TIN HOẠT ĐỘNG TIN HOẠT ĐỘNG

Vissza
Tham gia CPTPP là cơ hội của tổ chức Công đoàn Việt Nam
Việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có tác động không nhỏ đến lĩnh vực lao động (LĐ) và công đoàn (CĐ) Việt Nam. Ông Chang-Hee Lee - Giám đốc ILO Việt Nam - vừa có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề trên.

          ÔNG CHANG-HEE LEE
          GIÁM ĐỐC TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ (ILO) VIỆT NAM:
          Tham gia CPTPP là cơ hội của tổ chức Công đoàn Việt Nam
         
LĐO | 03/04/2018

Tham gia CPTPP sẽ có tác động lớn đến quan hệ lao động tại Việt Nam.
Trong ảnh: Các nữ công nhân Cty Lihit Lap. Việt Nam (Hải Phòng) trong giờ làm việc.
Ảnh: QUẾ CHI

          Việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có tác động không nhỏ đến lĩnh vực lao động (LĐ) và công đoàn (CĐ) Việt Nam. Ông Chang-Hee Lee - Giám đốc ILO Việt Nam - vừa có cuộc trao đổi với báo chí về vấn đề trên.
         - Theo quan điểm của ông, quan hệ lao động (QHLĐ) ở Việt Nam đã phát triển như thế nào trong thời gian qua?
         - Tổng LĐLĐVN có một lịch sử tự hào đấu tranh vì độc lập trong những năm 1930 và 1940, đấu tranh vì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong những năm 1960 và 1970, và hỗ trợ đổi mới từ giữa những năm 1980. Dưới nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, vai trò của Tổng LĐLĐVN là khuyến khích NLĐ làm việc năng suất hơn, đóng góp cho phát triển kinh tế quốc dân, đồng thời chăm lo cho nhu cầu văn hoá và phúc lợi ở nơi làm việc của NLĐ. Tiền lương và điều kiện làm việc cơ bản do Chính phủ quy định.
          Tuy nhiên, với nền kinh tế thị trường, tình hình này đã thay đổi kể từ những năm 1990. Tiền lương và điều kiện làm việc không còn do Nhà nước quy định, mà do người sử dụng LĐ, nhất là ở khu vực tư nhân. Không có các tổ chức của tập thể NLĐ, ở đây là CĐ đủ năng lực thương lượng với người sử dụng LĐ, thì NLĐ, nhất là NLĐ không có tay nghề hoặc tay nghề bậc trung, sẽ phải chấp nhận bất cứ điều khoản hợp đồng nào mà người sử dụng LĐ đưa ra trong nền kinh tế thị trường.
            Không có sự cân bằng về khả năng thương lượng giữa các bên khi giao kết HĐLĐ. Pháp luật LĐ hiện đại đã công nhận rằng: 1) Giữa cá nhân NLĐ và người sử dụng LĐ có sự mất công bằng cố hữu trong việc xác định tiền lương và điều kiện làm việc; 2) NLĐ có quyền tổ chức hoặc tham gia tổ chức để thương lượng tập thể với người sử dụng LĐ một cách bình đẳng, và 3) CĐ cần được bảo vệ trước sự can thiệp hoặc phân biệt đối xử của người sử dụng LĐ.
           Bộ luật LĐ và Luật CĐ của Việt Nam cũng công nhận sự mất cân bằng cố hữu này và công nhận sự cần thiết của thương lượng tập thể. CĐ trong hệ thống của Tổng LĐLĐVN đã có những cải thiện và điều chỉnh vai trò của mình để đại diện tốt hơn cho NLĐ trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số lỗ hổng quan trọng trong hệ thống và chính sách pháp luật.
           - Vậy theo ông, Hiệp định CPTPP và EU - Việt Nam FTA (Hiệp định Thương mại tự do) sẽ có tác động như thế nào tới CĐ và NLĐ?
          - Hiệp định CPTPP và EU - Việt Nam FTA yêu cầu Việt Nam tôn trọng và thúc đẩy Tuyên bố năm 1998 của ILO, đặc biệt là Công ước số 87 về tự do liên kết và Công ước số 98 về quyền thương lượng tập thể. Nói tóm lại, điều này yêu cầu CĐ phải thực sự là CĐ - hay theo cách khác, điều này yêu cầu CĐ trở thành tổ chức của NLĐ, như CĐ ở hầu hết các nước thành viên của ILO.               Tôi cho rằng đây là cơ hội vàng đối với hệ thống CĐ của Tổng LĐLĐVN để hiện đại hoá tổ chức và chức năng nhằm đại diện tốt hơn cho tiếng nói của NLĐ.
         Công đoàn đã có những cải thiện từng bước nhưng ổn định nhằm đại diện tốt hơn cho NLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn có những khoảng trống. Từ giữa những năm 1990 tới nay, đã có hơn 6.000 cuộc đình công diễn ra và tất cả đều là đình công tự phát và không do CĐ lãnh đạo. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy NLĐ không cảm thấy những yêu cầu và quyền của họ được giải quyết và quy trình giải quyết vấn đề không vận hành hiệu quả. Tại Việt Nam, không hiếm gặp trường hợp lãnh đạo CĐCS là các quản lý cấp cao của DN. Đây là điều không thể chấp nhận ở hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay.
          Quyền Công đoàn là quyền của NLĐ. Phần lớn các quốc gia thành viên của ILO đều có những điều khoản pháp luật nhằm đảm bảo CĐ độc lập với chủ sử dụng LĐ, không bị can thiệp hoặc chịu sự phân biệt đối xử của người sử dụng LĐ. CĐ có quyền tự chủ quản lý các công việc nội bộ của họ, không bị can thiệp về hành chính, trong khuôn khổ các nguyên tắc quy định bởi pháp luật quốc gia và theo các tiêu chuẩn LĐ quốc tế. Và đây cũng là những quy định và nguyên tắc phổ quát của CĐ và QHLĐ, được thể hiện trong Tuyên bố của ILO và cũng chính là các yêu cầu của Hiệp định CPTPP và EU - Việt Nam FTA.

          Xin cảm ơn ông!

LINH NGUYÊN - QUẾ CHI (LƯỢC GHI)

Đ/c Lê Thị Kim Xuyến – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
                Sưu tầm Báo Lao động ngày 31/3/2018 (Số 74/2018)

 

 


liên kết web