Retour
25 đội tham gia hội thi nấu ăn “Bữa cơm Công đoàn”
Sáng ngày 8/8, Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Xuyên tổ chức hội thi nấu ăn với chủ đề “Bữa cơm Công đoàn” nhân dịp kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024).

Đến dự, có đồng chí Trần Ngọc Mỹ - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Dương Tuấn Kiệt - Chủ tịch LĐLĐ huyện Mỹ Xuyên cho biết hội thi nấu ăn nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn huyện giao lưu chia sẻ kinh nghiệm nấu ăn, cách thức trưng bày món ăn đẹp mắt, đầy đủ chất dinh dưỡng cho gia đình cán bộ, công nhân viên chức lao động. Phát huy tính sáng tạo và kỹ thuật khéo léo trong việc nội trợ cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ.

Đồng chí Trần Ngọc Mỹ - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh (thứ 3 từ trái sang) lắng nghe đội dự thi thuyết trình về “Bữa cơm Công đoàn”.

Tham dự hội thi, có 25 đội đến từ các công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ huyện, mỗi đội sẽ nấu một bữa cơm gồm 3 món, đảm bảo dinh dưỡng cho 8 người ăn, chi phí không vượt quá 1 triệu đồng/mâm.

Sau một buổi tranh tài sôi nổi, Ban Tổ chức đã trao 01 giải Nhất, 01 giải Nhì, 01 giải Ba và 22 giải Khuyến khích cho các đội.

Đoàn viên hào hứng tham gia nấu ăn.

Được biết, chương trình “Bữa cơm Công đoàn” là hoạt động do các cấp công đoàn đề xuất với thủ trưởng cơ quan, đơn vị, người sử dụng lao động phối hợp với tổ chức Công đoàn tổ chức 01 bữa cơm ngon hơn thường ngày nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập tổ chức Công đoàn Việt Nam. Qua đó thể hiện được dấu ấn, vai trò của tổ chức công đoàn thông qua công tác đối thoại, thương lượng nhằm thực hiện Kết luận số 03/KL-BCH ngày 18/01/2022 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về nâng cao chất lượng bữa ăn ca của người lao động.

ANH KHOA


Retour
Thành lập thêm một CĐCS trong Tháng cao điểm
Tối 13.7, LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu tổ chức Lễ kết nạp đoàn viên và thành lập CĐCS Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thủy sản Miền Nam.

Theo đồng chí Phạm Thị Hương - Chủ tịch LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu, nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bình đẳng, tiến bộ tại Công ty TNHH Thương mại dịch Thủy sản Miền Nam, Ban Thường vụ LĐLĐ thị xã phối hợp với Đảng ủy, UBND Phường 1 và Ban Giám đốc Công ty thành lập Ban Vận động người lao động gia nhập tổ chức Công đoàn và thành lập CĐCS.

Ban Vận động đã tổ chức tuyên truyền cho người lao động về vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Công đoàn Việt Nam, quyền lợi của người lao động khi tham gia vào tổ chức Công đoàn. Đến nay, có 15 người lao động đã viết đơn xin gia nhập và đề nghị thành lập CĐCS Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thủy sản Miền Nam.

Đồng chí Lê Văn Phải - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng trao quyết định cho các đoàn viên

Đồng chí Phạm Thị Hương cho biết thêm sẽ chỉ đạo CĐCS từng bước nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành, phối hợp tốt với Ban Giám đốc Công ty xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, bình đẳng, tiến bộ, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Tại buổi lễ, Ban thường vụ LĐLĐ thị xã Vĩnh Châu đã trao quyết định thành lập CĐCS Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thủy sản Miền Nam và kết nạp 15 người lao động vào tổ chức Công đoàn.

PHƯƠNG ANH


Retour
Tăng tuổi nghỉ hưu với công chức, còn người lao động thì cần cân nhắc
Thảo luận tại hội trường Quốc hội về Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), ông Ngọ Duy Hiểu (đoàn đại biểu TP.Hà Nội) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, có thể tăng tuổi nghỉ hưu với công chức, một bộ phận viên chức, còn người lao động trực tiếp thì cần cân nhắc kỹ.

         Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường chiều ngày 23.10 đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội tiếp tục dành nhiều sự quan tâm đến quy định về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa; về việc nâng tuổi nghỉ hưu và thời giờ làm việc bình thường.

          Nhất trí với quan điểm tăng tuổi nghỉ hưu, song đại biểu Y Khút Niê - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng việc áp dụng chung tuổi nghỉ hưu cho tất cả các đối tượng, các ngành nghề và khu vực là không phù hợp.                                                                           

Đại biểu Y Khút Niê – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.

         Đại biểu Y Khút Niê cũng cho biết, qua khảo sát với hơn 3955 lao động trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cho thấy có 3.400 phiếu không đồng ý với tuổi hưu tăng thêm và đề nghị giữ nguyên như hiện hành, đồng thời đề nghị giảm tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non, lao động trong ngành cao su, cà phê.

        Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định theo hướng đối với lao động phổ thông, lao động trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên giữ như hiện hành; đối với lao động trí óc, lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực cụ thể quy định tuổi nghỉ hưu đối với nam là 62 tuổi, nữ là 58 tuổi hoặc cao hơn.

 Đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

         Cùng quan điểm, đại biểu Ngọ Duy Hiểu – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - nhấn mạnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn kiên trì quan điểm với bộ phận công chức thì có thể tăng tuổi nghỉ hưu, trừ lực lượng vũ trang đã có những đặc thù.  Còn một bộ phận viên chức và người lao động thì chúng ta phải quan tâm, nghiên cứu, cân nhắc kỹ có tăng tuổi nghỉ hưu hay không. Nếu tăng thì ở mức độ nào để phù hợp với điều kiện, sức khỏe của người lao động.

        “Chúng ta không thể so sánh người lao động Việt Nam với người lao động ở các nước Pháp, Đức. Vì đất nước họ phát triển, công việc của họ hầu như là bấm máy, còn chúng ta là lao động cật lực. Người lao động Việt Nam làm việc, ôm máy móc hàng chục tiếng đồng hồ một ngày. Liệu họ có khả năng kéo dài lao động khi họ đã lớn tuổi hay không?

        Tôi cho rằng với người lao động trực tiếp thì nên nghiên cứu, có mức tuổi nghỉ hưu phù hợp. Nếu tăng thì nên tăng chậm. Sau một thời gian thực hiện, nếu thấy hợp lý thì tăng tiếp, để tránh gây sốc cho người lao động trực tiếp”- Đại biểu Ngọ Duy Hiểu kiến nghị.

         Về vấn đề giảm giờ làm việc, theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu, hiện nay chúng ta là 1 trong 46 quốc gia đang thực hiện chế độ làm việc 48 giờ/ tuần, nhưng theo đánh giá về thu nhập trên đầu người thì chúng ta đã trên 66 quốc gia, theo công bố của quỹ tiền tệ quốc tế vào năm 2018. Ngay cả Myanmar là quốc gia có thu nhập đầu người thấp hơn Việt Nam, họ cũng đã thực hiện chế độ làm việc dưới 44 giờ/tuần. Đây là vấn đề chúng ta cần tham khảo.

         “Trên cơ sở như vậy, chúng tôi đề xuất phương án trên tinh thần rất chia sẻ là doanh nghiệp có lợi nhuận, có phát triển thì người lao động mới có việc làm tốt. Đất nước phát triển thì người lao động mới cải thiện đời sống. Chúng tôi đề xuất phương án: Thứ nhất là thực hiện chế độ làm việc 44h/ tuần và có thể tăng giờ làm thêm. Thứ hai, thực hiện chế độ làm việc 44 giờ và có thể tăng giờ làm thêm lên 100 giờ. Thời gian giảm giờ làm việc thì có thể thực hiện theo lộ trình là 1-2 năm nữa mới giảm” – đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình.

        Theo đại biểu Bùi Văn Phương – Đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình, Quốc hội nên tiếp cận theo kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, bởi kiến nghị này phản ánh tương đối đầy đủ ý kiến, mong muốn của người lao động. Theo đó, nên lắng nghe tiếng nói thực tế, chủ sử dụng lao động không muốn sử dụng lao động cao tuổi và người lao động cũng không làm được nếu quá tuổi.

          Đại biểu đề nghị, công chức và một bộ phận viên chức có thể làm đến 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, còn phần đông lao động trực tiếp, nặng nhọc thì nên nghỉ theo quy định hiện hành.

ĐẶNG CHUNG - CAO NGUYÊN

Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/tang-tuoi-nghi-huu-voi-cong-chuc-con-nguoi-lao-dong-thi-can-can-nhac-761891.ldo


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập