Zurück
Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết
Với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”, Tháng Công nhân năm 2024 được Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng triển khai đến các cấp công đoàn trong tỉnh.

Với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”, Tháng Công nhân năm 2024 được Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng triển khai đến các cấp công đoàn trong tỉnh. Bên cạnh đưa nghị quyết đại hội công đoàn các cấp vào cuộc sống, các cấp công đoàn trong tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.

Phát huy vai trò là “điểm tựa” vững chắc của công nhân, người lao động, thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cũng như bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Chỉ tính riêng trong năm 2024, thông qua Chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ” do Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức đã có gần 6.700 phần quà, gần 80 tấn gạo và 45 căn nhà Mái ấm công đoàn đã được trao cho các đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, thông qua “Chợ Tết công đoàn”, Sóc Trăng đã được hỗ trợ 2.000 suất quà, mỗi suất 300.000 đồng cho đoàn viên, người lao động được mua sắm hàng hóa, ưu đãi về giá cả, chất lượng. Cùng với đó là các hoạt động hỗ trợ trong dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn. Qua các hoạt động cấp tỉnh đã có 14.326 đoàn viên, công nhân lao động được hỗ trợ quà Tết bằng nhiều hình thức với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng. Những hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động đã góp phần khơi dậy truyền thống đoàn kết, đồng thời phát huy vai trò tiên phong, tinh thần trách nhiệm của đoàn viên, người lao động.

Đồng chí Lê Hoài Trung - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương (thứ 8  từ trái qua) cùng đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ  7 từ trái qua) trao quà cho doanh nghiệp, đoàn viên và người lao động. Ảnh: THIỆN HẢI

Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, là năm tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”. Thời gian qua, việc xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị được cấp ủy, tổ chức công đoàn các cấp triển khai kịp thời. Hoạt động công đoàn đã có nhiều đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, tập trung hơn vào các nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Liên đoàn Lao động tỉnh cũng tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028, có hơn 1.000 đại biểu tham dự. Các cấp công đoàn trong tỉnh còn tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng trong việc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh Sóc Trăng lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam thông qua hội nghị trực tiếp, trực tuyến, gửi tài liệu thông tin qua các nhóm Zalo, phát thanh nội bộ để nghị quyết đến từng đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động. Đặc biệt là qua Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh và Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra từ ngày 18/3 đến ngày 6/4/2024 đã có gần 38.800 lượt đoàn viên tham gia. Qua đó đã góp phần tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện và đưa nghị quyết đi vào cuộc sống.

Từ nhiều nguồn lực, Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng đã kịp thời hỗ trợ Mái ấm công đoàn cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: THIỆN HẢI

Tháng Công nhân năm nay với chủ đề “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết”, tổ chức Công đoàn Sóc Trăng tiếp tục triển khai đa dạng các hoạt động hướng về cơ sở nhằm hỗ trợ đoàn viên, người lao động, nhất là các hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, các hoạt động sẽ tập trung vào các nội dung trọng tâm như: tổ chức “Đối thoại tháng 5”; “Tiếp xúc chuyên đề với cử tri công nhân”; “Cảm ơn người lao động”; triển khai hoạt động tôn vinh công nhân lao động tiêu biểu, chương trình “Khỏe để lao động, sản xuất”…

Trong tháng 5 năm nay, công đoàn còn tổ chức Chương trình “Đưa nghị quyết đại hội vào cuộc sống” nhằm tuyên truyền, quán triệt, học tập và triển khai Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đại hội XI Công đoàn Sóc Trăng và đại hội công đoàn các cấp, nhiệm kỳ 2023 - 2028 gắn với phổ biến chính sách, pháp luật mới liên quan đến quyền lợi đoàn viên, người lao động. Cùng với đó là đề xuất, phối hợp tổ chức để người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, người sử dụng lao động gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, người lao động theo Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị phù hợp với điều kiện thực tế.

Đồng chí Dương Sà Kha - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sóc Trăng (đứng) cùng đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh (bìa trái) đến thăm, động viên, tặng quà cho đoàn viên, người lao động sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán 2024. Ảnh: THIỆN HẢI

Qua nhiều năm tổ chức, Tháng Công nhân đã thực sự trở thành ngày hội của công nhân lao động với nhiều hoạt động cụ thể, hiệu quả, thiết thực, ý nghĩa, hướng về người lao động. Để các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động đem lại hiệu quả thiết thực, các cấp công đoàn trong tỉnh luôn chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị với mục đích là tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn, để công đoàn thực sự là tổ chức của người lao động, do người lao động và vì người lao động. Qua đó còn khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức, lao động.

THIỆN HẢI


Zurück
Doanh nghiệp Sóc Trăng vừa thiếu vừa thừa lao động
Do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thế giới, nhiều doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng, không có đơn hàng mới nên buộc phải cắt giảm lao động; trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lại thiếu lao động do mở rộng sản xuất, nhất là tình trạng nghỉ việc, nhảy việc. Nhiều doanh nghiệp Sóc Trăng rơi vào cảnh vừa thừa vừa thiếu lao động sau tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Tuyển lao động thế chỗ người nghỉ, mở rộng sản xuất
Tình trạng thiếu hụt lao động sau kỳ nghỉ Tết dần quen thuộc với các doanh nghiệp không riêng tại tỉnh Sóc Trăng, dù nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực giữ chân người lao động trong bối cảnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.
Nhờ chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, doanh số năm 2022 của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Tài Kim Anh đạt 119 triệu USD, tăng 17% so với năm 2021, nên lương, thưởng Tết vừa qua cũng tăng theo. Nhưng theo đại diện công ty, hiện người lao động quay lại làm việc sau Tết chỉ khoảng 600/800 lao động so với trước Tết. Vì vậy, công ty đã có kế hoạch tuyển thêm từ 300 - 400 lao động để đào tạo, phục vụ sản xuất trong thời gian tới. Ngoài ra, công ty có kế hoạch xây dựng các sân bóng chuyền, cầu lông… để tạo sân chơi cho người lao động và đây được xem là chính sách thu hút lao động, để họ gắn bó lâu dài với doanh nghiệp lúc ổn định hay khó khăn trong tương lai.
Cùng cảnh ngộ với các doanh nghiệp trong tỉnh, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khánh Sủng cũng tuyển thêm khoảng 500 lao động để bù vào phần lao động nghỉ việc và phục vụ cho xưởng sản xuất mới sắp đi vào hoạt động. Thời gian qua, công ty gặp không ít khó khăn, tuy nhiên công ty vẫn duy trì được sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động, đồng thời khen thưởng lương tháng 13 cho công nhân lao động trong dịp tết Nguyên đán vừa qua.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải sang) thăm hỏi, động viên người lao động đang làm việc tại công ty thủy sản trong tỉnh. Ảnh: HOÀNG LAN

Để tìm việc, người lao động chỉ cần dạo một vòng quanh Khu Công nghiệp An Nghiệp hoặc qua thông tin từ người thân, bạn bè đang làm việc tại đây, có thể dễ dàng tìm thấy các thông tin tuyển dụng. Đơn cử như Công ty Trách nhiệm hữu hạn E&W VINA chuyên may đồ bảo hộ y tế, khẩu trang… cũng treo băng rôn công khai thông tin tuyển lao động thường xuyên, với mức lương từ 5,5 triệu - 7 triệu đồng/người/tháng, kèm các chế độ theo quy định của pháp luật như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các khoản ưu đãi khác theo chính sách riêng của công ty.
Thế nhưng việc tuyển dụng lao động không hề dễ, bởi mức lương hiện tại của các doanh nghiệp trong tỉnh so với các tỉnh, thành phố lớn có sự chênh lệnh lớn nên người lao động chấp nhận cảnh tha hương chứ không làm việc tại tỉnh; các chính sách đãi ngộ, thu hút lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh chưa đủ hấp dẫn để người lao động chọn gắn bó dài lâu; tâm lý người lao động (nhất là lao động trẻ) thích đi làm xa nhà (đi theo bạn bè cùng trang lứa); các dịch vụ vui chơi, giải trí tại tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động; các công trình phúc lợi (như nhà ở, trường học, chợ…) cũng chưa được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, nguyên nhân nhiều doanh nghiệp khó tuyển được người lao động một phần cũng do người lao động không muốn bị ràng buộc (ký kết hợp đồng lao động) để có thể dễ nhảy việc, hoặc nghỉ làm khi không còn nhu cầu, về phía doanh nghiệp nếu tuyển dụng đối tượng này mà không có hợp đồng thì trái quy định pháp luật…
Chấm dứt hợp đồng lao động vì không có đơn hàng
Doanh nghiệp tuyển dụng lao động đã khó nhưng chưa khó bằng doanh nghiệp “thừa” lao động nên buộc phải chấm dứt hợp đồng, bởi điều đó phản ánh họ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như Công ty Cổ phần thực phẩm Thái Hòa, thành lập vào thời điểm năm 2020 chưa kịp ổn định sản xuất, năm 2021 đối mặt với đại dịch Covid-19, bước sang năm 2022 thì chịu tác động suy thoái kinh tế thế giới, xung đột giữa Nga và Ukraina, mà thị trường chủ lực của công ty là châu Âu, từ chỗ doanh nghiệp có 1.200 lao động nay chỉ còn trên dưới 500 lao động. Để duy trì sản xuất, kinh doanh và việc làm, thu nhập cho người lao động, công ty phải chuyển sang gia công cho các doanh nghiệp khác để hưởng tiền giá trị gia tăng ít ỏi để trả mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng cho người lao động.

 


Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khảo sát, nắm tình hình hoạt động của Công ty Cổ phần Thực phẩm Thái Hòa - một trong những doanh nghiệp phải cắt giảm lao động do không có đơn hàng. Ảnh: HOÀNG LAN

Theo các doanh nghiệp, dự báo tình hình khó khăn vẫn còn tiếp tục kéo dài đến hết quý II năm 2023, vì vậy, việc doanh nghiệp cắt giảm lao động trong thời gian tới khó tránh khỏi. Tuy nhiên, từ đầu quý III, kinh tế thế giới sẽ khả quan hơn, vì vậy doanh nghiệp cũng chuẩn bị trước nguồn lao động để kịp sản xuất khi có đơn đặt hàng trở lại. Thông tin từ Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh, hiện các doanh nghiệp trong khu công nghiệp cần tuyển dụng khoảng vài ngàn lao động, để bù đắp cho số lao động nghỉ việc, nhảy việc sau Tết, mở rộng sản xuất, nhà máy mới đi vào hoạt động. Do vậy, người lao động cần cân nhắc và lựa chọn công việc phù hợp để ổn định việc làm, thu nhập và gắn bó dài lâu với doanh nghiệp.
Cần chính sách thu hút lao động phù hợp
Trong chuyến khảo sát, nắm tình hình hoạt động của doanh nghiệp ngay sau tết Nguyên đán 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lâu khẳng định, sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp hoạt động, vì doanh nghiệp phát triển sẽ tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển. Ngoài ra, dự kiến trong năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và tỉnh sẽ khởi công xây dựng Khu Thiết chế Công đoàn tại Khu Công nghiệp An Nghiệp tỉnh Sóc Trăng có quy mô 5,06ha để xây dựng quảng trường, nhà văn hóa thể thao đa năng và khoảng 1.000 căn nhà ở công nhân dạng chung cư để phục vụ người lao động tại khu công nghiệp.
Bên cạnh sự quan tâm của các ngành, các cấp, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có giải pháp để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh khó khăn chung; có kế hoạch tuyển dụng nhân sự, nhất là quan tâm xây dựng chính sách về lương, thưởng, phúc lợi cho người lao động; phối hợp với tổ chức công đoàn quan tâm chăm lo tốt sức khỏe, đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động; thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động; giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của họ, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động.
Tin rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền trong đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, đồng hành cùng doanh nghiệp sẽ vượt khó và quan trọng nhất là doanh nghiệp cần có các chính sách đãi ngộ phù hợp thì người lao động nhất định sẽ chọn gắn bó lâu dài cùng doanh nghiệp, để cùng phát triển bền vững, ổn định.

HOÀNG LAN


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập