tuần và có thể tăng giờ làm thêm. Thứ hai, thực hiện chế độ làm việc 44 giờ và có thể tăng giờ làm thêm lên 100 giờ. Thời gian giảm giờ làm việc thì có thể thực hiện theo lộ trình là 1-2 năm nữa mới giảm” – đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình.
Theo đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình, Quốc hội nên tiếp cận theo kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bởi kiến nghị này phản ánh tương đối đầy đủ ý kiến, mong muốn của người lao động. Theo đó, nên lắng nghe tiếng nói thực tế, chủ sử dụng lao động không muốn sử dụng lao động cao tuổi và người lao động cũng không làm được nếu quá tuổi.
Đại biểu đề nghị, công chức và một bộ phận viên chức có thể làm đến 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, còn phần đông lao động trực tiếp, nặng nhọc thì nên nghỉ theo quy định hiện hành.
ĐẶNG CHUNG - CAO NGUYÊN
Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/tang-tuoi-nghi-huu-voi-cong-chuc-con-nguoi-lao-dong-thi-can-can-nhac-761891.ldo
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
Đề xuất tăng lương cơ sở năm 2020 lên mức 1,6 triệu đồng/tháng | 22/10/2019 |
Công đoàn phải là lựa chọn đầu tiên của người lao động | 21/10/2019 |
Quán triệt quan điểm của Đảng về công tác Công đoàn | 18/10/2019 |
Tăng ca 2 tiếng có được nghỉ giữa giờ? | 18/10/2019 |
Nên giảm giờ làm cho công nhân | 14/10/2019 |
Thủ tướng chốt phương án nghỉ Tết Canh Tý tổng cộng 7 ngày | 09/10/2019 |
Đoàn viên, CNVCLĐ cần cảnh giác với các thủ đoạn cho vay nặng lãi - Tín dụng đen | 08/10/2019 |
Infographic: Những chính sách có hiệu lực từ tháng 10.2019 | 01/10/2019 |