XUÂN TÂN SỬU 2021 XUÂN TÂN SỬU 2021

Retour
Một số giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ Công đoàn

          Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn luôn được Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh quan tâm và xác định đây là nhiệm vụ quan trọng đối với tổ chức Công đoàn, bởi vì cán bộ Công đoàn là những người trực tiếp tham gia cùng với Ban Chấp hành, Ban Thường vụ tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chương trình công tác của công đoàn cấp trên và Nghị quyết của Đại hội công đoàn tại cơ quan, đơn vị; đồng thời giải quyết công việc hàng ngày khi Ban Chấp hành, Ban Thường vụ có chủ trương, kế hoạch chỉ đạo, đóng góp nổi bật của cán bộ công đoàn sẽ góp phần quan trọng đến hiệu quả hoạt động công đoàn. 
         Thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-BCH, ngày 11/01/2019 của Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Khóa XII) về công tác cán bộ công đoàn trong tình hình mới; Chương trình Số: 45 /CTr-LĐLĐ ngày 09/10/2019 của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh về việc “Tiếp tục nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ công đoàn gắn với chất lượng hoạt động của Công đoàn các cấp”. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp đã nỗ lực phấn đấu, phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình trong thực hiện nhiệm vụ, đạt được những thành tích đáng phấn khởi như: thực hiện tốt được chức năng đại diện chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ; vận động và tích cực tham gia tốt các hoạt động xã hội, từ thiện do công đoàn và các ngành phát động; làm tốt công tác phát triển đoàn viên và xây dựng công đoàn vững mạnh;  tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên thông qua các hoạt động tổ chức nghiên cứu học tập tìm hiểu, quán triệt các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng và Công đoàn cấp trên, nhất là việc tuyên truyền vận động CNVCLĐ thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai dưới nhiều hình thức gắn với cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành,trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, từ đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; tổ chức phát động các phong trào thi đua yêu nước đã dần đi vào nền nếp từ khâu phát động, đăng ký thi đua, kiểm tra, giám sát đến tổng kết khen thưởng. Thông qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có nhiều tập thể, cá nhân đã  được tặng thưởng Huân chương lao động, Chiến sĩ thi đua, cờ thi đua và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Liên đoàn, góp phần cho phong trào thi đua của LĐLĐ tỉnh ngày càng vững mạnh và xây đắp truyền thống của công đoàn qua mỗi chặng đường phát triển.

           Bên cạnh những kết quả đã đạt được, song nhìn chung hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: một số ít cán bộ công đoàn chưa phát huy hết được vai trò trách nhiệm của mình trong việc tuyên truyền, vận động để tập hợp thu hút CNVCLĐ tham gia vào tổ chức công đoàn; tổ chức hoạt động công đoàn còn nặng tính hình thức, thiếu chiều sâu; chưa chịu khó đầu tư suy nghĩ để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động dẫn đến nội dung và hình thức sinh hoạt khô khan, thiếu sinh động; chưa mạnh dạng tranh thủ đề xuất kịp thời sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự ủng hộ của chính quyền và các đoàn thể để hỗ trợ, tạo điều kiện cho công đoàn hoạt động; chưa tập trung nghiên cứu, tự trao dồi học tập về nghiệp vụ công tác công đoàn, chưa nhiệt tình với công tác Công đoàn, xem hoạt động Công đoàn như là một nhiệm vụ được phân công chứ không phải vì cái “tâm”, vì đoàn viên mà hoạt động. Cán bộ Công đoàn, trong đó có Chủ tịch Công doàn cơ sở chưa biết phương pháp tổ chức hoạt động, chưa thể hiện được bản lĩnh nên việc phối hợp với lãnh đạo đơn vị, với người sử dụng lao động chưa mang lại hiệu quả cao.
             Trên cở sở những kết quả đạt được và hạn chế nêu trên. Để tiếp tục phát huy tốt vai trò của cán bộ công đoàn trong việc tập hợp, thu hút và đại diện chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho CNVCLĐ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn, cần có các giải pháp như sau:
               1. Trước tiên phải nâng cao nhận thức và chất lượng hiệu quả công tác cán bộ của Tổ chức Công đoàn. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền để các cấp ủy Đảng, chính quyền, Công đoàn các cấp nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của cán bộ công đoàn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong phong trào công nhân lao động và hoạt động Công đoàn, cũng như những khó khăn, thách thức đặt ra đối với tổ chức Công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Từ đó thấy rõ sự cần thiết tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ của tổ chức Công đoàn nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đủ năng lực đáp ứng kịp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 
              2. Thứ hai, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, trang bị những kiến thức cơ bản nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng hoạt động của cán bộ công đoàn; nghiên cứu đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ công đoàn ở tại cơ sở. Tập trung bồi dưỡng toàn diện về kỹ năng, trong đó chú trọng nâng cao kỹ năng hoạt động của Chủ tịch, Phó Chủ tịch CĐCS, kỹ năng đàm phán, thương lượng, đối thoại của cán bộ Công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài Nhà nước theo hướng đào tạo, bồi dưỡng gắn lý thuyết với thực hành và kỹ năng xử lý những tình huống nảy sinh trong thực tiễn. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ cho tổ trưởng, tổ phó công đoàn; căn cứ vào nhu cầu, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng để xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng sao cho phù hợp với điều kiện thực tế nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng hoạt động thực tiễn của cán bộ công đoàn cơ sở.
             3. Thứ ba, phải thường xuyên thông tin, cập nhật những kiến thức mới để giúp cán bộ công đoàn nắm vững và nâng cao năng lực về tổ chức, quản lý và sinh hoạt công đoàn, nắm bắt và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước, Tổng LĐLĐ Việt Nam; tổ chức Hội thi cán bộ công đoàn giỏi để góp phần bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng của cán bộ công đoàn, nâng cao trình độ nhận thức và năng lực cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của công đoàn trong thời kỳ mới. Quan tâm chăm lo thực hiện chính sách đối với cán bộ công đoàn, đảm bảo thực hiện đúng, đầy đủ theo quy định, đồng thời có các chế độ đãi ngộ phù hợp cho cán bộ công đoàn trong điều kiện cụ thể, nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn yên tâm công tác và thu hút cán bộ giỏi vào làm công tác công đoàn. 
               4. Thứ tư, kiện toàn củng cố bộ máy tổ chức của công đoàn khi có biến động, xem xét lựa chọn những đồng chí có nhiệt tình, tâm huyết với phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, có lòng say mê đối với hoạt động xã hội và hoạt động công đoàn, có uy tín với CNVCLĐ và đoàn viên, có khả năng tuyên truyền vận động thuyết phục CNVCLĐ tham gia vào tổ chức và các hoạt động thực tiễn của công đoàn để tham gia vào Ban Chấp hành. Thường xuyên nghiên cứu đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn hay nói cách khác phải biết lựa chọn phương pháp hoạt động sao cho phù hợp với tình hình thực tế, biết xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình hành động, khắc phục tình trạng báo cáo, đánh giá hoạt động không đúng thực chất hoặc tổ chức hoạt động mang tính đối phó, hình thức. Động viên, khen thưởng kịp thời và có chính sách đãi ngộ đối với cán bộ công đoàn, có kế hoạch tổ chức các buổi họp mặt để tạo điều kiện cho cán bộ công đoàn  gặp gỡ, giao lưu trao đổi học tập kinh nghiệm trong công tác giữa các đơn vị, qua đó ghi nhận biểu dương cán bộ công đoàn có thời gian cống hiến lâu năm hoặc có nhiều thành tích xuất sắc đóng góp cho tổ chức công đoàn nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7.
              5. Thứ năm, nghiên cứu đổi mới công tác đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, theo tiêu chí cụ thể; gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, chính xác, toàn diện và công tâm trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ. Việc đánh giá cán bộ phải thực hiện hàng năm và trước khi cán bộ kết thúc nhiệm kỳ, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển cán bộ; đánh giá chính xác nhân sự được quy hoạch trước khi giới thiệu bầu cử, bổ nhiệm vào các chức danh chủ chốt trong tổ chức công đoàn đúng với chuyên môn, phù hợp với năng lực của cán bộ công đoàn, nhất là mạnh dạng bố trí, điều chuyển, thay thế cán bộ công đoàn làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, công việc được giao. 
              Tóm lại, nâng cao chất lượng hoạt động của cán bộ công đoàn là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và mang tính chất lâu dài, cho nên đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên nổ lực chính phải là sự rèn luyện, tu dưỡng và phấn đấu vươn lên của đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là ở tại cơ sở.

Lương Văn Hòa
Trưởng Ban Tổ chức Liên Đoàn Lao động tỉnh


liên kết web