Nâng cao vị thế, vai trò của tổ chức công đoàn
Với ý nghĩa đó, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã nỗ lực, sáng tạo để thực hiện tốt công tác này.
Kỳ 1: Hướng về cơ sở
Chỗ dựa cho người lao động tự do
Bán vé số là công việc mưu sinh của nhiều người, phần lớn là người có hoàn cảnh khó khăn. Do đặc thù công việc nên lực lượng lao động ở lĩnh vực này chưa có tổ chức đại diện. Bởi vậy, các nghiệp đoàn vé số được ra đời trong thời gian gần đây đã đánh dấu một bước ngoặt mới khi có tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
Được thành lập cách đây hơn 2 tháng, Nghiệp đoàn vé số Trần Đề (huyện Trần Đề) có 30 thành viên đang sinh sống và bán vé số trên địa bàn huyện. Ông Huỳnh Lin, ấp Giồng Chùa, thị trấn Trần Đề cho biết: "Trước đây thì mạnh ai nấy bán, nếu khó khăn cũng không biết dựa vào đâu. Khi vào nghiệp đoàn, tôi thấy mọi người sống chan hòa, hỗ trợ với nhau. Chúng tôi cũng được cán bộ công đoàn thông tin về chủ trương, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước và tổ chức Công đoàn. Sắp tới, tôi sẽ tham gia vận động thêm người bán vé số vào nghiệp đoàn".
Việc thành lập Nghiệp đoàn vé số được Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề ấp ủ từ lâu, nhằm tập hợp người lao động tự do có thể tiếp cận các chính sách an sinh xã hội và được chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp và hỗ trợ nhau trong công việc, cuộc sống. Đồng chí Hoa Trần Thế - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Trần Đề cho biết, đây là nghiệp đoàn thứ 4 của huyện được thành lập. Trước đó, huyện đã thành lập 2 nghiệp đoàn về nghề cá và 1 nghiệp đoàn bốc xếp ở Cảng cá Trần Đề. Các nghiệp đoàn này đều hoạt động hiệu quả, đoàn viên tương trợ lẫn nhau và có thu nhập ổn định cho đoàn viên. Tổ chức công đoàn cũng quan tâm, hỗ trợ cho những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống.
Việc thành lập các nghiệp đoàn cơ sở đã trở nên phổ biến hơn trong thời gian gần đây. Các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả nhằm thu hút, tập hợp người lao động trong khu vực phi chính thức (lao động tự do) vào tổ chức nghiệp đoàn. Đặc biệt là, việc thành lập các nghiệp đoàn không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên mà còn gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương. Tiêu biểu như Nghiệp đoàn xe Honda chở khách và Phòng, chống tội phạm ở thị xã Vĩnh Châu. Từ ngày được thành lập, thành viên trong nghiệp đoàn khi ra đường hành nghề được trang bị đồng phục, phân chia khu vực hoạt động nề nếp, không tranh giành địa bàn, hỗ trợ giúp nhau trong mọi việc. Họ cũng ý thức hơn trong giao tiếp, tạo được ấn tượng tốt với người dân địa phương, khách hàng. Các đoàn viên cũng phối hợp với lực lượng công an để đảm bảo tình hình an ninh trật tự tại địa phương thông qua việc nắm tình hình, cung cấp cho công an các nguồn tin có giá trị về tội phạm, vi phạm pháp luật. Qua đó cho thấy, tổ chức công đoàn không chỉ gói gọn trong các hoạt động truyền thống mà ngày càng linh hoạt trong công tác vận động người lao động khu vực phi chính thức.
Đoàn viên Nghiệp đoàn bốc xếp Cảng cá Trần Đề (bên phải) trong giờ làm việc. Ảnh: HẢI HÀ
Gắn kết với người lao động
Với phương châm “ở đâu có người lao động, ở đó có tổ chức công đoàn”, thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Chính vì vậy, số lượng đoàn viên được kết nạp và số công đoàn được thành lập mới đã tăng đáng kể, quyền lợi của người lao động ngày càng được đảm bảo.
Trong 7 tháng qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã phát triển mới 2.574 đoàn viên. Đồng thời thành lập mới 17 công đoàn cơ sở, trong đó có 3 nghiệp đoàn cơ sở ở khu vực phi chính thức. Đoàn viên sau khi được kết nạp chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy lao động, quy định tại công ty, đơn vị. Đoàn viên công đoàn cũng hưởng ứng các phong trào thi đua lao động, sản xuất nhằm tăng năng suất lao động; tích cực tham gia các hoạt động công đoàn do công đoàn cơ sở tổ chức.
Với nhiều hoạt động thiết thực, Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mediprotek Vina trực thuộc Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã trở thành điểm tựa vững chắc cho đoàn viên, người lao động của công ty. Dù mới thành lập hơn 1 năm nhưng tổ chức công đoàn ngày càng khẳng định vai trò đối với người lao động. Trong năm qua, Công đoàn đã kết hợp với công ty kiểm tra, giám sát nơi cung cấp suất ăn, đảm bảo chất lượng bữa ăn giữa ca cho đoàn viên, người lao động. Đồng thời thực hiện đầy đủ các hoạt động tặng quà trong dịp lễ, Tết; quan tâm trợ cấp khi đoàn viên gặp khó khăn, ốm đau, tai nạn, hiếu hỷ.
Việc thành lập công đoàn cơ sở góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh. Ảnh: HẢI HÀ
Anh Bành Văn Trắng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mediprotek Vina cho biết: “Chúng tôi luôn cố gắng phát huy tinh thần đoàn kết của đoàn viên cũng như tích cực đề xuất với lãnh đạo công ty việc chăm lo cho đoàn viên nhằm đảm bảo quyền lợi người lao động và lợi ích của công ty. Từ đó, tạo nên một mối liên kết bền vững giữa người sử dụng lao động và người lao động”.
Cùng với sự phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, các tổ chức công đoàn cũng nâng cao vai trò, vị trí của mình, nhất là vai trò đại diện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Tuy nhiên, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở hiện còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này.
HẢI HÀ
139 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2025): Sức mạnh đoàn kết và hành động cách mạng
Cách đây 139 năm, ngày 1/5/1886, tại thành phố Chicago (Mỹ), hàng chục ngàn công nhân toàn thành phố đã hưởng ứng lời kêu gọi của Liên đoàn Lao động Mỹ, tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố với khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ”. Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh lâu dài từ nửa cuối thế kỷ XIX của công nhân lao động nhiều nước trên thế giới khi họ bị bóc lột sức lao động nặng nề.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng trao bảng tượng trưng cho các cấp công đoàn để tặng quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ
Cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, vì sự tiến bộ xã hội bị đàn áp đẫm máu. Song đã tạo được sự hưởng ứng, ủng hộ mạnh mẽ của công nhân khắp nơi trên nước Mỹ và nhiều nước trên thế giới lên tiếng ủng hộ công nhân Chicago. Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của công nhân lao động ở nhiều nước. Từ các cuộc đấu tranh của công nhân lao động, chính phủ một số nước buộc phải ban hành đạo luật ngày làm việc 8 giờ. Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành ngày Quốc tế Lao động; là ngày lễ tại nhiều quốc gia, là ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, ngày đoàn kết giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tại Việt Nam, ngày Quốc tế Lao động đầu tiên được tổ chức vào năm 1930. Ngày 1/5/1930, lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân ở Đông Dương, giai cấp công nhân nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã biểu tình ngoài đường phố để biểu dương tình đoàn kết cách mạng với công nhân quốc tế, đồng thời đấu tranh trực diện với bọn đế quốc thực dân Pháp, đòi Pháp phải cải thiện điều kiện làm việc, phải tăng lương và thực hiện luật lao động ngày làm việc 8 giờ. Ngày 1/5/1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, nước nhà được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22c NV/CC, ngày 18/2/1946 về những ngày nghỉ Tết, lễ kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó công bố: Ngày 1/5 là một trong những ngày lễ chính thức và công nhân lao động cả nước sẽ được nghỉ 1 ngày hưởng nguyên lương.
Kể từ sau năm 1975, kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 ở Việt Nam càng có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm ngày chiến thắng 30/4. Đây là dịp giai cấp công nhân và nhân dân lao động cả nước ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm; sôi nổi hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn sâu sắc với Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta. Người đã có công lao rất to lớn giúp nhân dân ta ý thức được ý nghĩa lịch sử và tác động của việc kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5. Từ đó càng thêm quyết tâm đi theo con đường cách mạng do Đảng và Bác kính yêu đã lựa chọn, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Các cấp công đoàn trong tỉnh Sóc Trăng thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Ảnh: HẢI HÀ
Ngày Quốc tế Lao động 1/5 không chỉ là dịp để kỷ niệm thắng lợi vẻ vang của phong trào công nhân quốc tế, mà còn là ngày thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ mới của người lao động toàn thế giới. Đây cũng là dịp để tôn vinh những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân trong sự nghiệp đấu tranh cho hòa bình, dân chủ, công bằng và tiến bộ xã hội. Ngày Quốc tế Lao động cũng là dịp nghỉ ngơi để người lao động trở lại với công việc một cách nhiệt thành, đầy sáng tạo như tinh thần bất diệt, trường tồn của ngày nghỉ lễ đặc biệt này.
Nhiều năm nay, tháng 5 còn được chọn là tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động về mọi mặt, cả về vật chất lẫn tinh thần và sức khỏe với sự quan tâm sâu sắc của các cấp ủy đảng, chính quyền, người sử dụng lao động. Năm nay, Tháng Công nhân có chủ đề “Công nhân Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc”.
Để hưởng ứng và thực hiện tốt Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động đạt hiệu quả, Liên đoàn Lao động tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch với nhiều nội dung thiết thực, ý nghĩa, có tác động tích cực đến toàn xã hội. Dự kiến, trong tháng 5 sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Lễ phát động Tháng Công nhân, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức chương trình “Sức khỏe của bạn”; trao 50 suất học bổng cho con đoàn viên, công nhân lao động đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn; tuyên dương đảng viên là công nhân tiêu biểu năm 2025… Qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị trí và đóng góp của giai cấp công nhân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết và ý chí vượt khó, các cấp công đoàn cùng với đội ngũ công nhân, người lao động trong toàn tỉnh đang nỗ lực không ngừng, chung sức phấn đấu nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Sự đồng lòng và quyết tâm ấy chính là động lực quan trọng góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển bền vững và giàu mạnh.
HẢI HÀ
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
LĐLĐ huyện Long Phú: Sôi nổi công trình chào mừng đại hội Đảng các cấp. | 01/03/2025 |
Tổng kết cụm thi đua, hướng đến đoàn viên, người lao động | 25/02/2025 |
Mang Tết ấm đến với đoàn viên, người lao động | 19/02/2025 |
Công đoàn Sóc Trăng động viên con đoàn viên nhập ngũ | 13/02/2025 |
Người công nhân làm lợi trăm triệu đồng cho Xí nghiệp rác | 10/02/2025 |
