Trao 2 căn nhà Đại đoàn kết cho đoàn viên ở Thị xã Ngã Năm
Ngày 24.7, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Sóc Trăng tổ chức bàn giao nhà Đại đoàn kết cho 2 đoàn viên Công đoàn ở thị xã Ngã Năm.
Đó là đoàn viên Âu Quốc Phương thuộc CĐCS Trường THCS Mỹ Bình, xã Mỹ Bình. Ông là giáo viên, thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng, hiện nuôi vợ và 2 con nhỏ.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng trao nhà cho đoàn viên Âu Quốc Phương.
Còn đoàn viên Nguyễn Bạch Long thuộc CĐCS Trường Mầm non Phường 2, thị xã Ngã Năm. Ông là bảo vệ, thu nhập 3,5 triệu đồng/tháng và nuôi 2 con nhỏ học tiểu học.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng trao nhà cho đoàn viên Nguyễn Bạch Long.
2 đoàn viên trên đều có chung hoàn cảnh là khó khăn về nhà ở, ở nhờ nhà cha mẹ. LĐLĐ tỉnh đã kịp thời hỗ trợ 50 triệu đồng/đoàn viên từ Quỹ Vì người nghèo đã tiếp sức, giúp họ đủ điều kiện xây dựng ngôi nhà riêng khang trang, ấm áp hơn.
Tại buổi bàn giao nhà, đồng chí Lê Văn Phải - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng - chúc mừng 2 đoàn viên, mong muốn gia đình sớm ổn định cuộc sống để làm việc.
PHƯƠNG ANH
Các tin liên quan | Ngày đăng |
---|---|
LĐLĐ huyện Long Phú ký kết chương trình hợp tác với Bệnh viện Quốc tế Phương Châu Sóc Trăng | 24/05/2024 |
Ra mắt mô hình Công đoàn với chuyển đổi số | 23/05/2024 |
Doanh nghiệp hãy xem người lao động là người nhà
Ngày 6.2, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Sóc Trăng tổ chức đoàn đi thăm, động viên và tặng quà cho đoàn viên, người lao động trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán.
Tham dự có đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng; đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng tặng quà cho Công ty TNHH Jia Zhi - Sóc Trăng. Ảnh: Phương Anh
Đoàn đã đến thăm người lao động tại Công ty TNHH Jia Zhi - Sóc Trăng; Công ty TNHH Hóa chất HS Việt Nam - Chi nhánh Sóc Trăng và Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Chi nhánh Sóc Trăng.
Đại diện lãnh đạo các công ty báo cáo về công tác chăm lo đời sống cho người lao động trong dịp Tết Nguyên đán, nhấn mạnh việc công nhân đều được nhận quà và tiền thưởng đầy đủ. Sau kỳ nghỉ Tết, hầu hết công nhân đã trở lại làm việc ổn định, đảm bảo tiến độ sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn (thứ 2 từ phải sang) đến tận xưởng thăm hỏi tình hình làm việc của người lao động. Ảnh: Phương Anh
Phát biểu tại các điểm đến, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn đã biểu dương những thành tích mà các doanh nghiệp đã đạt được trong năm vừa qua. Đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc ổn định tình hình sản xuất, kinh doanh và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
"Năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tỉnh đạt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế hai con số trở lên. Do đó, sự phát triển của các doanh nghiệp tỉnh nhà sẽ đóng góp quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu này", đồng chí Mẫn nhấn mạnh.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng tặng quà cho công nhân lao động Công ty Cổ phần May Nhà Bè - Chi nhánh Sóc Trăng. Ảnh: Phương Anh
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng mong muốn trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần tiếp tục đổi mới cách thức quản lý, quản trị công ty; đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn lao động, vệ sinh công nghiệp; thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật.
“Doanh nghiệp hãy xem người lao động là thành viên trong gia đình, là nguồn nhân lực quý báu để tạo ra giá trị sản phẩm. Do đó, cần thực hiện tốt các chế độ, chính sách về tiền lương, thưởng, giờ làm việc, bữa ăn ca, đảm bảo sức khỏe cho người lao động”, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị đoàn viên Công đoàn, người lao động ở các công ty tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, coi doanh nghiệp là nhà, từ đó nâng cao tay nghề, tạo ra những sản phẩm tốt nhất, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng tặng quà cho công nhân lao động Công ty TNHH Hóa chất HS Việt Nam - Chi nhánh Sóc Trăng. Ảnh: Phương Anh
Nhân dịp này, lãnh đạo Tỉnh ủy và LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng đã trao tặng 100 phần quà cho đoàn viên, người lao động và gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến các doanh nghiệp.
PHƯƠNG ANH

Công đoàn với phòng chống dịch COVID-19: Đề cao kỷ cương, trách nhiệm
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu (thứ hai, trái qua) cùng lãnh đạo Liên đoàn Lao động Hà Nội nắm bắt về tình hình phòng chống dịch COVID-19 tại Công ty CP Giày Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Hải Nguyễn
Theo đó, để tiếp tục đồng hành với Chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) trong việc triển khai những biện pháp mới quyết liệt hơn trong giai đoạn này, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN yêu cầu các cấp Công đoàn (CĐ) tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
1/ Kiên trì và thực hiện đúng phương châm phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay là “khẩn trương, kiên quyết, bình tĩnh, đúng mực, không chủ quan, không chần chừ, chủ động phát hiện và ngăn chặn triệt để, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan”. Thực hiện đầy đủ tinh thần Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN 36 là “gắn kết và chủ động thích ứng”, phát huy mạnh mẽ vai trò của các cấp CĐ trong việc tuyên truyền, vận động NLĐ ủng hộ, chủ động tự thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch. Hạn chế các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế bắt buộc và cách ly theo quy định khi có yêu cầu của cơ quan chức năng nhằm đảm bảo khoanh vùng, dập dịch triệt để.
2/ Chủ tịch các LĐLĐ tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương, CĐ TCty trực thuộc đề cao kỷ cương, trách nhiệm, chỉ đạo các cấp CĐ thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia, Tổng LĐLĐVN và lãnh đạo địa phương, bộ, ngành trong công tác phòng, chống dịch.
3/ Chỉ đạo các cấp CĐ tuyên truyền để người sử dụng lao động và NLĐ thực hiện nghiêm Hướng dẫn số 1133/BYT-MT ngày 9.3.2020 của Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, ký túc xá, khu nhà trọ của NLĐ bằng nhiều hình thức (áp phích, tờ rơi, loa phát thanh, công nghệ thông tin…) nhằm truyền tải một cách chính xác, đơn giản, dễ hiểu để mọi NLĐ cùng hiểu rõ về dịch bệnh, hiểu về những điều cần phải làm và những điều không được làm để phòng, chống dịch từ nhà, khi sử dụng phương tiện cộng cộng, ra chỗ đông người, đến nhà hàng, siêu thị, đi làm nơi công sở, trong nhà máy… đảm bảo an toàn.
4/ Từ thực tiễn địa phương, ngành, doanh nghiệp, CĐ cần phối hợp với chính quyền và người sử dụng lao động tuyên truyền, vận động NLĐ nỗ lực chung tay cùng doanh nghiệp vượt khó. Đề xuất các giải pháp hỗ trợ NLĐ về trông giữ, quản lý con trong thời gian học sinh nghỉ học. Đảm bảo việc làm thường xuyên, liên tục. Xem xét, đề xuất giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chế độ nghỉ phép năm, trợ cấp ốm đau, hỗ trợ khó khăn… để đảm bảo thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đề xuất với người sử dụng lao động ở những doanh nghiệp có điều kiện tổ chức đào tạo lại NLĐ để họ chuyển đổi nghề nghiệp và thích nghi với tình hình mới.
5/ Vào thời điểm thích hợp, các cấp CĐ, nhất là CĐ trong các doanh nghiệp chủ động hoặc phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức hội nghị, tọa đàm bàn giải pháp thực hiện việc CĐ chung tay cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả COVID-19, động viên, khích lệ NLĐ đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất lao động để đạt được “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo việc làm và thu nhập cho NLĐ.
Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/cong-doan-voi-phong-chong-dich-covid-19-de-cao-ky-cuong-trach-nhiem-789940.ldo
T.E.A (BÁO LAO ĐỘNG)