戻る
12 giáo viên vui mừng sinh sống trong nhà tập thể mới
12 giáo viên thuộc công đoàn cơ sở Trường THPT An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) vui mừng khi nhà tập thể vừa được sửa chữa khang trang.

Chiều ngày 13.8, tại xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Trường Trung học phổ thông An Thạnh 3 tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình sửa chữa nhà ở tập thể của Công đoàn cơ sở Trường Trung học phổ thông An Thạnh 3.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Lê Trọng Nguyên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, Huyện ủy Cù Lao Dung dự nghiệm thu bàn giao nhà ở tập thể cho giáo viên.

Nhà ở tập thể của Trường THPT An Thạnh 3 được đưa vào sử dụng cuối năm 2009 với diện tích 300m², có 6 phòng với 12 giáo viên sinh sống. Qua thời gian sử dụng, nhà tập thể bị xuống cấp, phần máy tôn bị rỉ sét, dột và một số cây xà gỗ bị mục, không đảm bảo an toàn cho giáo viên vào mùa mưa.

LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Mái ấm Công đoàn, đơn vị chủ quản hỗ trợ 5 triệu đồng, đoàn viên Công đoàn của nhà trường đóng góp 15 triệu đồng để sửa chữa nhà tập thể.

Đến nay công trình đã hoàn tất, đem lại niềm vui cho tập thể giáo viên, giúp thầy, cô giáo có nơi ở chu đáo để an tâm công tác, giảng dạy trước thềm năm học mới.

ANH KHOA


戻る
Gương cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu trong phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” giai đoạn 2019 - 2024
Đồng chí Trịnh Quốc Thanh - Phó Trưởng phòng quản trị, Phó Chủ tịch CĐCS Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng là một trong 150 gương mặt tiêu biểu được Công đoàn Viên chức Việt Nam tuyên dương cán bộ, công chức, viên chức, người lao động “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”.

Là một cán bộ thuộc Văn phòng Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở, đồng chí luôn ý thức đề cao tinh thần, trách nhiệm và thực hiện tốt vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn và công tác công đoàn, từ đó tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào thi đua do công đoàn các cấp phát động và đạt nhiều hiệu quả tích cực, đặt biệt là phong trào “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” giai đoạn 2019 - 2024.

Đồng chí Trịnh Quốc Thanh - Phó Trưởng phòng quản trị, Phó Chủ tịch CĐCS Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng được tuyên dương tại Hà Nội.

Hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ

Đồng chí luôn tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh công sở, có lối sống lành mạnh, trung thực, liêm chính; sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ, giúp đỡ đồng nghiệp; có ý chí vươn lên, khắc phục khó khăn; sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, bảo vệ lợi ích của tập thể, vì nhiệm vụ chung của cơ quan. Trong thời gian công tác đồng chí đã có nhiều sáng kiến, giải pháp, ý tưởng đổi mới, sáng tạo trong tham mưu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng, hết sức vì nhiệm vụ chung; được tổ chức phân công phụ trách quản lý âm thanh, hội trường, mua sắm, sửa chữa các trang thiết bị cơ quan và các Ban xây dựng Đảng Tỉnh uỷ; trực tiếp thực hiện các công trình xây dựng cơ bản do Văn phòng làm chủ đầu tư; tham mưu xây dựng các văn bản, báo cáo, chương trình, kế hoạch... của Phòng, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của đơn vị.

Vai trò của cán bộ Công đoàn

Với vai trò là Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở, đồng chí đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động, kịp thời thăm hỏi, động viên đoàn viên như: thăm và tặng quà Tết cho đoàn viên, người lao động với tổng số tiền gần 190 triệu đồng; khen thưởng con của đoàn viên học giỏi với số tiền trên 21 triệu đồng; Phối hợp với cơ quan tổ chức vui Tết Trung thu cho con đoàn viên với số tiền trên 29 triệu đồng; tặng quà cho đoàn viên nhân dịp kỷ niệm ngày truyền thống văn phòng cấp uỷ; Thực hiện tốt việc thăm hỏi đoàn viên, người lao động và gia đình khi có hiếu hỷ, ốm đau, việc tang... với số tiền gần 45 triệu đồng. Tiếp tục duy trì, phát động đoàn viên tham gia đóng góp vào quỹ đồng nghiệp; theo đó, mỗi đoàn viên sẽ đóng góp số tiền là 800.000đ/người và sẽ được tạm mượn số tiền là 6 triệu đồng/người, hàng tháng trả 500.000đ, qua đó, đã kịp thời trợ giúp cho các đoàn viên giải quyết các khó khăn về tài chính.

Song song đó, đồng chí còn tích cực vận động đoàn viên tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp Quỹ “Mái ấm công đoàn” với số tiền trên 27 triệu đồng, Quỹ “Vì người nghèo với số tiền gần 128 triệu đồng, Quỹ “Phòng chống thiên tai”, Quỹ “Vì người nghèo”, ủng hộ các tỉnh bị thiên tai, lũ lụt; phòng chống dịch Covid-19; ủng hộ công nhân, người lao động các tỉnh phía Nam gặp khó khăn do dịch Covid-19 và nhu yếu phẩm cho tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền trên 110 triệu đồng.

Bên cạnh đó, đồng chí thường xuyên tham mưu phối hợp với cơ quan và chi đoàn tổ chức các cuộc hành quân về nguồn đến với địa chỉ đỏ thăm và tặng học bổng cho học sinh nghèo, học giỏi; tổ chức các hoạt động hưởng ứng kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; vận động đoàn viên tham gia các cuộc thi trực tuyến do công đoàn phát động…

Đồng chí Đoàn Thị Chiến - Chủ tịch Công đoàn Viên chức tỉnh Sóc Trăng cho biết: Đồng chí Trịnh Quốc Thanh là 01 cán bộ công đoàn có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thi đua “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt”, với vai trò là Phó Chủ tịch CĐCS đồng chí đã tham mưu cho Ban Chấp hành phối hợp với chính quyền chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần đoàn viên, người lao động, kịp thời thăm hỏi, động viên đoàn viên; tích cực vận động đoàn viên tham gia các hoạt động xã hội… Cùng tập thể BCH CĐCS thực hiện xuất sắc nhiệm vụ được giao, liên tục từ năm 2012 đến năm 2023, CĐCS được Ban Thường vụ Công đoàn Viên chức tỉnh xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ” và được tặng nhiều Giấy khen, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng Bằng khen, tặng Cờ thi đua; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong hoạt động thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; cá nhân đồng chí được Liên đoàn Lao động tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban nhân dân tặng nhiều Bằng khen và tham gia 14 lần hiến máu tình nguyện.

Từ những thành tích trên đồng chí đã vinh dự là một trong tổng số 150 đại biểu của toàn quốc được Công đoàn Viên chức Việt Nam tuyên dương cán bộ, công chức, viên chức, người lao động “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” vào ngày 4/9/2024 tại Hà Nội.

TRUNG HIẾU


戻る
Đề xuất nghề giáo viên mầm non là nặng nhọc
Tổng LĐLĐVN vừa đề xuất giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, được nghỉ hưu sớm bởi công việc “không những dạy mà còn phải dỗ trẻ”. Ý kiến trên đã được nhiều người ủng hộ vì cho rằng, giáo viên mầm non đang chịu quá nhiều áp lực.

          “Chả nhẽ để trẻ hát cô là… bà”

        Góp ý về dự thảo Nghị định quy định tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) - đề xuất xếp giáo viên mầm non vào nhóm nghề nặng nhọc, nên nghỉ hưu sớm ở tuổi 55 hoặc sớm hơn.

         Ông Hiểu phân tích, giáo viên mầm non phải đến sớm đón trẻ và kết thúc công việc muộn, số giờ làm việc thường vượt quá quy định. Giáo viên mầm non không chỉ dạy mà còn dỗ, múa, hát, áp lực công việc lớn.

       Từng đi thực tế ở quận Tân Bình (TPHCM), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN cho biết, có giáo viên 46 tuổi đứng lên nói “không biết lúc tôi 50 tuổi, các cháu còn muốn nghe cô múa hát nữa không”.

Theo khảo sát, 96% giáo viên mầm non muốn được về hưu ở tuổi 55. Ảnh: Huyên nguyễn

        Còn ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - cho rằng, từ 55 tuổi trở lên, giáo viên mầm non bị hạn chế khi thực hiện các thao tác chuyên môn như múa, hát, hướng dẫn hoạt động thể lực, chạy, nhảy cho học sinh. Chương trình giáo dục mầm non không chỉ bó hẹp ở chăm trẻ, còn phải đáp ứng được yêu cầu của nhiều chương trình chuẩn quốc tế cũng trở thành thách thức với các cô giáo cao tuổi.

        Hiện nay, thực tế giờ làm việc của giáo viên mầm non khoảng 10 tiếng mỗi ngày. “Các cô phải đến trường lúc 6h sáng và 6h tối mới trở về. Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe giảm sút nhanh, nghiêm trọng theo thời gian” - ông Ân nói.

        Một thực tế được bà Cù Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) - chia sẻ: “Trước đây, chúng ta hay nghe câu hát “cô là mẹ và các cháu là con”, thì tới đây nếu nghỉ hưu ở tuổi cao, cô sẽ là... bà và các cháu là con.

         Bà Thuỷ nói rằng, giáo viên mầm non là ngành giáo dục đặc biệt, để nói là nặng nhọc, độc hại thì cần phải tính toán, nhưng 1 lớp có 30 cháu thì tiếng ồn của trẻ cũng rất cao. Đòi hỏi của phụ huynh, của trẻ là những áp lực rất lớn đối với giáo viên.

        Theo quy định của Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 với nữ vào năm 2035. Tuy nhiên, người lao động (NLĐ) nặng nhọc, độc hại ở vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm. Như vậy, nếu được bổ sung vào danh mục này, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi 57 với nam và 55 đối với nữ.

          Giáo viên mầm non đang gặp nhiều áp lực

          Chia sẻ khó khăn áp lực của giáo viên trong một hội nghị đánh giá thời gian làm việc, chính sách đối với giáo viên, nhân viên cấp mầm non, bà Trần Thị Tố Uyên - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT tỉnh Điện Biên - cho biết: Hiện nay, tỉ lệ bình quân giáo viên/lớp của tỉnh khá thấp so với các tỉnh lân cận. Điều đó dẫn tới áp lực công việc cao và quá tải về cường độ lao động cho giáo viên, nhân viên ở một số trường, đặc biệt là ở vùng khó khăn.

         Cùng chung khó khăn trên, bà Trần Thị Thúy - Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT tỉnh Thái Nguyên - chia sẻ: Tỉnh Thái Nguyên đã có quy định các trường phân công 1 giáo viên trực đón trẻ sớm và được về sớm, 1 giáo viên đến trường muộn hơn và trả trẻ muộn để thời gian làm việc đủ 8 tiếng/ngày. Tuy nhiên, trên thực tế, khá nhiều trường mầm non không thực hiện được.

        “Vì số trẻ đông, quá tải trẻ/lớp, nếu để 1 giáo viên trực không đảm bảo an toàn cho trẻ nên 2 giáo viên phải cùng nhau làm việc, dẫn đến tình trạng vượt giờ so với quy định bình quân khoảng 1,5 đến 2 giờ/ngày. Ngoài ra, các trường mầm non thường phải tổ chức các hoạt động sinh hoạt chuyên môn cho giáo viên vào ngoài giờ nên thực tế số giờ vượt so với quy định còn cao hơn nữa” - bà Thuý cho hay.

         Còn Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở GDĐT Tuyên Quang Vũ Văn Dũng nhấn mạnh: “Số giờ làm việc thực tế của giáo viên mầm non tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt vùng dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn vượt quá nhiều so với quy định (làm việc từ 9 đến 10 giờ/ngày) nhưng cũng chưa được tính thêm làm ngoài giờ”.

        Chia sẻ về áp lực của giáo viên mầm non và đề xuất của Tổng LĐLĐVN, GS Phạm Minh Hạc - nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT - rất đồng tình. Theo GS Hạc, những khó khăn với giáo viên mầm non là điều nhìn thấy rõ mà lâu nay chúng ta chưa giải quyết được. Nếu tăng thêm tuổi lao động sẽ như tăng thêm gánh nặng cho đội ngũ này. Không chỉ riêng quy định về tuổi lao động, nguyên bộ trưởng còn đề xuất phải xem xét thêm cả về chế độ tiền lương, thu nhập đối với giáo viên mầm non sao cho xứng đáng với công sức.

           Còn bà Trịnh Thanh Hằng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn - cho rằng, nên quy định theo hướng trao “quyền” cho NLĐ. “Về quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nên quy định theo hướng trao “quyền” cho NLĐ. Nghĩa là nếu họ có nguyện vọng tiếp tục làm việc và sức khỏe vẫn đảm bảo, đơn vị có nhu cầu thì có thể tiếp tục làm việc đến tuổi nghỉ hưu như NLĐ trong điều kiện bình thường” - bà Hằng nói.

          96% giáo viên mầm non muốn về hưu ở tuổi 55
         Ông Nguyễn Ngọc Ân - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam - dẫn khảo sát nhanh trên gần 10.700 giáo viên mầm non trong một tuần, 96% giáo viên đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như cũ.

HUYÊN NGUYỄN

Nguồn:https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-nghe-giao-vien-mam-non-la-nang-nhoc-813579.ldo 


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập