Takaisin
Sôi nổi giải chạy bộ trong đoàn viên Công đoàn ở Mỹ Xuyên
Ngày 25.5, LĐLĐ huyện Mỹ Xuyên phối hợp với Trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh huyện tổ chức giải chạy bộ trong CNVCLĐ. Đây là hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2024 và chào mừng 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam 28/7.

Đoàn viên Công đoàn huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) tham gia giải chạy bộ

Tham gia giải có 169 vận động viên đại diện cho 96 Công đoàn cơ sở trực thuộc với 2 nội dung chạy 1.600m đối với nam và 800m đối với nữ.

Ban Tổ chức trao giải cho các cá nhân đạt thành tích tại Giải

Theo đồng chí Dương Tuấn Kiệt - Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Mỹ Xuyên, đây là hoạt động nhằm đẩy mạnh cuộc vận động Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại, từng bước xây dựng thói quen thường xuyên luyện tập, nâng cao thể chất của đoàn viên công đoàn, cán bộ, công nhân viên, đoàn viên, người lao động. Qua đó xây dựng lối sống, môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chuyên môn tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

PHƯƠNG ANH


Takaisin
Tăng cường đảm bảo an ninh trật tự tại khu công nghiệp
Lực lượng Công an, Công đoàn tỉnh Sóc Trăng tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về an ninh trật tự (ANTT), tố giác tội phạm góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn khu công nghiệp.

Khu Công nghiệp An Nghiệp (tỉnh Sóc Trăng) có tổng diện tích là 180ha, có 49 doanh nghiệp với 64 dự án. Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh hiện có 31 công đoàn cơ sở trực thuộc với 22.996 đoàn viên/24.531 công nhân, người lao động.
Theo Công an tỉnh Sóc Trăng, thời gian gần đây, tình hình an ninh trật tự tại Khu Công nghiệp An Nghiệp khá phức tạp. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay trên địa bàn đã xảy ra 8 vụ gây rối trật tự công cộng, 2 vụ cố ý làm hư hỏng tài sản, 1 vụ tai nạn lao động làm chết 1 người, 5 vụ tai nạn giao thông, 1 vụ bình luận trên mạng xã hội gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân. Ngoài ra, tình trạng mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, phương tiện vận chuyển hàng hóa đậu, đỗ không đúng nơi quy định... vẫn còn diễn ra làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng, trật tự đô thị, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Các đơn vị phối hợp, đảm bảo an ninh trật tự tại khu công nghiệp

Trước tình hình đó, Đội Cảnh sát trật tự, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Sóc Trăng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo đơn vị tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, bảo đảm an ninh trật tự góp phần đảm bảo an toàn cho quá trình lao động, sản xuất kinh doanh. Qua đó đã tổ chức tuần tra, kiểm soát 108 cuộc; hòa giải 2 vụ gây mất an ninh trật tự, nhắc nhở 230 trường hợp mua bán lấn chiếm lòng, lề đường; giải tán 38 đối tượng tụ tập, phơi đêm, có biểu hiện nghi vấn gây mất ANTT; lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định phạt tiền 5 trường hợp; tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi tuyên truyền về an ninh trật tự, an toàn giao thông đến công nhân, người lao động...
Đồng chí Phan Tấn Phong - Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng - cho biết, đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở cử cán bộ Công đoàn tham gia tổ cán bộ Công đoàn chủ chốt và tạo nhóm liên kết mạng Zalo nội bộ nhằm chuyển tải nhanh, gọn, hiệu quả những định hướng của tổ chức Công đoàn; kịp thời nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Qua đó giải quyết, báo cáo đề xuất với công đoàn cấp trên, các ngành chức năng có hướng giải quyết để người lao động an tâm sản xuất, ổn định tình hình sản xuất của doanh nghiệp.
Đồng chí Phan Tấn Phong cũng cho hay, thời gian tới sẽ tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ, tạo điều kiện của người sử dụng lao động để tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; công tác phòng, chống tội phạm, ngăn ngừa các hoạt động gây rối an ninh trật tự. Thường xuyên gần gũi nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để lựa chọn nội dung, phương pháp tuyên truyền phù hợp đem lại hiệu quả thiết thực.

TRƯỜNG KHOA


Takaisin
Chia sẻ khó khăn với người lao động bị cắt giảm
Nhiều lao động trở về từ các tỉnh miền Đông, Thành phố Hồ Chí Minh do dịch bệnh COVID-19 đẩy áp lực giải quyết việc làm lên rất cao. Trong khi đó, các doanh nghiệp tại Bạc Liêu cố gắng hết sức để cùng người lao động vượt quá thời gian khó khăn này.

          Cắt giảm chi phí để lo cho công nhân

         Doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản chịu tác động rất lớn từ khi có dịch bệnh COVID-19. Trong giai đoạn này, nhiều DN đã liên kết hợp tác với nông dân. Đó là giải pháp giúp DN cắt giảm các khoản chi phí trung gian từ các lái tôm thông qua thu mua nguyên liệu trực tiếp.

         Theo các DN xuất khẩu, việc liên kết sản xuất với nông dân sẽ giúp DN tiết kiệm khoảng 20% chi phí không đáng có và xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định, đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu. Các DN tập trung phát triển hệ thống thương mại điện tử gắn với kết nối hệ thống bán hàng qua mạng, vì người dân các nước nhập khẩu không tổ chức hợp chợ mà mua hàng online.

Doanh nghiệp chế biến thủy sản và người lao động chịu tác động rất lớn từ khi có dịch bệnh COVID-19. Ảnh minh họa: Nhật Hồ

       Ngoài ra, với nhu cầu chế biến các món ăn nhanh, việc tập trung sản xuất các mặt hàng giá trị gia tăng theo kiểu “thức ăn nhanh” cũng là chiến lược mà các DN xuất khẩu cần nhắm đến. Mặt khác, ngoài thị trường xuất khẩu, chế biến thủy sản cần quan tâm đến sức mua của thị trường nội địa vốn bị các doanh nghiệp xuất khẩu “bỏ ngỏ” lâu nay.

        Một điều đáng ghi nhận, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng các DN của tỉnh đã không đẩy khó khăn này cho người lao động (NLĐ). Đó là việc không cắt giảm công nhân, một số DN còn thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ NLĐ và nông dân.

      Từ khi phát sinh dịch bệnh đến nay, tuy hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhưng Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long (thị xã Giá Rai) vẫn cam kết thu mua tôm của người nông dân theo giá thị trường và cao hơn các DN khác khoảng 10.000 đồng/kg. Ông Trần Văn Diệu - Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thái Minh Long - cho rằng: “Trong điều kiện khó khăn chung, DN cần chia sẻ khó khăn với người nuôi tôm. Có vậy mới giúp nông dân gắn bó với mình và tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, đồng thời vẫn duy trì lượng lao động hiện có”.

       Tập đoàn Việt - Úc đang có chính sách giảm giá tôm giống tối đa cho hộ nuôi tôm, giúp họ giảm bớt các khoản chi phí phát sinh để an tâm đầu tư và duy trì sản xuất…

          Hỗ trợ cho người lao động

       Cùng với các DN, hiện các ngành và địa phương cũng tập trung thực hiện tốt những giải pháp để hỗ trợ NLĐ, nhất là các lao động bị cắt giảm phải trở về từ các khu công nghiệp (KCN) ở TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương…

          Bà Võ Ngọc Hiền - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hồng Dân - cho biết: “Qua khảo sát trên địa bàn huyện, có khoảng 400 lao động nữ trở về từ các KCN do ảnh hưởng dịch COVID-19. Vì vậy, để giải quyết việc làm và thu nhập cho chị em, hội đã liên kết với các hợp tác xã đan lát nhận dạy nghề và giải quyết việc làm. Bước đầu đã tạo được thu nhập và hội sẽ nhân rộng mô hình này”.

        Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh chủ động tiếp nhận, giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6.2020 khi nhận được hồ sơ đề nghị của DN và không tính lãi theo quy định. Trong trường hợp đến hết tháng 6.2020, dịch COVID-19 vẫn chưa thuyên giảm, nếu DN có đề nghị thì BHXH tỉnh kịp thời phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính báo cáo UBND tỉnh gửi BHXH Việt Nam để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12.2020.

Nguồn: https://laodong.vn/cong-doan/chia-se-kho-khan-voi-nguoi-lao-dong-bi-cat-giam-796892.ldo
NHẬT HỒ (BÁO LAO ĐỘNG)


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập