Thành lập thêm 1 công đoàn cơ sở tại Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh
Chiều ngày 20.7, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội nghị thành lập CĐCS Công ty TNHH Châu Thành Phát, chỉ định Ban Chấp hành lâm thời và kết nạp 10 lao động vào tổ chức Công đoàn.
Ông Nguyễn Hà Phan - Giám đốc Công ty TNHH Châu Thành Phát cho biết đơn vị có 20 lao động, chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp An Nghiệp. Việc thành lập CĐCS có ý nghĩa quan trọng trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, NLĐ.
Công đoàn Các KCN tỉnh Sóc Trăng thành lập CĐCS Công ty TNHH Châu Thành Phát.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Tấn Phong - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh đề nghị Ban Chấp hành lâm thời làm tốt công tác tham mưu với Ban Giám đốc quan tâm các chế độ, chính sách cho NLĐ; cải thiện điều kiện, môi trường làm việc theo hướng an toàn, thân thiện; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp.
Được biết trong 6 tháng đầu năm 2024, Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã phát triển 476 đoàn viên, có 30 CĐCS trực thuộc với 22.768 đoàn viên/24.215 CNVCLĐ.
PHƯƠNG ANH
Điểm tựa cho người bán vé số dạo
Một buổi sinh hoạt định kỳ của Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Phương Anh
Bước chân vạn dặm
Với mỗi tờ vé số bán được, người bán chỉ lãi được khoảng 1.000 đồng. Tùy vào sức khỏe, lứa tuổi mỗi ngày có người nhận từ vài chục đến vài trăm tờ vé số để bán.
“Có khi bán được thì lời cũng khoảng 100.000 đồng, lắm lúc chỉ đủ mua 1kg gạo là nhiều. Chưa kể việc đại lý không cho trả lại vé số bán “ế”’ - ông Lin - một người bán vé số dạo ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) - cho biết.
Cũng theo ông Lin, nghề bán vé số đòi hỏi phải đi nhiều, gặp nhiều người để mời gọi nên hầu như mỗi ngày ông đều di chuyển hàng chục cây số để bán bất chấp nắng mưa. “Hôm nào gặp được đám tiệc đông người ta mua nhiều mình bán nhanh, còn không thì phải đi khắp hết các tuyến đường để mời gọi mọi người. Có khi mưa gió không ai mua thì coi như hôm đó ôm hết vé số này” - ông Lin nói.
Điểm tựa cho người bán vé số dạo
Tháng 5 vừa qua, LĐLĐ huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) thành lập Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề với 30 thành viên tham gia - đây cũng là Nghiệp đoàn bán vé số đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.
Ông Hoa Trần Thế - Chủ tịch LĐLĐ huyện Trần Đề - cho biết, việc thành lập Nghiệp đoàn nhằm tập hợp người bán vé số trên địa bàn vào một tổ chức để các thành viên có nơi sinh hoạt, nâng cao kiến thức. LĐLĐ huyện cũng sẽ là cầu nối trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người bán vé số để có những đề xuất với công ty, kịp thời đáp ứng cho NLĐ.
Theo ông Huỳnh Lin - đoàn viên Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề: “Trước đây thì mạnh ai nấy bán, nếu khó khăn cũng không biết dựa vào đâu. Còn bây giờ vào Nghiệp đoàn mọi người hỗ trợ, không giành mối, sống chan hòa với nhau. Ban chấp hành Nghiệp đoàn còn quan tâm mọi người, ai đau ốm, bệnh tật được hỗ trợ tiền, lễ, Tết còn được tặng quà nữa”.
Tương tự tại TX Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), Nghiệp đoàn bán vé số phường 1 cũng được thành lập trên tinh thần tập hợp người bán vé số vào tổ chức Công đoàn. Qua đó để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ vốn, kiến thức giúp NLĐ ổn định cuộc sống; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho NLĐ.
Ông Lâm Văn Tùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Ngã Năm - thông tin, các đoàn viên trong Nghiệp đoàn đều là lao động tự do, hoàn cảnh khó khăn, kiếm sống nhờ vào tiền bán vé số dạo.
“Việc thành lập Nghiệp đoàn rất quan trọng trong công tác phát triển đoàn viên nhất là khu vực phi chính thức; giúp NLĐ được đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần khi tham gia vào tổ chức Công đoàn” - ông Tùng nói.
Đến nay tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 3 Nghiệp đoàn bán vé số với 67 thành viên. Các Nghiệp đoàn đều có Ban Chấp hành, sinh hoạt định kỳ và thường xuyên liên lạc thông qua các cuộc hội họp.
PHƯƠNG ANH
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
Tập huấn công tác tài chính Công đoàn | 12/11/2024 |
83 cán bộ Công đoàn được tập huấn công tác nữ công | 01/11/2024 |
Công đoàn Sóc Trăng tập huấn công tác thi đua, khen thưởng | 01/11/2024 |
256 cán bộ tại huyện Kế Sách được bồi dưỡng nghiệp vụ Công đoàn | 29/10/2024 |
Gần 70 đoàn viên nghiệp đoàn xe Honda chở khách được trang bị kiến thức về an toàn giao thông, phòng chống tội phạm. | 21/10/2024 |

Tổng LĐLĐ Việt Nam ký kết chương trình phối hợp công tác 3 bên trong bảo vệ người lao động, doanh nghiệp
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tới dự và phát biểu chỉ đạo. Các đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Văn Cường, Bí thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk; Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Nội dung chính trong chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung vào các lĩnh vực: Công tác xây dựng pháp luật; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và đào tạo; công tác quan hệ lao động và tiền lương; công tác bảo hiểm xã hội; công tác an toàn, vệ sinh lao động; công tác bình đẳng giới và bảo đảm quyền của trẻ em; công tác việc làm và đào tạo nghề nghiệp; công tác thanh tra, kiểm tra; công tác nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.
Nội dung chính trong chương trình phối hợp giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gồm: Triển khai Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phối hợp thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp; tổ chức các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng tới sự phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả tham gia các thiết chế hai bên, ba bên; thiết lập kênh thông tin, tham vấn, đối thoại thường xuyên.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, chương trình ký kết đề ra 59 giải pháp cụ thể và tập trung vào 14 nội dung cốt lõi sẽ góp phần tạo nên sự thay đổi mang tính nền tảng của quan hệ lao động, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang và sẽ thực hiện các cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới CPTPP, EVFTA…, tuân thủ tiêu chuẩn lao động quốc tế, Bộ luật Lao động 2012 đang được sửa đổi với nhiều nội dung thay đổi căn bản, quan hệ lao động đang có nhiều chuyển biến mang tính bước ngoặt.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá cao sự chủ động, tích cực của 3 cơ quan trong việc xây dựng, tổ chức ký kết Chương trình phối hợp. Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với vai trò giúp Chính phủ quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động, phát huy kết quả, thực hiện quyết liệt, toàn diện hơn, có bước đột phá trong công tác quản lý nhà nước về lao động, tiền lương và bảo hiểm xã hội; thực hiện hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động của các bên, đặc biệt là của người sử dụng lao động; cùng với đó, cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đủ về số lượng, mạnh về chuyên môn, tinh về nghiệp vụ; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cán bộ của ngành về quan hệ lao động, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ cấp huyện, cấp tỉnh.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bên cạnh việc thực hiện tốt công tác xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư, cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, người sử dụng lao động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.
Đối với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị toàn hệ thống tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ, chăm lo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của các cấp công đoàn; tham gia, phối hợp với các bộ, ngành xây dựng văn bản pháp luật có liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên công đoàn; phối hợp, hỗ trợ phản biện, giúp tổ chức công đoàn xây dựng văn bản hướng dẫn quyền và nghĩa vụ của tổ chức công đoàn trong việc xử lý, giải quyết các vụ việc liên quan đến pháp luật; chủ động giám sát, tham gia thanh tra, kiểm tra nhằm giúp đảm bảo việc thực thi pháp luật đối với người lao động.
Tại Hội nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn” tặng 12 cá nhân thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam; trao tặng Kỷ niệm chương ‘Vì sự nghiệp Lao động” cho 10 cá nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp” tặng 7 cá nhân thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
BTG
Nguồn:http://www.congdoan.vn/tin-tuc/chinh-sach-phap-luat-quan-he-lao-dong-509/tong-ldld-viet-nam-ky-ket-chuong-trinh-phoi-hop-cong-tac-3-ben-trong-bao-ve-nguoi-lao-dong-doanh-nghiep-421014.tld