חזרה
12 giáo viên vui mừng sinh sống trong nhà tập thể mới
12 giáo viên thuộc công đoàn cơ sở Trường THPT An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (tỉnh Sóc Trăng) vui mừng khi nhà tập thể vừa được sửa chữa khang trang.

Chiều ngày 13.8, tại xã An Thạnh 3, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Trường Trung học phổ thông An Thạnh 3 tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình sửa chữa nhà ở tập thể của Công đoàn cơ sở Trường Trung học phổ thông An Thạnh 3.

Đến dự có đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Lê Trọng Nguyên - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng, Huyện ủy Cù Lao Dung dự nghiệm thu bàn giao nhà ở tập thể cho giáo viên.

Nhà ở tập thể của Trường THPT An Thạnh 3 được đưa vào sử dụng cuối năm 2009 với diện tích 300m², có 6 phòng với 12 giáo viên sinh sống. Qua thời gian sử dụng, nhà tập thể bị xuống cấp, phần máy tôn bị rỉ sét, dột và một số cây xà gỗ bị mục, không đảm bảo an toàn cho giáo viên vào mùa mưa.

LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng đã hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn Quỹ Mái ấm Công đoàn, đơn vị chủ quản hỗ trợ 5 triệu đồng, đoàn viên Công đoàn của nhà trường đóng góp 15 triệu đồng để sửa chữa nhà tập thể.

Đến nay công trình đã hoàn tất, đem lại niềm vui cho tập thể giáo viên, giúp thầy, cô giáo có nơi ở chu đáo để an tâm công tác, giảng dạy trước thềm năm học mới.

ANH KHOA


חזרה
Người công nhân làm lợi trăm triệu đồng cho Xí nghiệp rác
10 năm công tác trong lĩnh vực xử lý rác thải, anh Đặng Văn Nhã đã có 20 giải pháp, cải tiến máy móc góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.

Chủ động, tìm giải pháp

Với 200 tấn rác thải rắn mỗi ngày tại Xí nghiệp Liên hợp Xử lý Chất thải rắn Sóc Trăng, Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Sóc Trăng, anh Đặng Văn Nhã (sinh năm 1982) không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao mà còn được biết đến như một "người thợ máy" tài năng. Bằng sự sáng tạo và tinh thần cải tiến kỹ thuật, anh Nhã đã có những đóng góp quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và tiết kiệm đáng kể chi phí cho đơn vị.

Anh Nhã cho biết trong môi trường làm việc đặc thù, thường xuyên tiếp xúc với các thiết bị thu gom, ủi rác, không ít lần ông và đồng nghiệp đối mặt với tình trạng máy móc trục trặc, hư hỏng do quá tải. Thay vì chờ đợi sửa chữa, ông đã chủ động nghiên cứu, học hỏi và đưa ra những giải pháp sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực cho công việc.

"Các xe ở Xí nghiệp đã cũ, quá tải nên rất dễ hư hỏng. Các phụ tùng thay thế phải đặt mua từ nước ngoài gửi về mất hàng tháng trời. Từ lý do đó tôi mày mò, nghiên cứu mua phụ tùng rồi tự sửa chữa," anh Nhã chia sẻ.

Anh Đặng Văn Nhã không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà còn là một “người thợ máy” không ngừng cải tiến các máy móc, thiết bị xử lý rác. Ảnh: Phương Anh

Anh Nhã cho biết để nâng cao năng suất làm việc, anh đã cải tiến rất nhiều máy móc. Một trong những cải tiến nổi bật là "cải tiến ống dẫn dầu thắng, dầu máy, thay thế ống kim loại bằng ống bố mềm".

"Giải pháp tưởng chừng đơn giản này đã mang lại hiệu quả bất ngờ, giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng nứt vỡ, rò rỉ dầu - vốn là vấn đề nan giải thường gặp phải do áp lực và điều kiện làm việc. Việc thay đổi vật liệu ống dẫn không chỉ kéo dài tuổi thọ của hệ thống mà còn đảm bảo an toàn vận hành, hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra sự cố trong quá trình làm việc", anh Nhã thông tin.

Một ý tưởng sáng tạo khác của anh Nhã cũng mang lại hiệu quả đó là "lắp đặt thêm đồng hồ rời, theo dõi thông số điều khiển xe đảo trộn". Giải pháp này giúp người vận hành dễ dàng kiểm soát tình trạng máy móc, phát hiện sớm các sự cố tiềm ẩn và có biện pháp xử lý kịp thời, tránh những hư hỏng nghiêm trọng có thể xảy ra.

"Việc mình tự sửa chữa, cải tiến đã giúp tiết kiệm chi phí, thời gian và không làm gián đoạn công việc. Đặc biệt việc thực hiện đều được sự đồng thuận, hỗ trợ nhiệt tình từ Ban lãnh đạo xí nghiệp," anh Nhã nói.

Làm lợi cả trăm triệu đồng

Ông Nguyễn Đình Huấn - Phó Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp Xử lý Chất thải rắn Sóc Trăng cho biết anh Đặng Văn Nhã hiện là Đội trưởng Đội Xe và Bãi Chôn lấp rác. Trước khi trở thành Đảng viên, anh Nhã đã nổi bật là thành viên nòng cốt trong việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Từ khi vào Đảng ngày 27.9.2019, anh càng thể hiện rõ bản lĩnh và tinh thần sáng tạo của người công nhân kỹ thuật.

Theo ông Huấn trong thời gian quản lý các thiết bị, anh Nhã đã phát hiện, sửa chữa nhiều phương tiện, góp phần hạn chế hư hỏng xe, tiết kiệm chi phí sửa chữa, thay mới thiết bị; đồng thời tham mưu nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công việc, hạn chế tình trạng ùn ứ rác.

"Đến nay, anh Đặng Văn Nhã đã có 20 giải pháp, sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng thành công vào thực tế. Những cải tiến này không chỉ giải quyết các vấn đề kỹ thuật mà còn mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho đơn vị. Ước tính, các giải pháp cải tiến kỹ thuật đã làm lợi cả trăm triệu đồng trong suốt thời gian qua," ông Huấn nói.

Các thiết bị chuyên dụng thường xuyên được anh em công nhân Xí nghiệp Liên hợp Xử lý Chất thải rắn Sóc Trăng kiểm tra, bảo dưỡng. Ảnh: Phương Anh

Sự cống hiến của anh Đặng Văn Nhã đã được ghi nhận bằng nhiều bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng và đặc biệt là bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2023) minh chứng cho tinh thần lao động sáng tạo và đóng góp không ngừng nghỉ của ông.

Năm 2025, anh được Liên đoàn lao động tỉnh Sóc Trăng đề xuất với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tôn vinh là công nhân đảng viên tiêu biểu.

PHƯƠNG ANH


חזרה
Công đoàn với phòng chống dịch COVID-19: Đề cao kỷ cương, trách nhiệm
Ngày 10.3, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đã yêu cầu các cấp Công đoàn tiếp tục triển khai những giải pháp mới trong giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu (thứ hai, trái qua) cùng lãnh đạo Liên đoàn Lao động Hà Nội nắm bắt về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại Công ty CP Giày Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn

       Theo đó, để tiếp tục đồng hành với Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) trong việc triển khai những biện pháp mới quyết liệt hơn trong giai đoạn này, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN yêu cầu các cấp Công đoàn (CĐ) tiếp tục thực hiện một số nội dung sau: 
        1/ Kiên trì và thực hiện đúng phương châm phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay là “khẩn trương, kiên quyết, bình tĩnh, đúng mực, không chủ quan, không chần chừ, chủ động phát hiện và ngăn chặn triệt để, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan”. Thực hiện đầy đủ tinh thần Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 36 là “gắn kết và chủ động thích ứng”, phát huy mạnh mẽ vai trò của các cấp CĐ trong việc tuyên truyền, vận động NLĐ ủng hộ, chủ động tự thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc và cách ly theo quy định khi có yêu cầu của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo khoanh vùng, dập dịch triệt để.
      2/ Chủ tịch các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương, CĐ TCty trực thuộc đề cao kỷ cương, trách nhiệm, chỉ đạo các cấp CĐ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Tổng LĐLĐVN và lãnh đạo địa phương, bộ, ngành trong công tác phòng, chống dịch.
       3/ Chỉ đạo các cấp CĐ tuyên truyền để người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện nghiêm Hướng dẫn số 1133/BYT-MT ngày 9.3.2020 của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá, khu nhà trọ của NLĐ bằng nhiều hình thức (áp phích, tờ rơi, loa phát thanh, công nghệ thông tin…) nhằm truyền tải một cách chính xác, đơn giản, dễ hiểu để mọi NLĐ cùng hiểu rõ về dịch bệnh, hiểu về những điều cần phải làm và những điều không được làm để phòng, chống dịch từ nhà, khi sử dụng phương tiện cộng cộng, ra chỗ đông người, đến nhà hàng, siêu thị, đi làm nơi công sở, trong nhà máy… đảm bảo an toàn.
        4/ Từ thực tiễn địa phương, ngành, doanh nghiệp, CĐ cần phối hợp với chính quyền và người sử dụng lao động tuyên truyền, vận động NLĐ nỗ lực chung tay cùng doanh nghiệp vượt khó. Đề xuất các giải pháp hỗ trợ NLĐ về trông giữ, quản lý con trong thời gian học sinh nghỉ học. Đảm bảo việc làm thường xuyên, liên tục. Xem xét, đề xuất giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ phép năm, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ khó khăn… để đảm bảo thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đề xuất với người sử dụng lao động ở những doanh nghiệp có điều kiện tổ chức đào tạo lại NLĐ để họ chuyển đổi nghề nghiệp và thích nghi với tình hình mới.
        5/ Vào thời điểm thích hợp, các cấp CĐ, nhất là CĐ trong các doanh nghiệp chủ động hoặc phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị, tọa đàm bàn giải pháp thực hiện việc CĐ chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả COVID-19, động viên, khích lệ NLĐ đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động để đạt được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ.

Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-voi-phong-chong-dich-covid-19-de-cao-ky-cuong-trach-nhiem-789940.ldo

T.E.A (BÁO LAO ĐỘNG)


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập