חזרה
Tập huấn bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ Công đoàn 2024
Ngày 17.6, Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề phối hợp Trung tâm Chính trị huyện khai giảng lớp bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ công tác Công đoàn 2024.

Trong thời gian 3 ngày (từ 17 - 19.6), 270 đại biểu được học tập, triển khai 5 Chuyên đề về lý luận, thực tiễn về Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta; hệ thống chính trị ở Việt Nam; những nội dung, phương pháp hoạt động chủ yếu của Công đoàn cơ sở; Phương pháp hoạt động chủ yếu của công đoàn cơ sở; Những vấn đề chung về phong trào công nhân và công đoàn.

Quang cảnh lớp bồi dưỡng

Theo đồng chí Hoa Trần Thế - Chủ tịch Liên đoàn lao động huyện Trần Đề, lớp tập huấn nhằm giúp các đại biểu nâng cao trình độ lý luận chính trị và kỹ năng nghiệp vụ công tác Công đoàn, góp phần thực tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.

PHƯƠNG ANH


חזרה
Đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở
Các cấp công đoàn tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực, sáng tạo để thực hiện tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS). Đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt nhằm góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh và thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thanh Sơn cho biết, để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”, các cấp công đoàn đã cụ thể hóa thành chương trình công tác và bổ sung vào chỉ tiêu nghị quyết đại hội.


Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng thành lập công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên. Ảnh Trường Khoa

Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, trong đó đưa ra các giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện, gắn với việc củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn. Các cấp công đoàn chủ động gặp gỡ người sử dụng lao động, người lao động, bộ phận làm công tác nhân sự của doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động thành lập tổ chức công đoàn.

Tính đến hết quý III năm nay, các cấp công đoàn Sóc Trăng đã phát triển được 2.574 đoàn viên, nâng tổng số toàn tỉnh có 65.719 trong tổng số 67.793 người lao động; thành lập mới 17 CĐCS, trong đó có 3 nghiệp đoàn cơ sở ở khu vực phi chính thức, nâng tổng số toàn tỉnh có 1.118 CĐCS. Riêng trong tháng cao điểm triển khai công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, toàn tỉnh thành lập được 6 CĐCS, phát triển mới 950 đoàn viên, trong đó có 4 nghiệp đoàn cơ sở.

Việc thành lập các nghiệp đoàn cơ sở trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây. Các cấp công đoàn có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả nhằm thu hút, tập hợp người lao động trong khu vực phi chính thức vào tổ chức nghiệp đoàn. Ông Huỳnh Lin, Nghiệp đoàn vé số huyện Trần Đề, tại ấp Giồng Chùa, thị trấn Trần Đề cho biết: “Trước đây chúng tôi mạnh ai nấy bán, nếu có khó khăn cũng không biết dựa vào đâu. Khi vào nghiệp đoàn, tôi thấy mọi người sống chan hòa và hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi cũng được cán bộ công đoàn thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức Công đoàn. Tôi sẽ vận động thêm người bán vé số vào nghiệp đoàn”. Chủ tịch LĐLĐ huyện Trần Đề - Hoa Trần Thế cho biết, Nghiệp đoàn vé số huyện Trần Đề là nghiệp đoàn thứ tư của huyện được thành lập. Trước đó, huyện đã thành lập 2 nghiệp đoàn về nghề cá và 1 nghiệp đoàn bốc xếp ở Cảng cá Trần Đề. Các nghiệp đoàn này đều hoạt động hiệu quả, đoàn viên tương trợ lẫn nhau và có thu nhập ổn định.

Tại thị xã Vĩnh Châu, từ ngày được thành lập, thành viên trong Nghiệp đoàn xe 2 bánh chở khách và phòng, chống tội phạm tại thị xã khi ra đường hành nghề đều được trang bị đồng phục, phân chia khu vực hoạt động nền nếp, không tranh giành địa bàn, hỗ trợ giúp nhau trong mọi việc. Họ cũng ý thức hơn trong giao tiếp, tạo được ấn tượng tốt với người dân địa phương, khách hàng. Các đoàn viên phối hợp với lực lượng Công an để đảm bảo tình hình an ninh, trật tự tại địa phương thông qua việc nắm tình hình, cung cấp cho Công an các nguồn tin có giá trị về tội phạm, vi phạm pháp luật.

Với nhiều hoạt động thiết thực, CĐCS Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mediprotek Vina trực thuộc Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đoàn viên, người lao động của công ty. Dù mới thành lập hơn 1 năm nhưng tổ chức công đoàn ngày càng khẳng định vai trò đối với người lao động. Qua đó, CĐCS đã kết hợp với công ty kiểm tra, giám sát nơi cung cấp suất ăn, đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca cho đoàn viên, người lao động. Chủ tịch CĐCS Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mediprotek Vina Bành Văn Thắng, cho biết “Chúng tôi luôn cố gắng phát huy tinh thần đoàn kết của đoàn viên, cũng như tích cực đề xuất với lãnh đạo công ty việc chăm lo cho đoàn viên nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động và lợi ích của công ty. Từ đó, tạo nên một mối liên kết bền vững giữa người sử dụng lao động và người lao động”.

Theo Chủ tịch LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu - Phạm Thị Hương, nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bình đẳng, tiến bộ tại Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thủy sản miền Nam, Ban Thường vụ LĐLĐ thị xã phối hợp với Đảng ủy, UBND Phường 1 và Ban Giám đốc Công ty thành lập Ban Vận động người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn và thành lập CĐCS. Theo đó, LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức thành lập CĐCS Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thủy sản miền Nam với 15 đoàn viên.

Trong chuyến công tác gần đây tại Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Xuân Hùng nhấn mạnh, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là một trong những nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm của tổ chức Công đoàn hiện nay. Do đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam mong muốn lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị; các sở, ban, ngành của tỉnh tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ với tổ chức Công đoàn quản lý tốt lực lượng lao động, doanh nghiệp, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn. Theo đó, chú trọng hỗ trợ mọi nguồn lực để các cấp công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh chủ động nắm chắc tình hình biến động đoàn viên, nhất là đoàn viên khu vực ngoài nhà nước; từ đó có giải pháp hỗ trợ, ổn định nguồn lao động, phát triển đoàn viên vào tổ chức Công đoàn. Ngoài ra, chú trọng thành lập các nghiệp đoàn khu vực phi chính thức.

Thực tế cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh của Sóc Trăng ngày càng được cải thiện, nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước quan tâm đến tìm hiểu sẽ tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thu hút lớn nguồn lực lao động tại địa phương. Đây là cơ hội và cũng là thách thức đòi hỏi các cấp công đoàn, đoàn viên và người lao động tiếp tục nỗ lực, phát huy truyền thống đoàn kết để thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

HOÀNG LIÊN PHƯƠNG


חזרה
Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội - Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Người lao động, người sử dụng lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19 khi tình hình sản xuất đình trệ. Tại tỉnh Sóc Trăng, có không ít doanh nghiệp, đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn trong kinh doanh, sản xuất do tình hình dịch bệnh.

            Thực hiện Chỉ thị số 11 Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội tỉnh kịp thời đề xuất và triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
             Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đều đóng cửa, trong đó khối mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn vì mọi nguồn thu đều trông chờ vào học phí của các em học sinh. Điển hình như Cơ sở mẫu giáo Thùy Dương ở Phường 3 - TP. Sóc Trăng. Bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2019, đến nay cơ sở mầm này vẫn đang trong quá trình xây dựng và phát triển. Lượng trẻ theo học chưa nhiều, theo chủ cơ sở, doanh thu những tháng qua chưa đủ để bù đắp cho chi phí hoạt động. Kể từ khi dịch Covid – 19 bùng phát, cơ sở phải đóng cửa. Không hoạt động, cũng có nghĩa không có nguồn thu nào. Trong khi đó, mỗi tháng vẫn phải đóng BHXH cho 7 nhân sự là trên 7 triệu đồng, chưa tính đến tiền điện nước, wifi, thuế và một số khoản chi khác. Do ảnh hưởng của dịch Covid -19 nên cơ sở gặp nhiều khó khăn, hầu như mọi nguồn thu đều không còn nữa mà mỗi tháng phải chi trả rất nhiều khoản tiền từ đó ảnh hưởng đến đời sống của nhân viên làm việc tại đây. Cơ sở cũng đã thỏa thuận với các giáo viên là tạm thời nghỉ việc không lương, đến khi nào hết dịch thì vào làm trở lại anh Nguyễn Quang Thành – chủ cơ sở mẫu giáo Thùy Dương cho biết.
             Không chỉ các cơ sở, trường tư thục mà các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề dịch vụ du lịch, vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng cũng đều ảnh hưởng do dịch Covid – 19. Như công ty du lịch Viettravel – chi nhánh Sóc Trăng đã bắt tay vào thống kê thiệt hại do dịch. Khoảng 20 triệu là chi phí đóng BHXH mỗi tháng cho 5 nhân viên của công ty. Anh Mai Quang Thuận – Trưởng chi nhánh Viettravel – chi nhánh Sóc Trăng So với cùng kỳ năm 2019 thì doanh thu quý 1 năm nay giảm từ 50 -70%, mặc dù sụt giảm về doanh thu, chi nhánh cũng đã đóng cửa nhưng công ty vẫn cố gắng chi trả lương cho nhân viên từ tháng 1, tháng 2. Tuy nhiên, tình hình như hiện nay công ty cũng đã thõa thuận với nhân viên là tạm thời nghỉ việc không lương và hỗ trợ một phần chi phí cho các nhân sự phải nghỉ việc. 
              Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến ngày 29/3/2020, tổng nợ BHXH, BHYT, BHTN ước khoảng 62,41 tỷ đồng, trong đó: nợ BHXH: 56,03 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây khó khăn đến hoạt động sản xuất và doanh thu của các doanh nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ đóng vào các quỹ BHXH bao gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp là 32% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng. Trong đó, đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất chiếm tỷ trọng lớn với tỷ lệ là 22% trên 2/3 tổng số tiền đóng vào các quỹ. Như vậy, thực hiện chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ, việc BHXH Việt Nam ban hành và tổ chức thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có tác động không nhỏ tới doanh nghiệp và đời sống của người lao động trong điều kiện dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp.

Ông Trần Văn Khải - Phó Giám đốc BHXH tỉnh trả lời phỏng vấn

            Ông Trần Văn Khải – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng cho biết: thực hiện Chỉ thị số 11 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 860 của BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các địa phương thực hiện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để thực hiện nội dung này BHXH tỉnh đã phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn phối hợp hướng dẫn các công ty, đơn vị và doanh nghiệp về việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất. Điều kiện đối với các công ty, đơn vị, doanh nghiệp thuộc diện tạm dừng đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất theo quy định của BHXH Việt Nam là: Gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra dẫn đến không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó, số lao động thuộc diện tham gia BHXH phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do dịch bệnh gây ra.

          Trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, BHXH tỉnh sẽ không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 gây ra, nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm. Đồng thời, hàng tháng BHXH tỉnh sẽ đôn đốc doanh nghiệp đóng đầy đủ, kịp thời vào quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ BHYT và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trong trường hợp đến hết tháng 6-2020 mà Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp, đơn vị có đề nghị, thì BHXH tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với sở, ngành có liên quan báo cáo UBND tỉnh kiến nghị BHXH Việt Nam xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12-2020.

              Với các giải pháp như trên, việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất sẽ có tác động hỗ trợ không nhỏ tới các doanh nghiệp và đời sống của người lao động trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, góp phần vào việc chung tay thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao là vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân; góp phần duy trì, ổn định, cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

                                Phương Anh


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập