Trên 208 tỉ đồng chăm lo cho đoàn viên, người lao động khu vực Nam sông Hậu
Chiều ngày 15/6, tại Trung tâm Văn hóa và Hội nghị tỉnh, Ban Thường vụ Liên Lao động tỉnh Sóc Trăng đăng cai tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động Cụm thi đua các liên đoàn lao động tỉnh khu vực Nam Sông Hậu 6 tháng đầu năm 2024 (gồm tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) . Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Khởi - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Tấn Hậu - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh. Cùng dự còn có đại diện lãnh đạo liên đoàn lao động các tỉnh trong cụm thi đua khu vực Nam Sông Hậu.
6 tháng đầu năm 2024, LĐLĐ các tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp với chính quyền, người sử dụng lao động tổ chức tặng quà cho 242.705 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 191,548 tỉ đồng nhân dịp Tết Nguyên đán; có 1.244/442 CĐCS cơ quan, doanh nghiệp tổ chức hoạt động Tháng công nhân, đã tặng quà cho 12.903 đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền 5,648 tỉ đồng.
Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu chỉ đạo.
Ký kết mới thỏa thuận hợp tác với 63 doanh nghiệp. Qua đó, có 39.591 lượt đoàn viên, CNVCLĐ được thụ hưởng chính sách ưu đãi khi mua sắm, sử dụng dịch vụ với tổng số tiền được giảm hơn 5,978 tỉ đồng.
Đã chi hỗ trợ cất mới, sửa chữa 260 căn nhà cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở với tổng số tiền 10,873 tỉ đồng. Thực hiện mô hình chung của Cụm, các LĐLĐ tỉnh đã kịp thời hỗ trợ cất mới 06 nhà Mái ấm Công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Sóc Trăng với tổng số tiền 300 triệu đồng.
Hỗ trợ, hướng dẫn CĐCS thương lượng, ký mới thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) ở 34/28 doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn, các bản TƯLĐTT đều có nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Đồng chí Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu chỉ đạo
Có 75 doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá trị bữa ăn với giá trị thấp nhất từ 20.000 - 25.000 đồng/suất trở lên đối với các doanh nghiệp thuộc vùng I, vùng II và từ 18.000-22.000 đồng/suất trở lên đối với địa bàn thuộc vùng III, vùng IV. Chất lượng bữa ăn ca được cải thiện tốt hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm góp phần duy trì sức khỏe, khả năng lao động của NLĐ.
Các LĐLĐ tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, công đoàn, chế độ BHXH, BHYT, BHTN. 6 tháng đầu năm 2024 khu vực Nam Sông Hậu không có xảy ra tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể. Công đoàn các tỉnh trong khu vực đã phát triển thêm gần 9.400 đoàn viên và thành lập 19 CĐCS doanh nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Ủy viên BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đóng góp, đề xuất ý kiến với Cụm thi đua
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ những cách làm hay trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; phân tích, làm rõ những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong hoạt động công đoàn và thực hiện các phong trào thi đua. Qua đó đề xuất, kiến nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam tháo gỡ một số khó khăn.
Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng và biểu dương những thành tích đạt được của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn các tỉnh khu vực Nam sông Hậu nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng trong 6 tháng đầu năm 2024. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy mong muốn liên đoàn lao động các tỉnh khu vực Nam sông Hậu thắt chặt thêm mối quan hệ đoàn kết, gắn bó; tăng cường hiểu biết, hỗ trợ lẫn nhau, tích cực trao đổi về những mô hình mới, cách làm hay để phục vụ cho sự phát triển chung của tổ chức công đoàn ở các địa phương, góp phần đưa công tác công đoàn và phong trào công nhân, viên chức, người lao động trong khu vực lớn mạnh hơn trong thời gian tới.
Quang cảnh Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị, LĐLĐ các tỉnh cần có giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS gắn với công tác xây dựng Đảng. Tập trung triển khai Nghị quyết Công đoàn các cấp; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Đồng thời chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nâng cao kỹ năng cho cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ CĐCS.
Dịp này, 12 LĐLĐ các tỉnh ĐBSCL cũng đã ký kết Chương trình thỏa thuận hợp tác với Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động.
ANH KHOA
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài, áo bà ba” năm 2025
“Tuần lễ Áo dài, Áo bà ba” diễn ra từ ngày 1/3 đến ngày 8/3 trên phạm vi toàn quốc. Đây là một trong những hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 1985 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 115 năm Ngày quốc tế phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2025). Qua đó, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh chiếc áo dài, áo bà ba của Phụ nữ Việt Nam, vẻ đẹp văn hóa, con người và khẳng định chủ quyền Áo dài Việt Nam trong toàn xã hội và khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm gìn giữ, phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ.
Một số hình ảnh “Tuần lễ Áo dài, áo bà ba” của nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sóc Trăng
KHẢ TÚ
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
9.850 nữ đoàn viên đạt danh hiệu Giỏi việc nước đảm việc nhà | 07/03/2025 |
Nữ cán bộ Công đoàn Sóc Trăng trổ tài bếp núc | 06/03/2025 |
Sóc Trăng tôn vinh nữ công nhân, viên chức lao động | 06/03/2025 |
Họp mặt nữ cán bộ Công đoàn và chia sẻ kiến thức sức khỏe | 06/03/2025 |
Đoàn viên hào hứng tham gia giải bóng chuyền hơi nữ | 06/03/2025 |

Doanh nghiệp Sóc Trăng vừa thiếu vừa thừa lao động
Tuyển lao động thế chỗ người nghỉ, mở rộng sản xuất
Tình trạng thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết dần quen thuộc với các doanh nghiệp không riêng tại tỉnh Sóc Trăng, dù nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giữ chân người lao động trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, doanh số năm 2022 của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh đạt 119 triệu USD, tăng 17% so với năm 2021, nên lương, thưởng Tết vừa qua cũng tăng theo. Nhưng theo đại diện công ty, hiện người lao động quay lại làm việc sau Tết chỉ khoảng 600/800 lao động so với trước Tết. Vì vậy, công ty đã có kế hoạch tuyển thêm từ 300 - 400 lao động để đào tạo, phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Ngoài ra, công ty có kế hoạch xây dựng các sân bóng chuyền, cầu lông… để tạo sân chơi cho người lao động và đây được xem là chính sách thu hút lao động, để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp lúc ổn định hay khó khăn trong tương lai.
Cùng cảnh ngộ với các doanh nghiệp trong tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khánh Sủng cũng tuyển thêm khoảng 500 lao động để bù vào phần lao động nghỉ việc và phục vụ cho xưởng sản xuất mới sắp đi vào hoạt động. Thời gian qua, công ty gặp không ít khó khăn, tuy nhiên công ty vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời khen thưởng lương tháng 13 cho công nhân lao động trong dịp tết Nguyên đán vừa qua.
Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải sang) thăm hỏi, động viên người lao động đang làm việc tại công ty thủy sản trong tỉnh. Ảnh: HOÀNG LAN
Để tìm việc, người lao động chỉ cần dạo một vòng quanh Khu Công nghiệp An Nghiệp hoặc qua thông tin từ người thân, bạn bè đang làm việc tại đây, có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin tuyển dụng. Đơn cử như Công ty Trách nhiệm hữu hạn E&W VINA chuyên may đồ bảo hộ y tế, khẩu trang… cũng treo băng rôn công khai thông tin tuyển lao động thường xuyên, với mức lương từ 5,5 triệu - 7 triệu đồng/người/tháng, kèm các chế độ theo quy định của pháp luật như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản ưu đãi khác theo chính sách riêng của công ty.
Thế nhưng việc tuyển dụng lao động không hề dễ, bởi mức lương hiện tại của các doanh nghiệp trong tỉnh so với các tỉnh, thành phố lớn có sự chênh lệnh lớn nên người lao động chấp nhận cảnh tha hương chứ không làm việc tại tỉnh; các chính sách đãi ngộ, thu hút lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đủ hấp dẫn để người lao động chọn gắn bó dài lâu; tâm lý người lao động (nhất là lao động trẻ) thích đi làm xa nhà (đi theo bạn bè cùng trang lứa); các dịch vụ vui chơi, giải trí tại tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động; các công trình phúc lợi (như nhà ở, trường học, chợ…) cũng chưa được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, nguyên nhân nhiều doanh nghiệp khó tuyển được người lao động một phần cũng do người lao động không muốn bị ràng buộc (ký kết hợp đồng lao động) để có thể dễ nhảy việc, hoặc nghỉ làm khi không còn nhu cầu, về phía doanh nghiệp nếu tuyển dụng đối tượng này mà không có hợp đồng thì trái quy định pháp luật…
Chấm dứt hợp đồng lao động vì không có đơn hàng
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động đã khó nhưng chưa khó bằng doanh nghiệp “thừa” lao động nên buộc phải chấm dứt hợp đồng, bởi điều đó phản ánh họ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như Công ty Cổ phần thực phẩm Thái Hòa, thành lập vào thời điểm năm 2020 chưa kịp ổn định sản xuất, năm 2021 đối mặt với đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022 thì chịu tác động suy thoái kinh tế thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraina, mà thị trường chủ lực của công ty là châu Âu, từ chỗ doanh nghiệp có 1.200 lao động nay chỉ còn trên dưới 500 lao động. Để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm, thu nhập cho người lao động, công ty phải chuyển sang gia công cho các doanh nghiệp khác để hưởng tiền giá trị gia tăng ít ỏi để trả mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khảo sát, nắm tình hình hoạt động của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thái Hòa - một trong những doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do không có đơn hàng. Ảnh: HOÀNG LAN
Theo các doanh nghiệp, dự báo tình hình khó khăn vẫn còn tiếp tục kéo dài đến hết quý II năm 2023, vì vậy, việc doanh nghiệp cắt giảm lao động trong thời gian tới khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ đầu quý III, kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn, vì vậy doanh nghiệp cũng chuẩn bị trước nguồn lao động để kịp sản xuất khi có đơn đặt hàng trở lại. Thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, hiện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tuyển dụng khoảng vài ngàn lao động, để bù đắp cho số lao động nghỉ việc, nhảy việc sau Tết, mở rộng sản xuất, nhà máy mới đi vào hoạt động. Do vậy, người lao động cần cân nhắc và lựa chọn công việc phù hợp để ổn định việc làm, thu nhập và gắn bó dài lâu với doanh nghiệp.
Cần chính sách thu hút lao động phù hợp
Trong chuyến khảo sát, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp ngay sau tết Nguyên đán 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu khẳng định, sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động, vì doanh nghiệp phát triển sẽ tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển. Ngoài ra, dự kiến trong năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tỉnh sẽ khởi công xây dựng Khu Thiết chế Công đoàn tại Khu Công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng có quy mô 5,06ha để xây dựng quảng trường, nhà văn hóa thể thao đa năng và khoảng 1.000 căn nhà ở công nhân dạng chung cư để phục vụ người lao động tại khu công nghiệp.
Bên cạnh sự quan tâm của các ngành, các cấp, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có giải pháp để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung; có kế hoạch tuyển dụng nhân sự, nhất là quan tâm xây dựng chính sách về lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động; phối hợp với tổ chức công đoàn quan tâm chăm lo tốt sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của họ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.
Tin rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ vượt khó và quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có các chính sách đãi ngộ phù hợp thì người lao động nhất định sẽ chọn gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp, để cùng phát triển bền vững, ổn định.
HOÀNG LAN