Takaisin
Hướng về cơ sở, chăm lo thiết thực cho người lao động
Phát huy truyền thống vẻ vang của Công đoàn Việt Nam, qua 32 năm xây dựng và phát triển, LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, hướng về cơ sở nhằm chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho đoàn viên, người lao động.

Đẩy mạnh các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động

Cách đây 95 năm, ngày 28/7/1929, tại Hà Nội, Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ, tiền thân của tổ chức Công đoàn Việt Nam chính thức được thành lập. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức to lớn đối với phong trào công nhân Việt Nam. Lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động. Với ý nghĩa trên, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ V (tháng 11/1983) đã thông qua nghị quyết lấy ngày 28/7/1929 - ngày thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ làm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Cùng với việc tái lập tỉnh Sóc Trăng vào năm 1992, Công đoàn tỉnh Sóc Trăng cũng được thành lập và đi vào hoạt động. Từ đầu nhiệm kỳ, toàn tỉnh có 14.411 đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại 400 công đoàn cơ sở trực thuộc, 6 LĐLĐ huyện, thị xã; 6 công đoàn ngành với 49 cán bộ công đoàn chuyên trách. Qua từng giai đoạn phát triển, tổ chức Công đoàn tỉnh đã luôn thực hiện hiệu quả vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ).

Đồng chí Lâm Văn Mẫn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng (thứ 3 từ phải qua) cùng đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Sóc Trăng (thứ 4 từ phải qua) tặng quà cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ 

Sau 32 năm tái lập tỉnh, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ tỉnh, của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp công đoàn tỉnh đã có sự lớn mạnh về mọi mặt. Đến nay, toàn tỉnh có 15 LĐLĐ huyện, thị xã, thành phố, công đoàn ngành và tương đương, với hơn 64.000 đoàn viên thuộc 1.102 công đoàn cơ sở. Các phong trào thi đua yêu nước được công đoàn các cấp tập trung đổi mới nội dung, hình thức theo hướng có chất lượng, hiệu quả thiết thực. Công tác chăm lo đời sống, trong CNVCLĐ được các cấp công đoàn triển khai thường xuyên, hướng về cơ sở.

Trong nhiệm kỳ 2018 - 2023, các cấp công đoàn trong tỉnh đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 324 căn nhà “Mái ấm công đoàn” trị giá trên 14 tỷ đồng, vượt 29,6% so với chỉ tiêu nhiệm kỳ (vượt 74 căn). Các phong trào thi đua đã được các cấp công đoàn tích cực hưởng ứng, với nội dung phong phú, hình thức phù hợp với từng đơn vị. Qua phát động các phong trào thi đua đã có 41.098 giải pháp, sáng kiến được áp dụng trong thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực; 834 công trình, sản phẩm hoàn thành với tổng trị giá trên 520 tỷ đồng, làm lợi trên 12,4 tỷ đồng. Đặc biệt là, từ năm 2023, LĐLĐ tỉnh đã phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề trước kỳ họp Quốc hội giữa đại biểu Quốc hội với công nhân lao động. Qua đó, đoàn viên, người lao động đã trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng và có những kiến nghị, đề xuất từ thực tế lao động, sản xuất đến lãnh đạo các cấp. Các cấp công đoàn còn chủ động tìm đối tác, đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhằm mang lại những lợi ích thiết thực cho người lao động.

Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh  (thứ 10 từ phải qua)  và đồng chí Trần Văn Lâu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng  (thứ 11 từ phải qua)  trao quà cho đoàn viên, người lao động  có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: HẢI HÀ

Tập trung thực hiện 3 khâu đột phá

Trước yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới, LĐLĐ tỉnh đã và đang thay đổi phương thức tổ chức, hoạt động nhằm đáp ứng thời cơ và thách thức hiện nay. Theo đồng chí Nguyễn Thanh Sơn - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển” của nhiệm kỳ 2023 - 2028, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn tập trung triển khai thực hiện 3 khâu đột phá gồm: Tập trung thực hiện nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, CNVCLĐ, trọng tâm là thương lượng, đối thoại về tiền lương; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, uy tín, trách nhiệm; thực hiện chuyển đổi số trong công tác truyền thông, quản lý đoàn viên và công tác tài chính công đoàn, phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở theo chỉ tiêu Tổng LĐLĐ Việt Nam giao.

Cụ thể hơn, LĐLĐ tỉnh sẽ đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới”; Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam và Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Đồng thời sơ, tổng kết các chương trình, kế hoạch, các mô hình thi đua triển khai nhân rộng trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn. LĐLĐ tỉnh cũng chọn khâu đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước giỏi về chuyên môn, thạo về kỹ năng quản lý kinh tế, kỹ năng quản trị tại doanh nghiệp, ngoại ngữ. Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động của đoàn viên, người lao động.

Dưới sự chứng kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Hùng - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam (đứng giữa hàng sau) và các đại biểu,  lãnh đạo  LĐLĐ  tỉnh Sóc Trăng ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp. Ảnh: HẢI HÀ

Đánh giá về hoạt động Công đoàn trong thời gian qua, đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo CNVCLĐ. Trong tổ chức hoạt động luôn hướng về cơ sở và người lao động, kể cả khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động được các cấp công đoàn tổ chức linh hoạt, đa dạng, hiệu quả, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Bằng những việc làm thiết thực và có hiệu quả, tổ chức Công đoàn Sóc Trăng ngày càng được củng cố và phát triển. Đội ngũ công nhân, lao động ngày càng xứng đáng là lực lượng nòng cốt của khối liên minh công - nông - trí thức, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Thành tích đó còn là sự kết tinh của quá trình nỗ lực, rèn luyện liên tục của các thế hệ công nhân, lao động, các thế hệ cán bộ, đoàn viên công đoàn trong tỉnh từ ngày LĐLĐ tỉnh được thành lập đến nay.

HẢI HÀ - BÁO SÓC TRĂNG


Takaisin
Lễ ra mắt công đoàn cơ sở Công ty TNHH MTV xe máy Hoà Đức
Ngày 27/5, Liên đoàn Lao động thành phố Sóc Trăng tổ chức Lễ ra mắt Công đoàn cơ sở Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xe máy Hoà Đức, ngụ tại số 50 Hùng Vương, Phường 6, Thành phố Sóc Trăng. Đến dự, có đồng chí Hồ Minh Quang - Thành uỷ viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố tham dự.

Tại buổi Lễ, Ông Trần Văn Quốc – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố giới thiệu sơ lược về tổ chức Công đoàn, quy chế hoạt động công đoàn cơ sở và công đoàn mới thành lập và thông qua các quyết định kết nạp đoàn viên và thành lập ban chấp hành công đoàn cơ sở.

Quang cảnh buổi lễ ra mắt

Công đoàn cơ sở công ty có 06 đoàn viên tham gia, ông Nguyễn Mạnh Kha là Chủ tịch Công đoàn lâm thời, hoạt động theo Điều lệ Cộng Đoàn Việt Nam, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp đoàn viên người lao động. Thông qua Hội nghị, các tiêu chí ký kết thoả ước lao động tập thể, xây dựng cơ quan văn hoá, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa người sử dụng lao động với người lao động, đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất kinh doanh hiệu quả theo kế hoạch.

Trao quyết định thành lập Công đoàn, đồng chí Hồ Minh Quang cám ơn Ban Giám đốc Công ty tạo điều kiện để Công đoàn ra mắt đi vào hoạt động. Với vai trò, chức năng, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố sẽ hỗ trợ, hướng dẫn về nghiệp vụ, chuyên môn để công đoàn cơ sở công ty hoạt động theo quy chế, thực hiện các quyền dân chủ cho đoàn viên, những hoạt động ký kết giữa Công đoàn với Công ty trong thực hiện các chương trình phúc lợi cho đoàn viên và người lao động.

HOÀNG DANH


Takaisin
Sóc Trăng tạm dừng hoạt động cơ sở karaoke, massage để phòng ngừa COVID-19
Hàng loạt cơ sở karaoke, massage ở Sóc Trăng đã đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19. Tỉnh cũng khuyến cáo người dân không tập trung đông người.

       Sáng 26.3, Chủ tịch UBND tỉnh chính thức yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là các đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường vận động, khuyến cáo từng nhóm dân cư, gia đình và từng người dân về việc thay đổi các thói quen, nếp sinh hoạt để thích ứng với các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. UBND tỉnh Sóc Trăng cũng yêu cầu các cơ quan và người dân tăng cường giao dịch trực tuyến, hạn chế tập trung đông người, đeo khẩu trang nơi công cộng...

Sau Bạc Liêu, Sóc Trăng cũng chính thức đóng cửa các khu vui chơi giải trí chưa cần thiết (ảnh Nhật Hồ)

        UBND tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không cần thiết như karaoke, massage, quán bar, vũ trường, sân vận động... để hạn chế việc tiếp xúc đông người. Tiệc cưới và đám tang cũng được khuyến cáo hạn chế tập trung đông người. Quân đội, công an và ngành y tế Sóc Trăng được giao theo dõi, kiểm soát tình hình người dân trở về từ Campuchia trong dịp tết Thanh minh và Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây để kịp thời thông tin đến ngành y tế.
       Sóc Trăng đã thành lập 23 đội phản ứng nhanh để phòng chống dịch COVID-19 trong khi tỉnh này chưa ghi nhận ca dương tính nào với SARS-CoV-2.

NHẬT HỒ


liên kết web

LƯỢT TRUY CẬP LƯỢT TRUY CẬP

 
Tổng lượt truy cập