戻る
Trao nhà ở cho đoàn viên ở huyện cù lao sông Hậu
Đoàn viên Hồng Thị Chi - CĐCS Trường Mầm non Rạng Đông, huyện Cù Lao Dung vừa nhận được nhà Đại đoàn kết.

Ngày 23.7, LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng tổ chức lễ bàn giao nhà cho đoàn viên Hồng Thị Chi - CĐCS Trường Mầm non Rạng Đông, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng).

Cô Chi hiện là giáo viên, thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng; chồng làm thuê thu nhập bấp bênh; gia đình có 2 con nhỏ đang học Tiểu học và THCS.

Đại diện LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng trao nhà cho đoàn viên Hồng Thị Chi. 

 

Trước đây gia đình chị Chi sinh sống trong ngôi nhà lá đã xuống cấp. Được LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Vì người nghèo tỉnh Sóc Trăng, chị Chi xây được ngôi nhà mới khang khang, giúp gia đình yên tâm sinh sống, làm việc.

Được biết trong năm 2024, LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng được Ban vận động Quỹ Vì người nghèo tỉnh phân bổ 400 triệu đồng để hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết cho 8 đoàn viên khó khăn về nhà ở. Mỗi căn trị giá 50 triệu đồng.

PHƯƠNG ANH


戻る
Điểm tựa cho người bán vé số dạo
Những người bán vé số dạo đa phần là trẻ em, phụ nữ, người lớn tuổi, người nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nghề bán vé số dạo cũng không nằm trong danh mục ngành nghề nào, không hợp đồng lao động. Từ thực tế này, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 3 nghiệp đoàn bán vé số với 67 đoàn viên tham gia.

Một buổi sinh hoạt định kỳ của Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Phương Anh

Bước chân vạn dặm

Với mỗi tờ vé số bán được, người bán chỉ lãi được khoảng 1.000 đồng. Tùy vào sức khỏe, lứa tuổi mỗi ngày có người nhận từ vài chục đến vài trăm tờ vé số để bán.

“Có khi bán được thì lời cũng khoảng 100.000 đồng, lắm lúc chỉ đủ mua 1kg gạo là nhiều. Chưa kể việc đại lý không cho trả lại vé số bán “ế”’ - ông Lin - một người bán vé số dạo ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) - cho biết.

Cũng theo ông Lin, nghề bán vé số đòi hỏi phải đi nhiều, gặp nhiều người để mời gọi nên hầu như mỗi ngày ông đều di chuyển hàng chục cây số để bán bất chấp nắng mưa. “Hôm nào gặp được đám tiệc đông người ta mua nhiều mình bán nhanh, còn không thì phải đi khắp hết các tuyến đường để mời gọi mọi người. Có khi mưa gió không ai mua thì coi như hôm đó ôm hết vé số này” - ông Lin nói.

Điểm tựa cho người bán vé số dạo

Tháng 5 vừa qua, LĐLĐ huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) thành lập Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề với 30 thành viên tham gia - đây cũng là Nghiệp đoàn bán vé số đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.

Ông Hoa Trần Thế - Chủ tịch LĐLĐ huyện Trần Đề - cho biết, việc thành lập Nghiệp đoàn nhằm tập hợp người bán vé số trên địa bàn vào một tổ chức để các thành viên có nơi sinh hoạt, nâng cao kiến thức. LĐLĐ huyện cũng sẽ là cầu nối trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người bán vé số để có những đề xuất với công ty, kịp thời đáp ứng cho NLĐ.

Theo ông Huỳnh Lin - đoàn viên Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề: “Trước đây thì mạnh ai nấy bán, nếu khó khăn cũng không biết dựa vào đâu. Còn bây giờ vào Nghiệp đoàn mọi người hỗ trợ, không giành mối, sống chan hòa với nhau. Ban chấp hành Nghiệp đoàn còn quan tâm mọi người, ai đau ốm, bệnh tật được hỗ trợ tiền, lễ, Tết còn được tặng quà nữa”.

Tương tự tại TX Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), Nghiệp đoàn bán vé số phường 1 cũng được thành lập trên tinh thần tập hợp người bán vé số vào tổ chức Công đoàn. Qua đó để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ vốn, kiến thức giúp NLĐ ổn định cuộc sống; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho NLĐ.

Ông Lâm Văn Tùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Ngã Năm - thông tin, các đoàn viên trong Nghiệp đoàn đều là lao động tự do, hoàn cảnh khó khăn, kiếm sống nhờ vào tiền bán vé số dạo.

“Việc thành lập Nghiệp đoàn rất quan trọng trong công tác phát triển đoàn viên nhất là khu vực phi chính thức; giúp NLĐ được đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần khi tham gia vào tổ chức Công đoàn” - ông Tùng nói.

Đến nay tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 3 Nghiệp đoàn bán vé số với 67 thành viên. Các Nghiệp đoàn đều có Ban Chấp hành, sinh hoạt định kỳ và thường xuyên liên lạc thông qua các cuộc hội họp.

PHƯƠNG ANH


戻る
Nhiều người lao động muốn được giảm giờ làm việc
Trang facebook Công đoàn Việt Nam vừa tiến hành cuộc thăm dò ý kiến: Giảm giờ làm: Nên hay không? Cho đến hơn 16h ngày 9.9, đã có 571 lượt bình chọn và 82% chọn phương án giờ làm việc không quá 44 giờ/tuần (làm việc 5,5 ngày/tuần, nghỉ 1,5 ngày/tuần).

        Cụ thể, trang facebook Công đoàn Việt Nam đưa ra 2 phương án do Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đưa ra quy định giờ làm việc bình thường. Kết quả, đến hơn 16h ngày 9.9, chỉ có 18% lượt bình chọn chọn phương án 1: Giữ nguyên như hiện hành (không quá 8 giờ/ngày, 48 giờ/tuần, tức làm việc 6 ngày/tuần, chỉ nghỉ 1 ngày/tuần); trong khi đó, 82% chọn phương án làm việc không quá 44 giờ/tuần (làm việc 5,5 ngày/tuần, nghỉ 1,5 ngày/tuần).
         Các bình luận về cuộc thăm dò ý kiến cũng ủng hộ phương án 2. Nhiều người cho rằng, nếu giảm giờ làm, mức lương thưởng vẫn được giữ nguyên thì sẽ giúp người lao động có thêm thời gian dành cho gia đình, vì hiện tại công việc chiếm hết thời gian nên họ không có thời gian quan tâm đến gia đình.
       Có ý kiến bình luận: “Cơ quan nhà nước được nghỉ thứ 7, phía doanh nghiệp cũng nên cho cán bộ công nhân viên được nghỉ thứ 7”; người lao động cần được nghỉ như công chức, viên chức để tái tạo sức lao động…

Kết quả cuộc thăm dò tính đến hơn 16 giờ ngày 9.9.2019

        Một ý kiến khác thì chọn phương án giảm giờ làm việc, nhưng cho rằng doanh nghiệp không được cắt giảm lương, thưởng thì mới đảm bảo đúng quyền và lợi ích cho người lao động. Cũng có ý kiến cho rằng, nếu để như cũ thì phải tăng lương, vì hiện lương công nhân quá thấp, mà chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
         Hiện cuộc thăm dò vẫn đang được tiến hành, thu hút đông đảo lượt bình chọn và ý kiến bình luận của nhiều người.

Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/nhieu-nguoi-lao-dong-muon-duoc-giam-gio-lam-viec-753724.ldo

BẢO HÂN (BÁO LAO ĐỘNG)


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập