חזרה
Ra mắt nghiệp đoàn vé số và họp mặt cán bộ công đoàn
Sáng ngày 16/8, tại thị xã Ngã Năm đã diễn ra Lễ kết nạp đoàn viên và thành lập Nghiệp đoàn vé số Phường 1.

Dự lễ có các đồng chí: Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Huỳnh Thị Diễm Ngọc - Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Ngã Năm; lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sổ xố kiến thiết Sóc Trăng và các đơn vị liên quan.

Tại buổi lễ, đại diện Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm đã công bố quyết định chuẩn y kết nạp 15 người lao động làm nghề bán vé số tại thị xã Ngã Năm vào tổ chức công đoàn. Đồng thời công bố quyết định thành lập Nghiệp đoàn vé số Phường 1, công bố quyết định công nhận Ban Chấp hành lâm thời Nghiệp đoàn vé số Phường 1 gồm 3 đồng chí. Bà Nguyễn Thị Nương được chỉ định là chủ tịch nghiệp đoàn, tổng số đoàn viên của nghiệp đoàn là 15 người.

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lâm Văn Tùng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm mong muốn các thành viên trong nghiệp đoàn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của công đoàn cấp trên để nghiệp đoàn hoạt động hiệu quả. Đồng thời mong muốn Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên sổ xố kiến thiết Sóc Trăng có chế độ tăng chi hoa hồng cho người bán vé số dạo cũng như trích một phần lợi nhuận để hỗ trợ mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội để người bán vé số an tâm trong cuộc sống.

Các đồng chí lãnh đạo tặng quà và chụp ảnh lưu niệm với các thành viên Nghiệp đoàn vé số Phường 1.  Ảnh: TRƯỜNG KHOA

Nghiệp đoàn vé số Phường 1 là nghiệp đoàn cơ sở có đoàn viên là lao động khu vực phi chính thức thuộc Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm. Nghiệp đoàn tập hợp người bán vé số vào một tổ chức thích hợp với ngành nghề để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ vốn, kiến thức giúp người lao động ổn định cuộc sống. Tổ chức công đoàn cũng sẽ có những hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp. Đồng thời là cầu nối để có những đề xuất với doanh nghiệp xem xét, hỗ trợ kịp thời cho người lao động.

* Sáng cùng ngày, Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm tổ chức Họp mặt cán bộ công đoàn và Hội thao công chức, viên chức và người lao động thị xã Ngã Năm năm 2024.

Tại buổi họp mặt, các đại biểu đã cùng ôn lại truyền thống của Công đoàn Việt Nam nói chung, phong trào công nhân lao động và hoạt động công đoàn địa phương nói riêng. Qua đó, khẳng định rõ vai trò, vị trí của tổ chức công đoàn trong hệ thống chính trị và đời sống tinh thần của công nhân, viên chức, lao động. Phát huy truyền thống vẻ vang của tổ chức Công đoàn, Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm luôn nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, khẳng định vai trò là chỗ dựa vững chắc cho đoàn viên, người lao động.

Tham gia hội thao lần này có 11 đoàn với 250 vận động viên là cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thị xã Ngã Năm. Các vận động viên tranh tài ở các môn thi đấu: đá bóng vào khung; chuyền chanh; đập niêu đất; quần vợt.

Hội thao nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, góp phần tăng cường sức khỏe để công tác, phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Qua đó cũng thể hiện sự chăm lo của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với đoàn viên, người lao động, tạo môi trường cho công nhân, viên chức, lao động được học tập, giao lưu thể thao và trao đổi kinh nghiệm.

Các vận động viên tham gia môn bịt mắt đập niêu. Ảnh: TRƯỜNG KHOA

Hội thao và thành lập nghiệp đoàn dịp này nằm trong chuỗi hoạt động do Liên đoàn Lao động thị xã Ngã Năm triển khai chào mừng Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).

HẢI HÀ - TRƯỜNG KHOA


חזרה
Đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp được hỗ trợ nhà (Trần Đề)
Ông Trần Minh Hoài - đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề - vừa được hỗ trợ nhà Đại đoàn kết.

Chiều 18.7, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện phối hợp Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) bàn giao nhà Đại đoàn kết cho ông Trần Minh Hoài là đoàn viênNghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề.

Căn nhà được xây dựng có diện tích 32m2, trị giá gần 70 triệu đồng, trong đó quỹ Vì người nghèo tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ 50 triệu đồng, phần còn lại do gia đình đóng góp thêm để xây dựng khang trang.

Đoàn viên Trần Minh Hoài - Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề trong ngôi nhà mới.

Được biết, gia đình ông Trần Minh Hoài có hoàn cảnh khó khăn, bức xúc về nhà ở. Được hỗ trợ căn nhà mới giúp gia đình có chỗ ở ổn định, yên tâm lao động sản xuất.

Đây cũng là công trình thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

PHƯƠNG ANH


חזרה
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: "Làm nhiều, nghỉ ít là bất công"
Đại diện Tổng liên đoàn Lao động cho rằng, cán bộ, công chức làm việc 40 giờ mỗi tuần, trong khi công nhân phải làm 48 giờ là bất công.

          Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động trả lời VnExpress xung quanh đề xuất thêm 3 ngày nghỉ trong năm và giảm giờ làm từ 48 xuống còn 44 giờ/tuần. 

            - Căn cứ nào để Tổng liên đoàn Lao động đưa ra đề xuất? 
           - Lịch sử phát triển xã hội và xu thế chung của thế giới là giảm giờ làm, tăng thời gian nghỉ ngơi. Trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, đa số quốc gia làm việc 14-18 giờ mỗi ngày, nhưng ngày nay tất cả áp dụng chế độ ngày làm 8 giờ.
         Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) đã có Công ước 47 về làm việc 40 giờ một tuần, xác định các quốc gia cần tiếp tục giảm giờ làm cho mọi loại hình công việc mà tiêu chuẩn sống không bị giảm bớt. Hiện hầu hết quốc gia đã áp dụng chế độ 40 giờ, thậm chí dưới 40 giờ. 
         Tổng thời gian làm việc trong năm ở Việt Nam (đã trừ thời gian nghỉ lễ) là 2.320 giờ, khá cao so với các quốc gia, ví dụ cao hơn Indonesia 440 giờ, hơn Campuchia 184 giờ, Singapore 176 giờ... Số ngày nghỉ lễ, Tết ở Việt Nam 10 ngày là thấp nhất trong khu vực; số ngày nghỉ phép khởi điểm 12 ngày trong khi Công ước 132 về nghỉ phép của ILO quy định, người lao động nên được nghỉ phép có hưởng lương không dưới 3 tuần mỗi năm.
        Trong dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi), Chính phủ đề xuất tăng một ngày nghỉ vào 27/7, song quá trình thảo luận Chính phủ lại rút đề xuất này. Tổng liên đoàn Lao động đề xuất thêm 3 ngày nghỉ để công nhân có điều kiện chăm lo sức khỏe, học tập năng cao kỹ năng, trình độ tay nghề. 

Ông Lê Đình Quảng, Phó ban quan hệ Lao động, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Đoàn Loan. 

         - Thường xuyên tiếp xúc với người lao động, ông nhận thấy nhu cầu thực tế giữa nghỉ ngơi và cải thiện thu nhập của người lao động như thế nào? 
           - Trong bối cảnh làm việc nhiều giờ hiện nay, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất đi làm từ khi chưa thấy mặt trời, tối lại làm thêm giờ nên cuộc sống hết sức nghèo nàn về vật chất, tinh thần. Nhiều gia đình bố mẹ đi làm thứ bảy, chủ nhật nên phải gửi con, cuối cùng tiền lương lại bù vào chi phí gửi con. Đây là cái vòng luẩn quẩn của làm thêm giờ.
           Lâu nay chúng ta xem xét thời giờ làm việc trong vấn đề sức khỏe, song ít nghiên cứu tác động đến xã hội. Điều 35 của Hiến pháp quy định, người làm công ăn lương được đảm bảo điều kiện làm việc công bằng, an toàn. Hiện cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính làm việc 40 giờ mỗi tuần, song công nhân vẫn phải làm việc 48 giờ, trong khi ngày nghỉ lễ trong năm ít là bất công đối với họ. Ở một số quốc gia, ví dụ Nhật Bản, công chức làm việc nhiều giờ hơn người lao động, còn nước ta thì ngược lại.
          Ở Việt Nam, một nghiên cứu của Bộ Y tế về sức khỏe của 15 triệu lượt người lao động từ 2006 đến 2010 cho thấy tỷ lệ lao động sức khỏe loại 1 là 36%, đến giai đoạn 2011-2016 xuống còn 19%. Tỷ lệ lao động loại 4-5 từ 8,5% tăng lên 11%. Điều này cho thấy môi trường, điều kiện làm việc kéo theo suy giảm sức khỏe của người lao động. 
        - Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng năng suất lao động thấp thì không nên nghỉ nhiều, ông nghĩ sao?
         - Thời gian làm việc, nghỉ ngơi phải gắn liền với năng suất. Năng suất lao động xã hội được tính bằng tổng sản phẩm xã hội chia cho số người trong độ tuổi lao động. Chúng ta có nhiều lao động nông nghiệp nên năng suất thấp. Còn nếu tính riêng các ngành cơ khí, dệt may công nghiệp... thì năng suất lao động của các doanh nghiệp này không thấp. 
         Năng suất lao động ở doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào máy móc, trình độ quản trị. Nếu máy móc hiện đại tiên tiến, bố trí lao động hợp lý thì năng suất tăng cao. Xu hướng của thế giới là tăng cường thay đổi giải pháp công nghệ, cải tiến tổ chức lao động để tăng năng suất, chứ không phải tăng thời gian làm việc. Kéo dài thời gian làm việc sẽ ảnh hưởng sức khỏe và kéo theo năng suất lao động thấp.
       Mọi người đang hiểu sai về chất lượng tay nghề của công nhân nước ta. Xã hội không thể áp đặt năng suất lên người lao động mà nhà nước và doanh nghiệp phải tìm hướng giảm thiểu lao động nông nghiệp, thu hút dự án sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại, có giá trị gia tăng cao, quản trị hiện đại. 
       Nhiều người cứ đổ năng suất thấp cho người lao động là không đúng. Nếu mọi người coi năng suất lao động thấp do người lao động thì các cơ quan nhà nước phải làm 48 giờ chứ không phải chỉ là công nhân lao động vì đây là năng suất lao động của toàn xã hội.
         - Cũng có ý kiến đời sống công nhân còn nghèo, nghỉ nhiều họ cũng không có tiền đi du lịch. Quan điểm của ông thế nào?
         - Đa số công nhân không có tiền đi du lịch, nhưng họ cần ngày nghỉ để nghỉ ngơi, chăm sóc con cái. Doanh nghiệp chỉ nên huy động làm thêm giờ đúng bản chất là giải quyết đơn hàng đột xuất chứ không phải ngày nào cũng làm thêm giờ như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp không muốn tăng chi phí tuyển thêm người, nên yêu cầu công nhân làm thêm tràn lan. Ví dụ, nhận đơn hàng cần 100 người song chủ doanh nghiệp chỉ tuyển 90 người và huy động làm thêm giờ.
         Đúng là giảm giờ làm, thêm ngày nghỉ sẽ gây áp lực cho doanh nghiệp. Nhưng bên cạnh vấn đề tăng chi phí, doanh nghiệp phải thấy được giảm giờ làm cho lao động sẽ thúc đẩy họ học tập nâng cao kỹ năng tay nghề.
           Chúng tôi quan sát những doanh nghiệp đã thực hiện giảm xuống 44-40 giờ thì quan hệ lao động tại đó rất tốt, không tranh chấp, không có tình trạng nhảy việc, doanh nghiệp đỡ chi phí đào tạo khi tuyển lao động mới.
         - Ông nhìn nhận thế nào trước lo ngại tăng ngày nghỉ, giảm giờ làm không chỉ áp lực lên doanh nghiệp mà còn giảm ưu thế cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam so với các nước khác. 
          - Không phải bây giờ mới có tâm lý lo ngại việc khách hàng chuyển sang các quốc gia khác có chi phí lao động rẻ hơn. Quốc gia nào đề xuất nâng lương tối thiểu, doanh nghiệp ở đó đều kêu. Ví dụ doanh nghiệp Sri Lanca thì nói bị chuyển hợp đồng đến Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam bảo sang Campuchia... thực ra các đơn hàng không chuyển đi đâu.
          Tôi cho rằng xu thế hiện nay không nên chỉ lấy lợi thế cạnh tranh là nhân công giá rẻ. Để giảm chi phí thì doanh nghiệp phải cải tiến tổ chức, quản trị, tăng công nghệ hiện đại, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, bố trí lao động hợp lý, tiết giảm chi phí quản lý. Tăng thời gian nghỉ là cách thu hút, giữ chân lao động để giảm chi phí, coi người lao động là tài sản quý giá nhất, làm cho người lao động gắn bó với doanh nghiệp, đó mới là phát triển bền vững.
        Tất nhiên việc giảm giờ làm sẽ tác động lớn đến doanh nghiệp, song đây là cơ hội gây áp lực cho doanh nghiệp đổi mới hơn nữa. Việc sửa đổi Bộ luật lao động lần này không chỉ cho hiện tại mà cả tương lai, nên phải tính đến lâu dài. 

Kết quả thăm dò trực tuyến từ ngày 18 đến 23/9 trên VnExpress.

          - Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu Tổng Liên đoàn Lao động đánh giá tác động của đề xuất thêm 3 ngày nghỉ. Việc này sẽ được thực hiện như thế nào? 
         - Tổng liên đoàn Lao động sẽ có báo cáo đánh giá tác động trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, lấy ý kiến công nhân qua hệ thống công đoàn cơ sở để đánh giá đầy đủ tác động kinh tế, xã hội, bình đẳng giới, chi phí với doanh nghiệp.
         Chúng tôi cũng sẽ khảo sát thực tế doanh nghiệp đã giảm giờ làm xuống 40 giờ tác động như thế nào về quan hệ lao động, thu nhập của lao động. Dự kiến báo cáo của Tổng liên đoàn sẽ hoàn thành trước khi Quốc hội họp vào tháng 10 để các đại biểu xem xét, quyết định. 
        Quan điểm của chúng tôi là nếu không thêm ngày nghỉ, giảm giờ làm thì sẽ ảnh hưởng lớn đến xây dựng đội ngũ công nhân. Chúng ta phải đối mặt với những vấn đề xã hội khi ngày càng nhiều người đến 40-45 tuổi không đủ sức khỏe làm việc, phải nhận trợ cấp một lần và không đảm bảo chăm sóc con cái. 
         Hồi tháng 4, Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất bổ sung ngày 27/7 vào ngày nghỉ lễ hàng năm. Tại phiên thảo luận chiều 12/6, kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 14, đa số đại biểu không đồng tình nên Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã xin rút nội dung này khỏi dự thảo luật.
         Ngày 17/9, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị Quốc hội phương án tăng ngày nghỉ lễ thêm 2 ngày vào dịp Tết Dương lịch và một ngày vào ngày gia đình Việt Nam (28/6), giảm thời gian làm việc của công nhân lao động từ 48 giờ xuống 44 giờ mỗi tuần. 
       Ngày 20/9, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu Tổng liên đoàn phải có đánh giá tác động của việc nghỉ thêm ba ngày trong năm trước khi Quốc hội xem xét có thông qua hay không.

Đoàn Loan

Nguồn:https://vnexpress.net/thoi-su/tong-lien-doan-lao-dong-lam-nhieu-nghi-it-la-bat-cong-3986211.html 


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập