Retour
Điểm tựa cho người bán vé số dạo
Những người bán vé số dạo đa phần là trẻ em, phụ nữ, người lớn tuổi, người nghèo, hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Nghề bán vé số dạo cũng không nằm trong danh mục ngành nghề nào, không hợp đồng lao động. Từ thực tế này, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 3 nghiệp đoàn bán vé số với 67 đoàn viên tham gia.

Một buổi sinh hoạt định kỳ của Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Ảnh: Phương Anh

Bước chân vạn dặm

Với mỗi tờ vé số bán được, người bán chỉ lãi được khoảng 1.000 đồng. Tùy vào sức khỏe, lứa tuổi mỗi ngày có người nhận từ vài chục đến vài trăm tờ vé số để bán.

“Có khi bán được thì lời cũng khoảng 100.000 đồng, lắm lúc chỉ đủ mua 1kg gạo là nhiều. Chưa kể việc đại lý không cho trả lại vé số bán “ế”’ - ông Lin - một người bán vé số dạo ở huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) - cho biết.

Cũng theo ông Lin, nghề bán vé số đòi hỏi phải đi nhiều, gặp nhiều người để mời gọi nên hầu như mỗi ngày ông đều di chuyển hàng chục cây số để bán bất chấp nắng mưa. “Hôm nào gặp được đám tiệc đông người ta mua nhiều mình bán nhanh, còn không thì phải đi khắp hết các tuyến đường để mời gọi mọi người. Có khi mưa gió không ai mua thì coi như hôm đó ôm hết vé số này” - ông Lin nói.

Điểm tựa cho người bán vé số dạo

Tháng 5 vừa qua, LĐLĐ huyện Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) thành lập Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề với 30 thành viên tham gia - đây cũng là Nghiệp đoàn bán vé số đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.

Ông Hoa Trần Thế - Chủ tịch LĐLĐ huyện Trần Đề - cho biết, việc thành lập Nghiệp đoàn nhằm tập hợp người bán vé số trên địa bàn vào một tổ chức để các thành viên có nơi sinh hoạt, nâng cao kiến thức. LĐLĐ huyện cũng sẽ là cầu nối trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người bán vé số để có những đề xuất với công ty, kịp thời đáp ứng cho NLĐ.

Theo ông Huỳnh Lin - đoàn viên Nghiệp đoàn bán vé số Trần Đề: “Trước đây thì mạnh ai nấy bán, nếu khó khăn cũng không biết dựa vào đâu. Còn bây giờ vào Nghiệp đoàn mọi người hỗ trợ, không giành mối, sống chan hòa với nhau. Ban chấp hành Nghiệp đoàn còn quan tâm mọi người, ai đau ốm, bệnh tật được hỗ trợ tiền, lễ, Tết còn được tặng quà nữa”.

Tương tự tại TX Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng), Nghiệp đoàn bán vé số phường 1 cũng được thành lập trên tinh thần tập hợp người bán vé số vào tổ chức Công đoàn. Qua đó để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hỗ trợ vốn, kiến thức giúp NLĐ ổn định cuộc sống; chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho NLĐ.

Ông Lâm Văn Tùng - Phó Chủ tịch LĐLĐ thị xã Ngã Năm - thông tin, các đoàn viên trong Nghiệp đoàn đều là lao động tự do, hoàn cảnh khó khăn, kiếm sống nhờ vào tiền bán vé số dạo.

“Việc thành lập Nghiệp đoàn rất quan trọng trong công tác phát triển đoàn viên nhất là khu vực phi chính thức; giúp NLĐ được đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cũng như chăm lo đời sống vật chất, văn hóa tinh thần khi tham gia vào tổ chức Công đoàn” - ông Tùng nói.

Đến nay tỉnh Sóc Trăng đã thành lập được 3 Nghiệp đoàn bán vé số với 67 thành viên. Các Nghiệp đoàn đều có Ban Chấp hành, sinh hoạt định kỳ và thường xuyên liên lạc thông qua các cuộc hội họp.

PHƯƠNG ANH


Retour
Quán triệt quan điểm của Đảng về công tác Công đoàn
Sáng 18.10, tại lớp tập huấn cán bộ Công đoàn chủ chốt cấp tỉnh, thành, ngành năm 2019 do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương quán triệt quan điểm của Đảng về công tác Công đoàn trong tình hình mới.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương quán triệt quan điểm của Đảng về công tác Công đoàn trong tình hình mới đối với các cán bộ công đoàn chủ chốt. Ảnh: Hải Nguyễn

         Các đồng chí: Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và hơn 300 cán bộ công đoàn chủ chốt cấp, tỉnh, thành, ngành, tổng công ty, các ban, đơn vị trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham dự.

       Tại lớp tập huấn, đồng chí Trương Thị Mai đã đề cập những văn bản rất quan trọng của Đảng liên quan đến quan điểm của Đảng về Công đoàn, người lao động: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Nghị quyết số 20-NQ/TW (2008) về “Tiếp thục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết số 06-NQ/TW (2016) “Về việc thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”; Kết luận số 80-KL/TW (2010) và Thông báo kết luận số 22-TB/TW (2017) của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW về phát triển công đoàn trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; Các văn bản về quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ của Ban Bí thư: Chỉ thị số 22/CT-TW (2008), Kết luận số 96-KL/TW (2014), Chỉ thị số 37-CT/TW (2019); Nghị quyết số 18-NQ/TW (2017) về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".

Lớp tập huấn cán bộ Công đoàn chủ chốt cấp tỉnh, thành, ngành năm 2019. Ảnh: Hải Nguyễn.

         Đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, trong các tổ chức chính trị - xã hội, Đảng, Nhà nước và xã hội luôn dành cho tổ chức Công đoàn một vị trí đặc biệt; nhất là khi Việt Nam bước vào xây dựng nền kinh tế thị trường, Công đoàn phải là tổ chức đầu tiên có sự đột phá để bảo vệ người lao động. Nếu Công đoàn không mạnh thì không đại diện được theo luật pháp để bảo vệ được đoàn viên, người lao động, và như vậy rủi ro của người lao động sẽ lớn. Vì vậy, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh từng cán bộ công đoàn cũng phải mạnh để bảo vệ được quyền lợi của người lao động. 
       Đồng chí Trương Thị Mai tin rằng, trong 10 năm tiếp theo, Công đoàn vẫn là tổ chức lớn nhất, mạnh nhất, nhưng đồng chí nhấn mạnh, tổ chức Công đoàn phải liên tục đổi mới để củng cố, phát triển; để lựa chọn đầu tiên của người lao động là tổ chức Công đoàn… Tổ chức Công đoàn cần phải linh hoạt, cơ động hơn để bất cứ khi nào đoàn viên, người lao động cần là có mặt...
         Đồng chí Trương Thị Mai cũng trao đổi về vấn đề công tác thể chế; những vấn đề liên quan đến người lao động trong khu vực doanh nghiệp; những vấn đề phát sinh gần đây để tổ chức Công đoàn nhìn nhận và đưa ra các giải pháp phù hợp, đáp ứng được niềm tin của Đảng và đoàn viên, người lao động…

QUẾ CHI- HẢI NGUYỄN

Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/quan-triet-quan-diem-cua-dang-ve-cong-tac-cong-doan-760910.ldo


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập