TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM -> MÔ HÌNH, CÁCH LÀM MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN
Retour
THẠNH TRỊ PHÁT HUY MÔ HÌNH NỮ CNVCLĐ LÀM KINH TẾ GIA ĐÌNH
Trong những năm qua phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” gắn với phong trào làm kinh tế giỏi đã được đông đảo nữ CNVCLĐ huyện Thạnh Trị nhiệt tình hưởng ứng; qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới cho thu nhập cao, làm giàu cho các gia đình CNVCLĐ. Phong trào đã có sức lan tỏa rộng lớn, tạo động lực để nữ CNVCLĐ không ngừng phấn đấu, rèn luyện, thi đua lao động sản xuất, công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của huyện.
Hiện tại, LĐLĐ huyện Thạnh Trị quản lý 83 Công đoàn cơ sở và 01 Công đoàn Giáo dục huyện với tổng số CNVCLĐ là 2.244 đồng chí, trong đó nữ CNVCLĐ là 944 người, chiếm 42,07%. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác vận động nữ CNVCLĐ trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước; hàng năm, Ban nữ công LĐLĐ huyện đã tham mưu cho Ban Thường vụ LĐLĐ huyện xây dựng chương trình công tác nữ công; tổ chức và phát động phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” gắn với phong trào “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”; phong trào nữ CNVCLĐ làm kinh tế giỏi… trong các công đoàn cơ sở. Động viên nữ CNVCLĐ trên địa bàn huyện hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, nuôi con ngoan, học giỏi và thành đạt.
Từ đó, phong trào đã được chị em tích cực hưởng ứng tham gia và đạt hiệu quả thiết thực. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có 175 mô hình kinh tế do nữ CNVCLĐ làm chủ, trong đó có 29 mô hình cho thu nhập từ 120- 150 triệu đồng/năm từ việc phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương như trồng cây ăn quả, trồng gừng, trồng rau sạch, chăn nuôi lợn, bò, gà… để tăng thêm thu nhập cho gia đình, ổn định cuộc sống. Tiêu biểu có thể kể đến là chị Lê Thị Lộng, đoàn viên CĐCS xã Thạnh Trị với mô hình chăn nuôi mô hình sản xuất kết hợp như mua 2 con heo nái giống để lấy heo con nuôi heo thịt, đào ao nuôi cá, chuyển diện tích đất trồng lúa năng suất thấp sang trồng năng, nuôi trùng quế kết hợp với nuôi 50 con gà mái bán trứng và 150 con gà thịt, mua 2 con trâu và trồng cỏ theo dọc tuyến kênh để cung cấp thức ăn dự trữ trong mùa hạn. Qua thu nhập từ mô hình chăn nuôi kết hợp, sau khi trừ chi phí, hàng năm lợi nhuận trên 100.000.000 đồng. Hay như mô hình chăn nuôi cá sấu lấy da của chị Dương Thị Tuyết Nhung Chủ tịch CĐCS Trường THCS Phú Lộc 2 mỗi năm cho thu nhập từ 120 - 150 triệu đồng…
Có thể thấy rằng trong những năm qua, phong trào làm kinh tế giỏi đã được phát triển sâu rộng trong nữ CNVCLĐ trên địa bàn huyện Thạnh Trị, đây là sự khẳng định đúng đắn trong đổi mới nội dung và phương thức vận động nữ CNVCLĐ của Ban nữ công, cán bộ nữ công đoàn các cấp, BTV LĐLĐ huyện. Phong trào đã thực sự là động lực mạnh mẽ thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia, hơn lúc nào hết đội ngũ nữ CNVCLĐ đã ý thức sâu sắc rằng bằng tài năng, trí tuệ vươn lên tự khẳng định vai trò của mình trong xã hội và gia đình. Mỗi nữ CNVCLĐ đã luôn tự trau dồi kiến thức, năng động, sáng tạo đạt năng suất, chất lượng trong lao động sản xuất, hiệu quả cao trong công tác.
Để phong trào trở thành động lực để nữ CNVCLĐ làm tốt công tác chuyên môn và gia đình, trong thời gian tới, các cấp công đoàn huyện Thạnh Trị tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức hoạt động công tác nữ công; củng cố kiện toàn các tổ, ban nữ công ở cơ sở; quan tâm chăm lo đến đời sống nữ CNVCLĐ, góp phần khẳng định vai trò to lớn của nữ CNVCLĐ phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hiệu quả hoạt động công đoàn trên địa bàn huyện Thạnh Trị
QÚI HẢO
Không có tin bài cũ hơn
văn bản mới
liên kết web