TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM -> MÔ HÌNH, CÁCH LÀM MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM -> MÔ HÌNH, CÁCH LÀM MỚI TRONG HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN

Atrás
Một số kinh nghiệm tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng
Tiếp công dân là công tác quan trọng trong các hoạt động của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị ở nước ta. Thông qua hoạt động tiếp công dân, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức tiếp nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để có các biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời. Làm tốt công tác tiếp công dân là thể hiện bản chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân, tăng cường mối quan hệ giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước; giúp cho Đảng, Nhà nước tiếp nhận được những thông tin phản hồi từ thực tế, những vấn đề nảy sinh từ cuộc sống, từ đó đề ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân.

Trong năm 2013, Trụ sở tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng đã tiếp 1.290 lượt công dân đến khiếu nại, phản ánh, kiến nghị (có 50 trường hợp khiếu nại đông người), trong đó:
     - Trụ sở tiếp thường xuyên: 1.068 lượt/ 537 vụ việc công dân trực tiếp đến khiếu nại, phản ánh, kiến nghị (có 39 trường hợp đông người)

     - Trụ sở phục vụ lãnh đạo tỉnh tiếp 27 buổi/95 vụ việc, với số lượng 222 công dân ( có 11 trường hợp đông người).

Về tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo: Trụ sở đã phân loại, xử lý xong 896 đơn, đạt kết quả 99,66%.

       Tuy mới được thành lập hơn một năm qua theo Đề án 858 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng để đạt được kết quả trên không thể không kể đến công tác tiếp công dân thường xuyên của các cán bộ Trụ sở tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng. Có thể nói kinh nghiệm tiếp công dân hết sức đa dạng và phong phú về mặt biểu hiện và phương pháp, có thể nêu một số kinh nghiệm cơ bản như:

       + Giai đoạn tiếp xúc ban đầu, cán bộ tiếp công dân cần chú ý có thái độ, tác phong, cử chỉ, lời nói lịch sự, nhã nhặn, bình tỉnh, khiêm tốn, đúng mực ngay từ khi tiếp xúc ban đầu với công dân, cũng như trong quá trình tiếp công dân. Sau đó yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ tùy thân như giấy chứng minh nhân dân, giấy giới thiệu, giấy ủy quyền nếu cần và tiến hành các thủ tục kiểm tra, đối chiếu các giấy tờ đó cũng như ghi chép, phản ánh vào sổ tiếp công dân các thông tin cơ bản về nhân thân của người được tiếp.

     Trong bất kỳ tình huống nào, người tiếp công dân không được sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền, thiếu văn hóa.

      Nếu công dân có thái độ nóng nảy, người tiếp công dân phải nhã nhặn, mềm dẻo, đôi khi phải lựa ý họ. Nếu công dân tỏ ra xúc động không trình bày được rõ nội dung, người tiếp công dân cần động viên họ, tạo điều kiện cho họ bình tĩnh trình bày nội dung sự việc, yêu cầu cần giải quyết. Người có thái độ thiếu văn hóa, người tiếp công dân cần xác định cho họ đây là cơ quan nhà nước cần phải có thái độ nghiêm túc và yêu cầu công dân thực hiện nội quy tiếp công dân.

      Trong mọi tình huống người tiếp công dân phải luôn ở thế chủ động, sáng suốt phán đoán diễn biến sự việc chính xác, có cơ sở khoa học.

     + Quá trình làm việc, có một số một nội dung chủ yếu mà cán bộ tiếp công dân cần bảo đảm thực hiện nghiêm túc, đầy đủ như: kỹ năng hỏi, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng ghi chép nội dung trình bày của người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong trường hợp có nhiều người đến khiếu nại, tố cáo cùng một nội dung thì người tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân yêu cầu họ cử đại diện để trình bày trung thực sự việc, cung cấp các tài liệu và các chứng cứ có liên quan. Sau đó nghiên cứu, đánh giá, phân loại và xử lý đơn khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật. Chú ý phân loại các dạng đơn khiếu nại, khiếu nại hành chính, tố cáo, tranh chấp đất đai, các kiến nghị, phản ánh để xử lý thích hợp với từng dạng đơn.

Tiếp công dân của cán bộ Trụ sở tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Nguyễn Hậu

    + Đối với khiếu nại:

     Khiếu nại không hội đủ các điều kiện pháp lý thì người tiếp công dân giải thích cho công dân rút đơn.

     Nếu nội dung không đúng thẩm quyền giải quyết  thì phải hướng dẫn công dân đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để thực hiện quyền khiếu nại.
     Nếu nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết , người tiếp công dân yêu cầu công dân trình bày, người tiếp công dân nghe và ghi chép đầy đủ, tỉ mỉ về nội dung và những yêu cầu mà công dân trình bày.

     Những khiếu nại có nội dung phức tạp cần nghiên cứu, xem xét, thẩm tra, xác minh thì phải nói rõ thời hạn giải quyết, người cần liên hệ để biết kết quả giải quyết.
    + Đối với tố cáo:

     Công dân đến tố cáo xuất phát từ nhiều mục đích, động cơ khác nhau. Có người vì lương tâm và trách nhiệm với cộng đồng; có người vì động cơ xấu, lợi dụng tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác,... Song trong mọi trường hợp người tiếp công dân phải có ứng xử lịch sự, thích hợp và nghe công dân trình bày, ghi chép đầy đủ. Sau đó yêu cầu công dân cung cấp tài liêu chứng cứ để hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc.
     Trong trường hợp khẩn cấp hoặc hành vi bị tố cáo có tính chất nguy hiểm, người tiếp công dân phải báo cáo với người có thẩm quyền để có biện pháp phối hợp với các cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời hậu quả xấu có thể xảy ra và có biện pháp bảo vệ an toàn cho người tố cáo.

     Công dân đến nơi tiếp công dân khiếu nại, tố cáo có nhiều trường hợp nội dung khiếu nại, tố cáo thường đan xen nhau, người tiếp công dân phải hướng dẫn công dân viết thành đơn riêng với nội dung khiếu nại, tố cáo trình bày riêng biệt.
      + Ở giai đoạn kết thúc, khi kết thúc buổi tiếp công dân cán bộ tiếp công dân cần quan tâm chốt lại vấn đề và yêu cầu người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh ký xác nhận. Ghi nhận đầy đủ nội dung khiếu nại tố cáo, kiến nghị, phản ánh vào Sổ tiếp công dân.

     Tóm lại tiếp công dân là công tác có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự gần gũi, là “cầu nối” giữa Đảng và Nhà nước với nhân dân, là một trong những nhân tố tác động đến chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân mà Hiến pháp đã quy định. Cho nên đòi hỏi cán bộ tiếp công dân trước hết phải am hiểu về trách nhiệm và thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan nhà nước như cơ quan dân cử, cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp, các tổ chức Đảng và các tổ chức khác để hướng dẫn công dân hoặc chuyển đơn khiếu nại, tố cáo đúng nơi, đúng thẩm quyền. Cần trao dồi về kỹ năng tiếp công dân, nắm bắt được các yếu tố  ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động giao tiếp trong tiếp công dân. Giao tiếp phù hợp với môi trường theo các cách cư xử khác nhau. Rút kinh nghiệm những yêu cầu đặt ra để tiếp công dân thành công, chú ý lắng nghe một cách tích cực. Về phẩm chất đạo đức của cán bộ tiếp công dân, cần rèn luyện về tâm lý vững vàng, nêu cao ý thức trách nhiệm, thái độ, cử chỉ, tác phong cần thiết của cán bộ tiếp công dân. Tôn trọng quy tắc ứng xử, nêu cao đạo đức nghề nghiệp của cán bộ tiếp công dân.

(Trích nguồn tài liệu từ Ban Tiếp công dân tỉnh Sóc Trăng) 


liên kết web