Công đoàn Sóc Trăng tập huấn về công tác bảo vệ môi trường
Có 100 đại biểu là Trưởng, Phó Ban nghiệp vụ LĐLĐ tỉnh; lãnh đạo LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành và tương đương, các CĐCS trực thuộc LĐLĐ tỉnh.
Nâng cao nhận thức của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Trong 1 ngày các đại biểu sẽ được tập huấn các nội dung về công tác bảo vệ môi trường và hướng dẫn thu gom, phân loại xử lý rác thải như Luật Bảo vệ môi trường; các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý về tài nguyên, môi trường và các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu; hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn, giảm sử dụng túi ni lông và đồ nhựa…; trách nhiệm của CĐCS trong công tác bảo vệ môi trường.
Ngoài ra hỗ trợ 25 thùng rác cho LĐLĐ tỉnh, các LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, Công đoàn ngành và tương đương, các CĐCS trực thuộc phân loại rác.
Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng Lê Văn Phải, việc tổ chức tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ và Công đoàn các cấp về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; thúc đẩy phong trào xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ngày càng hiệu quả.
Đồng chí Phải cho biết, đây cũng là hoạt động nhằm cụ thể hóa Kế hoạch số 05/KH-LĐLĐ của LĐLĐ tỉnh thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Kế hoạch này đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao nhận thức cho đoàn viên, người lao động về vai trò, ý nghĩa của phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Hướng tới môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
PHƯƠNG ANH

Nhiều người lao động muốn được giảm giờ làm việc
Cụ thể, trang facebook Công đoàn Việt Nam đưa ra 2 phương án do Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra quy định giờ làm việc bình thường. Kết quả, đến hơn 16h ngày 9.9, chỉ có 18% lượt bình chọn chọn phương án 1: Giữ nguyên như hiện hành (không quá 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần, tức làm việc 6 ngày/tuần, chỉ nghỉ 1 ngày/tuần); trong khi đó, 82% chọn phương án làm việc không quá 44 giờ/tuần (làm việc 5,5 ngày/tuần, nghỉ 1,5 ngày/tuần).
Các bình luận về cuộc thăm dò ý kiến cũng ủng hộ phương án 2. Nhiều người cho rằng, nếu giảm giờ làm, mức lương thưởng vẫn được giữ nguyên thì sẽ giúp người lao động có thêm thời gian dành cho gia đình, vì hiện tại công việc chiếm hết thời gian nên họ không có thời gian quan tâm đến gia đình.
Có ý kiến bình luận: “Cơ quan nhà nước được nghỉ thứ 7, phía doanh nghiệp cũng nên cho cán bộ công nhân viên được nghỉ thứ 7”; người lao động cần được nghỉ như công chức, viên chức để tái tạo sức lao động…
Kết quả cuộc thăm dò tính đến hơn 16 giờ ngày 9.9.2019
Một ý kiến khác thì chọn phương án giảm giờ làm việc, nhưng cho rằng doanh nghiệp không được cắt giảm lương, thưởng thì mới đảm bảo đúng quyền và lợi ích cho người lao động. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu để như cũ thì phải tăng lương, vì hiện lương công nhân quá thấp, mà chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Hiện cuộc thăm dò vẫn đang được tiến hành, thu hút đông đảo lượt bình chọn và ý kiến bình luận của nhiều người.
Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-nguoi-lao-dong-muon-duoc-giam-gio-lam-viec-753724.ldo
BẢO HÂN (BÁO LAO ĐỘNG)