Ra mắt mô hình Công đoàn với chuyển đổi số
Theo đó, đoàn viên công đoàn ở bộ phận một cửa là người trực tiếp, tiếp nhận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) ra mắt mô hình Công đoàn với chuyển đổi số
Thứ 2 và thứ 4 hàng tuần bố trí 4 đoàn viên công đoàn/ngày tham gia trực tiếp vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyền và trực tiếp hỗ trợ hướng dẫn người dân thực hiện các thao tác, cung cấp các thông tin trong quá trình thực hiện hồ sơ trực tuyến.
Theo Công đoàn cơ sở thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, việc ra mắt mô hình "Công đoàn với chuyển đổi số" nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức đơn vị tích cực tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến và cuộc họp không giấy.
Đoàn viên công đoàn ở bộ phận một cửa trực tiếp, tiếp nhận và thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn mọi người sử dụng các loại hình dịch vụ công trực tuyến nhằm từng bước nâng cao nhận thức, ý nghĩa, tầm quan trọng và tiện ích của việc chuyển đổi số đối với các lĩnh vực đời sống kinh tế, xã hội; giúp người dân có những công cụ thật sự thuận tiện khi thực hiện các thủ tục hành chính.
PHƯƠNG ANH
Trưởng Ban nữ công quần chúng hết lòng vì đoàn viên
Vì đoàn viên, người lao động nữ
Đồng chí Phạm Thị Ánh Nguyệt cho biết, CĐCS Cục thuế tỉnh Sóc Trăng hiện có 323 đoàn viên, có 114 đoàn viên nữ, chiếm 35,29%. Với 7 năm làm công tác nữ công, đồng chí đã tham mưu cho Ban Chấp hành CĐCS thực hiện tốt các chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ.
Đồng chí Nguyệt cho hay, những năm qua, CĐCS đã kịp thời phản ánh và đề xuất các biện pháp cải thiện đời sống, tăng thu nhập nhằm giúp nữ đoàn viên, NLĐ an tâm công tác; như chị em được chi hỗ trợ 200.000 đồng/tháng để cải thiện điều kiện làm việc. Ngoài ra, duy trì tổ hùn vốn tiết kiệm, số tiền 75 triệu đồng/tháng giúp đoàn viên có thêm điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Đồng chí Lê Thị Huyền Trang - đoàn viên CĐCS Cục thuế tỉnh Sóc Trăng - cho biết, vừa qua chị nhận được 28 triệu đồng từ việc tham gia hùn vốn tiết kiệm. Qua đó có thêm chi phí để mua sắm vật dụng trong gia đình phục vụ cuộc sống tốt hơn.
Nhiều hoạt động cho nữ đoàn viên, người lao động tại CĐCS Cục Thuế tỉnh Sóc Trăng
Ngoài ra, đồng chí Nguyệt còn chủ động tham mưu cho Ban Chấp hành CĐCS tổ chức nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, Tết Nguyên đán với số tiền 275 triệu đồng. Tổ chức các hoạt động cho con đoàn viên, NLĐ với số tiền 182,5 triệu đồng.
Phối hợp với chính quyền vận động nữ đoàn viên, NLĐ khám sức khỏe định kỳ và hỗ trợ kinh phí 500.000 đồng/người/năm; tổ chức các chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh... Từ đó, giúp nữ đoàn viên, NLĐ yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Với vai trò là Trưởng Ban nữ công quần chúng, đồng chí Phạm Thị Ánh Nguyệt còn tích cực tham mưu và tranh thủ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Cấp ủy Đảng, Lãnh đạo đơn vị để chị em được tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị,.. với tổng kinh phí 738,4 triệu đồng.
Đồng chí Nguyệt cho biết, trong 5 năm (2019 - 2023) đã có 476 lượt chị đạt danh hiệu Giỏi việc nước, đảm việc nhà; 89 lượt chị được tặng Giấy khen Cục Thuế tỉnh; 230 lượt chị được tặng Giấy khen Tổng Cục thuế; 34 lượt chị có đề tài sáng kiến cải tiến được Hội đồng sáng kiến Cục thuế tỉnh công nhận và được áp dụng rộng rãi trong ngành; có 97 lượt chị được Bộ Tài chính tặng Bằng khen.
Nâng cao trình độ, nghiệp vụ
Với vai trò là Phó Chánh văn phòng, đồng chí Nguyệt thường xuyên cập nhật và triển khai đầy đủ các văn bản quy định; tham mưu, đề xuất giúp lãnh đạo chỉ đạo thực hiện tốt công tác Văn phòng.
Đồng chí Phạm Thị Ánh Nguyệt - Trưởng Ban Nữ công quần chúng, CĐCS Cục thuế tỉnh Sóc Trăng
Đồng chí Nguyệt cho biết để thực hiện công việc hiệu quả chị còn tham gia xây dựng nhiều giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm như Nâng cao công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trong nội bộ Ngành thuế tỉnh Sóc Trăng; Quản lý tài sản theo mô hình Kế toán tập trung bằng thẻ tài sản,... những sáng kiến cải tiến được áp dụng và mang lại hiệu quả cho đơn vị.
Ngoài ra đồng chí Nguyệt còn sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành công việc chuyên môn, Công đoàn và chăm sóc gia đình. Vì vậy 5 năm liền đồng chí Nguyệt luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, là đoàn viên công đoàn xuất sắc và giỏi việc nước, đảm việc nhà.
Với những thành tích đó, đồng chí Nguyệt được Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế tặng bằng khen, giấy khen vì có thành tích trong công tác. Đặc biệt đồng chí Nguyệt là 1 trong 95 Trưởng ban Nữ công CĐCS được Tổng LĐLĐ Việt Nam biểu dương vào 8-9.7 tới đây.
PHƯƠNG ANH

Công đoàn với phòng chống dịch COVID-19: Đề cao kỷ cương, trách nhiệm
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu (thứ hai, trái qua) cùng lãnh đạo Liên đoàn Lao động Hà Nội nắm bắt về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại Công ty CP Giày Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn
Theo đó, để tiếp tục đồng hành với Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) trong việc triển khai những biện pháp mới quyết liệt hơn trong giai đoạn này, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN yêu cầu các cấp Công đoàn (CĐ) tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
1/ Kiên trì và thực hiện đúng phương châm phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay là “khẩn trương, kiên quyết, bình tĩnh, đúng mực, không chủ quan, không chần chừ, chủ động phát hiện và ngăn chặn triệt để, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan”. Thực hiện đầy đủ tinh thần Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 36 là “gắn kết và chủ động thích ứng”, phát huy mạnh mẽ vai trò của các cấp CĐ trong việc tuyên truyền, vận động NLĐ ủng hộ, chủ động tự thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc và cách ly theo quy định khi có yêu cầu của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo khoanh vùng, dập dịch triệt để.
2/ Chủ tịch các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương, CĐ TCty trực thuộc đề cao kỷ cương, trách nhiệm, chỉ đạo các cấp CĐ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Tổng LĐLĐVN và lãnh đạo địa phương, bộ, ngành trong công tác phòng, chống dịch.
3/ Chỉ đạo các cấp CĐ tuyên truyền để người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện nghiêm Hướng dẫn số 1133/BYT-MT ngày 9.3.2020 của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá, khu nhà trọ của NLĐ bằng nhiều hình thức (áp phích, tờ rơi, loa phát thanh, công nghệ thông tin…) nhằm truyền tải một cách chính xác, đơn giản, dễ hiểu để mọi NLĐ cùng hiểu rõ về dịch bệnh, hiểu về những điều cần phải làm và những điều không được làm để phòng, chống dịch từ nhà, khi sử dụng phương tiện cộng cộng, ra chỗ đông người, đến nhà hàng, siêu thị, đi làm nơi công sở, trong nhà máy… đảm bảo an toàn.
4/ Từ thực tiễn địa phương, ngành, doanh nghiệp, CĐ cần phối hợp với chính quyền và người sử dụng lao động tuyên truyền, vận động NLĐ nỗ lực chung tay cùng doanh nghiệp vượt khó. Đề xuất các giải pháp hỗ trợ NLĐ về trông giữ, quản lý con trong thời gian học sinh nghỉ học. Đảm bảo việc làm thường xuyên, liên tục. Xem xét, đề xuất giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ phép năm, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ khó khăn… để đảm bảo thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đề xuất với người sử dụng lao động ở những doanh nghiệp có điều kiện tổ chức đào tạo lại NLĐ để họ chuyển đổi nghề nghiệp và thích nghi với tình hình mới.
5/ Vào thời điểm thích hợp, các cấp CĐ, nhất là CĐ trong các doanh nghiệp chủ động hoặc phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị, tọa đàm bàn giải pháp thực hiện việc CĐ chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả COVID-19, động viên, khích lệ NLĐ đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động để đạt được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ.
Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-voi-phong-chong-dich-covid-19-de-cao-ky-cuong-trach-nhiem-789940.ldo
T.E.A (BÁO LAO ĐỘNG)