戻る
Ra mắt mô hình Công đoàn với chuyển đổi số
Sáng ngày 23.5, Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Tú phối hợp với Công đoàn cơ sở thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa tổ chức Lễ ra mắt mô hình Công đoàn với chuyển đổi số (Dịch vụ công trực tuyến).

Theo đó, đoàn viên công đoàn ở bộ phận một cửa là người trực tiếp, tiếp nhận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) ra mắt mô hình Công đoàn với chuyển đổi số

Thứ 2 và thứ 4 hàng tuần bố trí 4 đoàn viên công đoàn/ngày tham gia trực tiếp vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyền và trực tiếp hỗ trợ hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác, cung cấp các thông tin trong quá trình thực hiện hồ sơ trực tuyến.

Theo Công đoàn cơ sở thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, việc ra mắt mô hình "Công đoàn với chuyển đổi số" nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức đơn vị tích cực tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến và cuộc họp không giấy.

Đoàn viên công đoàn ở bộ phận một cửa trực tiếp, tiếp nhận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn mọi người sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến nhằm từng bước nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của việc chuyển đổi số đối với các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội; giúp người dân có những công cụ thật sự thuận tiện khi thực hiện các thủ tục hành chính.

PHƯƠNG ANH


戻る
Nghiệp đoàn xe ôm tham gia phòng, chống tội phạm
Nhiều Nghiệp đoàn xe Honda (xe ôm) trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng được thành lập đã góp phần nâng cao đời sống cho người lao động và làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Cung cấp cho công an nhiều thông tin giá trị

Năm 2018, Nghiệp đoàn xe Honda tham gia phòng, chống tội phạm đảm bảo an ninh, trật tự tại thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) được thành lập với trên 100 thành viên là người lao động hành nghề xe ôm chở khách.

Từ khi đi vào hoạt động, các thành viên đã thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, chấp hành Luật Giao thông đường bộ trong khi hành nghề xe ôm. Đặc biệt các thành viên đã cung cấp cho Công an phường 1 (thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) 33 nguồn tin có giá trị, phục vụ bắt quả tang, đấu tranh triệt xóa 6 điểm tệ nạn xã hội, bắt quả tang 32 đối tượng để xử lý vi phạm hành chính theo quy định, tham gia bảo vệ hiện trường 8 vụ tai nạn, va chạm giao thông, sử dụng phương tiện xe Honda đưa 17 người bị thương đi bệnh viện kịp thời.

Vào tháng 7.2024, LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) đã phối hợp với Đảng ủy, UBND phường 1 tổ chức ra mắt mô hình Tổ xe ôm chất lượng cao trên cơ sở Nghiệp đoàn xe Honda trước đây. Các thành viên của Tổ xe ôm được trang bị đồng phục áo, nón bảo hiểm, in danh thiếp gửi đến khách hàng. Tổ trưởng, Tổ phó có trách nhiệm tiếp nhận thông tin hành khách, thỏa thuận giá cả và phân công thành viên đưa đón hành khách đảm bảo an toàn, trách nhiệm và hiệu quả.

LĐLĐ huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) ra mắt Nghiệp đoàn xe ôm phòng, chống tội phạm với 35 thành viên. Ảnh: Phương Anh

Ông Nguyễn Thanh Long - Tổ trưởng Tổ xe ôm chất lượng cao - cho biết, ngoài chở khách, các thành viên còn tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm bằng việc quan sát những đối tượng lạ mặt, biểu hiện nghi vấn để cung cấp thông tin cho Công an phường 1.

Qua 2 tháng đi vào hoạt động đã có hàng trăm lượt người liên hệ để di chuyển trong và ngoài thị xã. Các thành viên cũng cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho ngành chức năng trên địa bàn trong công tác phòng, chống tội phạm.

Góp phần ổn định an ninh trật tự

Theo đồng chí Phạm Thị Hương - Chủ tịch LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), trên địa bàn thị xã hiện nay có trên 800 đoàn viên khu vực phi chính thức, phần lớn đều khó khăn, việc thành lập mô hình này là bước đầu để thay đổi phương thức chăm lo cho đoàn viên, người lao động có điều kiện phát triển, thay đổi cuộc sống của mình và gia đình.

“Lực lượng đoàn viên đang sinh hoạt tại các Nghiệp đoàn gần gũi nhất với quần chúng nhân dân, do đó khi làm tốt công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động sẽ góp phần ổn định tình hình chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương” - đồng chí Hương nói.

Cũng theo lãnh đạo LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng), Tổ xe ôm họp định kỳ 2 lần/tháng. Trong các buổi họp đều có lực lượng Công an địa phương và đại diện LĐLĐ thị xã tham dự. Qua đó kịp thời có những góp ý giúp cho hoạt động của Tổ được đi vào nền nếp, giúp đăng thông tin trên các nền tảng để bà con được biết và liên hệ.

Vừa qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội tại thị xã Vĩnh Châu đã triển khai nguồn vay vốn để giúp đỡ cho 12 tổ viên được mua sắm phương tiện phục vụ nghề chạy xe ôm phù hợp với tình hình mới và phục vụ người dân được tốt hơn.

Theo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, LĐLĐ huyện Long Phú và huyện Thạnh Trị cũng đã thành lập 2 Nghiệp đoàn xe ôm phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội với gần 100 thành viên tham gia.

Đồng chí Lâm Quang Toản - Chủ tịch LĐLĐ huyện Thạnh Trị - cho biết, việc xây dựng mô hình Nghiệp đoàn xe ôm phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội nhằm hỗ trợ đoàn viên khu vực phi chính thức có điều kiện phát triển, thay đổi cuộc sống của mình và gia đình. Đồng thời, nâng cao chất lượng sinh hoạt của Ban chấp hành Nghiệp đoàn, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, thu đoàn phí công đoàn để có điều kiện chăm lo tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.

PHƯƠNG ANH


戻る
Công đoàn đề xuất bổ sung 3 ngày nghỉ trong năm
Chiều ngày 17.9 tại Hà Nội, trao đổi với phóng viên về một số vấn đề trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết sẽ đề xuất bổ sung 3 ngày nghỉ trong năm.

         Việc tăng thêm 3 ngày nghỉ lễ giúp cho người lao động có thêm một số ngày nghỉ trong năm để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, vừa có thêm thời gian chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.
           Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng với số ngày nghỉ lễ, Tết trong năm rất thấp, lao động trong nhiều ngành kinh tế chủ yếu là lao động di cư, nên việc tăng thêm mỗi năm ít nhất ba ngày nghỉ là cần thiết. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất bổ sung 3 ngày nghỉ lễ theo hai phương án.

Cuộc sống của CNLĐ tại các Khu công nghiệp, chế xuất còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hải Nguyễn

         Phương án 1 là nghỉ thêm 3 ngày vào dịp nghỉ Quốc khánh, dịp này sẽ nghỉ 4 ngày từ 2-5.9 hàng năm. Phương án này ngoài mang lại lợi ích chung cho tất cả mọi người, còn giúp các gia đình trẻ có thời gian, điều kiện chuẩn bị cho con bước vào năm học mới, bố mẹ đưa con đến trường trong ngày khai giảng năm học.
         Phương án 2 là nghỉ thêm 1 ngày vào Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 và 2 ngày thêm vào dịp nghỉ Tết Dương lịch.
        Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ Lao động Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ủng hộ phương án nghỉ thêm 3 ngày vào dịp Quốc Khánh vì dịp này gần ngày đưa trẻ đến trường.
       “Chúng tôi muốn người lao động có thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị cho con đến trường. Đặc biệt, nếu nghỉ ngày 5.9 các bố mẹ sẽ có thời gian dắt tay con đến trường, tạo sự gắn bó trong gia đình, thể hiện tinh thần hiếu học của Việt Nam,” ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.
        Hiện nay, số ngày nghỉ lễ, tết của Việt Nam ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và khu vực. Cụ thể, Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 12 ngày; Myanmar là 14 ngày; Philippines là 12 ngày; Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày; trong khi tổng số ngày nghỉ lễ, tết hiện nay của Việt Nam là 10 ngày.

VIỆT LÂM

Nguồn: Báo Lao động (https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-de-xuat-bo-sung-3-ngay-nghi-trong-nam-755196.ldo)


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập