Thăm, chúc mừng các cơ quan Báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6
Tại các Văn phòng đại diện Báo Lao động, Báo Người Lao động ĐBSCL (Thành phố Cần Thơ), Báo Sóc Trăng, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Sóc Trăng. Thay mặt Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đã gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến các đồng chí trong ban lãnh đạo, tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và nhân viên của các cơ quan Báo chí.
Đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (thứ 3 từ phải sang) cùng đoàn đến thăm, chúc mừng cơ quan Báo Lao động tại ĐBSCL
Trong thời gian qua, hoạt động Công đoàn tỉnh Sóc Trăng luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nhất là về công tác tuyên truyền, truyền thông Công đoàn. Bên cạnh sự đoàn kết, nỗ lực của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, các Ban Nghiệp vụ LĐLĐ tỉnh, phải kể đến sự quan tâm, hỗ trợ từ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên,... của các cơ quan Báo chí trong công tác phối hợp tuyên truyền trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn, góp phần giúp Công đoàn Sóc Trăng đạt được nhiều kết quả, đặc biệt như tuyên truyền về Đại hội Công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XI Công đoàn Sóc Trăng, Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 được tổ chức thành công vừa qua.
Đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (bìa trái) cùng đoàn đến thăm, chúc mừng cơ quan Báo Người Lao động tại ĐBSCL
Trong thời gian tới, đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên mong muốn các cơ quan Báo chí trong và ngoài tỉnh sẽ cùng với Công đoàn tỉnh Sóc Trăng phối hợp tốt hơn nữa, thực hiện việc ký kết trong công tác truyền thông giai đoạn 2024 - 2028, kế hoạch tuyên truyền hàng năm, chú trọng việc tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến, gương cán bộ Công đoàn chuyên trách, cán bộ Công đoàn cơ sở, những cách làm hay, mô hình hiệu quả trong công tác Công đoàn, đặc biệt là kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024),...
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh chúc mừng Báo Sóc Trăng
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh chúc mừng Đài PT-TH tỉnh Sóc Trăng
Đại diện lãnh đạo các cơ quan Báo chí đã thông tin về tình hình hoạt động của cơ quan Báo chí trong thời gian qua trong việc phản ánh, đưa tin, xây dựng video clip, ẩn phẩm, các trang thiết bị chuyên dụng, trường quay,.. của đơn vị. Qua đó, gửi lời cảm ơn Thường trực, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và đoàn đến thăm đã quan tâm đến các cơ quan Báo chí trong và ngoài tỉnh nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, và hứa sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Công đoàn tỉnh Sóc Trăng, các cấp Công đoàn trong tỉnh trong công tác phối hợp tuyên truyền trong thời gian tới...
ANH KHOA
Tuyên truyền sâu rộng trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và toàn xã hội về truyền thống vẻ vang 95 năm Công đoàn Việt Nam
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng có đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; đại diện lãnh đạo liên đoàn lao động các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Tại hội nghị, liên đoàn lao động các địa phương và công đoàn các doanh nghiệp báo cáo kết quả tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân năm 2024; hưởng ứng cuộc thi viết “Vòng tay Công đoàn” do Tạp chí Lao động và Công đoàn phát động; kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Các điểm cầu trên toàn quốc
Quán triệt Hướng dẫn số 156-HD/BTTW về tuyên truyền kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố trong cả nước và công đoàn các ngành, đơn vị đã có kế hoạch tổ chức các hoạt động kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), tập trung tuyên truyền, giáo dục về truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam gắn với tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với giai cấp và tổ chức Công đoàn Việt Nam, nhất là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; tổ chức triển khai “Tháng cao điểm kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở”, kết nạp đoàn viên “Đợt 95 năm Công đoàn Việt Nam”, giới thiệu đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét bồi dưỡng, kết nạp; tổ chức hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt chuyên đề, gặp mặt truyền thống các thế hệ cán bộ công đoàn; tổ chức tôn vinh, biểu dương, tri ân cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tiêu biểu, có thành tích, sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng
Đại diện lãnh đạo liên đoàn lao động các địa phương và công đoàn các doanh nghiệp có các ý kiến kiến nghị, như: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần cụ thể các nội dung trọng tâm tuyên truyền kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam bằng infographic để các địa phương dễ nắm, thống nhất nội dung tuyên truyền; in ấn tài liệu tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với giai cấp và tổ chức Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; sớm ban hành hướng dẫn tổ chức bữa cơm công dân…
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ngọ Duy Hiểu biểu dương những kết quả đạt được trong tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân năm 2024 của các địa phương. Đồng thời nhấn mạnh, các cấp công đoàn bám sát Hướng dẫn số 156-HD/BTTW của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam bằng nhiều hình thức thông qua công tác truyền thông báo chí, mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin… Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban ngành, báo, đài, sử dụng các trang web các cấp công đoàn thông tin, tuyên truyền tạo sức lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và toàn xã hội về truyền thống vẻ vang 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và giai cấp công nhân Việt Nam.
CHÍ BẢO
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
Tập huấn bồi dưỡng lý luận chính trị và nghiệp vụ Công đoàn 2024 | 18/06/2024 |
Thêm nhiều lợi ích cho đoàn viên, người lao động ở Sóc Trăng | 18/06/2024 |
Trên 208 tỉ đồng chăm lo cho đoàn viên, người lao động khu vực Nam sông Hậu | 18/06/2024 |
Thêm 1 mái ấm cho đoàn viên khó khăn về nhà ở tại huyện Kế Sách | 18/06/2024 |
Sóc Trăng có 135 doanh nghiệp thực hiện bữa ăn ca cho người lao động | 18/06/2024 |

Công đoàn không ngừng đổi mới
Phóng viên: 2020 là năm có nhiều khó khăn đối với đất nước nói chung, tổ chức Công đoàn (CĐ) nói riêng, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai. Trong bối cảnh đó, hoạt động của tổ chức CĐ đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Năm 2020, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, bất lợi bởi dịch Covid-19, lũ lụt tại các tỉnh miền Trung… Thế nhưng, với tinh thần đồng hành cùng Chính phủ, doanh nghiệp (DN) đồng thời cụ thể hóa chủ đề "Nâng cao chất lượng hoạt động CĐ cơ sở", các cấp CĐ đã linh hoạt trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ và đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Thứ nhất, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Tổng LĐLĐ đã kịp thời hướng dẫn các cấp CĐ triển khai nhiều hoạt động theo từng giai đoạn cụ thể của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19; sớm có chủ trương về việc lùi thời điểm đóng kinh phí CĐ đối với các DN bị ảnh hưởng, miễn đóng đoàn phí CĐ đối với đoàn viên có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở; ban hành quyết định chi hỗ trợ trực tiếp cho người lao động (NLĐ) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh từ nguồn tài chính CĐ; tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, chăm lo cho 658.989 NLĐ với tổng số tiền hơn 656 tỉ đồng, trong đó nguồn tài chính CĐ là chủ yếu, chiếm hơn 65%.
Trước những thiệt hại do mưa lũ gây ra tại các tỉnh miền Trung, hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ, các cấp CĐ, nhất là CĐ các địa phương bị lũ lụt, đã có nhiều hành động thiết thực, ý nghĩa, góp phần khắc phục hậu quả lũ lụt, chăm lo, động viên, thăm hỏi đoàn viên, NLĐ và người dân bị nạn. Tổng LĐLĐ đã tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đi thăm, hỗ trợ, tặng quà người dân và đoàn viên, NLĐ các tỉnh bị ảnh hưởng bởi mưa lũ với tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng từ nguồn tài chính CĐ và ủng hộ của cán bộ, đoàn viên, NLĐ.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, tặng quà cho các nữ công nhân Ảnh: Hoàng Triều
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, tặng quà cho công nhân tại nhà trọ ở TP HCM
Thứ hai, tổ chức CĐ chủ trì xây dựng, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CĐ năm 2012; đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 4-11-2020 sửa đổi, bổ sung Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12-5-2017 phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy tiến độ triển khai dự án xây dựng các thiết chế CĐ.
Thứ ba, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc trong CNVC-LĐ lần thứ X - sự kiện quan trọng của tổ chức CĐ, của đoàn viên, NLĐ - được tổ chức trọng thể tại thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 464 đại biểu, đại diện các điển hình tiên tiến của phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động cả nước giai đoạn 2015-2020. Các cấp CĐ đã tổ chức cho đoàn viên, NLĐ tham gia góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII với hơn 632.000 lượt ý kiến, trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, trách nhiệm...
Thưa ông, xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở, đủ năng lực, phẩm chất để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2021. vậy những việc cụ thể cần phải làm để hiện thực hóa mục tiêu này là gì?
- Năm 2021, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ đã xác định chủ đề hoạt động CĐ là "Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở". Để cụ thể hóa chủ đề trên, gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/BCH-TLĐ ngày 11-1-2019 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam về "Công tác cán bộ CĐ trong tình hình hình mới"; Chương trình số 1563/CTr-TLĐ ngày 9-10-2019 về "Xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐ cơ sở ngoài khu vực nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ", trong năm mới, tổ chức CĐ xác định tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt CĐ cơ sở.
Tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng; lựa chọn nội dung bồi dưỡng, đào tạo, tập huấn thiết thực, phù hợp với nhu cầu về kỹ năng, kiến thức của cán bộ CĐ cơ sở, tập trung cho kỹ năng thương lượng, đối thoại, nhất là về tiền lương ở khu vực DN, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.
Củng cố và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐ ở các cơ sở đào tạo của tổ chức CĐ. Tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính để nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng. Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với các cấp CĐ. Xây dựng và đào tạo đội ngũ giảng viên kiêm chức CĐ cấp tỉnh, ngành, CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở nhằm tăng cường hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện việc rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt CĐ cơ sở, tăng cường các biện pháp bảo vệ và quan tâm thực hiện chính sách đối với đội ngũ cán bộ CĐ, nhất là cán bộ CĐ cơ sở; phát huy vai trò của CĐ cấp trên trực tiếp trong việc hướng dẫn, hỗ trợ đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Việt Nam đã tham gia các hiệp định thế hệ mới, trong đó cho phép thành lập tổ chức của NLĐ tại DN ngoài CĐ Việt Nam, đây là thách thức lớn nhưng cũng là cú hích để CĐ Việt Nam tự đổi mới. Vậy tổ chức CĐ đã chuẩn bị như thế nào để có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới?
- Hiện nay, Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác. Cam kết về lao động trong các hiệp định này yêu cầu những quốc gia thành viên phải có nghĩa vụ thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của NLĐ theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Yêu cầu "nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, lao động - CĐ" đã được chúng ta đặt ra trong quá trình sửa đổi pháp luật, trong đó có Bộ Luật Lao động.
Ngày 20-11-2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 (Bộ Luật Lao động năm 2019), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021. Đây là lần đầu tiên pháp luật lao động quy định cụ thể về tổ chức của NLĐ tại DN ngoài hệ thống CĐ Việt Nam. Quy định mới này của Bộ Luật Lao động năm 2019 là một thách thức lớn, đòi hỏi tổ chức CĐ phải đổi mới tổ chức và hoạt động để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhằm phát huy và làm tốt vai trò đại diện cho NLĐ, thực hiện sứ mệnh lịch sử của mình. Trong đó, cần tập trung làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp:
Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, thu hút đông đảo đoàn viên, NLĐ tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động cách mạng, các nhiệm vụ lớn của Đảng và nhà nước. Tập trung thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng giai cấp công nhân, đặc biệt là các nội dung trong Nghị quyết số 20-NQ/TW.
Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị, giác ngộ giai cấp, tinh thần dân tộc, trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và hiểu biết pháp luật cho đoàn viên, NLĐ. Tập trung tuyên truyền, giáo dục, giúp đoàn viên, NLĐ nâng cao nhận thức về sứ mệnh của giai cấp công nhân Việt Nam, về Đảng, về chế độ, về tổ chức CĐ. Giáo dục, phát huy lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức chính trị, kiến thức pháp luật, giữ vững bản lĩnh, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội cho đoàn viên, NLĐ. Không ngừng nâng cao trình độ, ý thức, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, kỹ năng nghề nghiệp, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, giúp đoàn viên, NLĐ có việc làm bền vững và cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng; bảo đảm việc làm, tiền lương, thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân, lao động. Nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của NLĐ, quyền của tổ chức CĐ, bảo đảm cho NLĐ có việc làm ổn định, thu nhập ngày càng nâng cao, đời sống tốt hơn cả khi làm việc và khi nghỉ chế độ hưởng lương hưu. Phát triển, đa dạng hóa các lợi ích cho đoàn viên CĐ, công nhân, viên chức, NLĐ và các chính sách xã hội khác, tương xứng với những thành quả của công cuộc đổi mới và đóng góp của giai cấp công nhân.
Đổi mới mạnh mẽ việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước theo hướng thiết thực, hiệu quả, sát hợp từng đối tượng, lĩnh vực, góp phần khẳng định vai trò của tổ chức CĐ, của NLĐ trong xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá, tổng kết phong trào thi đua; tiến hành biểu dương, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, quan tâm khen thưởng NLĐ trực tiếp.
Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở, nhất là ở DN khu vực ngoài nhà nước; sắp xếp, hoàn thiện mô hình tổ chức; xây dựng đội ngũ cán bộ CĐ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát huy vai trò của tổ chức CĐ trong giáo dục, rèn luyện và giới thiệu đoàn viên CĐ ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động CĐ đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Xây dựng nguồn lực đủ mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tổ chức CĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động CĐ...
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của đất. Các dự thảo văn kiện trình đại hội có nhiều điểm mới, điểm nhấn, trong đó có những nội dung quan trọng liên quan đến vấn đề tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò, địa vị của giai cấp công nhân, tổ chức CĐ trong thời kỳ mới. Dự thảo báo cáo chính trị đã đề cập đến vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Vấn đề xây dựng giai cấp công nhân là vấn đề lớn, đã được đề cập xuyên suốt trong văn kiện các kỳ đại hội Đảng. Tiếp nối, bổ sung, phát triển nội dung về xây dựng giai cấp công nhân, Dự thảo Báo cáo chính trị khóa XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát huy vai trò, địa vị của giai cấp công nhân, tổ chức CĐ trong thời kỳ mới.
So với Đại hội XII, dự thảo báo cáo chính trị nhấn mạnh việc phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bổ sung nội dung: "Đổi mới tổ chức và hoạt động của CĐ phù hợp với cơ cấu lao động, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và yêu cầu hội nhập quốc tế; làm tốt vai trò đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, tập thể NLĐ. Định hướng, quản lý tốt sự ra đời, hoạt động của các tổ chức của NLĐ tại DN ngoài tổ chức CĐ hiện nay".
Sự bổ sung này là một trong những nhận thức mới của Đảng ta trong bối cảnh Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đây là những định hướng quan trọng và là nhiệm vụ có tính chất chiến lược của tổ chức CĐ Việt Nam trong bối cảnh Bộ Luật Lao động năm 2019 chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2021 cho phép thành lập tổ chức đại diện của NLĐ ở cơ sở.
Dự thảo cũng đã xác định vai trò quan trọng trong việc nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp đối với giai cấp công nhân trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời xác định rõ nhiệm vụ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân, NLĐ; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam - giai cấp lãnh đạo cách mạng, lực lượng nòng cốt trong đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển đất nước.
Trong năm 2020 đã kết nạp 777.452 đoàn viên (đạt 130%), ký kết mới được 2.707 thỏa ước (đạt 119%), có 4.184 doanh nghiệp điều chỉnh mức hỗ trợ ăn ca lên cao hơn hoặc bằng 15.000 đồng (đạt 190%)
Xuân Tân Sửu ấm áp, an vui
Nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên và NLĐ, nhất là trong dịp Tết nguyên đán, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ đã ban hành Kế hoạch số 75/KH-TLĐ ngày 30-10-2020 tổ chức các hoạt động chăm lo thiết thực. Cụ thể:
CĐ các cấp tham gia kiểm tra, giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; không để người sử dụng lao động lợi dụng buộc NLĐ tăng ca, làm thêm giờ, không được nghỉ Tết hoặc nghỉ Tết ít hơn thời gian luật định.
Chủ động phối hợp với cơ quan chức năng và chủ DN nắm tình hình DN nợ lương, nợ BHXH, BHYT của NLĐ để đề xuất với chính quyền địa phương có giải pháp xử lý; đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ tiền lương, tiền thưởng trong dịp Tết; kịp thời phát hiện và có các giải pháp bảo đảm quyền lợi của NLĐ ở các DN gặp khó khăn.
Tổ chức chương trình "Tết sum vầy" gắn với hoạt động chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng một cách thiết thực, có tính lan tỏa, ưu tiên hướng về cơ sở và cấp trên trực tiếp cơ sở như các khu công nghiệp, khu chế xuất, các DN, ở nơi có đông NLĐ. Các hoạt động an sinh xã hội ưu tiên thực hiện tại chỗ, bảo đảm đúng đối tượng, chu đáo, an toàn, thuận lợi.
Tổng LĐLĐ hiện đang giao các bộ phận tham mưu nghiên cứu ban hành gói hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ trong dịp Tết Tân Sửu, giúp họ có điều kiện đón một mùa Xuân mới ấm áp, an vui.
Văn Duẩn thực hiện
Nguồn: Báo Người Lao động Online