Thăm, chúc mừng các cơ quan Báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6
Tại các Văn phòng đại diện Báo Lao động, Báo Người Lao động ĐBSCL (Thành phố Cần Thơ), Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Sóc Trăng. Thay mặt Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến các đồng chí trong ban lãnh đạo, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và nhân viên của các cơ quan Báo chí.
Đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn đến thăm, chúc mừng cơ quan Báo Lao động tại ĐBSCL
Trong thời gian qua, hoạt động Công đoàn tỉnh Sóc Trăng luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhất là về công tác tuyên truyền, truyền thông Công đoàn. Bên cạnh sự đoàn kết, nỗ lực của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, các Ban Nghiệp vụ LĐLĐ tỉnh, phải kể đến sự quan tâm, hỗ trợ từ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên,... của các cơ quan Báo chí trong công tác phối hợp tuyên truyền trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn, góp phần giúp Công đoàn Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả, đặc biệt như tuyên truyền về Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XI Công đoàn Sóc Trăng, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 được tổ chức thành công vừa qua.
Đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (bìa trái) cùng đoàn đến thăm, chúc mừng cơ quan Báo Người Lao động tại ĐBSCL
Trong thời gian tới, đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên mong muốn các cơ quan Báo chí trong và ngoài tỉnh sẽ cùng với Công đoàn tỉnh Sóc Trăng phối hợp tốt hơn nữa, thực hiện việc ký kết trong công tác truyền thông giai đoạn 2024 - 2028, kế hoạch tuyên truyền hàng năm, chú trọng việc tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, gương cán bộ Công đoàn chuyên trách, cán bộ Công đoàn cơ sở, những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác Công đoàn, đặc biệt là kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024),...
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh chúc mừng Báo Sóc Trăng
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh chúc mừng Đài PT-TH tỉnh Sóc Trăng
Đại diện lãnh đạo các cơ quan Báo chí đã thông tin về tình hình hoạt động của cơ quan Báo chí trong thời gian qua trong việc phản ánh, đưa tin, xây dựng video clip, ẩn phẩm, các trang thiết bị chuyên dụng, trường quay,.. của đơn vị. Qua đó, gửi lời cảm ơn Thường trực, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và đoàn đến thăm đã quan tâm đến các cơ quan Báo chí trong và ngoài tỉnh nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, và hứa sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Công đoàn tỉnh Sóc Trăng, các cấp Công đoàn trong tỉnh trong công tác phối hợp tuyên truyền trong thời gian tới...
ANH KHOA
Trên 12 tỉ đồng chăm lo cho đoàn viên, người lao động ở Sóc Trăng
Chiều 9.7, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động công đoàn 6 tháng đầu năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, NLĐ đi sâu vào các vấn đề thiết thực, trực tiếp tác động đến đời sống NLĐ.
Quang cảnh Hội nghị
Qua đó đã tổ chức đến doanh nghiệp trao tận tay đoàn viên, NLĐ 3.748 suất quà, tổng trị giá trên 1,8 tỉ đồng; trao 3.210 suất gạo; 17 suất quà cho đoàn viên, NLĐ bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động. Có 800 đoàn viên, NLĐ được Tổng Liên đoàn Việt Nam hỗ trợ thẻ voucher trị giá 300.000 đồng/người mua hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử nhân dịp Tết Nguyên đán 2024.
CĐCS tranh thủ với người sử dụng lao động từ nguồn kinh phí của doanh nghiệp tặng 24.950 phần quà cho đoàn viên, NLĐ mỗi phần trị giá từ 250 - 450.000 đồng, tổng trị giá trên 11 tỉ đồng.
Các phong trào công nhân, lao động và hoạt động công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh tiếp tục được giữ vững và phát triển toàn diện. Công tác thi đua được phát động, góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Sóc Trăng đề nghị Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, NLĐ; rà soát các trường hợp đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn để kịp thời hỗ trợ. Tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam hướng về cơ sở, về đoàn viên. Quan tâm khảo sát nhu cầu nhà ở xã hội trong đoàn viên, NLĐ.
PHƯƠNG ANH

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: "Làm nhiều, nghỉ ít là bất công"
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động trả lời VnExpress xung quanh đề xuất thêm 3 ngày nghỉ trong năm và giảm giờ làm từ 48 xuống còn 44 giờ/tuần.
- Căn cứ nào để Tổng liên đoàn Lao động đưa ra đề xuất?
- Lịch sử phát triển xã hội và xu thế chung của thế giới là giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi. Trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, đa số quốc gia làm việc 14-18 giờ mỗi ngày, nhưng ngày nay tất cả áp dụng chế độ ngày làm 8 giờ.
Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) đã có Công ước 47 về làm việc 40 giờ một tuần, xác định các quốc gia cần tiếp tục giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc mà tiêu chuẩn sống không bị giảm bớt. Hiện hầu hết quốc gia đã áp dụng chế độ 40 giờ, thậm chí dưới 40 giờ.
Tổng thời gian làm việc trong năm ở Việt Nam (đã trừ thời gian nghỉ lễ) là 2.320 giờ, khá cao so với các quốc gia, ví dụ cao hơn Indonesia 440 giờ, hơn Campuchia 184 giờ, Singapore 176 giờ... Số ngày nghỉ lễ, Tết ở Việt Nam 10 ngày là thấp nhất trong khu vực; số ngày nghỉ phép khởi điểm 12 ngày trong khi Công ước 132 về nghỉ phép của ILO quy định, người lao động nên được nghỉ phép có hưởng lương không dưới 3 tuần mỗi năm.
Trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi), Chính phủ đề xuất tăng một ngày nghỉ vào 27/7, song quá trình thảo luận Chính phủ lại rút đề xuất này. Tổng liên đoàn Lao động đề xuất thêm 3 ngày nghỉ để công nhân có điều kiện chăm lo sức khỏe, học tập năng cao kỹ năng, trình độ tay nghề.
Ông Lê Đình Quảng, Phó ban quan hệ Lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Đoàn Loan.
- Thường xuyên tiếp xúc với người lao động, ông nhận thấy nhu cầu thực tế giữa nghỉ ngơi và cải thiện thu nhập của người lao động như thế nào?
- Trong bối cảnh làm việc nhiều giờ hiện nay, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất đi làm từ khi chưa thấy mặt trời, tối lại làm thêm giờ nên cuộc sống hết sức nghèo nàn về vật chất, tinh thần. Nhiều gia đình bố mẹ đi làm thứ bảy, chủ nhật nên phải gửi con, cuối cùng tiền lương lại bù vào chi phí gửi con. Đây là cái vòng luẩn quẩn của làm thêm giờ.
Lâu nay chúng ta xem xét thời giờ làm việc trong vấn đề sức khỏe, song ít nghiên cứu tác động đến xã hội. Điều 35 của Hiến pháp quy định, người làm công ăn lương được đảm bảo điều kiện làm việc công bằng, an toàn. Hiện cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính làm việc 40 giờ mỗi tuần, song công nhân vẫn phải làm việc 48 giờ, trong khi ngày nghỉ lễ trong năm ít là bất công đối với họ. Ở một số quốc gia, ví dụ Nhật Bản, công chức làm việc nhiều giờ hơn người lao động, còn nước ta thì ngược lại.
Ở Việt Nam, một nghiên cứu của Bộ Y tế về sức khỏe của 15 triệu lượt người lao động từ 2006 đến 2010 cho thấy tỷ lệ lao động sức khỏe loại 1 là 36%, đến giai đoạn 2011-2016 xuống còn 19%. Tỷ lệ lao động loại 4-5 từ 8,5% tăng lên 11%. Điều này cho thấy môi trường, điều kiện làm việc kéo theo suy giảm sức khỏe của người lao động.
- Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng năng suất lao động thấp thì không nên nghỉ nhiều, ông nghĩ sao?
- Thời gian làm việc, nghỉ ngơi phải gắn liền với năng suất. Năng suất lao động xã hội được tính bằng tổng sản phẩm xã hội chia cho số người trong độ tuổi lao động. Chúng ta có nhiều lao động nông nghiệp nên năng suất thấp. Còn nếu tính riêng các ngành cơ khí, dệt may công nghiệp... thì năng suất lao động của các doanh nghiệp này không thấp.
Năng suất lao động ở doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào máy móc, trình độ quản trị. Nếu máy móc hiện đại tiên tiến, bố trí lao động hợp lý thì năng suất tăng cao. Xu hướng của thế giới là tăng cường thay đổi giải pháp công nghệ, cải tiến tổ chức lao động để tăng năng suất, chứ không phải tăng thời gian làm việc. Kéo dài thời gian làm việc sẽ ảnh hưởng sức khỏe và kéo theo năng suất lao động thấp.
Mọi người đang hiểu sai về chất lượng tay nghề của công nhân nước ta. Xã hội không thể áp đặt năng suất lên người lao động mà nhà nước và doanh nghiệp phải tìm hướng giảm thiểu lao động nông nghiệp, thu hút dự án sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, có giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại.
Nhiều người cứ đổ năng suất thấp cho người lao động là không đúng. Nếu mọi người coi năng suất lao động thấp do người lao động thì các cơ quan nhà nước phải làm 48 giờ chứ không phải chỉ là công nhân lao động vì đây là năng suất lao động của toàn xã hội.
- Cũng có ý kiến đời sống công nhân còn nghèo, nghỉ nhiều họ cũng không có tiền đi du lịch. Quan điểm của ông thế nào?
- Đa số công nhân không có tiền đi du lịch, nhưng họ cần ngày nghỉ để nghỉ ngơi, chăm sóc con cái. Doanh nghiệp chỉ nên huy động làm thêm giờ đúng bản chất là giải quyết đơn hàng đột xuất chứ không phải ngày nào cũng làm thêm giờ như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp không muốn tăng chi phí tuyển thêm người, nên yêu cầu công nhân làm thêm tràn lan. Ví dụ, nhận đơn hàng cần 100 người song chủ doanh nghiệp chỉ tuyển 90 người và huy động làm thêm giờ.
Đúng là giảm giờ làm, thêm ngày nghỉ sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh vấn đề tăng chi phí, doanh nghiệp phải thấy được giảm giờ làm cho lao động sẽ thúc đẩy họ học tập nâng cao kỹ năng tay nghề.
Chúng tôi quan sát những doanh nghiệp đã thực hiện giảm xuống 44-40 giờ thì quan hệ lao động tại đó rất tốt, không tranh chấp, không có tình trạng nhảy việc, doanh nghiệp đỡ chi phí đào tạo khi tuyển lao động mới.
- Ông nhìn nhận thế nào trước lo ngại tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm không chỉ áp lực lên doanh nghiệp mà còn giảm ưu thế cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các nước khác.
- Không phải bây giờ mới có tâm lý lo ngại việc khách hàng chuyển sang các quốc gia khác có chi phí lao động rẻ hơn. Quốc gia nào đề xuất nâng lương tối thiểu, doanh nghiệp ở đó đều kêu. Ví dụ doanh nghiệp Sri Lanca thì nói bị chuyển hợp đồng đến Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam bảo sang Campuchia... thực ra các đơn hàng không chuyển đi đâu.
Tôi cho rằng xu thế hiện nay không nên chỉ lấy lợi thế cạnh tranh là nhân công giá rẻ. Để giảm chi phí thì doanh nghiệp phải cải tiến tổ chức, quản trị, tăng công nghệ hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, bố trí lao động hợp lý, tiết giảm chi phí quản lý. Tăng thời gian nghỉ là cách thu hút, giữ chân lao động để giảm chi phí, coi người lao động là tài sản quý giá nhất, làm cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đó mới là phát triển bền vững.
Tất nhiên việc giảm giờ làm sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp, song đây là cơ hội gây áp lực cho doanh nghiệp đổi mới hơn nữa. Việc sửa đổi Bộ luật lao động lần này không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai, nên phải tính đến lâu dài.
Kết quả thăm dò trực tuyến từ ngày 18 đến 23/9 trên VnExpress.
- Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động đánh giá tác động của đề xuất thêm 3 ngày nghỉ. Việc này sẽ được thực hiện như thế nào?
- Tổng liên đoàn Lao động sẽ có báo cáo đánh giá tác động trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, lấy ý kiến công nhân qua hệ thống công đoàn cơ sở để đánh giá đầy đủ tác động kinh tế, xã hội, bình đẳng giới, chi phí với doanh nghiệp.
Chúng tôi cũng sẽ khảo sát thực tế doanh nghiệp đã giảm giờ làm xuống 40 giờ tác động như thế nào về quan hệ lao động, thu nhập của lao động. Dự kiến báo cáo của Tổng liên đoàn sẽ hoàn thành trước khi Quốc hội họp vào tháng 10 để các đại biểu xem xét, quyết định.
Quan điểm của chúng tôi là nếu không thêm ngày nghỉ, giảm giờ làm thì sẽ ảnh hưởng lớn đến xây dựng đội ngũ công nhân. Chúng ta phải đối mặt với những vấn đề xã hội khi ngày càng nhiều người đến 40-45 tuổi không đủ sức khỏe làm việc, phải nhận trợ cấp một lần và không đảm bảo chăm sóc con cái.
Hồi tháng 4, Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất bổ sung ngày 27/7 vào ngày nghỉ lễ hàng năm. Tại phiên thảo luận chiều 12/6, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, đa số đại biểu không đồng tình nên Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã xin rút nội dung này khỏi dự thảo luật.
Ngày 17/9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Quốc hội phương án tăng ngày nghỉ lễ thêm 2 ngày vào dịp Tết Dương lịch và một ngày vào ngày gia đình Việt Nam (28/6), giảm thời gian làm việc của công nhân lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ mỗi tuần.
Ngày 20/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Tổng liên đoàn phải có đánh giá tác động của việc nghỉ thêm ba ngày trong năm trước khi Quốc hội xem xét có thông qua hay không.
Đoàn Loan
Nguồn:https://vnexpress.net/thoi-su/tong-lien-doan-lao-dong-lam-nhieu-nghi-it-la-bat-cong-3986211.html
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu sẽ trình Quốc hội vào tháng 10 tới | 23/09/2019 |
Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết chương trình phối hợp công tác 3 bên trong bảo vệ người lao động, doanh nghiệp | 19/09/2019 |
Công đoàn đề xuất bổ sung 3 ngày nghỉ trong năm | 18/09/2019 |
Khi phòng họp không chai nhựa | 17/09/2019 |
Đồng chí Nguyễn Đình Khang làm Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương | 17/09/2019 |
Tuổi cao thì năng suất lao động kém | 17/09/2019 |
Bổ nhiệm Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy | 10/09/2019 |
Nhiều người lao động muốn được giảm giờ làm việc | 10/09/2019 |