返回
Chăm lo thiết thực cho người lao động
Tháng Công nhân năm 2024 đã khép lại với hàng loạt hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Qua đó, tạo động lực để người lao động tích cực thi đua sản xuất, góp sức xây dựng đơn vị ngày càng phát triển bền vững.

Năm 2024 là năm thứ 13, Tháng Công nhân được tổ chức theo Thông báo số 77-TB/TW, ngày 24/2/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng kết luận lấy tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân”. Qua mỗi năm, hoạt động của Tháng Công nhân ngày càng trở nên đa dạng, phong phú và thiết thực hơn.

Một trong những điểm nhấn trong Tháng Công nhân năm nay là Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV giữa đại biểu Quốc hội tỉnh với công nhân lao động. Tại đây, nhiều công nhân lao động bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh có thêm giải pháp hiệu quả nhằm thu hút đầu tư, định hướng phát triển thị trường mới, giúp doanh nghiệp phát triển, việc làm, thu nhập của người lao động được ổn định. Đồng thời mong muốn tỉnh triển khai xây dựng và sớm đưa vào sử dụng khu nhà ở Thiết chế Công đoàn, phục vụ nhu cầu nhà ở của người lao động thu nhập thấp và các chính sách an sinh xã hội khác. Những ý kiến, kiến nghị đó đã được đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng ghi nhận, tổng hợp gửi đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ khẩn trương xem xét, giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, đặc biệt là công nhân, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 5 từ trái sang) cùng lãnh đạo HĐND tỉnh tặng quà cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn. 

Qua các năm tổ chức, Tháng Công nhân thực sự đã trở thành đợt cao điểm để chăm lo cho người lao động. Năm nay là năm đầu tiên các cấp công đoàn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Nghị quyết Đại hội Công đoàn tỉnh và nghị quyết đại hội công đoàn các cấp. Nội dung này đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chọn làm chủ đề hoạt động của Tháng Công nhân năm 2024 là “Đoàn kết công nhân - Triển khai nghị quyết” và các cấp công đoàn tỉnh đã cụ thể hóa thành các hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Các hoạt động trong Tháng Công nhân năm nay đều hướng về đoàn viên, người lao động, nhất là các hoạt động chăm lo cho những hoàn cảnh khó khăn.

Tại Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã tặng 106 phần quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn do mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đoàn viên có người thân mắc bệnh hiểm nghèo với tổng số tiền 88 triệu đồng; trao bảng tượng trưng 18 căn nhà mái ấm công đoàn trị giá 870 triệu đồng cho đoàn viên bức xúc về nhà ở. Đặc biệt là Bí thư Tỉnh ủy Lâm Văn Mẫn và lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh đã đến thăm đoàn viên, người lao động tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tuntex Sóc Trăng Việt Nam và trao 30 suất quà với tổng trị giá 30 triệu đồng. Các cấp công đoàn trong tỉnh cũng tổ chức đi thăm, tặng 1.307 quà cho đoàn viên, người lao động mắc bệnh hiểm nghèo, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền là 477 triệu đồng… Qua đó đã góp phần chăm lo và động viên tinh thần cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục nỗ lực cùng doanh nghiệp trong lao động sản xuất.

Cùng với đó, các hoạt động khám chuyên khoa phụ sản cho nữ đoàn viên, công nhân lao động đã được Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng phối hợp cùng Bệnh viện Chuyên khoa Sản Nhi Sóc Trăng duy trì thực hiện. Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động, các cấp công đoàn trong tỉnh còn lồng ghép tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tạo không khí vui tươi, sôi nổi tại địa phương, cơ quan, đơn vị. Trong tháng 5 đã có nhiều hoạt động được công đoàn cơ sở tổ chức thu hút đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia như: Hội thao “Khỏe để lao động”, thi ném bi sắt, chạy bộ... Thông qua các hoạt động đã góp phần đáp ứng nhu cầu rèn luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe của đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động. Đồng thời, phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng.

Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở là vấn đề quan trọng của tổ chức công đoàn. Trong tháng 5 năm nay, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức Hội nghị phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở năm 2024 nhằm thảo luận, phân tích, đánh giá về công tác phát triển đoàn viên. Qua đó quyết tâm trong năm 2024, Công đoàn tỉnh Sóc Trăng cần phát triển thêm 2.500 đoàn viên; phấn đấu thành lập 100% công đoàn cơ sở khi đủ điều kiện, trong đó có 5 công đoàn cơ sở có từ 25 lao động trở lên; thành lập ít nhất 3 nghiệp đoàn cơ sở ở khu vực phi chính thức.

Tất cả các hoạt động trong Tháng Công nhân mà công đoàn các cấp thực hiện trong năm nay không chỉ thu hút đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh nhiệt tình tham gia mà còn nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, hướng đến chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống của người lao động. Theo đồng chí Trịnh Thị Bảo Khuyên - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, trong Tháng Công nhân năm nay, hầu hết các hoạt động đều tập trung hướng về cơ sở, đoàn viên và người lao động với những nội dung thiết thực. Đặc biệt là những hoạt động chăm lo, bảo vệ cho đoàn viên, người lao động, nhiều chương trình phúc lợi, các thỏa thuận hợp tác với nội dung thiết thực đã được ký mới. Hoạt động hỗ trợ mái ấm công đoàn cũng được các cấp công đoàn khảo sát, cất mới và kịp thời bàn giao cho đoàn viên trước mùa mưa. Từ đó cho thấy nghị quyết của đại hội công đoàn đã được các cấp công đoàn từng bước cụ thể hóa thành nội dung thiết thực, đi vào thực tiễn cuộc sống của đoàn viên, người lao động.

HẢI HÀ - BÁO SÓC TRĂNG


返回
Nhiều hoạt động hướng về 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam
Công đoàn Long Phú với các hoạt động hướng về kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).

Ngày 7.7, đồng chí Trương Thị Loan Anh - Chủ tịch LĐLĐ huyện Long Phú cho biết hướng đến chào mừng 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, LĐLĐ huyện tổ chức nhiều hoạt động như về nguồn, giao lưu học tập kinh nghiệm với Liên đoàn Lao động huyện Ngọc Hiển, LĐLĐ huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) trong việc thành lập Nghiệp đoàn khu vực ngoài nhà nước (lĩnh vực dịch vụ nấu ăn).

Đoàn công tác về nguồn, giao lưu học tập kinh nghiệm tại Cà Mau

Theo đồng chí Loan Anh trên địa bàn huyện Long Phú loại hình kinh doanh này có số lượng đông, tiềm năng để thành lập Nghiệp đoàn, sắp tới LĐLĐ huyện sẽ vận động chủ doanh nghiệp để tham gia.

Đồng chí Loan Anh cho biết thêm, LĐLĐ huyện còn tuyên truyền và nâng cao nhận thức trong đoàn viên, hội viên và người dân góp phần tham gia xây dựng nông thôn mới. Ra quân thực hiện công trình trồng cây Huỳnh Anh 2 bên đường huyện lộ 25, 26, xã Tân Hưng, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng) với chiều dài gần 4 km nhằm tạo khí thế sôi nổi, tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa lịch sử kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

PHƯƠNG ANH


返回
Chia sẻ khó khăn với người lao động bị cắt giảm
Nhiều lao động trở về từ các tỉnh miền Đông, Thành phố Hồ Chí Minh do dịch bệnh COVID-19 đẩy áp lực giải quyết việc làm lên rất cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp tại Bạc Liêu cố gắng hết sức để cùng người lao động vượt quá thời gian khó khăn này.

          Cắt giảm chi phí để lo cho công nhân

         Doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản chịu tác động rất lớn từ khi có dịch bệnh COVID-19. Trong giai đoạn này, nhiều DN đã liên kết hợp tác với nông dân. Đó là giải pháp giúp DN cắt giảm các khoản chi phí trung gian từ các lái tôm thông qua thu mua nguyên liệu trực tiếp.

         Theo các DN xuất khẩu, việc liên kết sản xuất với nông dân sẽ giúp DN tiết kiệm khoảng 20% chi phí không đáng có và xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu. Các DN tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử gắn với kết nối hệ thống bán hàng qua mạng, vì người dân các nước nhập khẩu không tổ chức hợp chợ mà mua hàng online.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản và người lao động chịu tác động rất lớn từ khi có dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: Nhật Hồ

       Ngoài ra, với nhu cầu chế biến các món ăn nhanh, việc tập trung sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng theo kiểu “thức ăn nhanh” cũng là chiến lược mà các DN xuất khẩu cần nhắm đến. Mặt khác, ngoài thị trường xuất khẩu, chế biến thủy sản cần quan tâm đến sức mua của thị trường nội địa vốn bị các doanh nghiệp xuất khẩu “bỏ ngỏ” lâu nay.

        Một điều đáng ghi nhận, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng các DN của tỉnh đã không đẩy khó khăn này cho người lao động (NLĐ). Đó là việc không cắt giảm công nhân, một số DN còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ NLĐ và nông dân.

      Từ khi phát sinh dịch bệnh đến nay, tuy hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long (thị xã Giá Rai) vẫn cam kết thu mua tôm của người nông dân theo giá thị trường và cao hơn các DN khác khoảng 10.000 đồng/kg. Ông Trần Văn Diệu - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long - cho rằng: “Trong điều kiện khó khăn chung, DN cần chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm. Có vậy mới giúp nông dân gắn bó với mình và tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, đồng thời vẫn duy trì lượng lao động hiện có”.

       Tập đoàn Việt - Úc đang có chính sách giảm giá tôm giống tối đa cho hộ nuôi tôm, giúp họ giảm bớt các khoản chi phí phát sinh để an tâm đầu tư và duy trì sản xuất…

          Hỗ trợ cho người lao động

       Cùng với các DN, hiện các ngành và địa phương cũng tập trung thực hiện tốt những giải pháp để hỗ trợ NLĐ, nhất là các lao động bị cắt giảm phải trở về từ các khu công nghiệp (KCN) ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…

          Bà Võ Ngọc Hiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hồng Dân - cho biết: “Qua khảo sát trên địa bàn huyện, có khoảng 400 lao động nữ trở về từ các KCN do ảnh hưởng dịch COVID-19. Vì vậy, để giải quyết việc làm và thu nhập cho chị em, hội đã liên kết với các hợp tác xã đan lát nhận dạy nghề và giải quyết việc làm. Bước đầu đã tạo được thu nhập và hội sẽ nhân rộng mô hình này”.

        Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh chủ động tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6.2020 khi nhận được hồ sơ đề nghị của DN và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6.2020, dịch COVID-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu DN có đề nghị thì BHXH tỉnh kịp thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh gửi BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12.2020.

Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/chia-se-kho-khan-voi-nguoi-lao-dong-bi-cat-giam-796892.ldo
NHẬT HỒ (BÁO LAO ĐỘNG)


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập